Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không?

Hiện nay có khá nhiều bệnh nhân bị tràn dịch khoang màng phổi, có trường hợp là lành tính có thể điều trị hết, cũng có những trường hợp ác tính điều trị bệnh nhân bị tái phát nhiều lần và có thể tử vong.
Khoang màng phổi là một khoang ảo nằm giữa phổi và thành ngực. Bình thường nó cũng có một ít dịch mỏng bên trong có chức năng như hệ thống đệm giữa phổi và thành ngực, có hai lá: lá thành và lá tạng.
Khi có nhiều dịch hơn bình thường trong khoang màng phổi thì được gọi là tràn dịch màng phổi. Ở Mỹ hàng năm có khoảng trên một triệu người bị tràn dịch màng phổi. Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác, số lượng người bị tràn dịch màng phổi mà dân gian hay gọi là phổi có nước cũng khá nhiều. Bệnh gây nhiều hệ lụy nguy hiểm và có thể đưa đến tử vong.
Triệu chứng thường gặp
Khó thở, nhất là khó thở khi nằm, là triệu chứng thường gặp nhất. Kế đến là đau ngực bên tràn dịch có thể có kèm theo sốt hay không, bệnh nhân có thể ho khan hay ho có đàm nếu nguyên nhân gây tràn dịch là viêm phổi. Nếu do ung thư phổi các cơn ho có thể kéo dài kèm theo khạc ra máu lẫn đàm, cơ thể suy kiệt.
X-quang phổi là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng rẻ tiền và hữu dụng

Khi đi khám bệnh nếu nghi ngờ, bác sĩ của bạn sẽ cho chụp X-quang phổi là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng rẻ tiền và hữu dụng nhất hiện nay trong việc chẩn đoán bệnh phổi có nước. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ dùng kim và ống chích chọc dò khoang màng phổi và lấy nước trong khoang màng phổi mang đi xét nghiệm tìm vi trùng, tế bào ác tính và xét nghiệm sinh hóa… để tìm nguyên nhân và bản chất của dịch khoang màng phổi. Việc tràn dịch có thể chỉ có một bên phổi, nhưng cũng có thể tràn dịch cả hai bên, tràn dịch có thể có số lượng ít vài trăm mililít đến rất nhiều có khi cả một hai lít dịch. một số trường hợp dịch có thể là mủ màu trắng sữa hay vàng đục tùy theo loại vi trùng gây ra tràn dịch màng phổi. Một số khác gặp tràn dịch khoang màng phổi trong chấn thương và dịch thường là máu không đông chảy ra từ các mạch máu và các tổn thương trong lồng ngực.
Nguyên nhân
Đầu tiên phải phân biệt hai loại tràn dịch khoang màng phổi, đó là tràn dịch do dịch thấm và tràn dịch do dịch tiết. Tràn dịch do dịch thấm xảy ra khi có các rối loạn và bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến việc hình thành và hấp thu dịch màng phổi. Ở Việt Nam và trên thế giới nguyên nhân hàng đầu gây tràn dịch thấm màng phổi là suy tim trái, tắc động mạch phổi và xơ gan… Tràn dịch màng phổi do dịch tiết xảy ra khi có sự rối loạn tại chỗ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tạo thành và hấp thu dịch màng phổi. Những nguyên nhân chủ yếu gây tràn dịch màng phổi tiết là viêm phổi do vi trùng, bệnh ung thư phổi nguyên phát hay ung thư phổi di căn từ nơi khác đến, nhiễm siêu vi và tắc động mạch phổi. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân rất quan trọng trong việc điều trị và tiên lượng cho người bệnh.
Điều trị bệnh chủ yếu là chọc hút, dẫn lưu khoang màng phổi và điều trị nguyên nhân

Cách điều trị

Điều trị bệnh chủ yếu là chọc hút, dẫn lưu khoang màng phổi và điều trị nguyên nhân như: nhiễm trùng, suy tim, hay ung thư xơ gan… Nếu bệnh nhân bị tràn dịch nhiều thì phải gây đau ngực nhiều và khó thở phải tiến hành chọc hút khoang màng phổi với ống chích lớn và kim lớn, số lượng dịch hút ra có khi đến gần 1.000ml. Những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân sẽ được mổ dẫn lưu kín khoang màng phổi cho dịch, mủ hoặc máu thoát ra ngoài. Việc sử dụng kháng sinh, thuốc kháng ung thư và các biện pháp điều trị nội khoa hỗ trợ là rất cần thiết nhằm điều trị tận gốc bệnh, tránh bị tái phát… Nói chung là muốn có kết quả điều trị tốt, bệnh nhân phải được phát hiện bệnh sớm và đến bệnh viện sớm, tuân thủ theo điều trị của thầy thuốc và các quy định của cơ sở y tế trong chẩn đoán và điều trị.

Theo báo SKĐS

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

Máu nhiễm mỡ, vì sao?

Máu nhiễm mỡ (mỡ máu cao) thực chất là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu. Đó là tình trạng tăng nồng độ các chất mỡ trong máu bao gồm cholesterol, triglycerid.

Những dấu hiệu
Máu nhiễm mỡ diễn biến âm thầm. Khi có dấu hiệu và biểu hiện nghĩ đến bị mỡ máu cao, tức là đã có biến chứng, khi đó thường có một số dấu hiệu nhận biết như:
Có những cơn đau thắt ngực không thường xuyên, thời gian ngắn, tự mất không cần điều trị nhưng lại có thể tái diễn bất cứ lúc nào. Hoặc có cảm giác khó chịu vùng ngực như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức, kéo dài từ vài phút đến vài chục phút. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ, khó thở có thể kèm hoặc không kèm với tức ngực, có thể đau hoặc tức lan ra 1 hay 2 bên cánh tay, hướng ra sau lưng, lên cổ, hàm, thậm chí ở vùng dạ dày.
Có dấu hiệu bất thường như: vã mồ hôi tự nhiên; buồn nôn đau đầu, choáng hoa mắt bứt rứt trong người; thở ngắn hồi hộp, cơ thể phì mập nhưng sức lao động lại giảm sút; cơ thể thường xuyên mệt mỏi.
Một số trường hợp có ban vàng dưới da: da có những nốt phồng nhỏ bề mặt bóng loáng, màu vàng, mọc nhiều trên da mắt, khuỷu tay, bắp đùi, gót chân, lưng, ngực… to bằng đầu ngón tay, màu vàng nhạt, không đau, không ngứa.



Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh mỡ máu cần đi xét nghiệm các thành phần lipid để chẩn đoán xác định, với các kết quả:
- Tăng cholesterol toàn phần.
- Tăng LDL-cholesterol.
- Tăng triglyceride.
- Giảm HDL-cholesterol.

Nguyên nhân Tăng lipid máu do ăn:

Tăng lipid máu bắt đầu 2 - 3 giờ sau khi ăn nhiều mỡ, đạt mức cao nhất sau 4 - 6 giờ và tới giờ thứ 9 thì trở về mức bình thường.
Mức độ và thời gian tăng lipid máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại mỡ (dầu thực vật hấp thu nhanh hơn mỡ độngvật), thời gian mỡ thoát khỏi dạdày, cường độ nhu động ruột, lượng mật bài tiết, hoạt tính men lipaza tụy và ruột, lượng lipid máu lúc đầu...
Khi lipid máu đã tăng, dù có ăn thêm mỡ lipid máu cũng không tăng bao nhiêu, hiện tượng tự điều chỉnh lipid máu là do lipid máu tăng đã ức chế hấp thu lipid ở ruột, hoạt hóa chức năng cố định mỡ của tổ chức phổi, kích thích hệ lưới nội mô gây tăng tiết các hoóc-môn và heparin - chỉ cần một khâu trong dây chuyền đó có vấn đề là đủ để gây rối loạn quá trình tự điều chỉnh lipid máu.

Tăng lipid máu do ứ đọng:
Khi giảm hoạt tính men lipoprotein lipaza do tăng chất ức chế men này (protamin, axít mật, NaCl) hoặc do giảm tiết heparin (như trong bệnh xơ vữa động mạch) thấy giảm thủy phân triglyceride (dưới dạng chylomicron) gây tăng lipid máu.
Trong bệnh thận hư, tăng lipid máu là do các chất ức chế tiêu mỡ; ngoài ra trong bệnh này albumin huyết tương giảm (do protein niệu nghiêm trọng)do đó giảm khả năng kết hợp với ABTDHT, kết quả là quá trình tiêu mỡ bị ức chế và tăng lipid máu. Tăng lipid máu sau khi chảy máu cũng phát sinh theo cơ chế này. Tiêm albumin cho bệnh nhân thận hư thấy hiện tượng tăng lipid máu chấm dứt.

Tăng lipid máu do huy động:
Tăng lipid máu do huy động có thể do nhữngnguyên nhân sau gây ra: dự trữ glycogen giảm (đói ăn), trạng thái căng thẳng (stress), lao động nặng, giao cảm hưng phấn, tăng tiết hoóc-môn (catecholamin, ACTH, STH, thyroxin... ), đái tháo đường (glucoza không được sử dụng, lipid tăng thoái biến, lipid máu tăng tới 1.000 - 2.800 mg/100ml).
Tiêm  glucoza gây tăng đường máu có tác dụng tăng tổng hợp triglyxeride  ở tổ chức mỡ do đó đã hạn chế tiêu mỡ và chấm dứt hiện tượng tăng lipid máu do huy động.

Dinh dưỡng cho người mỡ trong máu cao
Những người bị mỡ trong máu cao cần biết kiểm soát ăn uống một cách nghiêm khắc. Nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như: rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn… đặc biệt là nên ãn những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ. Chỉ có như vậy thì mới làm giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.
- Không nên ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hóa và sẽ làm lượng cholesterol đọng trên thành động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch.
- Nên ăn nhạt vì thức ăn này có lợi cho sức khỏe và bệnh tim. Kiêng thức ăn có nồng độ chất béo cao, nên ăn những thức ăn ít chất béo như: cá, đậu phụ, đỗ tương.
- Nên ăn thực phẩm có nhiều tác dụng giảm mỡ trong máu như: gừng, chế phẩm đậu sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, trà, dầu ngô.
Để khắc phục tình trạng cholesterol máu cao, chế độ ăn là ưu tiên số một.

Điều trị
Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt: tăng cường vận động, ăn giảm béo, hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật, thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, khuyến khíchăn cá nước ngọt, …
Dùng thuốc: có thể dùng một trong những statin (nên bắt đầu từ liều thấp). Lưu ý rằng liều này vẫn có thể tăng gấp đôi nếu không đạt hiệu quả sau 4 - 6 tuần điều trị.
Điều trị rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường luôn luôn phải đặt biện pháp thay đổi lối sống lên hàng đầu, phối hợp với statin làm giảm LDL-cholesterol, fibrate làm giảm triglyceride. Nên dùng thuốc hạ lipid máu loại statin cho tất cả bệnh nhân tiểu đường trên 40 tuổi ngay cả khi các thành phần lipid máu bình trường. Metformin làm giảm triglyceride nên có thể lựa chọn điều trị hơn nhiều thuốc khác ở bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh nhân có nồng độ triglyceride rất cao và đường máu khó kiểm soát thì nên điều trị bằng insulin vi có thể kiểm soát đường máu tốt hơn các thuốc dùng theo đường uống. Điều trị rối loạn lipid máu ở bệnh nhân suy thận hay mắc bệnh gan mật mạn tính cần được phối hợp điều trị bệnh nguyên nhân và điều trị rối loạn lipid máu. Rối loạn lipid máu ở bệnh nhân suy tuyến giáp cần được điều trị bằng hóc môn giáp trạng. Giảm liều hoặc ngừng thuốc hạ lipid máu khi yếu tố bệnh sinh được giải quyết.

(dẫn nguồn báo SKĐS)

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Dùng thuốc chống rối loạn cương thế nào cho đúng?

Rối loạn cương dương là một bệnh có thể được điều trị khỏi nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Rối loạn cương dương là một bệnh có thể được điều trị khỏi nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Hiện nay có ba loại thuốc uống được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA), Mỹ chấp nhận để điều trị bệnh rối loạn cương dương là sildenafil (viagra), vardenafil (levitra) và tadalafil (cialis). Các thuốc này đã có mặt trên thị trường Việt Nam từ vài năm nay. Tuy nhiên, người bệnh vẫn còn e ngại khi có chỉ định dùng thuốc.


Rối loạn cương dương (erectile dysfunction) là tình trạng mất khả năng cương dương vật hay mất khả năng duy trì sức cương của dương vật, làm cho cuộc giao hoan của đôi bạn tình không thể bắt đầu một cách tự nhiên hay không diễn ra một cách trọn vẹn đến lúc thăng hoa như họ mong muốn, tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần gây ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý và đời sống tình dục của họ. Chính vì điều này mà dân gian thường gọi căn bệnh này là "trên bảo dưới không nghe".

Cả 3 loại thuốc chống rối loạn cương dương nói trên đều có chung một cơ chế hoạt động ức chế enzym phosphodiesterase týp 5 (PDE-5) làm cho nồng độ chất nitric oxide (NO) trong cơ thể tăng lên, chất này có tác dụng làm giãn cơ trơn.

Khi có kích thích tình dục (nghĩ, nhìn hay sờ), chất NO gây giãn cơ trơn của dương vật, đồng thời lượng máu đến dương vật nhiều làm cho dương vật cương và duy trì độ cương cứng đó cho đến khi nào hết các kích thích tình dục thì dương vật sẽ mềm trở lại. Khi không có kích thích tình dục thuốc ở trạng thái không hoạt động. Do vậy, thuốc chống rối loạn cương dương không phải là một loại thuốc kích dục như nhiều người từng nghĩ.

Điểm khác biệt chủ yếu của 3 loại thuốc này là liều dùng, thời gian thuốc bắt đầu có tác dụng và một số tác dụng không mong muốn.

Dùng thuốc thế nào cho đúng?

Cả 3 loại thuốc này được dùng chủ yếu để điều trị rối loạn cương dương.

Thuốc được dùng theo đường uống, tốt nhất là uống thuốc cùng nước đun sôi để nguội. Không nên dùng nước trái cây, các loại nước khoáng hay nước trà để uống thuốc, đặc biệt không nên ăn nho hay uống nước nho, vì nước nho làm tăng nồng độ của thuốc nên dễ dẫn đến các tác dụng không mong muốn. Ngoài ra, cũng không nên ăn những loại thức ăn có nhiều chất béo trong lúc dùng thuốc, vì chất béo làm cản trở sự hấp thu thuốc ở ruột non nên dẫn đến việc giảm tác dụng của thuốc.

Có hai cách dùng thuốc đều cho hiệu quả như nhau trong quá trình điều trị. Có thể uống thuốc theo nhu cầu nghĩa là chỉ khi nào có ý định quan hệ tình dục thì mới dùng thuốc và uống thuốc theo liều điều trị hằng ngày. Mỗi cách dùng đều có ưu, nhược điểm riêng.

Nếu dùng thuốc theo nhu cầu thì phải dùng thuốc với liều cao  mới có tác dụng, thông thường 50 - 100mg đối với sildenafil, 10 - 20mg đối với vardenafil và tadalafil. Với cách dùng này phải uống thuốc ít nhất là 45 - 60 phút trước khi cuộc giao hoan diễn ra. Do vậy, cần phải lập thời gian biểu cho "chuyện ấy". Cụ thể thời gian chờ đợi thuốc có tác dụng này là bao nhiêu phụ thuộc vào từng loại thuốc và bác sĩ điều trị sẽ là người nhắc nhở thời điểm dùng thuốc thích hợp.

Còn nếu dùng thuốc hằng ngày thì liều dùng thuốc thường thấp (25mg đối với sildenafil, 2,5mg đối với vardenafil và 5mg đối với tadalafil). Nên dùng thuốc vào thời điểm chuẩn bị đi ngủ. Ưu điểm của cách dùng này là liều thuốc thường thấp nên khả năng gặp các tác dụng không mong muốn ít hơn và bạn không cần phải lên kế hoạch trước cho "chuyện ấy", điều này phù hợp với bản chất tự nhiên và ngẫu hứng vốn có của chuyện chăn gối.

Tuy nhiên, cách dùng thuốc như thế nào và liều thuốc ra sao, cần hỏi ý kiến bác sĩ vì chỉ có bác sĩ mới biết bạn có phải là người phù hợp để dùng thuốc hay không và liều bao nhiêu là hợp lý.

Cho dù dùng thuốc theo nhu cầu hay dùng thuốc hằng ngày cũng không bao giờ được dùng thuốc quá một lần mỗi ngày. Vì như vậy sẽ dễ dẫn đến hiện tượng quá liều thuốc và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Thời gian dùng thuốc kéo dài trong bao lâu tùy thuộc vào mức độ của bệnh và đáp ứng của cơ thể đối với thuốc. Bác sĩ sẽ là người quyết định chuyện này. Bạn đừng lo lắng khi bác sĩ đã kê đơn thuốc cho bạn dùng trong thời gian dài, vì thuốc này chỉ tác động ở ngoại vi chứ không tác động trên thần kinh trung ương nên sẽ không dẫn đến chuyện nghiện thuốc, phụ thuộc vào thuốc hay nhờn thuốc như nhiều người vẫn từng lo sợ.

Những điều cần chú ý khi dùng thuốc

Cần thông báo cho bác sĩ biết nếu như đang dùng các thuốc chứa nitrat để điều trị đau thắt ngực, các thuốc chống đông và các thuốc chẹn thụ thể alpha giao cảm để điều trị u lành tính tuyến tiền liệt và tăng huyết áp.
Khi uống những viên thuốc đầu tiên, có thể sẽ thấy hơi đau đầu, ngạt mũi, nóng bừng mặt hay đau các khớp xương hoặc tức cơ, điều này sẽ nhanh chóng qua đi khi dùng những viên thuốc tiếp theo. Nếu những lần sau mà hiện tượng này vẫn còn thì cần báo cho bác sĩ biết để bác sĩ thay đổi loại thuốc khác phù hợp hơn.

Nếu trong khi dùng thuốc mà tự nhiên thấy nhìn mờ đi hoặc ù tai thì phải ngừng thuốc và ngay lập tức báo cho bác sĩ để xác định nguyên nhân của hiện tượng này vì đôi khi có sự trùng hợp ngẫu nhiên trong khi dùng thuốc chứ không phải do tác dụng của  thuốc.

Khi dùng thuốc mà bạn thấy dương vật cứ cương mãi, cứng mãi và kèm theo là cảm giác đau tức ở dương vật ngày càng tăng thì ngay lập tức bạn phải đến các phòng khám cấp cứu ngoại khoa để khám vì có thể bạn đang bị cương đau dương vật kéo dài (priapism). Trong tình huống này, càng đến viện sớm càng tốt, tốt nhất nên đến trước 4 giờ kể từ khi có triệu chứng cương đau dương vật như trên.

Cho đến nay chưa có một nghiên cứu chính thức nào khẳng định các thuốc nói trên điếc tai, mù mắt hay chết đột ngột, do vậy không nên quá lo lắng về điều này khi có chỉ định dùng thuốc.

  Khuyến cáo

         Thuốc chống rối loạn cương là một loại thuốc dùng để điều trị bệnh rối loạn cương dương chứ không phải là thuốc kích dục, do vậy không nên tự ý dùng thuốc.

        Không nên mua các loại thuốc trôi nổi trên thị trường vì các thuốc này không rõ nguồn gốc sản xuất đôi khi sẽ gây nguy hại đến tính mạng. Nên mua thuốc tại các cửa hàng thuốc đã được cấp phép của ngành y tế.

       Tốt nhất nên thực hiện các biện pháp sau đây để hạn chế khả năng bị bệnh trước khi phải nghĩ đến việc dùng thuốc:

     - Cần phải khám bệnh, theo dõi và điều trị tốt các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch.

         - Hạn chế dùng rượu và các chất kích thích như cà phê, trà...

      -Tập thể dục thường xuyên, đi bộ là một môn thể thao rất tốt cho "chuyện ấy".

       - Giảm stress, tránh lo lắng hay sợ hãi.

      - Ngủ đủ thời gian, ít nhất 7 giờ mỗi ngày.

BS. Nguyễn Hoài Bắc
 (Trung tâm Nam học - Bệnh viện Việt Đức)