Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Dược thiện từ đậu xanh

Trong danh sách thực phẩm giải nhiệt mùa hè không thể bỏ qua đậu xanh. Ăn bát canh đậu xanh trong thời tiết nóng bức sẽ cảm thấy vô cùng dễ chịu. Đó là chưa kể đến những món ăn vặt, giải khát hấp dẫn từ đậu xanh... Đậu xanh còn là vị thuốc hữu dụng phòng trị bệnh.

Trong 100g hạt đậu xanh có 22g protein; 1g lipid; 60g carbohydrat; 4g chất xơ; ngoài ra có nhiều vitamin (A, B1, B2, B6, PP, C, acid folic, acid panthotenic) và các nguyên tố (Na, K, Ca, P, Fe, Cu...). Vỏ hạt đậu chứa 0,8% flavonoid (vitexin và isovitexin).

Theo Đông y, đậu xanh vị ngọt tính mát; vào tâm, vị. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải thử, lợi thủy, chỉ khái, thanh can minh mục, giải độc dược. Trị say nắng, say nóng, sốt cao mất nước, phù nề, mụn nhọt, lở ngứa, ngộ độc cá, ngộ độc sắn, giảm mỡ máu, hạ huyết áp. Sau đây là món ăn thuốc có đậu xanh.

Đau Bao Tử Có Nên Ăn Đậu Xanh Và Các Món Ăn Từ Đậu Xanh Không?

Cháo đậu xanh hải đới: Đậu xanh xay 30g, hải đới 50g, gạo nếp 50g, đường vừa đủ. Hải đới ngâm mềm; gạo và đậu vo sạch nấu cháo, cháo chín cho hải đới vào nấu tiếp khoảng 5 phút, thêm đường khuấy đều. Dùng tốt cho người bệnh viêm da cấp tính, sẩn ngứa, mề đay.

Cháo đậu xanh (Duyên đậu chúc): Đậu xanh 50g, gạo tẻ 80g, cả hai vo sạch nấu cháo, để nguội, ăn ngày 2-3  lần. Dùng tốt cho người bị ngộ độc thức ăn, ngộ độc phụ tử, ba đậu, các thuốc nông nghiệp, thảo dược, người bệnh mạch vành, say nắng say nóng, sốt nóng khát nước, mụn nhọt lở ngứa.

Cháo vừng đậu xanh: Đậu xanh 50g, vừng hạt 30g, trần bì 8g. Đậu xanh xay vỡ, vừng và trần bì tán bột, cùng nấu cháo bột. Món này rất tốt cho người viêm đường tiết niệu, tiểu đục, dắt buốt.

Canh đậu (Duyên đậu thang): Đậu xanh 50-100g. Xay vỡ nhưng để nguyên cả vỏ, thêm nước nấu nhừ, thêm ít đường phèn. Tác dụng giải thử (chữa say nắng, say nóng).

Nước bột đậu xanh (Duyên đậu chấp): Đậu xanh 200g cho nước nấu chín nhừ, lọc qua vải xô lấy nước uống sáng và tối, mỗi lần 1 chén. Dùng tốt cho người đái tháo đường.

Nước bột đậu xanh sữa đậu nành: Đậu xanh 100g, đậu hũ (hoặc sữa đậu nành) 200-300ml. Đậu xanh tán bột, trộn đều sữa đậu nành, uống. Dùng tốt cho người bị ngộ độc thuốc, chất khoáng, kim loại arsenic, rượu...

Nước sắc đậu xanh cam thảo: Đậu xanh 120g, sinh cam thảo 60g, nấu lấy nước uống. Tác dụng giải độc ô đầu phụ tử.

Đậu xanh hầm lõi cải bắp: Đậu xanh xay 60g, cuống bắp cải 2-3 cái. Đậu xanh nấu chín; cuống bắp cải gọt bỏ phần xơ cứng ngoài, thái lát cho tiếp vào nấu chín nhừ. Ngày ăn 1-2 lần. Dùng tốt cho người viêm tuyến nước bọt (quai bị).

Kiêng kỵ: Người hư hàn tiết tả không dùng đậu xanh.

Theo nguồn Sức khỏe và đời sống

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Trà dược cho người tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) là căn bệnh rất phổ biến và do nhiều nguyên nhân: mắc các bệnh về thận, xơ vữa động mạch, cường năng tuyến giáp, nhiễm độc thai nghén; do ăn nhiều các chất cay nóng, kích thích trong thời gian dài như rượu, cà phê, thuốc lá hoặc ăn quá nhiều mỡ động vật, ăn mặn; do căng thẳng thần kinh...

THA thuộc phạm vi các chứng huyễn vựng (chóng mặt, hoa mắt), đầu thống (nhức đầu), thất miên (mất ngủ)... Nguyên nhân do các tạng can, thận, tỳ bị mất điều hòa mà gây ra bệnh hoặc do đàm thấp hay gặp ở người béo phì và cholesterol máu cao. Xin giới thiệu một số bài trà thuốc trị theo từng thể bệnh, đơn giản mà hiệu quả, rất tốt cho người bệnh THA.

Lạc tiên là vị thuốc trị tăng huyết áp thể can khí uất kết.

Lạc tiên là vị thuốc trị tăng huyết áp thể can khí uất kết.

Người bệnh có biểu hiện hay hoa mắt chóng mặt, ngủ không yên giấc, đau tức ngực, tâm thần bất an, THA... (THA thể can phong nội động). Dùng bài: Cúc hoa 160g, cỏ mực 180g, cỏ mần trầu 150g, cam thảo đất 150g, lá đinh lăng 160g, nhân trần 120g. Tất cả dược liệu ở dạng khô. Các vị sao giòn tán vụn trộn đều bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 20-25g. Cách dùng: Cho các vị vào ấm, đổ nước sôi hãm khoảng 10 phút là được, uống thay trà hằng ngày. Công dụng: Cúc hoa thanh can hỏa, chữa ho, đau mắt, váng đầu chóng mặt. Cỏ mực và cỏ mần trầu mát gan, nhuận huyết, cầm máu, giảm áp. Lá đinh lăng thông tiểu tiện, chống viêm, an thần nhẹ, cải thiện tiêu hóa, hoạt huyết, chống huyết khối. Nhân trần thanh nhiệt lợi tiểu, lợi gan mật, tăng tiết dịch mật, thúc đẩy tiêu hóa. Cam thảo đất vị ngọt, tính mát, chữa đái tháo đường, chống dị ứng... có tác dụng hạ huyết áp, ngăn ngừa tai biến mạch máu não.

Người bệnh có biểu hiện sườn ngực đau tức, ngủ không yên giấc, da vàng, tiểu đỏ, tiêu hóa kém, hay hoa mắt chóng mặt, THA... (THA thể can khí uất kết). Dùng bài: Bạch thược 100g, lạc tiên 150g, hoa hòe 150g, lá sen 150g, nhân trần 100g, mã đề thảo 140g, sài hồ 100g. Các vị sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Cách dùng: Cho 20-25g thuốc vào ấm, đổ nước sôi hãm trong 10 phút là được. Uống thay nước trong ngày. Có thể sử dụng dài ngày. Công dụng: Lá mã đề thông tiểu mát gan, hạ huyết áp. Nhân trần thanh nhiệt, tăng tiết dịch mật, cải thiện tiêu hóa. Lá sen an thần, bổ tâm. Bạch thược hạ huyết áp, giảm đau đầu, dịu thần kinh. Hoa hòe làm bền vững thành mạch, chống xuất huyết. Lạc tiên bổ tâm an thần, chống độc. Toàn bài có tác dụng an thần, hạ huyết áp, ổn định và lưu thông huyết mạch, lợi tiểu, ngăn ngừa tai biến mạch máu não.

Người  bệnh có biểu hiện THA, hay hoa mắt váng đầu, chao đảo, tim hồi hộp, ngủ không yên giấc, nước tiểu vàng đỏ, đau ngang thắt lưng. Dùng bài: Dừa cạn 150g, lá đắng 120g, lá đinh lăng 150g, hoa hòe 150g, cỏ mực 150g, khổ qua 120g. Dược liệu dạng khô, sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Cách dùng: Cho 20-25g thuốc vào ấm, đổ nước sôi hãm trong 10 phút là được, uống trong ngày. Công dụng: Hoa hòe tính mát, an thần, làm bền thành mạch, chống xuất huyết. Lá đắng và lá đinh lăng tác dụng giảm mỡ máu, chống xơ cứng, tăng khả năng đàn hồi của thành mạch, lá đinh lăng còn tác dụng lợi tiểu, êm dịu thần kinh, giảm huyết áp. Cỏ mực tính mát, nhuận gan, nhuận huyết, cầm máu, trị ho, chống viêm. Khổ qua vị đắng, thanh tâm hỏa, trị đau đầu. Dừa cạn chống viêm, lợi niệu, hạ huyết áp. Toàn bài có tác dụng nhuận huyết, mát gan, chữa đau đầu chóng mặt, bền thành mạch, ổn định huyết áp.

Lương y Đình Thuấn

Theo nguồn Sức khỏe và đời sống

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Khuyến cáo của Bộ Y tế về biện pháp phòng bệnh tay-chân-miệng: Tăng cường theo dõi, phát hiện, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay-chân-miệng (TCM) tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong. Cha mẹ cần biết cách theo dõi, phát hiện sớm bệnh TCM để kịp thời cho trẻ đi khám và điều trị, tránh biến chứng nặng.

Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc TCM gia tăng trong các tuần gần đây như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh TCM, mới đây, trong Công văn số 888/ KCB-NV gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống bệnh TCM trên địa bàn. Kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh TCM.

Khám phát hiện trẻ mắc tay-chân-miệng.

Khám phát hiện trẻ mắc tay-chân-miệng.

Tăng cường việc theo dõi người bệnh TCM đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết...

Sở Y tế tham mưu và trình UBND tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh TCM: công tác truyền thông, bổ sung kinh phí mua sắm các trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị...

Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các cơ sở KCB thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh TCM ban hành kèm theo Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn trong Cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh TCM ở trẻ em của Bộ Y tế.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở, phân tuyến điều trị. Tổ chức lọc bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú, thực hiện lưu đồ xử trí bệnh TCM và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh TCM ở tuyến tỉnh.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, BV Nhi TW, BV Trung ương Huế, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng TP.HCM, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, các BV Bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh TCM để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.

Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ.

Cha mẹ cần theo dõi, phát hiện sớm bệnh TCM ở trẻ

Bệnh TCM cần được phát hiện và điều trị sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Tuy bệnh này có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết sớm trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu điển hình để kịp thời điều trị. Theo đó, các biểu hiện dễ nhận biết của bệnh TCM gồm:

Sốt: Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đặc biệt, biểu hiện sốt cao khó có thể hạ sốt là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

Tổn thương ở da: Trẻ có biểu hiện rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như: họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên đưa con đi khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh để diễn biến nặng, nguy hiểm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong trường hợp gia đình có trẻ mắc TCM, cần đảm bảo: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt... của trẻ. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà. Không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.

Khuyến cáo của Bộ Y tế về biện pháp phòng bệnh

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh TCM. Để chủ động phòng bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

PV

Theo nguồn Sức khỏe và đời sống

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Nóng: Trước khi đi tàu, xe phải khai báo y tế điện tử bắt buộc

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản số 7234/BGTVT-CYT gửi các đơn vị trong ngành giao thông vận tải, các sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện vận tải hành khách.

Văn bản nêu rõ, để đảm bảo các hoạt động GTVT được an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid - 19 cho người điều khiển, tiếp viên, nhân viên phục vụ và hành khách khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...), Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt các quan điểm, nguyên tắc, phương châm và thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

Tổng cục Đường bộ VN, các Cục Hàng không VN, Hàng hải VN, Đường sắt VN, Đường thủy nội địa VN phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng để theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời hướng dẫn những vấn đề phát sinh trong phạm vi quản lý; Đề xuất phương án xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền để Bộ GTVT xem xét, quyết định.

Ảnh minh họa.

Các cơ quan này cũng cần thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng khi thực hiện các hoạt động vận tải hành khách; Trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn), dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải hành khách.

Tất cả người điều khiển phương tiện, tiếp viên, người phục vụ và hành khách phải luôn đeo khẩu trang đúng cách trong khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe và trên các phương tiện vận tải hành khách.

Hành khách trước khi lên phương tiện phải khai báo y tế điện tử bắt buộc tại nhà, chỉ khai báo y tế giấy khi không thực hiện được khai báo y tế điện tử (không áp dụng với taxi và xe buýt); Kiểm tra thân nhiệt; Sát khuẩn tay; Hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi; Không khạc nhổ bừa bãi; Khuyến khích thông gió tự nhiên trên phương tiện.

Ngoài ra, cần thực hiện khử khuẩn các bề mặt phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi, trong quá trình di chuyển cần khử khuẩn thường xuyên tuỳ tình hình thực tế.

Trong quá trình di chuyển nếu hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần thông báo với tiếp viên hoặc nhân viên phục vụ trên phương tiện, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Cục Hàng không VN có trách nhiệm yêu cầu các hãng hàng không thực hiện nghiêm các quy định về cách ly đối với tổ bay theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo nguồn Sức khỏe và đời sống

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Axit amin và ứng dụng trong dinh dưỡng điều trị

Axit amin từ lâu đã được khám phá với nhiều vai trò và chức năng sinh lý đối với cơ thể. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, axit amin phát huy vai trò tích cực trong hỗ trợ dinh dưỡng điều trị. Vừa qua, tại Hội thảo khoa học chuyên đề: “Cập nhật các phương pháp đánh giá và can thiệp dinh dưỡng tích cực người bệnh”, TS.BS. Phạm Đức Minh - Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đã cập nhật một số vai trò quan trọng trong dinh dưỡng của nhiều axit amin như BCAA, cystine, theanine và glutamate.

BCAA hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn tính và xơ gan mất bù

Axit amin là thành phần cơ bản cấu trúc nên protein (chất đạm). Chất đạm được cấu tạo bởi sự kết hợp của 20 loại axit amin; trong đó có 9 axit amin thiết yếu cơ thể không tự tổng hợp được mà phải bổ sung từ thực phẩm. Trong nhóm này, 3 axit amin là valine, leucine và isoleucine là các axit amin thiết yếu chuỗi nhánh, gọi tắt là BCAA (branched-chain amino acids). BCAA chiếm 30-40% tổng lượng axit amin thiết yếu trong protein của cơ thể con người.

TS.BS. Phạm Đức Minh - Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y chia sẻ vai trò quan trọng của axit amin trong dinh dưỡng.

TS.BS. Phạm Đức Minh - Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y chia sẻ vai trò quan trọng của axit amin trong dinh dưỡng.

Bên cạnh hỗ trợ người tập luyện thể thao phát triển cơ bắp, ngăn ngừa mệt mỏi, giảm đau cơ..., BCAA còn hỗ trợ dinh dưỡng điều trị cho bệnh nhân xơ gan mất bù và suy thận mạn tính. Cụ thể, việc bổ sung axit amin chuỗi nhánh qua đường uống có thể cải thiện cảm giác thèm ăn, tình trạng dinh dưỡng, tình trạng giảm albumin máu cho các bệnh nhân này, đồng thời giúp duy trì chức năng thận ở bệnh nhân suy thận và cải thiện kết quả lâm sàng ở bệnh xơ gan tiến triển.

Glutamate duy trì vị ngọn của các thực đơn giảm muối

Glutamate là một loại axit amin phổ biến trong tự nhiên, tồn tại dồi dào trong các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau củ quả... Vào năm 1908, giáo sư Kikunae Ikeda đã khám phá ra khả năng tạo ra vị ngon, vị ngọt thịt hay được gọi là “vị umami” của glutamate. Từ đó, ông cũng nghiên cứu và phát minh ra “gia vị umami” được biết đến như mì chính (bột ngọt).

Glutamate giúp món ăn giàu vị umami, làm hài hòa các vị cơ bản khác, giúp món ăn ngon hơn, tăng cảm giác thèm ăn, tăng khả năng tiết nước bọt, dịch vị, từ đó giúp tiêu hóa tốt hơn các bữa ăn giàu đạm. Thông qua hỗ trợ chức năng tiêu hóa, nâng cao chất lượng bữa ăn, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Axit amin từ lâu đã được khám phá với nhiều vai trò và chức năng sinh lý đối với cơ thể.

Axit amin từ lâu đã được khám phá với nhiều vai trò và chức năng sinh lý đối với cơ thể.

Bên cạnh đó, BS. Đức Minh chia sẻ, bột ngọt cũng được ứng dụng nhiều trong các thực đơn giảm muối nhờ vào khả năng duy trì vị ngon của thực phẩm. Cụ thể, bột ngọt chứa hàm lượng natri thấp, chỉ bằng 1/3 muối ăn; đồng thời, khi thay thế một phần muối ăn bằng bột ngọt có thể giảm đến 50% lượng muối ăn vào và 31.5% lượng natri ăn vào mà vẫn giữ nguyên vị ngon của món ăn. Khả năng này của bột ngọt đã giúp bệnh nhân hoặc những người khỏe mạnh dễ dàng theo đuổi chế độ ăn giảm muối tốt cho sức khỏe và được các cơ quan y tế, sức khỏe tại nhiều nước như Mỹ, Nhật, Malaysia... khuyến nghị thực hiện.

Nhiều cơ quan y tế và sức khỏe thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung châu Âu (EC/SCF), Cơ quan Quản lý Thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (US FDA), Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản... đánh giá bột ngọt là an toàn khi được sử dụng dưới dạng gia vị trong chế biến món ăn, không có mối nguy nào đối với trẻ em được chỉ ra khi sử dụng bột ngọt. JECFA và EC/SCF đưa ra liều dùng hàng ngày (ADI) của bột ngọt là “không xác định”, mỗi người có thể sử dụng theo khẩu vị và thói quen của mình.

Cystine và theanine trong tăng cường hệ miễn dịch

Cystine và theanine là 2 loại axit amin có khả năng tổng hợp glutathione trong gan, một yếu tố có tác dụng chống oxy hóa và kiểm soát phản ứng miễn dịch, đồng thời cũng gia tăng đáng kể quá trình sản xuất kháng thể IgG. Đây là kháng thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và độc tố, cũng là loại kháng thể duy nhất có thể đi qua nhau thai vào thai nhi, tăng cường bảo vệ cho thai nhi trong tử cung.

Ngoài ra, bổ sung cystine và theanine cũng giúp ngăn mắc các bệnh cảm cúm, cảm lạnh, giảm nhẹ các triệu chứng và thời gian mắc cảm cúm, cảm lạnh. Hơn nữa, 2 axit amin này còn giúp ức chế sự gia tăng viêm nhiễm và ức chế sự phá hủy miễn dịch trong quá trình tập luyện hoặc phẫu thuật.

Theo nguồn Sức khỏe và đời sống

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

6 cách đốt cháy calo mà không cần tập thể dục

Động lực đóng vai trò rất lớn trong việc giữ dáng, nhưng làm thế nào để bạn có động lực nếu bạn không thích tập thể dục?
Một số người thà làm gì khác chứ nhất định không tập thể dục.
Vậy sau đây là 6 cách đốt calo dành cho những bạn không thích tập thể dục, theo Express

1. Ngủ

Nghe có vẻ sai sai, nhưng sự thật đúng là như vậy. Cơ thể vẫn đốt cháy calo trong khi ngủ, vì vậy càng ngủ nhiều càng đốt cháy năng lượng.
Chuyên gia dinh dưỡng người Anh, Hannah Richards, nhận xét về nguyên tắc, thời gian ngủ và thời gian cơ thể tái tạo là lúc để giảm cân.
Chuyên gia Hannah cho biết, trong chu kỳ sinh học, cơ thể sẽ thức dậy và ngủ theo mặt trời và mặt trăng, tất cả đều theo nhịp điệu.
Từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm là thời gian cơ thể hoạt động.
Từ 24 giờ đêm (0 giờ) đến 6 giờ sáng là thời gian nghỉ ngơi.
Từ 18 giờ (6 giờ tối) đến 22 giờ (10 giờ đêm), khi mặt trời lặn, là thời gian giảm tốc các hoạt động.
Sau đó là thời gian bắt đầu tái tạo vật lý từ 22 giờ đêm đến 2 giờ sáng, kéo dài đến 6 giờ sáng.
Cơ thể cũng hồi phục tâm lý trong thời gian này.
Cơ thể đốt cháy calo trong khi ngủ, đặc biệt là trong giai đoạn ngủ mơ (REM).
Lượng calo bị đốt cháy mỗi đêm tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể và thời gian ngủ.
• Một người nặng 68 kg có thể đốt cháy 46 calo mỗi giờ hoặc 322 - 414 calo mỗi đêm, theo Express.
Chuyên gia Hannah khuyên nên ngủ sớm hơn 1 giờ và thức dậy trễ 1 giờ, để ngủ thêm được 2 giờ mỗi đêm.

2. Dọn nhà và công việc sửa chữa trong nhà

Những công việc này không chỉ hiệu quả và tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn, mà còn đốt cháy calo.
Làm các công việc này, bạn vẫn toát mồ hôi như tập thể dục nhưng không hề hay biết mình đang tập thể dục đấy!
• Dọn dẹp nhà cửa đốt cháy gần 200 calo mỗi giờ ở phụ nữ và hơn 200 calo ở nam giới.
• Công việc sửa chữa sẽ khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn, khoảng 117 calo cho nam và 101 cho nữ chỉ trong 30 phút, theo Express.
• Làm vườn là cách tuyệt vời khác để giảm cân, thật đáng ngạc nhiên! Hoạt động này có thể đốt cháy khoảng 100 calo ở nam giới và 87 calo ở nữ giới trong 1 giờ.
• Rửa xe là cách đơn giản để đốt cháy thêm 59 calo cho phụ nữ và 67 calo cho nam giới trong 1 giờ.

3. “Yêu”

Ai cũng biết “yêu” làm nóng và đổ mồ hôi nhưng bạn có biết rằng nó vẫn được tính là tập thể dục không?
Đúng vậy, nghiên cứu từ Đại học Montreal (Canada) cho thấy "yêu" đòi hỏi 101 calo từ nam giới và 69 calo từ đối tác. Trung bình, chỉ 1 phút “làm việc” đã đốt vèo 3,6 calo, theo Time.

4. Đi shopping

The Best Days to Shop in 2020 | My Money | US News
Việc này chị em phụ nữ thích đây! Một buổi đi siêu thị có thể khiến bạn đi hằng mấy cây số mà bạn không nhận ra.
Bạn thậm chí có thể tăng cường độ bằng cách xách đồ, đẩy xe đẩy…
Bình quân, một người đốt cháy khoảng 88 calo sau 30 phút đi mua sắm.
5. Thiền
Nếu bạn chưa từng thử thiền, đã đến lúc nên thử tập xem sao.
Thiền không chỉ giúp thư giãn, mà còn là cách tốt nhất để có giấc ngủ ngon.
• Nam giới đốt cháy khoảng 60 calo chỉ trong 30 phút thiền, và phụ nữ sẽ đốt cháy 53 calo.
Đúng, bạn có khả năng giảm cân chỉ bằng cách ngồi xuống và tập trung vào việc thư giãn.
Mặc dù chỉ thiền sẽ không giúp bạn giảm cân, nhưng nếu kết hợp với các hoạt động kể trên, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt.

6. Khiêu vũ

Khiêu vũ là cách giải trí giúp bạn đổ mồ hôi nhiều nhất. Hoạt động này tốt cho tâm trí, cơ thể và tâm hồn.
• Tuy là giải trí nhưng khiêu vũ lại đốt cháy lượng calo khủng, lên đến 240 calo chỉ trong 30 phút đối với nam giới và 209 calo đối với phụ nữ, trong khi cũng 30 phút tập luyện thể dục đốt cháy khoảng 127 calo ở nam và 111 calo ở nữ. Các điệu nhảy khác nhau sẽ có hiệu quả đốt calo khác nhau, theo Express.

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Đi bộ sau bữa ăn có tốt cho sức khỏe?

Trong những năm gần đây, một xu hướng ngày càng tăng là nhiều người thường đi bộ ngắn sau mỗi bữa ăn với mong muốn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Hãy xem các tác động sức khỏe cụ thể của việc đi bộ sau bữa ăn, theo Health Line.
Học ngay cách đi bộ giảm cân cho nàng lười lấy lại vóc dáng thon thả

Lợi ích tiềm năng

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Điều này bao gồm cả việc đi bộ sau khi ăn nhờ một số lợi ích độc đáo của nó.

Có thể cải thiện tiêu hóa

Lợi ích tiềm năng của việc đi bộ sau khi ăn là cải thiện tiêu hóa. Sự chuyển động cơ thể có thể hỗ trợ quá trình tiêu hóa bằng cách thúc đẩy kích thích dạ dày và ruột, khiến thức ăn di chuyển nhanh hơn.
Ngoài ra, hoạt động thể chất thấp đến trung bình sau khi ăn có thể có tác dụng bảo vệ đường tiêu hóa.
Trên thực tế, nó đã được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa các bệnh như loét dạ dày, ợ nóng, hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh túi thừa, táo bón và ung thư đại trực tràng, theo Health Line.

Có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu

Một lợi ích đáng chú ý khác của việc đi bộ sau khi ăn là cải thiện lượng đường trong máu
Tập thể dục sau khi ăn có thể ngăn ngừa sự tăng đột biến của lượng đường trong máu, do đó làm giảm lượng insulin hoặc thuốc uống cần thiết.
Một nghiên cứu năm 2016 ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cho thấy đi bộ nhẹ trong 10 phút sau mỗi bữa ăn vượt trội hơn so với đi bộ 30 phút tại bất kỳ thời điểm nào để kiểm soát lượng đường trong máu, theo Health Line.

Có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm huyết áp và cholesterol LDL (có hại), đồng thời giảm nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.
Một nghiên cứu cho thấy rằng một vài lần tập thể dục nhỏ trong suốt cả ngày có thể vượt trội hơn một lần tập thể dục liên tục để giảm triglyceride máu, một yếu tố nguy cơ của bệnh tim.
Bạn có thể bắt chước mô hình này bằng cách đi bộ từ 5 đến 10 phút sau các bữa ăn chính trong suốt cả ngày.

Có thể thúc đẩy giảm cân

Tập thể dục đóng vai trò chính trong việc giảm cân kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý. Để thúc đẩy giảm cân, bạn phải đốt cháy nhiều calo hơn mức bạn nạp vào.
Đi bộ sau bữa ăn giúp bạn đốt cháy calo và nếu được duy trì liên tục, nó có thể hỗ trợ giảm cân.
Tuy nhiên, cần nhiều dữ liệu hơn để xác định những tác động cụ thể của việc đi bộ sau bữa ăn đối với việc giảm cân, theo Health Line.

Có thể giúp điều hòa huyết áp

Đi bộ sau bữa ăn cũng có thể giúp điều chỉnh huyết áp ở một mức độ nhất định. Một số nghiên cứu liên kết 3 lần đi bộ 10 phút mỗi ngày với mức huyết áp giảm.
Hơn thế nữa, vài lần đi bộ 10 phút trong suốt cả ngày dường như có lợi cho việc hạ huyết áp hơn đi bộ một phiên liên tục.

Có thể gây khó chịu cho dạ dày

Việc đi bộ sau khi ăn có thể có tác dụng phụ tiêu cực, dù rất ít. Một số người có thể bị đau bụng khi đi bộ sau khi ăn, với các triệu chứng như khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi và đầy hơi, theo Health Line.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, hãy cố gắng đợi 10 phút đến 15 phút sau bữa ăn, rồi đi bộ và nên đi bộ thật chậm rãi, nhẹ nhàng.

Đi bộ sau bữa tối là khởi đầu tuyệt vời

Dựa trên dữ liệu hiện tại, thời gian lý tưởng để đi bộ dường như ngay sau bữa ăn. Lúc này, cơ thể bạn vẫn đang làm việc để tiêu hóa thức ăn bạn đã ăn, cho phép bạn có được lợi ích như cải thiện tiêu hóa và kiểm soát lượng đường trong máu, theo Health Line.
Đi bộ sau tất cả các bữa ăn có thể dẫn đến những lợi ích tối ưu, trong đó việc đi bộ sau bữa tối có thể là một khởi đầu tuyệt vời.

Nên đi bộ bao lâu?

Nhiều người gợi ý rằng bạn nên bắt đầu bằng cách đi bộ trong 10 phút. Sau này có thể tăng thời gian lên.
Thời gian 10 phút giúp bạn dễ dàng thu xếp mà không ảnh hưởng đến lịch trình của bạn.
Với 3 lần đi bộ 10 phút mỗi ngày, bạn dễ dàng đạt được 30 phút hoạt động thể chất hằng ngày.
Theo nguồn Báo Thanh niên

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Xử trí và phòng ngừa kiệt sức về tinh thần

Kiệt sức về tinh thần là một hiện tượng phổ biến và là kết quả của hoạt động quá mức của não và hệ thần kinh.

Cảm giác bị áp lực đè nặng bởi các công việc hàng ngày hoặc trách nhiệm đối với con cái và các thành viên trong gia đình có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức, thất vọng và tinh thần bất an. Khi bạn dành nhiều nỗ lực tinh thần cho một công việc, bạn sẽ bị “quá tải” tinh thần. Điều này có thể làm giảm sút khả năng tập trung, dẫn đến mắc phải các sai sót nhiều hơn bình thường và do đó bạn sẽ càng cảm giác căng thẳng, chán nản - một vòng xoáy luẩn quẩn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và những người xung quanh bạn.

Nguyên nhân gây kiệt sức về tinh thần

Mệt mỏi tinh thần không xảy ra tức khắc, mà dần dần tích tụ theo thời gian. Làm việc quá sức, có quá nhiều trách nhiệm, hoặc chỉ đơn giản là có quá nhiều việc phải giải quyết có thể khiến bạn bị vượt ngưỡng chịu đựng và tinh thần của bạn không thể ứng phó được thêm nữa. Lúc đó các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Khi khả năng đối phó với stress trở nên cạn kiệt, mệt mỏi tinh thần trở thành mạn tính. Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: trầm cảm, bệnh tim, bệnh mạn tính và rối loạn tự miễn dịch.

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh

Kiệt sức về tinh thần có thể dễ dàng nhận ra với cảm giác bị “cháy sạch” do sự căng thẳng lâu dài. Hội chứng cháy sạch (burnout syndrome) là một thuật ngữ tâm lý, y khoa và xã hội chỉ về hiện tượng kiệt sức hoặc năng suất lao động giảm sút sau một quá trình lao động, hoạt động dài ngày. Triệu chứng ban đầu có thể biểu hiện tinh tế, nhưng theo thời gian sẽ trở nên tồi tệ hơn và lâu dài có thể hình thành các triệu chứng rối loạn thể chất, cảm xúc và hành vi.

Triệu chứng thể chất: Bao gồm cảm giác lúc nào cũng mệt mỏi, dễ đau ốm, đau đầu thường xuyên, đau lưng, hoặc đau cơ. Sự thay đổi thể hiện trong cảm giác thèm ăn và rối loạn thói quen ngủ.

Xử trí và phòng ngừa kiệt sức về tinh thầnQuá nhiều việc và trách nhiệm với gia đình, xã hội có thể dẫn tới kiệt sức về tinh thần.

Triệu chứng cảm xúc: Biểu hiện như cảm giác bất lực, tinh thần căng thẳng quá mức. Cảm giác nghi ngờ bản thân và sợ thất bại có thể chiếm phần lớn suy nghĩ của bạn trong suốt cả ngày, dẫn đến cô lập bản thân và xuất hiện quan điểm bi quan về thế giới và cuộc sống xung quanh.

Triệu chứng hành vi: Không còn dành nhiều thời gian với bạn bè và gia đình bởi vì bạn cảm thấy quá mệt mỏi. Việc trì hoãn và rút khỏi những trách nhiệm từng có trước đây cũng là dấu hiệu của sự kiệt sức về tinh thần. Thói quen ăn uống cũng có thể thay đổi, ăn nhiều hơn hoặc ít hơn. Việc sử dụng rượu hoặc ma túy để giải quyết tình trạng căng thẳng tăng lên cũng có thể là dấu hiệu báo động về mức căng thẳng tinh thần gia tăng.

Các rối loạn kiệt sức về tinh thần

Mệt mỏi về tinh thần có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới mọi khía cạnh của cuộc sống. Chẳng hạn, hiệu năng công việc kém do năng suất giảm có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực trong công việc của bạn. Tâm trạng khó chịu của bạn có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh, dẫn đến xung đột với bạn bè và người thân. Mức độ kiệt sức về tinh thần của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động thể chất.

Xử trí và phòng ngừa

Sau đây là một số cách đơn giản nhưng sẽ giúp cho việc hồi phục tinh thần và thể chất.

Dành thời gian để thư giãn: Một trong những lý do lớn nhất gây ra căng thẳng là thiếu thời gian thư giãn. Nếu bạn không có lối thoát để giảm căng thẳng, căng thẳng sẽ liên tục tăng lên và bắt đầu biểu hiện triệu chứng. Dành thời gian để nghỉ ngơi sau giờ làm việc ở một địa điểm yên tĩnh có thể giúp bạn cân bằng, kiểm soát stress trong phần còn lại của ngày.

Xử trí và phòng ngừa kiệt sức về tinh thầnMệt mỏi, căng thẳng kéo dài gây kiệt sức về tinh thần.

Giảm kích thích các giác quan: Môi trường làm việc quá ồn, quá nhiều ánh sáng có thể gây áp lực lên các giác quan, dẫn đến căng thẳng. Cơ thể thường thoải mái nhất khi ngồi trong một căn phòng yên tĩnh, không bị phân tâm. Việc các giác quan bị kích thích liên tục từ các thiết bị điện tử (như tivi hoặc điện thoại thông minh), có thể gây mệt mỏi mắt, dẫn đến đau đầu và mất ngủ. Nếu có thể, hãy giảm lệ thuộc hoặc tắt các thiết bị điện tử và đi dã ngoại, hoặc đi dạo trong một công viên vào cuối tuần để thiết lập lại sức khỏe tinh thần.

Chọn lọc mức độ ưu tiên trong công việc: Không phải mọi thứ đều phải giải quyết một lúc, và không phải việc nào cũng quan trọng trong cuộc sống của bạn- Xác định như vậy có thể giúp kiểm soát stress và tối ưu hóa cho việc giảm tải tinh thần của bạn.

Dừng các hoạt động có hiệu suất thấp: Thay vì dành thời gian cho các hoạt động tiêu tốn thời gian vô ích, hãy tập trung vào các hoạt động chính trong công việc của bạn. Ngừng ngay việc cập nhật facebook hoặc trả lời email không cần thiết. Thay vào đó, nên sử dụng thời gian để tìm hiểu những điều mới và theo đuổi các hoạt động làm tăng chất lượng cuộc sống của bạn. Tập trung tăng cường mối quan hệ của bạn với gia đình, bạn bè và cộng sự. Hãy làm điều này liên tục trong một năm, bạn sẽ cảm thấy năng lượngtinh thần tăng hơn rõ rệt.

Học cách tập trung: Bằng cách tập trung, bạn có thể làm nhiều hơn trong một khoảng thời gian ngắn, vì vậy bạn có thể giải phóng thời gian rỗi nhiều hơn và giảm nguy cơ mệt mỏi tinh thần.

Giữ gìn đôi mắt của bạn: Nhìn chằm chằm vào máy tính trong nhiều giờ đồng hồ sẽ gây ra mệt mỏi mắt, điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tập trung. Cứ 30 phút nên rời màn hình máy tính và tập trung vào các vật thể ở xa hoặc dành một vài phút để nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài ra, giảm độ sáng của màn hình sẽ giúp giảm khả năng tập trung và bạn cảm thấy ít mệt mỏi.

BS. Lê Thanh Hải

Theo nguồn Báo Sức khỏe và đời sống