Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

Bệnh bạch hầu, căn bệnh cũ trở về…

Sự xuất hiện các ca nhiễm bệnh Bạch Hầu tại tỉnh Đắk Nông trong những ngày gần đây, với một ca tử vong cũng như ca bệnh tại TP. HCM (đang điều trị tại bệnh viện Quân Y 175), đã dấy lên tâm lý lo ngại nhiễm bệnh của người dân. Thay vì lo lắng thái quá trước dịch bệnh, người dân nên thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Đặc điểm của bệnh bạch hầu

Tại Việt Nam, bệnh bạch hầu đã vắng bóng từ lâu do công tác tiêm chủng tốt, hàng năm bệnh chỉ xuất hiện rải rác một số trường hợp chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa do tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, bởi do ngoại độc tố của chúng. Ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu cực kỳ mạnh. Bệnh bạch hầu là một loại bệnh vừa mang tính chất cấp tính vừa mang tính chất cấp cứu (bạch hầu thanh quản, không cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong do nghẹt thở, suy hô hấp).

Đường lây truyền của vi khuẩn bạch hầu rất dễ dàng, theo đường hô hấp bởi giọt bắn từ người bệnh, người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Khi nói, ho những người này sẽ bắn vi khuẩn có trong nước bọt, chất tiết, đờm… vào không khí, người lành hít phải, nếu chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu, sẽ mắc bệnh (ngay cả người lớn).

Giọt bắn này còn làm lây lan vi khuẩn ra môi trường xung quanh như sàn nhà, quần áo, chăn màn, tay vịn cầu thang, đồ chơi trẻ em… từ đây sẽ lây bệnh cho người lành, nhất là trẻ em nếu chưa có miễn dịch chống lại vi khuẩn bạch hầu.

Bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheria)

Nhận biết bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu có 3 loại (thể) bệnh bạch hầu chính: bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản và bạch hầu ác tính. Loại hay gặp nhất là bạch hầu họng, mũi; thời kỳ ủ bệnh khoảng vài ba ngày, sau đó có sốt nhẹ, sổ mũi, viêm họng, nuốt vướng, sau vài ngày sẽ xuất hiện màng trắng ngà (giả mạc), xám, dai, dinh chặt vào niêm mạc họng rất khó bóc tách, nếu cố bóc tách sẽ chảy máu. Giả mạc phát triển rất nhanh ở amiđan.

Người bệnh có biểu hiện nhiễm độc độc tố (da xanh tái, mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp giảm). Nếu được điều trị đúng, kịp thời, bệnh sẽ khỏi; loại này sẽ tiến triển thành loại bạch hầu thanh quản, niêm mạc bị bao phủ bởi một lớp giả mạc gây khó thở cấp, dẫn đến suy hô hấp, tử vong nếu không được cấp cứu mở khí quản kịp thời.

Loại thứ ba là bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp), xuất hiện ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2, thứ 3, với các triệu chứng rất rầm rộ như sốt cao (39 - 40 độ C) mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau, màng giả lan nhanh 2 bên amiđan, hơi thở hôi, hạch góc hàm sưng to, đau làm cổ bạnh ra. Bệnh nhân dần dần bị mệt lả, tím tái, rối loạn nhịp tim, khó thở, khan tiếng, huyết áp tụt, mạch rất nhanh; nếu không xử trí kịp thời có thể bệnh trở nên nguy kịch đe dọa tính mạng người bệnh (tử vong).

Xét nghiệm giả mạc bằng phương pháp nhuộm Gram sẽ cho thấy vi khuẩn bắt màu Gram, hình chùy, hai đầu bắt mầu đậm, nuôi cấy vào môi trường thạch máu và có thể xác định kỹ thuật sinh học phân tử bằng phản ứng PCR (nhanh, chính xác). Những trường hợp nghi ngờ có biến chứng, ngoài triệu chứng lâm sàng có thể làm điện tim, siêu âm tim…

Biến chứng do bệnh bạch hầu

Biến chứng nguy hiểm nhất là suy tim cấp. Biến chứng này có thể xảy ra vào thời kỳ bệnh toàn phát, thậm chí xảy ra muộn hơn sau vài tuần khi bệnh bạch hầu đã khỏi (hết sốt, hết giả mạc,…), tình trạng người bệnh sẽ rất nguy kịch.

Từ thể bạch hầu họng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể lây lan thành bạch hầu thanh quản, một thể bệnh rất nguy hiểm, bị giả mạc che kín đường thở gây ngẹt thở; nếu không  kịp thời cấp cứu mở khí quản, người bệnh có thể tử vong.

Bệnh bạch hầu có thể gây biến chứng viêm dây thần kinh vận động ngoại biên, gây liệt các dây thần kinh sọ, gây liệt màn hầu khẩu cái, liệt cơ mặt, liệt mềm các chi, liệt cơ hoành và cơ liên sườn. Liệt cơ hoành, cơ liên sườn có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp .

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị là dùng kháng huyết thanh chống vi khuẩn bạch hầu (nếu có) để trung hòa ngoại độc tố do vi khuẩn tiết ra, là bước quan trọng nhất và dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn bạch hầu. Đến nay, chưa có công bố nào nói đến vi khuẩn bạch hầu kháng thuốc kháng sinh. Vì vậy, kháng sinh vẫn còn có tác dụng tốt.

Tuy nhiên, dùng kháng sinh gì, cần nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bộ y tế.  Bên cạnh đó, cần theo dõi lâm sàng, điện tim, siêu âm tim và nâng thể trạng cho người bệnh.

Bệnh bạch hầu

Tiêm ngừa Vắc xin là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng bệnh bạch hầu

Nguyên tắc phòng bệnh

Mặc dù bệnh bạch hầu đã xuất hiện ở một vài địa phương với số bệnh nhân còn ít chúng ta không nên quá lo lắng, hoang mang. Điều thuận lợi nhất là chúng ta đã có vắc xin phòng bệnh bạch hầu rất có hiệu quả bấy lâu nay, nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm chủng vắc xin đủ mũi tiêm và đúng lịch. Hiện nay, chúng ta có vắc xin phối hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 để phòng bệnh bạch hầu cùng với một số bệnh khác (ví dụ, vắc xin ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib).

Mọi người, ngay cả trẻ em, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Cần vệ sinh thường xuyên sàn nhà, đồ chơi, tay vịn cầu thang. Khăn lau tay, khăn mặt dùng cho trẻ cần được giặt sạch, sát trùng (giặt bằng xà phòng, phơi nắng hoặc sấy khô)

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng, tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

PGS.TS.BS . BÙI KHẮC HẬU

Theo nguồn báo Sức khỏe và đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét