Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Động kinh ở người lớn - nguyên nhân do đâu?

Bệnh động kinh không chỉ xuất hiện ở trẻ em, nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi dù là người lớn, trẻ em hay người già. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến động kinh ở người lớn?

Động kinh là một rối loạn ở não bộ gây ra các cơn co giật tái diễn

Động kinh là một rối loạn ở não, trong đó các tế bào thần kinh phóng điện đột ngột. Một người được chẩn đoán bị động kinh khi xuất hiện 2 hoặc nhiều cơn các cơn co giật. Theo Hội bảo trợ người bệnh động kinh Mỹ, có khoảng 3 triệu người Mỹ bị động kinh. Theo Viện nghiên cứu Quốc gia về những rối loạn hệ thần kinh và đột quỵ Hoa Kỳ (NINDS): Có khoảng 25 - 30% trong số họ bị tái phát những cơn động kinh mặc dù đã được điều trị bằng thuốc chống động kinh.

Động kinh khiến người bệnh bị co giật, sùi bọt mép

1. Đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ. Đột quỵ có 2 loại, nhồi máu não do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não do mạch máu não bị vỡ. Theo chuyên gia thần kinh học, tiến sỹ Maynard Pathark, cơn co giật có thể xảy ra trong hoặc ngay sau khi cơn đột quỵ xảy ra. Phù não hoặc thiếu oxy não sau đột quỵ là những yếu tố chính gây ra chứng động kinh. Đáng chú ý, một số người có thể phát triển bệnh động kinh sau nhiều năm bị đột quỵ.

Đột quỵ có thể gây ra những cơn co giật
2. U não
Sự xuất hiện những cơn co giật ở người trưởng thành có thể là triệu chứng cảnh báo của một khối u não. Theo Hiệp hội U não Mỹ, có khoảng 1/3 số người bị u não được chẩn đoán sau khi trải qua những cơn động kinh. Các khối u não có thể khiến người bệnh bị lên cơn động kinh: U tế bào sao, u não nguyên phát loại glioblastoma, u màng não tủy, u thần kinh đệm, u hạch thần kinh đệm và các khối u di căn đến não do ung thư ở nơi khác trong cơ thể.
Co giật có thể là dấu hiệu cảnh báo khối u não

3. Chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não do tai nạn, do đầu va chạm vào vật cứng có thể gây chảy máu, tràn dịch trong não. Chỉ trong vòng 1 -2 ngày, chúng có thể làm kích hoạt các phản ứng viêm, tấn công và hủy hoại các tế bào thần kinh và để lại những vết sẹo vĩnh viễn bên trong não bộ. Chính điều này đã làm thay đổi nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, tăng chất kích thích glutamat và giảm chất ức chế GABA (gama amino butyric acid), làm kích hoạt các cơn sóng điện đột ngột và gây ra những cơn co giật. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nếu bạn xuất hiện một cơn động kinh sau khi bị chấn thương đầu thì đó có thể là dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo não bạn bị tổn thương nghiêm trọng.

Sau chấn thương sọ não, nhiều người dễ mắc bệnh động kinh

4. Rối loạn chuyển hóa
Các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể như hạ đường huyết, natri máu thấp, tăng ammoniac máu liên quan đến bệnh gan nặng, tăng ure máu... có thể khiến người bệnh bị co giật, động kinh. Những cơn co giật do rối loạn chuyển hóa có thể tự khỏi nếu bạn điều trị khỏi các bệnh trên.
Sau mỗi cơn co giật, dù bất kỳ là nguyên nhân nào đi nữa thì người bệnh cũng sẽ rất mệt mỏi, buồn ngủ và rất muốn nghỉ ngơi. Để có thể hồi phục nhanh chóng, người bệnh cần được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, vì não bộ cần có thời gian nghỉ ngơi và sửa chữa. Một số hoạt chất sinh học như Rhynchophylline chiết xuất từ cây Câu đằng có tác dụng an thần, trấn tĩnh, giúp bảo vệ tế bào thần kinh, và làm tăng khả năng hồi phục vận động sau những cơn co giật.

 (Theo Live Strong)

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Nấm móng và cách điều trị



Nấm móng là bệnh khá phổ biến, thường gặp ở người làm việc chân tay, làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với điều kiện vệ sinh kém, ẩm ướt.
Nguyên nhân và triệu chứng:
Bệnh nhiễm trùng nấm móng, nấm lây nhiễm xảy ra ở một hoặc nhiều móng chân, tay. Nhiễm nấm móng có thể bắt đầu như một đốm trắng hoặc vàng dưới các đầu móng tay hoặc móng chân. Nấm móng là một bệnh thường thấy ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước. Bệnh làm móng bị hư hủy xấu xí, có khi nung mủ, đau ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Nhiễm nấm móng có thể khó điều trị, và nhiễm trùng có thể tái diễn. Bệnh do nhiều loại vi nấm gây ra, có thể kể hai nhóm chính là: Nấm sợi tơ (Dermatophytes) và nấm hạt men (Candida).

Triệu chứng thường thấy của bệnh nấm móng: bề mặt móng bị xù xì, phủ một lớp vảy mịn như cám, có lằn sọc dọc hay ngang. Chỗ bị tổn thương có màu hơi vàng, hay nâu đen. Móng dễ mủn và dễ gãy. Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và móng bị tróc. Ban đầu, người bệnh chỉ bị 1 hoặc 2 móng nhưng không được điều trị sau đó dần dần lan ra nhiều ngón, thời gian lan ra nhiều ngón cũng từ từ. Trên từng móng, tổn thương tấn công từ bờ vào và không bị viêm quanh móng (nếu do Dermatophytes) hoặc từ vùng chân móng đi ra và có viêm quanh móng (nếu do nấm Candida). Khi viêm vùng chân  móng sẽ rất đau, sưng đỏ và có mủ, ngứa rất nhiều vùng quanh móng.

Thuốc nào điều trị nấm móng?
Có nhiều cách điều trị. Thường là dùng thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống tác dụng toàn thân.
Thuốc bôi tại chỗ:
Có thể cho bệnh nhân dùng một trong các thuốc bôi sau: kem hoặc pommade Ketoconazol (Nizoral), Canesten, Exoderil, terbinafin, BSI, v.v...
Nên hướng dẫn bệnh nhân cách bôi thuốc để đạt hiệu quả và tránh những sai lầm đáng tiếc. Sau khi rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày 2-3 lần, ban đêm nên dùng băng nhựa băng bịt giữ thuốc qua đêm.
Thuốc uống:
Hiện nay Itraconazol là thuốc đặc hiệu nhất để điều trị bệnh nấm móng. Itraconazole là một triazole kháng nấm, thuốc rất ưa mỡ và chất sừng, tồn tại lâu trong mô như da, Itraconazole có nồng đô cao trong mô do có ái tính với Protein, đặc biệt là chất sừng, có hoạt phổ rộng kháng nhiễm nấm da, Candida và Malassezia.
Itraconazole thấm được vào bản móng và giường móng nhờ vậy mà có tác dụng diệt nấm sinh bệnh tại móng tay, chân. Sau khi uống Itraconazole đi vào tổ chức da, tóc, móng, thuốc không quay trở lại hệ tuần hoàn. Do vậy sự tái tạo lớp sừng, tóc, móng được phục hồi từng bước ứng với sự giảm dần của Itraconazole trong các tổ chức này.
Điều trị bệnh nấm móng bằng uống Itraconazole phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc, nhằm tránh nhữn hậu quả xấu có thể xảy ra. Hiện nay có rất nhiều biệt dược: sporal, spobet, trifungi,....
Tuyệt đối không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, viêm gan cấp. Khi dùng Itraconazole cần xét nghiệm đánh giá chức năng gan trước khi điều trị và sau khi dùng mỗi đợt thuốc điều trị, nếu có viêm gan đang tiến triển thì phải điều trị viêm gan cho ổn định mới dùng thuốc điêu trị nấm móng.
Sau khi kết thúc điều trị cần xét nghiệm soi tươi bệnh phẩm lấy tại móng bệnh để đánh giá là đã hết nấm chưa, kết hợp với đáng giá lâm sàng xem móng đã mọc ra lại chưa, hết xù xì, hết viêm, hết ngứa chưa. Nếu cả xét nghiệm và lâm sàng chưa tốt thì bác sĩ sẽ có quyết định điều trị tiếp cho bạn.
Nên điều trị sớm, tuyệt đối không để bệnh nặng mới điều trị. Nếu móng tay bị nhiễm trùng nặng hoặc rất đau đớn, bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ các móng tay. Móng tay mới thường sẽ phát triển tại chỗ của nó, mặc dù nó sẽ từ từ và có thể mất đến một năm để phát triển trở lại hoàn toàn. Đôi khi phẫu thuật sử dụng kết hợp với ciclopirox để xử lý nền móng. Ngoài ra còn có thể điều trị nấm móng tay với một laser hoặc điều trị quang động, trong đó ánh sáng cường độ cao được sử dụng, để xạ móng tay sau khi nó được xử lý bằng axit, cũng có thể thành công. Tuy nhiên, điều trị mới này có thể không có ở khắp mọi nơi.
Phòng ngừa tái phát:
Để có thể phòng ngừa bệnh nấm móng tái phát, nếu có thể, người bệnh nên thay đổi việc làm hoặc mang bao tay khi làm việc để tránh móng bị ướt. Bên cạnh đó, nên hạn chế tiếp xúc với nước có chất tẩy rửa như xà bong, nước rửa chén. Chỉ tiếp xúc với nước khi cần thiết như tắm gội, không nên rửa tay chân thường xuyên khi không cần thiết, vì như thế tạo môi trường ẩm ướt cho nấm phát triển trở lại.
Mặc dù nấm móng là một bệnh tuy không nguy hiểm nhưng làm mất vệ sinh, thẩm mỹ và rất khó điều trị. Vì vậy cần phải điều trị sớm, kịp thời, đúng phương pháp tránh trường hợp bệnh nặng phải điều trị lâu dài và tốn kém. Bệnh nhân nên nhớ không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc uống hoặc thuốc bôi nào khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
Theo báo http://suckhoedoisong.vn

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Biến chứng tim mạch của bệnh cao huyết áp

Bệnh nhân cao huyết áp có thể gặp các biến chứng phì đại thất trái, thiếu máu cơ tim, rung nhĩ, suy tim tâm trương... với nhiều biểu hiện khác nhau.

Trò chuyện tại Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP HCM, bác sĩ Bùi Nguyễn Hữu Văn, Phó Khoa Hồi sức tích Nội tim mạch, Viên tim TP HCM cho biết, huyết áp được xem là cao khi đo lúc nghỉ ngơi (đo ít nhất 2 lần, ở 2 tay) có kết quả từ 140/90 mmHg trở lên hoặc đo bằng máy đo huyết áp động 24h có kết quả từ 130/80mmHg. Ban đêm thì huyết áp từ 125/75 mmHg trở lên được xem là cao.
Huyết áp cao có thể gây ra nhiều biến chứng ở tim. Bình thường hoạt động của tim gồm 2 thời kỳ kế tiếp nhau. Ở thời kỳ tâm thu, tim (cụ thể là tâm thất) co bóp tống máu vào các động mạch và đi đến các cơ quan trong cơ thể. Thời kỳ tâm trương, sau khi co bóp xong, tim vào thời kỳ nghỉ. Trong thời kỳ này, cơ tâm thất dãn ra, hút máu từ các tĩnh mạch về đổ đầy tâm thất chuẩn bị cho kỳ tâm thu kế tiếp.

Một số biến chứng ở tim có thể gặp ở bệnh nhân cao huyết áp
Phì đại thất trái
Là biến chứng rất hay gặp ở người bị cao huyết áp lâu ngày, người lớn tuổi, béo phì và người có huyết áp tăng cao không kiểm soát, chiếm  tỷ lệ 10 đến 20%.
Huyết áp tăng làm tăng áp lực lên thành tâm thất trái khiến tâm thất co bóp khó khăn, do đó các sợi cơ tâm thất phải tăng kích thước, tăng thời gian co bóp để duy trì lượng máu bơm ra ngoài. Tình trạng này tiếp diễn lâu ngày sẽ làm cơ tâm thất trái bị phì đại.
Phì đại thất trái làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và tử vong ở người bệnh cao huyết áp. Khi có biến chứng phì đại thất trái, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì hoặc có một số biểu hiện như tim đập nhanh, khó thở khi đi bộ nhanh, khi leo cầu thang, hụt hơi, mau mệt khi gắng sức, có thể khó thở khi nằm, phải kê cao gối.
Suy tim tâm trương
Khoảng 1/3 bệnh nhân có phì đại thất trái có suy tim tâm trương. Cao huyết áp lâu ngày làm cho thành tâm thất bị phì đại, bị xơ hóa, giảm khả năng đàn hồi nên không thể giãn ra trong thời kỳ tâm trương, làm hạn chế lượng máu về tim. Hậu quả là ứ đọng máu ở các tĩnh mạch phổi và tĩnh mạch hệ thống.
Bệnh nhân suy tim tâm trương sẽ có các biểu hiện như mệt, khó thở khi gắng sức, ho về đêm lúc nghỉ do ứ đọng ở phổi. Ngoài ra, người bệnh có thể phù chân, tĩnh mạch cổ nổi, tăng cân do ứ máu ở ngoại biên.
Suy tim tâm thu
Là tình trạng tim giảm khả năng co bóp tống máu trong thời kỳ tâm thu dẫn đến không cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho nhu cầu cơ thể. Suy tim tâm thu là biến chứng rất nặng, làm hạn chế sinh hoạt thường ngày của người bệnh, tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật.
Khi có biến chứng này, người bệnh sẽ có một số triệu chứng:
- Khó thở, mệt khi gắng sức. Lúc đầu khó thở khi gắng sức nhiều, càng về sau khó thở xảy ra khi gắng sức nhẹ và cuối cùng khó thở xảy ra cả lúc nghỉ.
- Ban đêm khi nằm ngủ bệnh nhân ho, khó thở. Trường hợp nặng, bệnh nhân phải ngồi để thở.
- Phù chân, tăng cân.
Thiếu máu cơ tim
Động mạch vành là hệ thống cung cấp máu cho cơ tim. Thiếu máu cơ tim xảy ra khi lượng máu cung cấp đến cơ tim bị giảm do động mạch vành bị tắc nghẽn. Bệnh nhân bị động mạch vành có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao và ngược lại, tăng huyết áp là nguy cơ của bệnh động mạch vành.
Người bị thiếu máu cơ tim sẽ có triệu chứng:
- Cảm giác đè nặng, đau tức ở vùng ngực trái, kéo dài 15-20 phút (có khi đau dữ dội, kéo dài là do nhồi máu cơ tim).
- Đau lan sang cánh tay trái, lan lên đến cằm.
- Xảy ra khi người bệnh gắng sức, bị stress tình cảm, giảm khi người bệnh nằm nghỉ.
Rung nhĩ
Bình thường tâm nhĩ co bóp đều đặn tống máu vào tâm thất trong thời kỳ tâm trương. Rung nhĩ là do các xung điện bất thường trong tâm nhĩ làm tâm nhĩ mất khả năng co bóp, chỉ "rung" với nhịp không đều, hỗn loạn, khiến tim đập không đều, đập nhanh. Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim.
Ở các nước phương Tây, phần lớn các trường hợp rung nhĩ là do tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm suy tim tâm trương, gây ứ đọng máu và tăng áp lực trong tâm nhĩ, lâu ngày làm tâm nhĩ dãn và hình thành các xung điện bất thường trong tâm nhĩ gây rung nhĩ.
Phình, bóc tách động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch chính dẫn máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể.  Tăng huyết áp làm tăng áp lực trên thành động mạch, lâu ngày làm thành mạch xơ cứng, dày, lớp nội mạc (lớp trong cùng của động mạch) bị xơ vữa. Động mạch chủ có thể bị giãn, lớp nội mạc có thể bị nứt, vỡ gây nên phình hoặc bóc tách.
Bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:
- Đau dữ dội vùng ngực, bụng hoặc lưng tùy vị trí bị bóc tách.
- Buồn nôn và nôn,
- Co cứng cơ thành bụng,
- Toát mồ hôi lạnh,
Lưu ý, bệnh nhân bị giãn hoặc phình động mạch chủ có thể không có triệu chứng gì.
Phòng ngừa biến chứng tim mạch do tăng huyết áp
- Thay đổi lối sống tích cực, giảm cân ở người thừa cân, béo phì. Khi giảm được 10kg cân nặng sẽ giúp giảm huyết áp từ 5-20 mmHg.
- Tăng cường vận động. Tập thể dục 30-60 phút đều đặn mỗi ngày giúp giảm huyết áp 4-9 mmHg.
- Dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, giảm muối, giảm chất béo, ăn nhiều rau quả
- Hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá. Hút thuốc lá có thể làm huyết áp tăng 10 mmHg kéo dài đến 1 giờ sau hút. Tránh môi trường có khói thuốc nhằm tránh hút thuốc thụ động.
- Tuân thủ chế độ điều trị, kiểm soát tốt huyết áp. Uống thuốc đều đặn, đúng và đủ liều lượng, tái khám theo đúng lịch hẹn bác sĩ.
- Khi thấy có các triệu chứng bất thường cần đến gặp bác sĩ để khám và tư vấn.
(Theo nguồn báo vnexpress.net)

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Phòng ngừa bệnh tim mạch ở người cao tuổi

Bệnh tim ở người cao tuổi (NCT) là một quá trình lão hóa tự nhiên. Những biến đổi do lão hóa ở hệ tim mạch (đặc biệt là xơ vữa động mạch) là nguyên nhân góp phần gây ra các bệnh lý tim mạch ở NCT.
Khi cơ thể lão hóa, trái tim cũng yếu dần, không còn đập đều nữa mà lúc nhanh lúc chậm, do các mạch máu lúc này đã cứng, không co giãn tốt nữa. Các van tim ở NCT cũng bị thoái hóa, trở nên xơ và hóa vôi. Trong đó, van động mạch chủ thường bị nhất, các van khác cũng có thể bị ảnh hưởng và gây nên bệnh van tim NCT, chính vì điều này mà khi về già chúng ta dễ mắc các bệnh tim mạch.

Các dấu hiệu thường gặp
Khó thở: Khó thở có thể là do vận động quá sức hoặc lo lắng về việc gì đó. Nhưng đôi khi khó thở là do chứng nghẽn mạch phổi do cục đông máu làm nghẽn mạch máu trong phổi hoặc đang lên cơn đau tim, trụy tim. Bệnh này rất nguy hiểm đến tính mạng, nó khiến người bệnh phải thở gấp do thiếu không khí hoặc cảm thấy rất khó chịu. Cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Choáng váng khi bước ra khỏi giường: Hay chóng mặt vào buổi sáng (huyết áp thế đứng thấp) nguyên nhân gây ra có thể do bệnh tiểu đường, Parkinson, trụy tim, hay phản ứng phụ của thuốc bao gồm cả thuốc lợi tiểu và thuốc huyết áp. Ngoài ra, chứng chóng mặt tư thế nhẹ gây ra bởi sự xáo trộn của các bộ phận cân bằng của tai trong. Nên đi gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác.

Cơn đau thắt ngực - một dấu hiệu của bệnh lý tim mạch.
Đau thắt ngực: Là triệu chứng của thiếu máu và nhồi máu cơ tim. Người bệnh có cảm giác như bị đè nặng hoặc đau nhói. Nhiều lúc có cảm giác nóng rát, tức ngực, gây cảm giác khó thở. Cơn đau thường lan tỏa xuyên qua lồng ngực ra phía sau, lên phía hai vai hoặc dọc cánh tay. Ngoài ra, bệnh nhân thường thấy hồi hộp, hẫng, hụt hơi, mệt ở ngực kèm theo chóng mặt, hoảng hốt và những cơn đau tim nhẹ.
Trường hợp điển hình là khi gắng sức hay xúc động, bệnh nhân sẽ có cảm giác bị đè nặng như bóp nghẹt giữa ngực, có thể thấy tê cả hàm hay tay trái, kéo dài vài phút, kèm theo khó thở hay vã mồ hôi. Nếu ngưng gắng sức và nghỉ ngơi thì triệu chứng sẽ hết trong vài phút. Nhồi máu cơ tim là mức độ nặng nhất, khi đó mạch máu nuôi tim bị tắc hoàn toàn. Biểu hiện cũng là đau thắt ngực nhưng mức độ dữ dội hơn và kéo dài hơn 30 phút. Đây là tình trạng cấp cứu, cần nhập viện càng sớm càng tốt mới điều trị thành công.
Tuy nhiên, cũng có những người bệnh tim mà không hề có dấu hiệu đau thắt ngực. Nhưng khi được đo nhịp tim bằng điện tâm đồ thì họ vẫn mắc những bệnh tim mạch.
Suy tim: Tim bị suy yếu không bơm máu đến các cơ quan đầy đủ, người bệnh sẽ thấy mệt khi vận động. Ngoài ra, máu bị ứ lại ở phổi sẽ gây khó thở khi gắng sức, ứ lại ở gan gây đau ở sườn bên phải, ứ lại ở chân gây sưng phù mu bàn chân.
Loạn nhịp tim: Các loại rối loạn nhịp tim đều gây triệu chứng tương tự nhau: hồi hộp, đánh trống ngực, đôi khi gây chóng mặt và ngất xỉu. Nếu tự sờ mạch ở tay hay cổ, người bệnh cũng có thể biết nhịp tim không đều. Để chẩn đoán rối loạn nhịp tim, cần phải đo điện tâm đồ. Ở người cao tuổi, bệnh có thể không có triệu chứng, nhiều khi rối loạn nhịp tim xảy ra thành từng cơn, do đó để chẩn đoán có thể cần phải gắn máy ghi điện tim liên tục cả ngày (gọi là máy Holter).

Làm gì để phòng tránh bệnh?
Ngưng hút thuốc lá: Trong thuốc lá có chất nicotine có khả năng làm giảm oxy trong máu và tổn thương niêm mạc của các mạch máu.
Thường xuyên kiểm soát huyết áp: Mức huyết áp tốt nhất là dưới 120/80 (mm Hg). Bệnh nhân nên đến bác sĩ thường xuyên để kiểm tra mức huyết áp đề phòng tăng huyết áp.
Kiểm soát bệnh tiểu đường: Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách giảm lượng cholesterol, kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim.
Tập luyện thể dục thể thao: Bệnh nhân nên tập luyện thể dục thể thao từ 30 đến 60 phút mỗi ngày để chống lại tác nhân gây rối loạn nhịp tim và duy trì một trọng lượng cơ thể cân đối, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ăn thực phẩm lành mạnh: NCT nên thực hiện chế độ ăn 2 lần/ngày hoặc hơn các loại trái cây, rau và ngũ cốc - và ít cholesterol bão hòa, chất béo và natri - có thể giúp kiểm soát cân nặng, huyết áp và cholesterol.
Ngoài ra, NCT cần được sống trong môi trường trong sạch, gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

PGS. TS. Phạm Mạnh Hùng (nguồn báo SKĐS)

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Lý giải những nguyên nhân gây đau bụng dưới ở phụ nữ

Đau bụng dưới hay đau vùng chậu là một trong những triệu chứng thường gặp ở phụ nữ. Vậy nguyên nhân gây ra những cơn đau này do đâu?\
Đau bụng là nguyên nhân thường gặp không chỉ của nam giới, mà phụ nữ đều có thể gặp phải. Cấu tạo cơ thể của phụ nữ càng tạo điều kiện xuất hiện nhiều các triệu chứng đau bụng, bởi đây là nơi tập trung các cơ quan sinh sản (phần phụ) của nữ giới.
Tuy nhiên nhiều người lầm tưởng rằng đau bụng dưới là đau phần phụ này, điều này hoàn toàn sai. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng, cần phân biệt rõ để loại trừ các loại bệnh tật có thể có với bất kỳ phụ nữ ở lứa tuổi nào.

1. Đau vùng chậu là gì?
Đau vùng chậu liên quan đến các cơn đau ở vùng bụng dưới rốn. Cơn đau này có thể báo hiệu về các bệnh liên quan đến sinh sản, rối loạn tiêu hóa, hay thậm chí có bệnh còn đe dọa đến tính mạng. Để tìm đúng nguyên nhân khiến phụ nữ đau vùng chậu hãy đến gặp bác sĩ để xác định đúng bệnh và điều trị đúng nguyên nhân.

2. Viêm ruột thừa
Các triệu chứng bao gồm đau nhói ở bụng dưới bên phải, nôn và sốt.Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đến ngay bác sĩ vì đây là trường hợp khẩn cấp. Nếu không phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa viêm này nó sẽ lan nhiễm trùng trong ổ bụng, có thể dẫn đến tử vong.

3. Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mạn tính gây ra các cơn đau bụng, chuột rút, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Chúng xuất hiện khi thay đổi chế độ ăn uống, trong tình trạng căng thẳng...
4. Đau bụng do rụng trứng

Nếu bạn có những cơn đau nhói vào thời kỳ rụng trứng của phụ nữ, điều này xảy ra ở rất nhiều người. Khi rụng trứng, buồng trứng thường rụng một quả trứng cùng với một số chất dịch và máu, điều này gây kích ứng niêm mạc của bụng gây ra các chứng đau.

5. Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, nó làm người đó tính khí thất thường, nổi mụn trứng cá, nhức đầu, đau bụng, chuột rút. Thay đổi nội tiết (hormone) trong một chu kỳ kinh nguyệt ) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tăng cường vận động thể dục thể thao, bổ sung vitamin có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt này.

6. Mang thai ngoài tử cung
Đây là một tình trạng có thể đe dọa tính mạng. Nó xảy ra khi một phôi hình thành và phát triển ở ngoài tử cung, thường là ống dẫn trứng. Các triệu chứng bao gồm đau vùng chậu mạnh hoặc chuột rút (đặc biệt là ở một bên), chảy máu âm đạo, buồn nôn và chóng mặt. Trường hợp này người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ ngay.

7. Bệnh viêm vùng chậu
Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh là bệnh viêm vùng chậu là vô sinh ở nữ giới. Bệnh có thể gây tổn thương ở tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Các triệu chứng bao gồm đau bụng, sốt, dịch tiết âm đạo bất thường, đau khi quan hệ tình dục hoặc mót tiểu, trong trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật.

8. U nang buồng trứng
Một u nang buồng trứng thường là vô hại, nhưng nếu u nang này ngày càng to, nó gây ra đau vùng chậu, tăng cân và đi tiểu thường xuyên. U nang buồng trứng có thể được phát hiện bằng khám phụ khoa hoặc siêu âm.

9. U xơ tử cung
U xơ tử cung thường phát triển ở thành tử cung được gọi là u xơ, nhưng đây không phải là ung thư.U xơ tử cung thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40 và thường không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, đau lưng, kinh nguyệt hay quan hệ tình dục bị đau, hoặc khó khăn trong việc mang thai. .. Bác sĩ có thể can thiệp loại bỏ u xơ tử cung nếu nó ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.

10. Lạc nội mạc tử cung
Ở một số phụ nữ, mô nội mạc tử cung lại phát triển bên ngoài tử cung, nó có thể xuất hiện ở buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, ruột, và nhiều bộ phận khác của cơ thể. Sự phát triển bất thường đó khiến cho người phụ nữ bị đau đớn và đây là căn nguyên không thể mang thai ở phụ nữ.

11. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu tấn công bất cứ nơi nào từ niệu đạo, bàng quang, niệu quản. Nó gây ra các triệu chứng như đau bụng, đi tiểu đau, buốt và lúc nào cũng mót tiểu. Nhiễm trùng đường tiết niệu thường không nghiêm trọng nếu được điều trị kịp thời. Nhưng khi nó lây lan đến thận, nó có thể gây tổn thương vĩnh viễn. Các dấu hiệu của nhiễm trùng thận bao gồm sốt, buồn nôn, nôn, và đau ở một bên ở vùng lưng dưới.



12. Sỏi thận
Sỏi thận là hỗn hợp gồm muối và khoáng chất có trong nước tiểu, chúng có thể nhỏ như một hạt cát hay lớn như những viên sỏi to. Khi viên sỏi di chuyển từ thận đến bàng quang của bạn, nó gây ra những cơn đau ở bụng hoặc vùng xương chậu. Nước tiểu của bạn có thể chuyển sang màu hồng hoặc màu đỏ như máu.

13. Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ (IC) là một tình trạng đau mãn tính liên quan đến viêm bàng quang. Những người bị IC nặng đi tiểu nhiều lần mỗi giờ. Các triệu chứng khác bao gồm áp lực trên vùng mu, đi tiểu đau và đau trong khi quan hệ tình dục. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ từ 30 - 40.

14. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Đau vùng chậu là một dấu hiệu cảnh báo đối với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Phổ biến nhất là nhiễm Chlamydia và bệnh lậu. đây là 2 nhiễm khuẩn có thể gây đau vùng chậu, đi tiểu đau, chảy máu giữa chu kỳ, tiết dịch âm đạo bất thường. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên cần tìm đến bác sĩ để chữa bệnh, tránh lây bệnh cho người bạn tình của mình..

15. Đau do sa tạng
Ở những phụ nữ có tuổi, xuất hiện chứng sa tạng, điều này cũng gây chứng đau vùng chậu. Những bộ phận dễ bị sa nhất bao gồm bàng quang hay tử cung. Đây không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nó có thể gây khó chịu. Các triệu chứng phổ biến nhất là tăng áp lực đối với các thành âm đạo, cảm giác đầy ở bụng dưới, khó chịu ở háng hoặc thắt lưng, quan hệ tình dục đau đớn.

16. Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu
Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở chân (nhìn thấy ở đây trong bắp đùi), và đôi khi họ có thể phát triển ở khung chậu. Máu tràn trong các tĩnh mạch vùng chậu, làm cho chúng trở nên sưng lên và đau. Đây được gọi là hội chứng sung huyết vùng chậu. Cơn đau có tăng lên khi bạn ngồi hoặc đứng.
17. Đau do sẹo
Nếu bạn đã từng trải qua các phẫu thuật ở vùng bụng, chậu hoặc thấp hơn, chẳng hạn như mổ ruột thừa, hoặc phẫu thuật do nhiễm trùng ở khu vực này, bạn có thể bị đau liên tục từ mô sẹo. Nhiều trường hợp là do dính ở bụng gây đau. Những cơn đau do sẹo thường gần thời điểm bạn vừa trải qua một đợt phẫu thuật nào đó ở ổ bụng, nếu không phải bạn vừa phẫu thuật ổ bụng, cần nói điều này cho bác sĩ biết để tìm nguyên nhân chính xác gây bệnh và điều trị hiệu quả.

18. Đau khi quan hệ tình dục
Đau khi quan hệ tình dục có thể do nhiều nguyên nhân, điển hình nhất là do nhiễm trùng âm đạo, thiếu chất dịch tiết (khô âm đạo), hoặc nhiều chứng đaumà ngày nay y học vẫn chưa rõ nguyên nhân. Đau khi quan hệ tình dục là một chứng đau khó nói ra, khi gặp phải triệu chứng đó, bạn cần đến ngay bác sĩ sản  phụ khoa để tìm đúng nguyên nhân. Có rất nhiều loại bệnh tật khiến phụ nữ bị đau khi quan hệ tình dục. Nặng thì có thể còn xuất huyết khi quan hệ.


19. Đau vùng chậu mạn tính
Đau vùng chậu xảy ra bên dưới rốn và kéo dài ít nhất 6 tháng thường được chẩn đoán là chứng đau vùng chậu mạn tính, nhiều khi nó ảnh hưởng cả tới cuộc sống và giấc ngủ của bạn. Đối với những trường hợp này, cách tốt nhất là tìm đến một bác sĩ chuyên khoa.
Hải Yến

(Theo WebMD)