Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Thoái hóa khớp ngày càng trẻ hóa

 Thoái hóa khớp hiện nay không chỉ dừng lại ở đối tượng người cao tuổi mà dần dần có xu hướng trẻ hóa, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thoái hóa khớp là hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa 2 đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhày giúp bôi trơn trong khớp. Sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô.

Nguyên nhân khiến thoái hóa khớp ngày càng trẻ hóa

Thoái hóa khớp trước 45 tuổi, cái tuổi còn gọi là trẻ, không phải do độ tuổi mà thường là do bị chấn thương hoặc nghề nghiệp hoặc mắc các bệnh lý về khớp trước đây. Loại thoái hóa này thường gặp sau khi bị tai nạn giao thông, té ngã trong sinh hoạt hoặc tập thể dục bị ngã, chấn thương, sau khi lành thì để lại di chứng. Bên cạnh đó, nguyên do mắc các bệnh lý về khớp như gút, viêm khớp, nhiễm trùng, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,... nếu không được chẩn đoán sớm và không được điều trị tích cực, hiệu quả cũng để lại di chứng thoái hóa khớp, dính khớp.

Sự bất thường hình dáng, trục khớp cũng là nguyên nhân gây thoái hoá khớp sớm. Các dị tật cấu trúc, bẩm sinh hay mắc phải như chân vòng kiềng (do còi xương), chân chữ bát, bệnh khớp sau chấn thương, viêm, u... thường góp phần gây thoái khớp gối do một phần nhỏ diện khớp lại phải hứng lực hầu hết tải trọng lên khớp.

Một nguyên nhân nữa có thể gặp là do hoạt động nghề nghiệp, ví dụ người làm việc sử dụng cổ tay, bàn tay, ngón tay liên tục trong thời gian dài, người làm văn phòng ngồi lâu ở một chỗ ít hoạt động cột sống cổ, thắt lưng dẫn đến thoái hóa nghề nghiệp do ít vận động. Đối với nhóm thoái hóa khớp trung niên từ 45-65 tuổi thường bị thoái hóa khớp chuyển hóa do các nguyên nhân: thứ nhất là béo phì, vì khi bị béo phì sẽ tăng tải trọng lên cơ thể mà nơi nguy hại nhất là khớp gối; thứ hai là do một số bệnh rối loạn chuyển hoá như tăng mỡ máu, tăng đường máu, tăng huyết áp, tăng axit uric máu.

Giày cao gót cũng là thủ phạm gây thoái hoá khớp sớm. Giày cao làm lệch trọng tâm, chân đế bị thu nhỏ làm cho cơ thể phải “uốn lượn” như khi làm xiếc đi trên dây, gây căng thẳng cho các gân cơ và dây chằng.

Các khớp dễ bị tổn thương.

Các khớp dễ bị tổn thương.

Biểu hiện thế nào?

Các triệu chứng của thoái hóa khớp khá đa dạng và có thể nặng dần theo thời gian nếu như không được điều trị kịp thời. Trong giai đoạn đầu khi mới hình thành bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng đau ở các khớp với mức độ nhẹ. Cơn đau thường xuất hiện trong quá trình lao động quá sức hoặc rèn luyện thể lực hay tập thể dục, triệu chứng này sẽ được cải thiện khi người bệnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu như không có tác động bởi các phương pháp điều trị thì bệnh sẽ ngày càng tiến triển, dẫn đến mức độ đau ở các khớp nặng hơn, lâu dần làm cho các khớp kém linh hoạt, đau dai dẳng và kéo dài ngay cả khi không vận động. Cơn đau có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả khi bạn đang ngủ vào ban đêm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp phải triệu chứng cứng khớp, đau khớp khi co duỗi hoặc khi hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể nghe thấy tiếng lạo xạo khi đang vận động do sụn khớp bị tổn thương khiến cho 2 đầu xương va chạm với nhau.

Ngoài ra, căn bệnh này cũng được biểu hiện bởi một số triệu chứng khác như sưng nóng ở các khớp, người bệnh khó vận động khi thực hiện các động tác cúi người, gập người, đi lại khó khăn, biến dạng hoặc lệch trục khớp,…

Lời khuyên của bác sĩ

Việc dự phòng thoái hoá khớp cần phải bắt đầu ngay từ những năm tháng đầu đời. Cần phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng, giàu canxi và vitamin D cho trẻ để phòng tránh còi xương. Các bậc phụ huynh cũng không nên sốt ruột, bắt trẻ em phải đi, chạy sớm hay mang vác, lao động nặng. Những người béo phì phải cố gắng giảm trọng lượng của mình.

Cách phòng bệnh tốt nhất là cần thực hiện các chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh cho khớp bị quá tải bởi trọng lượng và vận động bằng cách duy trì cân nặng hợp lý, tránh các tư thế: đứng lâu, ngồi vẹo lệch, không cân đối. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, không nên tập vận động quá mạnh hoặc quá lâu. Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng. Về tập luyện, cần đi bộ hoặc đạp xe đạp tại chỗ. Tránh bất động ảnh hưởng đến tinh thần cũng như chức năng vận động của khớp. Ngoài  ra có thể áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu mát xa, sử dụng nhiệt lượng. Khi bệnh nhân gặp khó khăn khi đi lại có thể dùng các dụng cụ hỗ trợ như can, gậy, khung chống, thanh nẹp.

Với người cao tuổi, tốt nhất nên tập thể dục nhẹ nhàng, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe, đi bộ nhẹ nhàng trong khoảng thời gian 20 - 30 phút/ngày. Thực phẩm ăn uống nên đa dạng, giàu protein, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi như trứng, sữa, tôm, cua, lươn, các loại quả chín và rau có màu xanh đậm hoặc màu vàng...

Khi có những dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để khám và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp. Đối với bệnh nhẹ đôi khi chỉ cần phương pháp vật lý trị liệu, còn bệnh nặng có thể phải sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau theo chỉ định.

Tuyệt đối bệnh nhân không nên không tự ý sử dụng các thuốc giảm đau vì thuốc giảm đau có thể cắt cơn đau tức thì nhưng thực tế lại không chữa được bệnh, mà khiến bệnh tiến triển ngày càng thêm trầm trọng hơn.        

BS. Hoàng Lan

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Bí quyết giúp bệnh nhân hen kiểm soát tốt bệnh trong dịch COVID-19

 SARS-CoV-2 là virus gây bệnh đường hô hấp, do vậy trong mùa dịch COVID-19 thì bệnh nhân hen có nguy cơ hơn những đối tượng khác.

Mặc dù chưa có các bằng chứng cụ thể cho thấy hen thật sự là yếu tố nguy cơ dễ lây nhiễm  COVID-19 hay bệnh hen sẽ tiến triển nặng khi nhiễm SARS-CoV2. Tuy nhiên, bệnh nhân hen nhất là hen nặng, đứng trước nguy cơ dễ nhiễm SARS-CoV-2 hơn và dễ có biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao trong thời kỳ dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp như hiện nay.

Giải thích điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng nếu bệnh nhân hen suyễn bị nhiễm SARS-CoV-2 thì bệnh càng dễ trở nên nghiêm trọng, nguy kịch hơn do suy hô hấp bởi tổn thương phổi vì SARS-CoV-2 và do co thắt phế quản, tăng bài tiết bởi bệnh hen.

Vậy bệnh nhân hen cần làm gì, dưới đây là những bí quyết giúp người bệnh có thể tham khảo nhằm kiểm soát tốt bệnh của mình cũng như phòng tránh lây nhiễm COVID-19.

Theo các nhà nghiên cứu, các dấu hiệu nhiễm COVID-19 đều giống và có thể gây nhầm lẫn với việc bị hen dị ứng như hắt hơi, sổ mũi, mắt đỏ và mệt mỏi. Đây thực sự là vấn đề đáng quan ngại bởi nhiều người mắc  hen trong đó hen dị ứng với các chất gây như bụi, côn trùng, vật nuôi, nấm mốc và phấn hoa sẽ kích hoạt bệnh hen trầm trọng hơn.

Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo những người bị hen suyễn có thể có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 thể nặng, do bệnh có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp (ví dụ: mũi, họng, và phổi) và làm khởi phát một cơn hen. COVID-19 cũng có thể dẫn đến viêm phổi hay bệnh hô hấp cấp tính và tình trạng bệnh có thể nghiêm trọng hơn ở những người bị hen suyễn.

5 nguyên tắc cần nhớ

Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện triệu chứng hen và bảo vệ sức khỏe của bản thân, người bệnh hen cần nhớ thuộc lòng bước xử trí đơn giản như sau:

1.Thực hiện nghiêm túc chỉ định của thầy thuốc, sử dụng các thuốc kiểm soát hen hàng ngày như đã được chỉ định. Điều này sẽ giúp bệnh nhân tránh nguy cơ lên cơn hen kịch phát do mọi virus hô hấp, trong đó có virus SARS-CoV-2.

2. Người bệnh cần theo dõi sát các triệu chứng hen của mình và thực hiện theo các điều ghi nhớ vì nó sẽ giúp  nhận biết và xử trí các triệu chứng cơn hen, và nhận biết được khi nào cần phải tham vấn ý kiến bác sĩ hay đi khám cấp cứu khi cần.    

3. Người bệnh hen luôn mang theo bên mình dù bất cứ lúc nào cũng phải có thuốc cắt cơn hen để sử dụng khi có triệu chứng cơn hen.

4. Người bệnh cũng cần phải mang theo số điện thoại để ở trong túi áo và luôn nhớ đến số điện thoại tư vấn của bác sĩ điều trị hen hay số điện thoại của người thân gần nhất khi cần có thể giúp đỡ được. 

5. Điều cuối cùng cần phải biết tự chăm sóc chính mình. Cần nghỉ ngơi đầy đủ, uống đủ nước và có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chú ý đến thức ăn gây di ứng.  

Hình ảnh phế quản người bị hen suyễn.

Ngoài ra người bệnh cũng cần thực hiện để giảm thiểu nguy cơ nhiễm và phát tán COVID-19 bằng cách rửa tay thường xuyên, đúng cách với xà phòng.

Mang khẩu trang theo đúng khuyến cáo. Sử dụng khăn giấy hay cánh tay để che mũi miệng khi ho, hắt hơi, không che bằng bàn tay.Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Lau, tẩy trùng các vật dụng và bề mặt thường xuyên đụng chạm: đồ chơi, điện thoại, nắm cửa.

Cần ở nhà nếu người không khỏe và nếu có bệnh cho đến khi không còn triệu chứng nữa. Hạn chế không tiếp xúc gần gũi với người khác có vẻ không khỏe mạnh. Luôn cập nhật thông tin chính xác, chính thống về COVID-19 từ Bộ Y tế, chính quyền địa phương, ngành y tế địa phương, Chính phủ...

Về vấn đề tái khám hen định kỳ, hiện nhiều địa phương trong thời kỳ dịch COVID-19 phức tạp nên người bệnh cần hoãn các tái khám định kỳ.

Trường hợp hoãn tái khám được áp dụng với các bệnh nhân hen mức độ nặng mà hen kiểm soát tốt trong 5-12 tháng qua, bệnh nhân hen nhẹ và mức trung bình. 

Bệnh nhân hen cần thiết sử dụng hình thức tư vấn sức khỏe từ xa bằng cách sử dụng điện thoại, sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông mình nhằm  đảm bảo bệnh nhân được tiếp tục chăm sóc tại nhà ngay trong điều kiện cách ly, giãn cách xã hội, hạn chế đến bệnh viện hay các cơ sở y tế  khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

 

 

Ths. Phạm Bảo Quyên

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Bảo vệ gan khi trời nắng nóng

Trời nắng nóng, mọi người sử dụng nước giải nhiệt nhiều hơn. Nếu uống rượu bia, sử dụng đồ uống công nghiệp để giải nhiệt, ăn thức ăn nhanh... càng làm tăng thêm gánh nặng cho gan.

Vậy để phòng và bảo vệ gan cần có chế độ ăn hợp lý, luyện tập, sinh hoạt khoa học.

Gan được ví như nhà máy hóa chất quan trọng của cơ thể con người giúp chuyển hóa, tổng hợp và loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Tất cả thức ăn, nước uống khi vào cơ thể đều được tổng hợp và thanh lọc qua gan, các chất dinh dưỡng được hấp thụ để nuôi cơ thể, còn các chất độc hại gan lọc được sẽ được bài tiết ra ngoài.

Nguyên nhân gây nóng gan

Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là xảy ra do chức năng hoạt động của các tạng phủ quá yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa; gan và thận suy yếu khiến chức năng thanh lọc không đủ sức giải độc làm chất độc bị tích tụ lại. Những độc tố này tạo môi trường thuận lợi phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng... Ngoài ra, nguyên nhân tiếp theo là tác động từ bên ngoài bao gồm: Sử dụng nhiều loại hóa chất (uống thuốc trong giai đoạn điều trị bệnh). Uống nhiều bia rượu, hút nhiều thuốc lá: Khi sử dụng quá nhiều chất kích thích như bia, rượu sẽ dẫn đến các bệnh lý về gan như: men gan tăng, viêm gan, thận... Ăn uống không điều độ, ăn những thực phẩm quá nhiều năng lượng như thức ăn cay, nóng, chất béo, chất đạm, thực phẩm quá ngọt... Chính năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể. Làm việc trong môi trường ô nhiễm và thời tiết nóng bức...

Đến mùa nóng, hiệu quả làm việc của cơ thể chúng ta giảm. Một trong những yếu tố ảnh hưởng cơ thể là môi trường. Với thời tiết nóng, độ ẩm chênh lệch ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và lá gan nói riêng. Nóng nực cũng làm hệ miễn dịch giảm khiến cơ thể mất nhiều nước. Trong khi đó, nếu chúng ta  ăn nhiều thức ăn cay, nóng, mang tính nhiệt như rượu bia, ớt, hạt tiêu, quế... sẽ tạo gánh nặng cho cơ thể, nhất là gan.

Do vậy, những hoạt động, phản ứng của cơ thể cũng giảm khiến chúng ta ăn không ngon, ngủ không ngon, hoạt động không hiệu quả, và vì thế các cơ quan trong cơ thể cùng “lên tiếng”, đòi hỏi sự bảo vệ. Chính vì thế, mọi người lắp máy lạnh, ăn thực phẩm mát, uống nước mát... giúp cơ thể giải nhiệt. Nhưng giải nhiệt như thế nào mới đúng cách và hiệu quả?

Rau má thanh nhiệt, giải độc tốt cho gan.

Rau má thanh nhiệt, giải độc tốt cho gan.

Cần làm gì?

Mùa nắng nóng, đối diện với những tác nhân không tốt cho sức khỏe, nhiệt độ môi trường thay đổi, hoạt động cơ thể cũng phải thay đổi để phù hợp, làm cơ thể dễ nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường. Do đó, trong mùa nắng nóng cần có chế độ làm việc và dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.

Đối với chế độ làm việc, nếu như không có việc ra đường thì hạn chế, bởi điều này có thể ảnh hưởng cơ thể. Nếu bắt buộc phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần có những biện pháp bảo hộ lao động để hạn chế các tác hại, như khi ra đường nên đội nón, đeo khẩu trang, áo dài tay, găng tay để hạn chế tiếp xúc với nắng nóng. Nếu làm việc trong môi trường máy lạnh, những người có cơ địa dị ứng hay thường xuyên thay đổi môi trường cũng nên lưu ý.

Đối với giải nhiệt cho cơ thể, sự mất nước và phản ứng của cơ thể chậm lại, cho nên phải bù nước và uống đủ nước cho cơ thể, dĩ nhiên tốt nhất là nước lọc bình thường. Tiếp theo, chúng ta phải “lắng nghe cơ thể”. Nếu mệt, chóng mặt, nhức đầu phải kiểm tra dấu hiệu sinh tồn như huyết áp chẳng hạn.

Cần ngủ đủ giấc vì gan cũng như các cơ quan khác trong cơ thể cần thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo. Để bảo vệ sức khỏe cho gan, tuyệt đối không lạm dụng rượu bia, bởi gan là cơ quan bị ảnh hưởng nặng nếu người bệnh thường xuyên uống rượu hay nghiện rượu. Biến chứng nặng nhất mà người bệnh có thể gặp phải là xơ gan hay ung thư gan do rượu.

Ngoài ra, giải nhiệt đơn thuần là bảo vệ cho nó đừng hoạt động quá sức; có thời gian biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; tăng cường sức đề kháng bằng thực phẩm lành mạnh, bổ sung đầy đủ các chất đạm, đường, mỡ, vitamin, khoáng chất, đặc biệt rau xanh và trái cây tươi. Có thể sử dụng các loại rau, thuốc Nam có tác dụng thanh nhiệt, giải độc như rau má, diếp cá, mướp đắng, một số thực phẩm thông dụng dễ kiếm có tác dụng tốt như dưa hấu, nước chanh... hay sắn dây...    

TS. Nguyễn Xuân Thành

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Cảnh giác với biến cố bất lợi nghiêm trọng của kháng sinh nhóm quinolon, fluoroquinolon

 Do có những biến cố bất lợi nghiêm trọng, ngày 24/5/2021, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã có công văn gửi các đơn vị liên quan, cung cấp các thông tin về tính an toàn của kháng sinh nhóm quinolon, fluoroquinolon.

Nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng và ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần

Quinolon

Cảnh giác với bất lợi của nhóm kháng sinh quinolon, fluoroquinolon.

Ngày 10/07/2018, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (US.FDA) thông báo cần tăng cường các cảnh báo về nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng và ảnh hưởng bất lợi lên sức khỏe tâm thần trong thông tin kê đơn của các kháng sinh nhóm fluoroquinolon tác dụng toàn thân sử dụng theo đường uống hoặc tiêm truyền.

Nồng độ đường huyết thấp là nguyên nhân dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng, bao gồm cả hôn mê, đặc biệt ở người cao tuổi và bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị bằng thuốc hoặc insulin. US.FDA yêu cầu thông tin về các tác dụng bất lợi trên cần được thể hiện nội bật hơn trên nhãn thuốc và nội dung cần nhất quán giữa các thuốc trong nhóm.

Quyết định này được đưa ra sau một cuộc rà soát gần đây của US.FDA cho thấy có một loạt báo cáo về hạ đường huyết đe dọa tính mạng, trong đó, một số trường hợp có thêm cả tác dụng bất lợi trên tâm thần khi sử dụng các kháng sinh fluoroquinolon. Trên thế giới, nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần cũng đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA) cảnh báo.

Nguy cơ tác dụng bất lợi nghiêm trọng, gây tàn tật và không hồi phục

Ngày 15/11/2018, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) thông báo kết thúc cuộc rà soát về tác dụng bất lợi nghiêm trọng, gây tàn tật và không hồi phục liên quan đến việc sử dụng kháng sinh quinolon và fluoroquinolon tác dụng toàn thân theo đường uống, tiêm truyền hoặc dạng hít.

EMA kết luận ngừng giấy phép lưu hành các kháng sinh quinolon bao gồm cinoxacin, flumequin, acid nalidixic và acid pipemidic do các kháng sinh này chỉ được phê duyệt chỉ định điều trị một số ít loại nhiễm khuẩn mà hiện không còn sử dụng. Với các kháng sinh fluoroquinolon, EMA khẳng định việc sử dụng cũng nên được giới hạn. Theo đó, không sử dụng kháng sinh fluoroquinolon trong các trường hợp:

-Điều trị nhiễm khuẩn có thể cải thiện mà không cần điều trị hoặc các nhiễm khuẩn không nghiêm trọng;

- Điều trị các nhiễm trùng không do vi khuẩn như viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn (mạn tính);

-Dự phòng tiêu chảy khi đi du lịch hoặc nhiễm khuẩn đường niệu dưới tái phát;

-Điều trị các nhiễm khuẩn từ nhẹ đến trung bình nặng trừ khi các kháng sinh được khuyến cáo phổ biến khác không sử dụng được.    

Đặc biệt lưu ý tránh sử dụng các kháng sinh fluoroquinolon ở bệnh nhân có tiền sử gặp tác dụng bất lợi nghiêm trọng với fluoroquinolon hoặc quinolon. Đặc biệt thận trọng khi sử dụng kháng sinh này ở người cao tuổi, bệnh nhân có bệnh thận, bệnh nhân đã ghép tạng hoặc người được điều trị bằng corticosteroid do các bệnh nhân này có nguy cơ cao bị tổn thương gân. Khuyến cáo của Hội đồng Thuốc sử dụng cho người của EMA (CHMP) đã được gửi đến Ủy ban Châu Âu và Ủy ban Châu Âu đã có quyết định pháp lý cuối cùng áp dụng trên toàn Châu Âu vào tháng 3/2019.

tac dung phu cua thuoc

Người bệnh cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc trong quá trình sử dụng.

Trước đó, để giảm thiểu nguy cơ xảy ra phản ứng có hại nghiêm trọng có khả năng không hồi phục và gây tàn tật liên quan đến gân, cơ, xương và thần kinh trung ương do sử dụng các kháng sinh nhóm fluoroquinolon, US.FDA đã thông báo giới hạn sử dụng các thuốc này trong điều trị viêm xoang, viêm phế quản và nhiễm khuẩn đường niệu không phức tạp. Tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược cũng đã có Công văn số 5748/QLD-ĐK ngày 27/4/2016 yêu cầu cập nhật thông tin dược lý đối với thuốc chứa kháng sinh fluoroquinolon theo khuyến cáo của US.FDA

Nguy cơ đứt hoặc rách động mạch chủ

 Ngày 20/12/2018, US.FDA cảnh báo tăng nguy cơ đứt hoặc rách động mạch chủ ở bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh fluoroquinolon tác dụng toàn thân sử dụng theo đường uống hoặc tiêm truyền. US.FDA đã rà soát các báo cáo biến cố bất lợi và 4 nghiên cứu quan sát được công bố chỉ ra nguy cơ phình động mạch chủ và tách thành động mạch chủ tăng liên quan đến việc sử dụng fluoroquinolon.

Nguy cơ nền biến cố phình động mạch chủ được ước tính dao động từ 9 biến cố/100.000 người/năm trong quần thể chung và đến 300 biến cố/100.000 người/năm ở quần thể có nguy cơ cao nhất. Động mạch chủ bị rách hay còn gọi là tách thành động mạch chủ, hoặc đứt phình động mạch chủ có thể dẫn tới xuất huyết nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Do nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ nguy cơ đứt và rách thành động mạch chủ tăng trên 2 lần ở những người sử dụng fluoroquinolon, US.FDA xác định vấn đề này cần cảnh báo cho cán bộ y tế và bệnh nhân. Theo đó, không nên sử dụng các kháng sinh fluoroquinolon ở bệnh nhân có nguy cơ cao gặp biến cố bất lợi trên trừ khi không có biện pháp điều trị thay thế.

Các bệnh nhân có nguy cơ cao gặp biến cố này bao gồm: tắc nghẽn hoặc phình động mạch chủ hoặc các mạch máu khác, tăng huyết áp, các rối loạn gen liên quan đến thay đổi mạch máu và người cao tuổi. US.FDA yêu cầu bổ sung cảnh báo về nguy cơ trên vào thông tin sản phẩm và hướng dẫn cho bệnh nhân của tất cả các kháng sinh fluoroquinolon tác dụng toàn thân. Trên thế giới, nguy cơ đứt hoặc rách động mạch chủ cũng đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA) và Singapore (HSA) cảnh báo.

 Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị thực hiện các nội dung như sau:

Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế:

-  Thông báo cho các cán bộ y tế tại cơ sở của mình các thông tin liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của kháng sinh nhóm quinolon và fluoroquinolon nêu trên.

- Tăng cường theo dõi, phát hiện, xử trí các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của các thuốc nêu trên (nếu có) và gửi báo cáo phản ứng có hại của thuốc về: Trung tâm quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (13- 15 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoặc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc TP. Hồ Chí Minh (201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh) theo mẫu báo cáo phản ứng có hại của thuốc được ban hành kèm theo Thông tư số 23/2011/TT-BYT ngày 10/06/2011.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Thông báo cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn các thông tin liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của kháng sinh nhóm quinolon và fluoroquinolon nêu trên.

- Hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường theo dõi, phát hiện, xử trí các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của các thuốc nêu trên (nếu có) và gửi báo cáo phản ứng có hại tới các cơ quan liên quan.

Thu Hương

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Viêm màng não mủ ở trẻ - Bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa

Viêm màng não mủ (VMNM) là tình trạng các màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương bị vi khuẩn tấn công gây viêm và sinh mủ.

Các vi khuẩn gây bệnh xuất hiện trong khoang dịch não tủy, làm tổn thương hệ thần kinh, gây ra những ảnh hưởng nặng nề về vận động và nhận thức.

Viêm màng não mủ là bệnh liên quan đến nhiễm trùng của màng bảo vệ bao gồm não và tủy sống, do sự xâm lấn của vi khuẩn vào máu, sau đó xâm nhập và tăng sinh trong màng não rồi gây bệnh. Vi khuẩn gây viêm màng não có nhiều loại như: Haemophilus influenzae type b (Hib), phế cầu khuẩn, não mô cầu, tụ cầu khuẩn và các loại vi khuẩn gram âm. Trong đó, Hib là loại vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ, thường gặp nhất ở các trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi.

Hib là vi khuẩn thường được tìm thấy trong mũi họng ở trẻ nhỏ, lây qua đường hô hấp, dễ lây lan thành ổ dịch lớn, đặc biệt là ở các nước chưa tiêm chủng ngừa Hib. Đáng lưu ý, khi chưa có vắc-xin phòng ngừa, vi khuẩn HIB gây viêm phổi nặng ở ¼ trẻ và gần ½ số trường hợp viêm màng não.

Vi khuẩn Hib là nguyên nhân chủ yếu gây ra 2 bệnh nghiêm trọng là viêm phổi và VMNM ở trẻ nhỏ.

Biểu hiện lâm sàng VMNM ở trẻ.

Biểu hiện lâm sàng VMNM ở trẻ.

Bệnh nguy hiểm thế nào?

VMNM là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, có thể xuất hiện quanh năm, dẫn đến những hậu quả nặng nề cho trẻ, bệnh gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời. Trẻ mắc viêm màng não nếu không được phát hiện, điều trị đúng cách sẽ gặp phải các di chứng thần kinh vĩnh viễn như: tổn thương não; tràn dịch dưới màng cứng (tích tụ chất lỏng giữa hộp sọ và não); não úng thủy (tích tụ chất lỏng bên trong hộp sọ dẫn đến sưng não); mất thính lực, câm; liệt tay chân; lác mắt; động kinh; sa sút trí tuệ, mất khả năng học tập...

Nghiêm trọng hơn, bệnh có thể gây tử vong do suy hô hấp nặng, phù não; các biến chứng nhiễm khuẩn nặng ở não, viêm phổi, viêm thận nặng, trạng thái mất não,... Tỷ lệ tử vong của viêm màng não do Hib là 15 - 20%, cao hơn ở trẻ nhỏ (trẻ dưới 2 tháng) và ở những người bị suy giảm miễn dịch. Chỉ có khoảng 45% trẻ em phục hồi mà không để lại di chứng, 15-25% còn lại bị suy yếu thần kinh nhẹ, 20-40% bị suy yếu thần kinh nghiêm trọng và 10% gặp phải các di chứng thần kinh tàn phế nặng. Những biến chứng lâu dài khác mà trẻ gặp phải bao gồm động kinh, liệt nửa người và giảm thính lực.

Một điều đáng báo động là dù căn bệnh này rất nguy hiểm nhưng tỷ lệ trẻ được phát hiện và nhập viện điều trị viêm màng não do Hib thường ở tình trạng đã nặng.

Rất dễ nhầm với các bệnh nhiễm trùng khác

Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân bị viêm màng não (VMN) nói chung thường phối hợp các triệu chứng sốt, kích thích và/hoặc li bì, ở bệnh nhi trên 18 tháng thường có thêm dấu hiệu cổ cứng. Trẻ dưới 3 tháng tuổi dấu hiệu lâm sàng thường kín đáo hơn. Dấu hiệu lâm sàng của VMNM và VMN không gây mủ (chủ yếu do virus) thường giống nhau, tuy nhiên trong VMNM dấu hiệu lâm sàng thường nặng hơn và bệnh VMN do virus lại thường xảy ra theo mùa.

Có thể thấy biểu hiện lâm sàng VMNM ở trẻ em trên 18 tháng tuổi như sau: sốt, hội chứng nhiễm khuẩn: thường sốt cao đột ngột, có kèm theo long đường hô hấp trên, quấy khóc hoặc li bì, mệt mỏi, ăn kém, da tái xanh; hội chứng màng não: các dấu hiệu cơ năng: nôn tự nhiên và buồn nôn, đau đầu (ở trẻ nhỏ thường quấy khóc hoặc khóc thét từng cơn), táo bón (ở trẻ nhỏ thường gặp tiêu chảy), có thể có biểu hiện sợ ánh sáng, nằm tư thế cò súng. Các dấu hiệu thực thể: gáy cứng (ở trẻ nhỏ có thể gặp dấu hiệu cổ mềm), dấu hiệu Kernig, Brudzinsky, vạch màng não... dương tính. Trẻ nhỏ còn thóp thường có dấu hiệu thóp trước phồng hoặc căng, li bì, mắt nhìn vô cảm; các biểu hiện khác: co giật, liệt khu trú, rối loạn tri giác - hôn mê, ban xuất huyết hoại tử hình sao (gặp trong nhiễm não mô cầu). Các dấu hiệu của sốc nhiễm khuẩn.

Riêng ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi: bệnh thường xảy ra trên trẻ đẻ non, nhiễm khuẩn ối, ngạt sau đẻ. Hội chứng nhiễm khuẩn thường không rõ rệt, có thể không sốt, thậm chí còn hạ thân nhiệt; hội chứng màng não cũng không đầy đủ hoặc kín đáo. Trẻ thường bỏ bú, nôn trớ, thở rên, thở không đều hoặc có cơn ngừng thở, thóp phồng hoặc căng nhẹ, bụng trướng, tiêu chảy, giảm trương lực cơ, mất các phản xạ sinh lý của trẻ sơ sinh và có thể co giật.

Lưu ý, dấu hiệu VMNM ở trẻ sơ sinh ban đầu thường không rõ ràng và rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác. Khi trẻ có một số triệu chứng như: chán ăn, bú kém; quấy khóc, dỗ không nín, đôi khi khóc thét lên; da bị vàng hoặc xanh tái, nhợt nhạt,... Bố mẹ cần lưu ý nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.  

Phòng ngừa VMNM ở trẻ: bằng cách: phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh nhiễm trùng tai - mũi - họng ở trẻ nhỏ; giữ gìn vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nơi ở thoáng mát, sạch sẽ; Vệ sinh tai - mũi - họng hằng ngày; tiêm phòng vắc-xin viêm màng não mủ. Hiện nay ở Việt Nam đã có vắc-xin viêm màng não mủ do não mô cầu, phế cầu khuẩn và Haemophilus influenzae type b.        

BS. Văn Bàng

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Co giật mí mắt, cảnh báo các bệnh về mắt

 Co giật mí mắt thường xảy ra rất nhanh vài giây hoặc một đến hai phút. Co giật mí mắt thường không gây đau đớn và không gây hại, nhưng có thể gây phiền nhiễu tới cuộc sống.

Đa số các cơn co giật thường sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Trong những trường hợp hiếm gặp, co giật mí mắt có thể là một dấu hiệu sớm của một rối loạn vận động mạn tính.

Đi tìm căn nguyên

Tinh thần bị căng thẳng, mệt mỏi: Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng mắt co giật có thể là do tinh thần của bạn đang bị quá căng thẳng và mệt mỏi. Các cơ quanh mắt rất nhạy cảm và mắt của chúng ta cần phải nghỉ ngơi hàng ngày.

Chế độ ăn uống: Các hóa chất kích thích hệ thần kinh như caffeine và rượu là một nguyên nhân lớn gây co giật mí mắt. Trong cafe chứa chất caffein khiến nhịp tim bị tăng, kích thích quá trình trao đổi chất và hoạt động của các các cơ, bao gồm cả cơ mắt. Ngoài ra, cơ thể bạn thiếu chất magie hay vitamin B12 cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng mắt bị co giật.

Khối u ở mắt: Khối u mọc ở mắt cũng có thể là một nguyên nhân khiến mắt bạn co giật. Đây là bệnh nguy hiểm có thể khiến mắt bị hỏng vĩnh viễn. Tuy xác suất xảy ra thấp nhưng bạn không nên coi thường. Hãy đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nhiễm trùng ở mắt: Hiện tượng mắt co giật có thể là do bệnh nhiễm trùng ở mắt như viêm mí mắt. Vi khuẩn xâm nhập mí mắt đa phần do môi trường bụi bẩn bên ngoài đã khiến cho mắt bị sưng viêm và đỏ.

Cơ thể bị dị ứng thời tiết: Biểu hiện của dị ứng thời tiết là cảm thấy ngột ngạt, khó thở, ngứa mũi... phần nhỏ trong đó bao gồm cả ngứa và co giật mí mắt.

Thiếu ngủ trầm trọng: Tình trạng thiếu ngủ thường xuyên cũng có thể phản ứng qua hiện tượng co giật mí mắt.

Các loại nhiễm trùng ở mắt là một trong những nguyên nhân gây co giật mí mắt.

Các loại nhiễm trùng ở mắt là một trong những nguyên nhân gây co giật mí mắt. 

Bệnh có nguy hiểm không?

Co giật mí mắt sẽ không gây đau và không gây nguy hiểm tính mạng. Đa số các cơn co giật thường đến rất nhanh trong khoảng vài giây rồi sẽ tự biến mất mà không cần phải điều trị.

Trong trường hợp hiếm gặp, co giật mí mắt có thể là triệu chứng rối loạn thần kinh như bệnh Parkinson, tê liệt thần kinh mặt, co giật nửa mặt... Loạn trương lực cơ, gây co thắt cơ không tự chủ và ảnh hưởng đến một phần cơ thể bị xoay hoặc biến dạng; đa xơ cứng, một bệnh của hệ thần kinh trung ương gây ra các vấn đề về nhận thức và vận động, cũng như mệt mỏi;  Hội chứng Tourette.

Đặc biệt nếu là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng hơn thì tình trạng co giật mắt sẽ đi kèm với việc co giật các bộ phận khác trên mặt.

Cần đi khám bác sĩ chuyên khoa khi thấy dấu hiệu bệnh.

Cần đi khám bác sĩ chuyên khoa khi thấy dấu hiệu bệnh.

Điều trị co giật mí mắt

Đa số các tình trạng co giật mí mắt sẽ biến mất mà không cần điều trị. Nếu tình trạng này không tự biến mất, có thể cố gắng loại trừ hoặc làm giảm các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân phổ biến nhất của co giật mí mắt là do căng thẳng, mệt mỏi và sử dụng caffein. Để làm giảm co giật mí mắt, bạn có thể thử những cách sau: uống ít caffein hơn; ngủ đủ giấc; giữ bề mặt và niêm mạc mắt luôn ẩm bằng các loại nước mắt nhân tạo không cần kê đơn hoặc thuốc nhỏ mắt; chườm ấm lên mắt khi bị co giật mí mắt.

Tiêm botox đôi khi cũng được sử dụng để điều trị co giật mí mắt lành tính. Botox có thể làm giảm những cơn co giật mạnh trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, khi tác dụng của botox giảm đi, bạn sẽ cần phải tiêm bổ sung thêm.

Phẫu thuật loại bỏ một vài cơ và dây thần kinh ở mí mắt cũng có thể được áp dụng để điều trị các trường hợp co giật mí mắt nghiêm trọng hơn. Vật lý trị liệu cũng có thể hữu ích trong việc tập thư giãn cho các cơ mặt.       

Nếu bị co giật mí mắt trong thời gian dài và có thêm các dấu hiệu dưới đây, cần đến gặp bác sĩ ngay: mắt sưng đỏ bất thường; mí mắt trên rủ xuống; mí mắt bị đóng sập, ảnh hưởng đến tầm nhìn; mí mắt bị co giật trong vài tuần; co giật mí mắt kèm theo các co giật các bộ phận khác trên mặt.

Nếu nhận thấy tình trạng co giật kéo dài trong thời gian dài cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ nhãn khoa để thăm khám và điều trị kịp thời

 

BS. Minh Châu

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Bù nước đúng cách khi bị tiêu chảy

Ngày hè nóng nực, điều kiện vệ sinh không đảm bảo sẽ dẫn đến các bệnh về tiêu hóa mà điển hình là tiêu chảy. Khi bị tiêu chảy, việc đi ngoài liên tục sẽ khiến cơ thể sẽ mất đi một lượng lớn nước và các chất điện giải cần thiết, do đó, điều quan trọng nhất khi bị tiêu chảy là bạn phải bù nước đúng và đủ cho cơ thể.

Bù nước đúng cách sẽ giúp cơ thể nhanh chóng được bù đắp lượng nước và các chất điện giải đã mất, giúp phục hồi nhanh chóng sức khỏe và thể trạng.

Không bù nước bằng nước ép trái cây, nước ngọt

Những ngày nóng nực, chúng ta cũng thường uống nhiều các loại nước giải khát dọc đường, nước đá hoặc quá trình chứa đựng, sử dụng không hợp vệ sinh… Đây đều là những điều kiện dễ dẫn đến nhiễm khuẩn gây tiêu chảy. Đối với trẻ em, tiêu chảy trong một số trường hợp còn kèm theo nôn mửa sẽ làm cho bệnh nhân trụy tim mạch nhanh, dẫn đến suy thận, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Rất nhiều người cho rằng đã tiêu chảy mà còn uống nhiều nước sẽ càng đi tiêu lỏng nhiều hơn. Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm và rất nguy hiểm nếu bệnh nhân là trẻ em. Lý do là trong lúc tiêu chảy, cơ thể mất nước và mất điện giải cho nên điều cần thiết nhất là phải tìm cách bù nước ngay trước khi đưa đi bệnh viện.

Nước để bù tốt nhất là dung dịch orezon được pha đúng liều lượng hướng dẫn. Dung dịch orezon được bán rất nhiều ở các nhà thuốc. Khi đang bị tiêu chảy, “ăn ít uống nhiều” là đúng nhưng không bù nước bằng việc uống nước ép trái cây và nước ngọt.



Không ăn kiêng quá mức

Khi tiêu chảy, nhiều người chỉ ăn cơm với muối trắng, cháo muối hay cháo đường khiến cơ thể nhanh chóng suy dinh dưỡng, giảm khả năng lành bệnh và chống đỡ sự tấn công của những loại vi khuẩn khác.

Bệnh nhân tiêu chảy vẫn cần ăn đủ chất và năng lượng. Đạm, kẽm, vitamin... từ thịt, cá, trứng, đậu sẽ giúp niêm mạc ruột mau hồi phục. Trẻ đang bú mẹ cần tiếp tục bú vì sữa mẹ cung cấp nước, điện giải, chất dinh dưỡng cùng những yếu tố chống bệnh; vẫn tiếp tục ăn và uống sữa bình thường, không pha loãng nhưng nên chia nhỏ bữa ăn.

Thực phẩm cần tránh là những loại nhiều chất xơ (rau, củ, đậu, bắp cải, giá), trái cây có bột (lê, đào, mận…), thực phẩm chứa nhiều đường đơn giản (nước ngọt, nước trái cây, mật ong, kẹo bánh ngọt...).

Ăn sữa chua làm giảm thời gian và độ nặng của đợt tiêu chảy, do quá trình lên men đã chuyển phần lớn đường lactose (loại đường khó hấp thu) trong sữa bò sang một dạng dễ hấp thu hơn. Ngoài ra, một số chủng vi khuẩn trong sữa chua có khả năng ức chế sự phát triển và gây bệnh của các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa, tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Để phòng chống bệnh tiêu chảy cấp, cần thực hiện tốt việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; ăn chín uống sôi; không ăn rau sống, uống nước lã và các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, gỏi, tiết canh, nem chua; nguồn nước ăn uống phải được giữ sạch sẽ.

 

BS Văn Bàng 

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Những dấu hiệu cảnh báo khớp gối của bạn không khỏe

 BSCKII. Lê Việt – Trưởng Khoa Ngoại chấn thương, BVĐK Nông Nghiệp (Hà Nội) chỉ rõ các dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn cần quan tâm đến vấn đề sức khỏe của khớp gối.

Theo BS. Việt, các dấu hiệu dưới đây cần được lưu ý và cân nhắc việc phẫu thuật khớp gối hay không theo tư vấn của bác sĩ gồm:

Cơn đau của bạn kéo dài hoặc tái phát theo thời gian.

Đau đầu gối của bạn trong và sau khi tập thể dục.

Bạn không vận động gối được như bạn mong muốn.

Việc sử dụng thuốc và nạng trợ đỡ không đem lại hiệu quả giảm đau cho gối của bạn.

Đầu gối của bạn cứng lên khi ngồi trong xe hơi hoặc rạp chiếu phim.

Bạn cảm thấy đau trong thời tiết mưa.

Cơn đau khiến bạn không ngủ được.

Bạn cảm thấy giảm chuyển động đầu gối hoặc mức độ mà bạn có thể gập đầu gối giảm.

Đầu gối của bạn bị cứng hoặc sưng.

Bạn gặp khó khăn khi đi bộ hoặc leo cầu thang.

Bạn gặp khó khăn trong việc ra vào ghế và bồn tắm.

Bạn gặp phải tình trạng cứng khớp buổi sáng thường kéo dài dưới 30 phút (trái ngược với tình trạng cứng kéo dài hơn 45 phút, một dấu hiệu của tình trạng viêm được gọi là viêm khớp dạng thấp).

Bạn cảm thấy rất khó chịu với gối của bạn.

Bạn đã bị chấn thương trước đó với dây chằng chéo trước (ACL) ở đầu gối của bạn.


BS. Việt cũng cho hay, hiện nay các bệnh về khớp gối khá phổ biến, bệnh nhân nhập viện nhiều. Các bác sĩ vừa tiến hành thay khớp gối thành công cho bệnh nhân Nguyễn Q, sinh năm 1970, ở Thanh Trì, Hà Nội. Bệnh nhân bị đau khớp gối phải nhiều năm và có tiền sử chấn thương gãy đầu dưới xương đùi năm 1986.

Ngày 05/05/2021 vào Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, thăm khám cho thấy bệnh nhân có biến dạng khớp gối phải, tầm vận động khớp gối phải giảm, hạn chế gập gối, trên hình ảnh Xquang cho thấy thoái hóa khớp gối phải nặng.

Sau khi được các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối phải độ IV. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay khớp gối. Ca phẫu thuật thay khớp gối đã thành công, hiện tại bệnh nhân ổn định, vết mổ khô.

Theo các bác sĩ, phẫu thuật thay khớp gối có thể là một lựa chọn khi các phương pháp không can thiệp như dùng thuốc, vật lý trị liệu và sử dụng nạng trợ đỡ hoặc các phương tiện đi bộ khác không còn giúp giảm đau. 

Việt Ny