Bệnh tay chân miệng (TCM) nếu không được điều trị kịp thời có thể gây một số như biến chứng thần kinh (viêm não - viêm màng não), tim mạch (viêm cơ tim), hô hấp (phù phổi cấp… Vì vậy, cần có kế hoạch ngừa bệnh này.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể nhưng tổn thương điển hình nhất là các nốt phỏng xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc miệng, vì vậy, được gọi là bệnh TCM. Lúc đầu, trẻ sốt nhẹ (khoảng 38,3 độ C) và kéo dài 2-3 ngày, kèm theo ho, đau họng, bứt rứt, biếng ăn (khoảng 80% trẻ biếng ăn và đau họng). Sau 12-36 giờ, xuất hiện ban đỏ ở tay, chân và miệng chủ yếu ở dạng mụn nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh gặp ở bất kỳ tuổi nào ngay cả người lớn nhưng thường ở trẻ dưới 10 tuổi.
Biến chứng của bệnh TCM
Bệnh TCM có thể gây nên một số biến chứng, đặc biệt là bệnh do EV71, như biến chứng thần kinh (viêm não - viêm màng não), tim mạch (viêm cơ tim), hô hấp (phù phổi cấp). Các biến chứng thường xuất hiện sớm khoảng từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh (trong giai đoạn toàn phát). Các biến chứng có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Ngoài ra, bệnh TCM có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai mắc phải căn bệnh này, nếu nhiễm bệnh TCM trong 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ dẫn đến sẩy thai.
Dấu hiệu nhận biết bệnh TCM
Cần tuân thủ nguyên tắc điều trị
Khi nghi ngờ trẻ bị TCM cần cho trẻ đến khám ở cơ sở y tế (bệnh viện) gần nhất, nếu có chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho phép chăm sóc trẻ tại nhà, cần lưu ý cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu, không kiêng khem quá mức. Tuyệt đối không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn uống đồ có vị chua hoặc có gia vị. Súc miệng bằng nước muối ấm (1/2 muỗng canh muối hòa trong 200ml nước ấm) nếu trẻ súc được. Hạ sốt cho trẻ bằng cách lau mát (không chườm lạnh) cứ 30 phút 1 lần bằng nước ấm (nước dùng lau hoặc đắp lên trán, bẹn có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt của trẻ 2 độ C). Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi chườm ấm không có hiệu quả. Thuốc hạ nhiệt là paracetamol đơn chất, liều dùng cần theo theo chỉ định của bác sĩ hoặc 5-10mg/kg của trẻ. Cần theo dõi sức khỏe của trẻ một cách sát sao, cẩn thận, nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để đề phòng nếu có biến chứng. Bên cạnh đó tránh làm vỡ mụn nước. Và rửa tay sạch bằng xà phòng sau mỗi lần chăm trẻ.
Rửa tay là biện pháp hàng đầu phòng bệnh tay chân miệng.
Phòng bệnh vẫn là quan trọng nhất
Đây là bệnh do virus gây ra và lây lan bằng đường tiêu hóa, vì vậy cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy và thực hiện nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống chín; các vật dụng dùng trong ăn, uống cần phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng trong ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
BS. Việt Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét