Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Bài thuốc trị viêm đường hô hấp cấp

Viêm đường hô hấp trên cấp tính thuộc phạm vi các chứng như cảm mạo, khái thấu, nhũ nga, hầu tý..., với nguyên nhân chủ yếu là do phong hàn, phong nhiệt gây nên biểu hiện sốt, hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, đau mỏi toàn thân.

Ngoài việc dùng thuốc, bệnh lý đường hô hấp đều có thể kết hợp với châm cứu, xoa bóp, tập thở, sử dụng các món ăn, bài thuốc phù hợp với tuổi, thể chất và mức độ bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc phù hợp từng thể bệnh.

Với thể Ngoại cảm phong hàn

Triệu chứng: Sợ lạnh, không ra mồ hôi, đau đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa họng, ho, không sốt hoặc sốt nhẹ, lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch khẩn.

Phép chữa: Tân ôn giải biểu, tuyên phế tán hàn.

Bài thuốc: Tô kiều giải biểu thang gồm các vị: tô diệp 6g, kinh giới 6g (cho sau), phòng phong 6g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, cát cánh 8g, tiền hồ 8g, cam thảo 3g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Với thể Ngoại cảm phong nhiệt

Triệu chứng: Phát sốt, ra mồ hôi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, đau mình mẩy, hầu họng đỏ đau, ho khạc đờm vàng, mặt đỏ, họng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.

Phép chữa: Tân lương giải biểu, tuyên phế chỉ khái lợi hầu.

Bài thuốc: (1) Nếu họng đau nhiều, sốt cao dùng bài Liên kiều tán gia giảm gồm: liên kiều 10g, kim ngân hoa 10g, cát cánh 8g, bạc hà 5g, trúc nhự 6g, kinh giới 6g (cho sau), đạm đậu xị 6g, ngưu bàng tử 5g, cam thảo 5g, bản lam căn 10g, hoàng cầm 7g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. (2) Nếu ho nhiều dùng bài Tang cúc ẩm gia giảm gồm: tang diệp 10g, cúc hoa 10g, liên kiều 10g, hạnh nhân 8g, cát cánh 8g, bạc hà 5g (cho sau), cam thảo 3g, bản lam căn 10g, hoàng cầm 7g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.



Cần phòng bệnh viêm phế quản khi trời lạnh.

Với thể Kiêm chứng

Bất luận là ngoại cảm phong hàn hay phong nhiệt nếu có kiêm các chứng đàm, trệ hoặc co giật thì gia thêm các vị thuốc, cụ thể như sau:

Ngoại cảm kiêm đàm có ho khạc đờm nhiều, tiếng ho trầm nặng, khàn tiếng, đại tiện táo, tiểu tiện vàng gia qua lâu nhân 10g, đông qua nhân 10g, sa sâm 12g, mạch môn 8g, bối mẫu 6g.

Ngoại cảm kiêm trệ có hiện tượng bụng chướng đầy, chán ăn, buồn nôn và nôn ra nước chua, đi lỏng, mùi chua và khó chịu, hơi thở hôi gia hoắc hương 6g (cho sau), chỉ xác 6g, lai phục tử 10g, cốc nha 12g.

Ngoại cảm kiêm co giật gia câu đằng 8g, thuyền thoái 5g, linh dương cốt 10g, (sắc trước), toàn yết 3g.

Với thể hen phế quản trong giai đoạn phát bệnh

Thể Hàn chứng

Triệu chứng: Ho và khó thở thành cơn, có khi phải ngồi dậy để thở, có nhiều tiếng rít trong khí quản, đờm trong loãng, sắc mặt nhợt nhạt, tay chân lạnh, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch hoạt khẩn.

Phép chữa: Ôn phế tán hàn, giáng khí bình suyễn.

Bài thuốc: Dùng bài Tiểu thanh long thang hợp Tam tử dưỡng tân thang gia giảm gồm: can khương 1,5g, quế chi 3g, ma hoàng 3g, bạch thược 10g, tế tân 1,5g, bán hạ chế 8g, ngũ vị tử 5g, tô tử 8g, bạch giới tử 5g, lai phục tử 10g, cam thảo 5g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Thể Nhiệt chứng

Triệu chứng: Ho và khó thở thành cơn, nhiều đờm rãi, có thể có sốt, đờm vàng, tức ngực buồn phiền, khát nước muốn uống, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu vàng dính, mạch hoạt sác.

Phép chữa: Thanh nhiệt tuyên phế, hóa đàm định suyễn.

Bài thuốc: Dùng bài Định suyễn thang gia thạch cao gồm các vị ma hoàng 3g, ngân hạnh 10g, hoàng cầm 8g, tang bạch bì 10g, tô tử 8g, bán hạ chế 10g, khoản đông hoa 10g, hạnh nhân 8g, cam thảo 5g, thạch cao 15g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Với thể hen phế quản trong giai đoạn hồi phục

Triệu chứng: ho và khó thở nhẹ, khạc đờm loãng, sắc mặt không tươi, mệt mỏi vô lực, cơ thể tiều tụy gầy yếu, ăn kém, bụng đầy, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch nhu vô lực.

Phép chữa: Bổ phế kiện tỳ ôn thận

Bài thuốc: Dùng bài Bổ phế kiện tỳ ôn thận thang gồm: đẳng sâm 10g, thục địa 10g, ngũ vị tử 3g, khoản đông hoa 8g, bạch linh 12g, hoài sơn 12g, hồ đào nhục 12g, thỏ ty tử 10g, địa long 6g, chích thảo 3g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

 

ThS. Hoàng Khánh Toàn (Nguon Báo SKDS)

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Ba chế độ ăn giúp cải thiện chức năng nhận thức

 Chế độ ăn lành mạnh là một trong những bước đầu tiên để cải thiện chức năng nhận thức của bạn. Tuy nhiên có rất nhiều chế độ ăn khác nhau, và rất khó để chỉ ra chế độ ăn nào mang lại nhiều lợi ích cho não nhất. Ba chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean Diet), DASH (viết tắt của Dietary Approaches to Stop Hypertension – chế độ ăn giúp ngăn ngừa tăng huyết áp) và MIND (viết tắt của Mediterranean-DASH Intervention for Neurodegenerative Delay diet) được đánh giá lợi ích tiềm tàng của chúng.

Ảnh minh họa

Chế độ ăn Địa Trung Hải dựa trên thói quen ăn uống của người Hy Lạp, miền Nam nước Ý và Tây Ban Nha. Chế độ ăn này chú trọng các loại thực phẩm giàu acid béo không bão hòa đơn được tìm thấy trong dầu olive, acid béo omega-3 trong cá và một số loại hạt, cũng như chú trọng vào các loại rau, quả tươi. Cho đến ngày hôm nay, chế độ ăn Địa Trung Hải được nghiên cứu rất nhiều, cung cấp nhiều dữ liệu về lợi ích hỗ trợ bảo vệ người bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và thậm chí kéo dài tuổi thọ. Một số dữ liệu dịch tễ cũng cho thấy chế độ ăn này mang lại lợi ích cho chức năng nhận thức, bao gồm luôn giảm nguy cơ suy giảm nhận thức, nguy cơ bị bệnh Alzheimer và có thể là thông qua cơ chế giảm stress oxy hóa và chống viêm. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, đối chứng, chế độ ăn Đại Trung Hải mang lại lợi ích trên chức năng nhận thức tương tự như chế độ ăn hạn chế chất béo ở nhóm người  lớn tuổi, có nguy cơ tim mạch cao. 

Chế độ ăn DASH được phát triển bởi Viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health) nhằm hỗ trợ dự phòng và kiếm soát tăng huyết áp mà không dùng thuốc. Chế độ ăn này chú trọng ăn nhiều các loại rau, quả, các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại thịt nạc, các loạt hạt, quả hạch và các loại đậu, và các báo cáo cho thấy chế độ ăn này giúp kiểm soát huyết áp ở nhóm người bệnh tăng huyết áp mức độ trung bình. Tăng huyết áp có thể ảnh hưởng xấu tới các mạch máu trong não và nó là yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer, do đó kiểm soát huyết áp qua chế độ ăn DASH có thể giúp bảo vệ não bộ. Tác dụng bảo vệ thần kinh của chế độ ăn DASH cũng bắt đầu được đưa vào nghiên cứu và các kết quả rất hứa hẹn: dữ liệu từ dự án “Lão hóa và trí nhớ” (Memory and Aging Project) trên 800 người lớn tuổi cho thấy tuân thủ chế độ ăn DASH tốt hơn sẽ giúp làm giảm đáng kể tốc độ suy giảm nhận thức.

Chế độ ăn MIND được bác sĩ Martha Clare Morris – một chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng tại Bệnh viện Đại học Y khoa Rush – giới thiệu vào năm 2015. Bà đã tiến hành tìm kiếm thông qua y văn, chủ yếu là từ các nghiên cứu quan sát, chọn ra các loại thực phẩm từ chế độ ăn Địa Trung Hải và DASH được bà đánh giá là rất tốt cho sức khỏe não bộ. Chế độ ăn này chú trọng các loại rau có lá màu xanh (không phải tất cả mọi loại rau), quả mọng (không phải tất cả mọi loại quả), các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, cá, gia cầm, dầu olive, và uống một lượng rượu vừa phải (nếu được nên là vang đỏ). Trong chế độ ăn này thịt đỏ, bơ, phô mai, bánh ngọt, đồ ngọt và các loại thực phẩm chiên xào được khuyên nên tránh. Hiện tại đây là chế độ ăn mới và nó mới chỉ được kiểm chứng thông qua việc tìm kiếm, đánh giá dữ liệu trên hệ thống y văn của bác sĩ Morris. Bác sĩ Morris đã tiến hành các nghiên cứu nhằm so sánh ba chế độ: Địa Trung Hải, DASH, MIND trên nhóm người từ 58–98 tuổi. Nghiên cứu chỉ ra rằng cả ba chế độ ăn đều liên quan đến việc hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ bị bệnh Alzheimer, trong đó chế độ ăn MIND mang lại lợi ích ngay cả khi tuân thủ ở mức độ vừa phải. Chế độ ăn MIND cũng làm chậm lại quá trình suy giảm của nhận thức, tương đương với nhận thức ở người trẻ hơn 7,5 tuổi. Tuy nhiên tất cả các nghiên cứu trên đều là các nghiên cứu quan sát và rất khó để đưa ra kết luận những lợi ích này đến từ chế độ ăn hoặc các yếu tố khác của người tham gia nghiên cứu. 

Cần có nhiều hơn các nghiên cứu để xác định chế độ ăn nào mang lại nhiều lợi ích nhất cho não bộ. Tuy nhiên hiện tại chúng ta có thể ghi nhớ một số đặc điểm chung của các chế độ ăn trên: Ăn nhiều rau, quả, cá, các loại họ đậu và hạn chế các loại đồ ăn chế biến sẵn, thịt đỏ, đồ ngọt và đường…

Ths. Bs Nguyễn Tường Vy, Bệnh viện Chợ Rẫy

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Điều trị nấm móng như thế nào cho đúng cách?

 Tôi bị hư móng kéo dài ở bàn tay và bàn chân, đi khám bác sĩ chẩn đoán là nấm móng, đề nghị tôi đến bác sĩ da liễu để điều trị đúng cách.

Vậy tôi xin hỏi, nguyên nhân, triệu chứng và điều trị như thế nào cho là đúng cách?

(Thanh Tiến - Tiền Giang)

Bệnh nấm móng, ngày nay vẫn còn là vấn đề y khoa phổ biến, là bệnh mãn tính với nhiều biểu hiện khác nhau và lây trực tiếp từ móng này sang móng khác, từ người này sang người khác, điều trị thường kéo dài và  dễ tái phát.


Ảnh minh họa

Về nguyên nhân và biểu hiện của bệnh thường đa dạng và phức tạp, vì nguyên nhân gây ra với nhiều loại nấm khác nhau, như nấm dermatophyte, nấm Candida, nấm mốc có tên khoa học là Seopulariopsis và Hendersonula. Ở giai đoạn sớm bệnh thường nhẹ; nếu để lâu sẽ tổn thương móng sẽ trầm trọng hơn và thường bệnh không tự khỏi, có thể tồn tại hàng chục năm, lây lan từ móng này sang móng khác, nếu để lâu sẽ lan hết các móng kể cả móng tay và móng chân. Nếu nhiễm ở phần bên và phần xa dưới móng là dạng phổ biến nhất gây loạn dưỡng móng, thường do vi nấm dermatophyte, đôi khi cũng nhiễm thêm nấm mốc thứ phát. Nếu tổn thương trắng trên bề mặt móng là dạng đặc trưng của nhiễm dermatophyte do Trichophyton mentagrophytes. Nếu nhiễm ở phần gốc dưới móng mà xuất phát từ phần gần của móng và thường là thứ phát của viêm quanh móng mãn tính là do vi nấm hẹt men Candida. Trường hợp  loạn dưỡng toàn móng là một dạng biểu hiện loạn dưỡng móng sau cùng với tổn thương toàn bộ móng, là hậu quả của nhiễm các dạng nấm đã nêu trên.

Về điều trị, trước kia còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ngày nay nhờ những tiến bộ của y học, nên nấm móng đã không còn là vấn để khó khăn nữa. Việc điều trị nhất thiết phải điều trị đúng cách tức là tuân thủ điều trị theo phác đồ, tức là điều trị đúng thuốc và đủ thời gian. Thuốc dùng hiện nay là Itraconazole với tên thương mại là Canditral, Sporal, uống với phác đồ, áp dụng cho người đã trưởng thành  uống với liều 200mg x 2 lần trong ngày, uống trong tuần, nghỉ 3 tuần, sau đó lặp lại 1 tuần như trên, nếu là nấm móng tay, nếu là móng chân thì lặp lại thêm đợt tiếp theo, tức là 2 đợt cho móng tay và 3 đợt cho móng chân.

Về điều trị tại chỗ, cần loại bỏ phần móng nhiễm bệnh  bằng cách cắt hoặc cạo, sau đó dùng thuốc bôi tại chỗ cho đến khi móng mọc trở lại, thuốc thoa thường dùng hiện nay là Clortrimazole với tên thương mại là Canesten, Candid hay Terbinafine HCl với tên thương mại là Lamisil, Hifen Cream. Ngoài thuốc thoa tại chỗ, thuốc uống là không thể thiếu được, quyết định cho sự lành bệnh. Sau thời gian điều trị đúng thuốc đủ phát đồ thì bệnh sẽ lành, tuy nhiên vì là móng nên phải có thời gian móng mọc ra và phát triển từ từ thường là sau 3 - 6 tháng điều trị mới nhận thấy hiệu quả điều trị.

BS.CKI.TRẦN QUỐC LONG

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Những bài tập giúp tăng sức đề kháng chống dịch Covid-19

 Trước tình hình dịch Covid-19 với chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, nhiều địa phương đã yêu cầu người dân thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách.

Vì vậy, việc tập luyện sẽ bị ảnh hưởng và gián đoạn. Lúc này mọi người nên tự điều chỉnh hình thức tập luyện và tìm cho mình môn thể thao phù hợp để giữ sức khỏe và chống dịch.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát các trung tâm, câu lạc bộ, phòng tập thể dục thể thao như: phòng tập gym, aerobic, yoga... đã đóng cửa hoặc hoạt động theo hình thức giãn cách, cảnh giác cao. Vì vậy, nhiều người dân đã chuyển sang tập luyện thể dục thể thao tại nhà hoặc những nơi thoáng mát, ít tập trung đông người; các em học sinh chuyển sang hình thức học trực tuyến, các bài tập thể dục được phụ huynh quay lại cho các em và gửi cho thầy cô giáo... Việc mọi người tự điều chỉnh hình thức tập luyện và tìm cho mình môn thể thao phù hợp trong những tháng ngày dịch bệnh nhằm nâng cao sức khỏe là vô cùng cần thiết. Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã hướng dẫn một số cách vận động để mọi người có thể tập luyện ở nhà trong mùa dịch COVID-19 như: leo cầu thang, tập các bài co duỗi chân tay, nhảy dây, tập các bài luyện cơ bắp và thăng bằng. Mọi người cũng có thể tham gia các lớp tập thể dục trực tuyến, tìm và tập theo các bài tập có hướng dẫn trên mạng, nhún nhảy theo nhạc, hoặc thực hành các trò chơi vận động qua video... Một số bài tập được đông đảo người lựa chọn, có thể tự tập ngay trong chính căn phòng của mình, hoàn toàn không cần dụng cụ hỗ trợ và tiết kiệm nhiều thời gian có thể kể đến như:

Chống đẩy

Đây là động tác phổ biến nhất, bất cứ ai cũng có thể thực hiện được. Phương pháp này giúp đốt cháy calo, tác động hiệu quả lên các nhóm cơ ở tay, vai và lưng.


Bài tập cơ bụng cho nữ.

Tư thế rắn hổ mang

Tạo hình của bài tập giống như một con rắn hổ mang đang tấn công. Đây là bài tập cực kỳ hữu ích với các động tác căng cơ lưng và bụng. Phương pháp này giúp cột sống dẻo dai, kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt, đồng thời phòng tránh được các bệnh như thoái hóa cột sống...

Tập cơ bụng

Với các động tác gập bụng kết hợp cùng chế độ ăn uống lành mạnh, người tập có thể giải phóng mỡ thừa vùng bụng hiệu quả, cải thiện sức đề kháng.

Nhảy vung tay

Bài tập có tác dụng kích thích tim mạch hoạt động khỏe mạnh hơn, giải phóng năng lượng rất nhanh và làm săn chắc nhiều nhóm cơ cùng một lúc như: cơ hông, cơ đùi trong, cơ vai... mà không cần đến dụng cụ tập gym.

Ngoài việc tự chăm sóc bản thân, tập luyện thể thao hàng ngày, mọi người cùng cần phải ăn uống đủ chất, giữ ấm mũi, họng, nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng chống lại dịch bệnh. Đây là những việc làm đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe thể lực lẫn sức khỏe tinh thần, phòng tránh dịch Covid-19. Nên dành ít nhất 30 phút để tập thể dục hàng ngày, chú trọng rèn luyện sức khỏe qua các bài tập thể dục đơn giản, phù hợp với thể trạng của bản thân. Đặc biệt, mỗi người cần tuân thủ các nguyên tắc để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng như: giữ khoảng cách với người khác khi tập luyện; rửa tay thường xuyên, tránh sờ vào mắt, mũi, miệng... Tập thể dục thể thao thường xuyên mang đến cho con người rất nhiều lợi ích thiết thực như: kiểm soát cân nặng, cải thiện chức năng não bộ và tăng sức đề kháng chung của cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính... Vì vậy đây là việc làm cần thiết không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh còn phức tạp mà nó cần phải trở thành thói quen của mỗi người ngay từ bây giờ.

Theo báo SKĐS

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Tăng áp động mạch phổi và những lưu ý

  Tăng áp động mạch phổi ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng gì đặc biệt hoặc triệu chứng rất nhẹ, dễ bị bỏ qua. Khi bộc lộ triệu chứng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Trong cơ thể con người có 2 hệ tuần hoàn. Hệ đại tuần hoàn đưa máu từ tim trái qua động mạch chủ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Hệ tiểu tuần hoàn đưa máu từ tim phải lên phổi để trao đổi khí cacbonic và lấy khí oxy về tim trái. Chúng ta vẫn quen với khái niệm tăng huyết áp, đó là tăng huyết áp trong các động mạch hệ đại tuần hoàn. Tăng áp phổi là tăng áp lực hệ tiểu tuần hoàn.

Dấu hiện nhận biết

Tăng áp động mạch phổi ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng đặc biệt hoặc triệu chứng rất nhẹ, dễ bị bỏ qua. Khi bộc lộ triệu chứng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng. Các triệu chứng của tăng áp động mạch phổi cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như: khó thở, đau ngực, mệt, ngất, ho ra máu...

Do đó, khi có các dấu hiệu sau đây người bệnh cần đi khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi: Khó thở mà không có triệu chứng đặc hiệu của bệnh tim/phổi, hoặc ở bệnh nhân có sẵn bệnh tim/phổi nhưng khó thở tăng lên mà không giải thích được. Mệt mỏi, yếu cơ, đau ngực, ngất, trướng bụng, khó tiêu. Bờ trái xương ức nhô cao, tiếng tim T2 mạnh ở đáy tim, tiếng thổi ở tim, gan to, phù chi... Ngoài ra, do triệu chứng không điển hình và mơ hồ ở giai đoạn đầu nên một số đối tượng nguy cơ cao bị tăng áp động mạch phổi cần chủ động đến khám sớm để được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, bao gồm: Tiền sử gia đình có người bị tăng áp động mạch phổi, người có bệnh tim bẩm sinh, có bệnh hệ thống như xơ cứng bì, Lupus ban đỏ, có tiền sử tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan, bệnh nhân nhiễm HIV.



Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tăng áp động mạch phổi sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng áp động mạch phổi

Có nhiều nguyên nhân và được chia ra nguyên nhân vô căn (hay tăng áp động mạch phổi nguyên phát). Tăng áp động mạch phổi có tính chất gia đình.

Ngoài ra, bệnh còn có nguyên nhân phối hợp với một số bệnh lý: Bệnh lý mô liên kết; tim bẩm sinh có luồng thông trái phải: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch...; HIV; ngộ độc thuốc; phối hợp với bệnh lý tĩnh mạch và mao mạch: tắc nghẽn tĩnh mạch phổi, u máu mao mạch phổi; tăng áp động mạch phổi trường diễn ở trẻ sơ sinh.

Biến chứng nguy hiểm

Nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại những biến chứng rất nguy hiểm như: Tăng áp động mạch phổi làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông trong động mạch nhỏ trong phổi, gây chít hẹp, tắc mạch máu, nhồi máu động mạch phổi gây sốc hoặc tử vong.

Xuất huyết phổi, tổn thương phổi khiến quá trình hô hấp gặp khó khăn và có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh tim do phổi. Những bệnh nhân mắc bệnh tâm thất phải trở nên phì đại và phải làm việc nhiều hơn mức bình thường để tống máu sang động mạch phổi. Ban đầu tim cố gắng để bù đắp bởi thành dãy và giãn rộng buồng tâm thất phải để tăng cường lượng máu lưu trữ. Tuy nhiên, hiện tượng tâm thất dày lên chỉ là tạm thời, theo thời gian tâm thất sẽ bị suy yếu và dẫn đến bệnh tim. Do vậy,  để chẩn đoán và điều trị tăng áp động mạch phổi, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đến cơ sở y tế, nhất là chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán đầy đủ và tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Lời khuyên thầy thuốc

Để kiểm soát tốt tình trạng bệnh, cần chú ý đến việc nghỉ ngơi có thể làm giảm bớt mệt mỏi, hạn chế nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp phổi; Tập thể dục vừa phải như đi bộ rất có lợi cho sức khỏe. Bác sĩ có thể giúp bạn lên kế hoạch tập thể dục thích hợp.

Nếu hút thuốc, phải ngưng ngay để bảo vệ tim, phổi. Ngoài ra cũng nên tránh khói thuốc lá nếu có thể; cần tránh du lịch hoặc sinh sống ở nơi cao vì ở nơi cao làm tăng áp lực lên mạch máu và có thể làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng của tăng huyết áp động mạch phổi.

Hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày làm một hoạt động mà bạn thấy thoải mái như yoga, thiền, đọc sách hay trồng cây. Một số người bị tăng huyết áp phổi giảm đáng kể triệu chứng và cuộc sống của họ được cải thiện sau khi giảm stress.

Thực hiện chế độ ăn uống dinh dưỡng và giữ thân hình cân đối. Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống. Hãy nhớ rằng thực phẩm đóng gói thường cần nhiều muối, vì vậy phải kiểm tra kỹ nhãn dán của thực phẩm trước khi mua.  

ThS.BS. Nguyễn Thanh Hương (Báo SKĐS)