Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

ĐIỂM MẶT “THỦ PHẠM” GÂY RỐI LOẠN THẦN KINH THỰC VẬT

Rối loạn thần kinh thực vật ảnh hưởng đến chức năng tự động của các cơ quan trong cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa.

Đây không phải là một bệnh cụ thể mà chỉ là những rối loạn hoạt động hệ thần kinh tự động. Bệnh làm giảm hoạt động hoặc bất thường một hay nhiều chức năng tự động của cơ thể.

Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, trong đó có thể do các bệnh như: các bệnh tự miễn, các cuộc tấn công hệ thống miễn dịch và thương tổn các bộ phận của cơ thể, dây thần kinh; do sự tấn công hệ miễn dịch của một số bệnh ung thư. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật, dần dần có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể. Tổn thương dây thần kinh do phẫu thuật vùng cổ hoặc do xạ trị. Tác dụng phụ của một số loại thuốc sử dụng trong điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm và một số thuốc tim mạch. Bệnh mạn tính như bệnh Parkinson. Một số bệnh truyền nhiễm: do virut và vi khuẩn như ngộ độc thức ăn, bệnh bạch hầu... Rối loạn di truyền. Rối loạn tâm sinh lý: các sang chấn tinh thần, thủ dâm quá nhiều ở cả nam và nữ...

Điểm mặt các triệu chứng khi bị rối loạn thần kinh thực vật.

Phát hiện như thế nào?
Hệ thần kinh thực vật gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Sự mất cân bằng của hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm dẫn đến bệnh lý của hệ thần kinh thực vật. Tùy thuộc vào loại rối loạn mà bệnh biểu hiện thành các triệu chứng khác nhau:

Tại hệ thần kinh: Rối loạn vận mạch gây đau đầu khi thay đổi thời tiết; rối loạn tuần hoàn não, giảm trí nhớ, giảm tập trung, ngủ kém, lo âu, buồn bực vô cớ.
Tại tim mạch: Chóng mặt và choáng tư thế đứng do tụt huyết áp, hồi hộp, hụt hơi, nhịp tim nhanh hoặc chậm, huyết áp tăng giảm thất thường, đau thắt ngực, thiểu năng mạch vành, khó thích ứng với hoạt động thể lực, nhịp tim thay đổi một cách chậm chạp hoặc không thay đổi để đáp ứng kịp thời với hoạt động thể lực hoặc tập thể dục thể thao.
Tại hệ tiêu hóa: Gây rối loạn tiêu hóa do rối loạn chức năng co bóp của dạ dày, ruột. Gây ra cảm giác nhanh no sau khi ăn, ăn không ngon, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, buồn nôn, nôn, khó nuốt và ợ hơi. Kích thích đại tiện khi căng thẳng.
Tại hệ tiết niệu: Rối loạn tiết niệu gây tiểu khó, tiểu không tự chủ, kích thích tiểu tiện khi căng thẳng và tiểu không hết nước tiểu, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Tại hệ bài tiết: Rối loạn tiết mồ hôi, giảm tiết hoặc tăng tiết quá mức, ảnh hưởng tới khả năng điều tiết nhiệt độ cơ thể, thân nhiệt nóng lạnh bất thường.
Hệ hô hấp: Co thắt cơ trơn phế quản gây khó thở, tăng khi thay đổi thời tiết hoặc căng thẳng. Hụt hơi khó thở, tức ngực. Ngạt mũi do giãn cuốn mũi.
Tại hệ cơ xương khớp: Máy giật cơ, buồn bực chân tay, đau nhức xương khớp khi trở trời.
Tại hệ sinh dục: Rối loạn tình dục, bao gồm cả vấn đề đạt được hoặc duy trì sự cương cứng, xuất tinh sớm ở nam giới và khô âm đạo, khó đạt cực khoái ở phụ nữ. Rối loạn kinh nguyệt.
Triệu chứng toàn thân như: mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, ớn lạnh, đau mỏi vai gáy, đau mỏi cột sống, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn lo âu, có bệnh nhân có cảm giác không sống nổi, như sắp chết. Phản ứng sinh học chậm chạp với ánh sáng, gặp khó khăn khi lái xe vào ban đêm.

Khi nào đi khám?
Khi phát hiện có các biểu hiện nghi vấn mắc chứng rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh cần sớm đi thăm khám tại bệnh viện có chuyên khoa nội, nội thần kinh, ngoại khoa (trong trường hợp cần tới điều trị ngoại khoa) để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. Hiện nay, việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu là điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay thì mới chỉ điều trị được các triệu chứng của bệnh. Về thuốc tác dụng trên hệ thần kinh thực vật, các loại thuốc thường được dùng để điều trị rối loạn thần kinh thực vật gồm: thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa mất ngủ và các rối loạn lo âu, thuốc điều chỉnh động ruột, thuốc tim mạch, thuốc giảm tiết mồ hôi. Kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu như xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp cho việc điều trị bệnh nhanh khỏi hơn.

Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh nhân cần tập suy nghĩ tích cực, duy trì thể dục và lối sống lành mạnh, từ bỏ các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, cà phê, trà đặc...
Bệnh nhân cần tập hít thở sâu; xoa vùng trên rốn hàng ngày có giá trị lớn trong phòng và điều trị rối loạn thần kinh thực vật.
Do tác dụng phụ của một số loại thuốc sử dụng trong điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm và một số thuốc tim mạch có thể gây rối loạn thần kinh thực vật nên bệnh nhân và người khỏe mạnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhiễm virut và vi khuẩn cũng gây rối loạn thần kinh thực vật nên mọi người cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: rửa tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với đồ vật, sau khi lao động; đeo khẩu trang khi ra đường hay ở nơi công cộng; luôn thực hiện ăn chín uống sôi. Tránh các sang chấn tinh thần; không nên thủ dâm quá nhiều...

ThS. Nguyễn Hoàng
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

BỆNH LAO KHÁNG THUỐC VÀ THÁCH THỨC TRONG ĐIỀU TRỊ


Lao kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc là bệnh hết sức nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 27.000 người mắc bệnh lao siêu đề kháng, trong đó có khoảng 16.000 người đã tử vong.

Hiện nay, nước ta là một trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao trên thế giới. Khoảng 6.000 bệnh nhân lao kháng thuốc xuất hiện tại nước ta mỗi năm, trong khi tỷ lệ điều trị thành công chỉ chiếm 70%. Chi phí điều trị cho trường hợp lao kháng thuốc cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường.

Lao kháng thuốc là một thể bệnh nguy hiểm mà nguyên nhân chính do bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị. Quá trình điều trị dở dang, bệnh không khỏi mà còn nhanh tái phát trở lại. Nguy hiểm hơn, còn có trường hợp siêu kháng thuốc, tức kháng thêm với cả kháng sinh thế hệ 2 - loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.

Nguyên nhân chính của lao kháng thuốc là người bệnh không tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, cũng có thể do các nguyên nhân khác như người bệnh thiếu kinh phí, thiếu phương tiện đi lại..., không thể đến khám theo định kỳ đã được quy định của bệnh viện. Một nguyên nhân khác là do một số bác sĩ kê đơn chưa đúng, chưa hiểu hết về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, ví dụ bệnh nhân bị các bệnh phối hợp, hoặc tác dụng phụ nặng nề nhưng bác sĩ lại không theo dõi sát sao dẫn đến bệnh nhân bỏ điều trị.

Bệnh lao hiện nay chữa khỏi được bằng thuốc, nhưng bệnh nhân phải tuân thủ đúng theo những lời dặn của bác sĩ điều trị. Những thuốc thường dùng để trị bệnh lao là: isoniazid, rifampin, pyrazinamide, ethambutol, strpetomycin. Báo cáo của Văn phòng WHO tại Hà Nội cho biết, có 2 chủng lao mới là lao đa kháng và lao siêu đề kháng. Lao đa kháng (MRD - TB) là một dạng bệnh lao nặng, thường có kết quả đàm dương tính, gây ra bởi vi khuẩn lao kháng tối thiểu 2 loại thuốc chống lao rifampicin và isoniazide.

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi TW.         Ảnh: TM

Trong quá trình điều trị, khác biệt cơ bản về lâm sàng mà bác sĩ có thể cảm nhận được ở bệnh nhân lao kháng thuốc và không kháng thuốc, là khi điều trị bệnh lao thông thường trong quá trình điều trị, bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt, không có triệu chứng. Sau 2 tháng, bệnh nhân gần như đã âm hóa đờm hoàn toàn. Đối với lao siêu kháng hoặc lao đa kháng, hầu như bệnh nhân không thuyên giảm hoặc thuyên giảm rất ít, có thể nặng hơn. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân lao đa kháng và lao siêu kháng vẫn dương tính với đờm.

Không chỉ chịu hàng loạt tác dụng phụ tổn hại trầm trọng đến sức khỏe, điều trị lao kháng thuốc còn tốn kém gấp hàng chục lần so với bệnh lao thông thường. Hơn nữa, bệnh lao thường chỉ cần chữa trong 6 tháng với tỷ lệ khỏi cao tới 91%. Nhưng với lao kháng thuốc, phác đồ tiên tiến nhất cũng phải kéo dài 9 tháng mà tỷ lệ khỏi chỉ 75%. Tai hại hơn còn là lao đa kháng thuốc có phác đồ kéo dài từ 19 - 24 tháng với những thuốc có nhiều độc tính, gây tổn hại sức khỏe.

Để điều trị cho các bệnh nhân lao kháng thuốc và kháng đa thuốc phải sử dụng theo phác đồ tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, điều đáng nói là khả năng tiếp cận với thuốc điều trị còn hạn chế do thuốc mới, chi phí tương đối cao, phần lớn dựa vào nguồn viện trợ từ nước ngoài. Số lượng thuốc dùng để điều trị bệnh lao đa kháng sẽ nhiều hơn và có nhiều tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Do đó, việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng như việc kết hợp với công tác tư vấn của nhân viên y tế, sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, của gia đình là rất quan trọng.

BS. Xuân Đồng
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

PHÁT HIỆN SỚM TẮC ĐỘNG MẠCH NUÔI CHI CẤP TÍNH



Tắc động mạch nuôi chi cấp tính (TDMNCCT) xảy ra do sự tắc nghẽn đột ngột lòng động mạch (ĐM) bởi cục máu đông hay một mảng xơ vữa...

Đây là cấp cứu ngoại khoa tim mạch, hậu quả là làm thiếu máu nuôi cấp tính phần chi mà ĐM đó nuôi dưỡng. Nếu tình trạng thiếu máu nuôi này không được giải quyết thì phần chi bị thiếu máu nuôi sẽ hoại tử trong vòng vài giờ đến vài ngày.

Biểu hiện lâm sàng
Đau: Xảy ra đột ngột và dữ dội ở chi bị tắc mạch và buộc bệnh nhân phải ngưng mọi sinh hoạt.

Dị cảm: Với cảm giác tê bì và cảm giác kiến bò. Cảm giác nông ngoài da thường bị giảm và mất trước, sau đó bệnh nhân mất luôn cảm giác sâu.

Chi lạnh: Tại vùng chi bị tắc động mạch, chi lạnh hơn bên không bị tổn thương, trường hợp bệnh nhân tới muộn sờ vào cảm giác lạnh như vật chết.

Sự thay đổi màu sắc ở chi: Ngay sau khi động mạch bị tắc da ở vùng chi bị thiếu máu nuôi trở nên tái nhợt hơn so với bên chi lành, sau đó sẽ xuất hiện những đốm tím rải rác do sự xuất huyết hoại tử ở vùng mô thiếu máu nuôi.

Mất mạch dưới chỗ ĐM tắc: Đây là dấu hiệu khách quan để xác định TĐMNCCT. Mất mạch ngoại biên cùng với dấu hiệu chi lạnh và sự thay đổi màu sắc ở da là các dấu hiệu khách quan rất có giá trị trong chẩn đoán TĐMNCCT.

Dấu hiệu liệt cơ: Thông thường sau khi ĐM bị tắc các cơ bị thiếu máu sẽ bị giảm chức năng, cử động các ngón ở chi bị tắc ĐM yếu hơn bên lành, sau đó cơ bị liệt hoàn toàn.

Phân loại TĐMNCCT: Dựa trên cơ chế hình thành khối tắc mạch hầu hết các tác giả chia TĐMNCCT thành 2 nhóm:

Nghẽn ĐM cấp tính: Hầu hết nghẽn ĐM xảy ra do vật nghẽn mạch từ tim đi xuống, chỉ một số nhỏ xuất phát từ các túi phình động mạch hoặc do bong mảng xơ vữa ở các ĐM lớn. Đa số bệnh nhân nghẽn ĐM đều có bệnh tim đi kèm, các bệnh thường gặp là bệnh cơ tim thiếu máu, bệnh van tim hậu thấp, đặc biệt là các trường hợp có rung nhĩ.



Nghẽn ĐM do bệnh van tim hậu thấp thường thấy ở người trẻ tuổi, ít có tổn thương thành ĐM. Bệnh van tim thường gây nghẽn ĐM, nhất là hẹp van 2 lá, cục máu đông hình thành trong tiểu nhĩ trái do rối loạn về huyết động học nhất là khi có rung nhĩ.

Trong khi đó, nghẽn ĐM do bệnh co tim thiếu máu hay do xơ vữa ĐM thường thấy ở bệnh nhân lớn tuổi và thành mạch ít nhiều bị tổn thương. Thường các trường hợp này cục máu đông hình thành do nhồi máu dưới nội tâm mạc, một số trường hợp hình thành trong tiểu nhĩ hoặc trong phình tâm thất do rối loạn huyết động.

Huyết khối ĐM cấp tính: Trong huyết khối ĐM bao giờ cũng có tổn thương thành động mạch tại chỗ tắc ĐM. Các tổn thương này thường được đánh giá dựa trên Xquang ĐM, siêu âm ĐM và ngay trong khi mổ. Trong một số trường hợp việc xác định chỉ có thể khẳng định khi có kết quả giải phẫu bệnh lý.

Chấn thương thành mạch là nguyên nhân thường gặp nhất trong huyết khối ĐM, thường những trường hợp này hay xảy ra trên bệnh nhân bị chấn thương mạch trên ĐM và có thể kèm gãy các xương dài ở chi. Ngoài ra cần kể đến chấn thương do các thủ thuật trên ĐM như chụp Xquang ĐM, thông tim, tạo hình ĐM xuyên lòng ĐM qua da. Sự hình thành cục máu đông trên các vết loét của mảng xơ vữa ĐM cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể trong huyết khối ĐM cấp tính.

Xác định nguyên nhân: Chẩn đoán nguyên nhân TĐMNCCT là một vấn đề không phải lúc nào cũng thực hiện được trước khi phẫu thuật. Trong huyết khối ĐM hầu như bao giờ cũng xác định được nguyên nhân trước hoặc trong mổ. Trái lại trong nghẽn ĐM nhiều trường hợp sau khi mổ vẫn không xác định được nguyên nhân.

Việc xác định nguyên nhân không nhất thiết phải làm trước mổ vì như thế sẽ bỏ mất thời gian vàng ngọc cho quá trình xử lý phẫu thuật.

Để xác định nguyên nhân trong nghẽn ĐM cần thiết làm siêu âm tim và hệ thống ĐM một cách toàn diện để xác định vị trí nguyên phát của khối nghẽn mạch.

Phương pháp điều trị
Tắc ĐM chi cấp đòi hỏi phải được điều trị sớm và rất tích cực. Phối hợp cả điều trị nội và ngoại khoa. Các bước điều trị bao gồm:

Tránh sự lan rộng của cục máu đông: Từ khi ra đời thuốc heparin, tạo ra cuộc cách mạng trong điều trị thiếu máu cấp tính chi dưới. Heparin sẽ được bác sĩ dùng ngay khi xác định chẩn đoán. Bên cạnh điều trị thuốc, cần sớm xử lý lấy bỏ cục máu gây tắc mạch, phương pháp hiện nay chủ yếu bằng phẫu thuật. Cục máu đông sẽ được lấy bỏ bằng 1 dụng cụ đặc biệt, gọi là Fogarty. Đến nay, một số trung tâm mạch máu tại các bệnh viện lớn của nước ta đã được trang bị dụng cụ này để có thể tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Ngoài ra, tùy vào bệnh lý cụ thể, có thể phải cân nhắc làm cầu nối mạch máu  hoặc dùng thuộc làm tan huyết khối hoặc phối hợp với kỹ thuật hút bỏ huyết khối. Khi  có dấu hiệu chèn ép khoang, cần phải phối hợp mở cân.

Cắt cụt chi là phương pháp cuối cùng, khi thiếu máu không hồi phục hoặc khi điều trị tái tưới máu thất bại, có rối loạn toàn thân do hội chứng tái tưới máu, rối loạn chuyển hóa gây đe dọa tính mạng.

Bên cạnh điều trị tái tưới máu, cần điều trị các bệnh lý gây thuận lợi cho tắc mạch, điều trị các nguyên nhân dẫn đến tắc mạch chi cấp như bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý mạch máu mạn tính...

Để phòng tránh tắc mạch chi dưới cấp tính, cần điều trị tốt các bệnh lý có thể là nguyên nhân dẫn đến tắc mạch cấp, và quan trọng nhất là khi có biểu hiện bất thường, cần nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa mạch máu để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Hiện nay, đa số BN đến viện vẫn còn ở giai đoạn muộn dẫn đến khả năng bảo tồn chi còn rất hạn chế. Một số người bệnh có đến viện nhưng không đúng chuyên khoa cũng dẫn đến mất cơ hội bảo tồn chi và làm giảm kết quả điều trị, vì vậy trong tắc ĐM chi cấp tính, vấn đề chẩn đoán kịp thời và thời gian được điều trị là rất quan trọng.

BS. Quang Anh
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

VIÊM ĐIỂM BÁM GÂN VÀ TRÀN DỊCH KHỚP CÓ NGUY HIỂM?



Trong các bệnh lý cơ xương khớp thì hai bệnh viêm điểm bám gân và tràn dịch khớp (trong đó chủ yếu gặp tràn dịch khớp gối) là nhóm bệnh lý thường gặp ở người tuổi trung niên trở lên.

Tuy bệnh không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn tới các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, trong công việc của người bệnh. Đặc biệt hiện nay, việc điều trị bệnh triệt để vẫn là bài toán khó.

Viêm điểm bám gân
Viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp là bệnh viêm ở gân, dây chằng, bao gân... Tùy thuộc vị trí bị tổn thương mà viêm điểm bám gân bao gồm những bệnh như: Hội chứng đường hầm cổ tay; viêm bao gân co thắt; viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay; viêm gân gót Achille; chứng ngón tay lò xo...

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh, nhưng thường gặp ở những trường hợp sau: Người hay thực hiện những động tác lặp đi lặp lại một cách kéo dài dễ dẫn tới tình trạng viêm điểm bám gân (vận động viên, vũ công, thợ cơ khí, người làm nghề thủ công, phụ nữ đi giày cao gót); nhiễm khuẩn dẫn đến viêm phần mềm quanh khớp; bệnh nhân mắc phải một số bệnh xương khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, bệnh gút, bệnh thoái hóa khớp, bệnh đái tháo đường...

Cách nhận biết
Khi bị bệnh, người bệnh thường có những biểu hiện lâm sàng như sau: Vùng gân bị viêm làm đau liên tục hay tăng mạnh mỗi khi người bệnh vận động. Đau ở một chỗ hoặc lan ra vùng cơ có gân bị viêm khiến việc vận động trở nên khó khăn. Vùng gân viêm và phần mềm quanh khớp có thể bị sưng, nóng, đỏ, khi ấn vào thì thấy rất đau, sờ vào có thể thấy cục u nhỏ nổi trên gân. Tay hay chân có gân bị viêm thường bị đau mạnh lúc co duỗi, lực cơ cũng giảm so với bên không bị viêm.


Vị trí điểm bám gân.

Phương pháp điều trị như thế nào?
Trước hết, cần dùng phương pháp điều trị không dùng thuốc bằng cách nghỉ ngơi và tránh vận động vùng gân bị viêm; cố định tạm thời gân bị viêm bằng máng bột hay nẹp nếu người bệnh quá đau; chườm lạnh nếu có kèm theo triệu chứng sưng, nóng và đỏ; chiếu tia hồng ngoại.

Nếu dùng các biện pháp trên mà bệnh không thuyên giảm thì cần dùng thuốc: Thuốc giảm đau (acetaminophen, diclofenac), thuốc chống viêm không steroid đường uống hay bôi trực tiếp cũng được dùng để giảm sưng đau do viêm. Thuốc tiêm corticoid cần được chỉ định và theo sự hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

Nếu viêm điểm bám gân có nguyên nhân do bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, đái tháo đường... thì các bác sĩ sẽ có cách điều trị phù hợp theo từng căn bệnh gốc. Biện pháp phẫu thuật sẽ được thực hiện khi các biện pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả.

Cho đến nay, vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để điều trị căn bệnh này, mà chỉ điều trị nhằm mục đích giảm đau, cải thiện tình trạng bệnh (tức là chưa điều trị được tận gốc rễ của bệnh chỉ điều trị được phần ngọn). Hơn nữa bệnh này có thể gây ảnh hưởng và hạn chế khả năng vận động, do đó, khi có các dấu hiệu nêu trên, bệnh nhân cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời tránh để lâu khi bệnh đã có biến chứng thì việc điều trị càng khó khăn hơn.
Ngoài điều trị thì bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và lao động hợp lý; rèn luyện sức khỏe bằng những bài thể dục, môn thể thao nhẹ nhàng; phụ nữ thì không nên đi giày dép có gót quá cao... để các gân cơ được thư giãn và hạn chế viêm gân tái phát.

Tràn dịch ổ khớp
Tràn dịch ổ khớp là căn bệnh rất dễ gặp, có thể sau một tai nạn giao thông, vấp ngã cầu thang... thậm chí thể dục sai cách cũng là nguyên nhân dẫn đến tràn dịch ổ khớp, đặc biệt là khớp gối.

Dấu hiệu của bệnh: Người bị tràn dịch khớp gối có biểu hiện sưng nề ở khớp, một bên khớp này sẽ to hơn bên còn lại. Khớp cử động bị hạn chế, không được linh hoạt, có hiện tượng đau khớp ít hay nhiều hoặc khiến người bệnh không di chuyển được. Nếu tràn dịch khớp do nguyên nhân nhiễm khuẩn thì bệnh nhân có thể bị sốt. Tràn dịch khớp do hai nguyên nhân chính gây ra, đó là do các tác nhân vật lý và do tác nhân bệnh lý.

Tăng tiết dịch khớp khiến đầu gối sưng, đau.

Nguyên nhân vật lý thường gặp sau tai nạn, chấn thương khớp có thể gây đau, đứt dây chằng khớp, gãy xương hoặc nứt sụn khớp làm tràn dịch khớp. Do vận động mạnh, chơi thể thao với cường độ cao (bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền...) cũng dễ bị tràn dịch khớp. Bệnh có thể do một số bệnh mạn tính kéo dài như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, nhiễm khuẩn ở các thể khác nhau. Tràn dịch khớp cũng có thể do nhiễm khuẩn (vi khuẩn lao, vi khuẩn Mycoplasma...), virus và hiếm hơn là vi nấm...

Tràn dịch khớp gối có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe bệnh nhân. Do đó, việc phòng ngừa bệnh là vô cùng cần thiết. Cần có chế độ ăn uống khoa học và giàu chất dinh dưỡng sẽ giúp xương khớp chắc khỏe.


Điều trị thế nào?
Để điều trị hiệu quả bệnh tràn dịch khớp, cần xác định rõ nguyên gây bệnh từ đó sẽ đưa ra phương pháp điều trị đúng đắn và phù hợp nhất.

Nếu bệnh nhân mắc bệnh tràn dịch khớp xuất phát từ nguyên nhân vật lý thì việc điều trị bệnh bắt buộc là phải sử dụng phương pháp can thiệp xâm lấn và phẫu thuật. Trước hết, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút dịch khớp kết hợp điều trị tiêm corticosteroids giúp giảm áp lực để bệnh nhân được dễ chịu hơn. Lúc này, người bệnh sẽ được tiến hành nội soi khớp nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh để từ đó có thể chữa trị bệnh triệt để, sau đó có thể bệnh nhân sẽ được phẫu thuật.

Nếu bệnh nhân bị tràn dịch khớp có nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý, thì phải có phương án điều trị tận gốc và triệt để các bệnh trên. Đây là cách giúp cho bệnh không tái phát gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống. Với sự phát triển của y học hiện nay, để điều trị căn bệnh này, người bệnh có thể sử dụng thuốc tây và một số biện pháp can thiệp xâm lấn.

Can thiệp xâm lấn: Phương pháp can thiệp xâm lấn được áp dụng cho những bệnh nhân bị tràn dịch khớp ở mức độ nặng. Tùy vào tình trạng, bác sĩ sẽ tiến hành chữa trị cho bệnh nhân theo một trong các biện pháp xâm lấn sau:

Chọc hút dịch khớp: Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết bác sĩ mới chỉ định cho bệnh nhân áp dụng cách chữa trị này. Thực tế, việc chọc hút dịch khớp phải thật thận trọng và cần phải có bác sĩ giỏi chuyên môn và nhiều kinh nghiệm thực hiện. Nếu việc chọc hút không đúng phương pháp sẽ rất dễ khiến cho khớp gối nhanh chóng bị nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm hơn.

Mổ nội soi: Biện pháp này được thực hiện khi người bệnh đã áp dụng các phương pháp điều trị bệnh trên nhưng vẫn không khỏi. Chất dịch bị tràn ra nhiều khiến cho khớp bị sưng to và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Cách phòng tránh bệnh tràn dịch khớp gối
Tràn dịch khớp gối có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe bệnh nhân. Do đó, việc phòng ngừa bệnh là vô cùng cần thiết. Cần có chế độ ăn uống khoa học và giàu chất dinh dưỡng sẽ giúp xương khớp chắc khỏe. Nên bổ sung cho cơ thể các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin từ sữa, rau xanh, trái cây... để tăng cường độ dẻo dai cho khớp. Bên cạnh đó, cần có chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Đặc biệt, bạn không được mang vác các loại vật nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xương khớp. Mỗi ngày dành khoảng 30 phút tập thể dục nhẹ nhàng, cũng giúp phòng ngừa bệnh tràn dịch khớp gối hiệu quả.

DS.Bùi Anh Tuấn
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

DẤU HIỆU ĐIỂN HÌNH "TỐ" BẠN BỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG



Những bệnh lý cột sống vùng thắt lưng hay gặp đó là thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống do thoái hóa, trượt đốt sống, u rễ thần kinh …trong đó thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh lý thường gặp nhất.

Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hiện nay ở nước ta chiếm tỉ lệ khá cao, có đến 30% dân số mắc phải căn bệnh này và đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở lứa tuổi từ 20-55 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều người thường phát hiện bệnh quá muộn và chữa trị không đúng cách nên bệnh có thể tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động.

Chính vì vậy, người bệnh cần phải nhận biết sớm các triệu chứng thoát vị đĩa đệm để có phương pháp chữa trị sớm và kịp thời, tránh để bệnh ngày càng nặng và gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân
Thoát vị đĩa đệm cấp tính có thể xuất hiện sau một chấn thương cột sống. Chấn thương cột sống mức độ nhẹ sẽ làm cho quá trình thoái hóa đĩa đệm diễn ra sớm hơn và nhanh hơn. Cho đến nay, các tác giả đều thống nhất cho rằng thoát vị đĩa đệm chủ yếu do hậu quả của bệnh lý thoái hóa cột sống. Trong bệnh lý thoái hóa cột sống thì đĩa đệm là thành phần bị thoái hóa đầu tiên, sau đó mới đến đốt sống, dây chằng cột sống và các khớp.

Triệu chứng điển hình
Thoát vị đĩa đệm tiến triển theo hai giai đoạn:

Giai đoạn đau cấp: Là giai đoạn đau lưng cấp xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức. Về sau mỗi khi có những gắng sức tương tự thì đau lại tái phát.Trong giai đoạn này có thể có những biến đổi của vòng sợi lồi ra sau, hoặc toàn bộ đĩa đệm lồi ra sau mà vòng sợi không bị tổn thương.

Giai đoạn chèn ép rễ: Đã có những biểu hiện của kích thích hay chèn ép rễ thần kinh, xuất hiện các triệu chứng của hội chứng rễ: đau lan xuống chân, đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn… nằm nghỉ thì đỡ đau. Ở giai đoạn này vòng sợi đã bị đứt, một phần hay toàn bộ nhân nhầy bị tụt ra phía sau (thoát vị sau hoặc sau bên), nhân nhầy chuyển dịch gây ra chèn ép rễ. Bên cạnh đó, những thay đổi thứ phát của thoát vị đĩa đệm như: phù nề các mô xung quanh, ứ đọng tĩnh mạch, các quá trình dính… làm cho triệu chứng bệnh tăng lên.


Khi có các biểu hiện đau lưng, đau lan xuống một chân hoặc cả hai chân, đau tăng lên khi đi lại, ho, hắt hơi … người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chụp cộng hưởng tử cột sống thắt lưng để có chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp nhất. Triệu chứng đau thắt lưng gặp trong rất nhiều bệnh lý cột sống khác nhau, do đó, để chẩn đoán xác định phải dựa vào hình ảnh cộng hưởng từ. Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được trang bị hệ thống máy chụp cộng hưởng tử hiện đại nhất cả nước và khu vực: Cộng hưởng từ không tiếng ổn, cộng hưởng tử 1.5T, 3T … đáp ứng được tất cả các nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Các biện pháp điều trị
Có 3 nhóm phương pháp điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm

Điều trị nội khoa: Nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt, kéo giãn, thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ.

Can thiệp tối thiểu: một số phương pháp như giảm áp đĩa đệm bằng hóa tiêu nhân, bằng ozon oxygen, laser, sóng radio …

Phẫu thuật: Những trường hợp nào cần phẫu thuật: những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa sau 6 - 8 tuần, có biến chứng viêm loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau kéo dài, thoát vị gây rách bao xơ, có mảnh rời di trú, gây chèn ép rễ thần kinh cấp tính …

Một số trường hợp cần phẫu thuật cấp cứu để tránh  để lại những hậu quả xấu như liệt chân, rối loạn cảm giác tăng cảm, dị cảm, rối loạn tiểu tiện… Cụ thể:
- Thoát vị đĩa đệm cấp tính sau chấn thương
- Thoát vị đĩa đệm gây ra hội chứng đuôi ngựa
- Thoát vị đã gây liệt chân

Một số phương pháp phẫu thuật: Phẫu thuật với mục đích lấy bỏ phần đĩa đệm thoát vị, giải phóng chèn ép rễ thần kinh. Hiện nay, phẫu thuật lấy đĩa đệm thoát vị được tiến hành thường quy ở khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện TƯQĐ 108. Theo quy chuẩn chung của Châu Âu, phẫu thuật được tiến hành dưới kính vi phẫu Pentero 900  giúp  bác sĩ quan sát trường mổ rộng rãi, kiểm soát tốt màng cứng, rễ thần kinh, lấy đĩa đệm triệt để, giải phóng chèn ép rễ thần kinh tối đa, tránh để sót hoặc tái phát sau mổ. Ưu việt của phẫu thuật lấy đĩa đệm dưới kính vi phẫu là can thiệp nhỏ, bệnh nhân hồi phục sớm, giảm đau ngay sau mổ, hạn chế việc phải dùng thuốc giảm đau kéo dài.

Với những bệnh nhân được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cần lưu ý việc giữ gìn cho cột sống khỏe. Hạn chế lao động, mang vác nặng, sai tư thế, vận động cột sống quá mức… có thể gây thoát vị các đĩa đệm khác hoặc mất vững cột sống sau mổ. Người bệnh được điều trị kết hợp bằng vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cột sống với những bài tập chuyên biệt cho cột sống.
ThS.Nguyễn Khắc Hiếu
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống