Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

DẤU HIỆU ĐIỂN HÌNH "TỐ" BẠN BỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG



Những bệnh lý cột sống vùng thắt lưng hay gặp đó là thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống do thoái hóa, trượt đốt sống, u rễ thần kinh …trong đó thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh lý thường gặp nhất.

Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hiện nay ở nước ta chiếm tỉ lệ khá cao, có đến 30% dân số mắc phải căn bệnh này và đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở lứa tuổi từ 20-55 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều người thường phát hiện bệnh quá muộn và chữa trị không đúng cách nên bệnh có thể tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động.

Chính vì vậy, người bệnh cần phải nhận biết sớm các triệu chứng thoát vị đĩa đệm để có phương pháp chữa trị sớm và kịp thời, tránh để bệnh ngày càng nặng và gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân
Thoát vị đĩa đệm cấp tính có thể xuất hiện sau một chấn thương cột sống. Chấn thương cột sống mức độ nhẹ sẽ làm cho quá trình thoái hóa đĩa đệm diễn ra sớm hơn và nhanh hơn. Cho đến nay, các tác giả đều thống nhất cho rằng thoát vị đĩa đệm chủ yếu do hậu quả của bệnh lý thoái hóa cột sống. Trong bệnh lý thoái hóa cột sống thì đĩa đệm là thành phần bị thoái hóa đầu tiên, sau đó mới đến đốt sống, dây chằng cột sống và các khớp.

Triệu chứng điển hình
Thoát vị đĩa đệm tiến triển theo hai giai đoạn:

Giai đoạn đau cấp: Là giai đoạn đau lưng cấp xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức. Về sau mỗi khi có những gắng sức tương tự thì đau lại tái phát.Trong giai đoạn này có thể có những biến đổi của vòng sợi lồi ra sau, hoặc toàn bộ đĩa đệm lồi ra sau mà vòng sợi không bị tổn thương.

Giai đoạn chèn ép rễ: Đã có những biểu hiện của kích thích hay chèn ép rễ thần kinh, xuất hiện các triệu chứng của hội chứng rễ: đau lan xuống chân, đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn… nằm nghỉ thì đỡ đau. Ở giai đoạn này vòng sợi đã bị đứt, một phần hay toàn bộ nhân nhầy bị tụt ra phía sau (thoát vị sau hoặc sau bên), nhân nhầy chuyển dịch gây ra chèn ép rễ. Bên cạnh đó, những thay đổi thứ phát của thoát vị đĩa đệm như: phù nề các mô xung quanh, ứ đọng tĩnh mạch, các quá trình dính… làm cho triệu chứng bệnh tăng lên.


Khi có các biểu hiện đau lưng, đau lan xuống một chân hoặc cả hai chân, đau tăng lên khi đi lại, ho, hắt hơi … người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chụp cộng hưởng tử cột sống thắt lưng để có chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp nhất. Triệu chứng đau thắt lưng gặp trong rất nhiều bệnh lý cột sống khác nhau, do đó, để chẩn đoán xác định phải dựa vào hình ảnh cộng hưởng từ. Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được trang bị hệ thống máy chụp cộng hưởng tử hiện đại nhất cả nước và khu vực: Cộng hưởng từ không tiếng ổn, cộng hưởng tử 1.5T, 3T … đáp ứng được tất cả các nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Các biện pháp điều trị
Có 3 nhóm phương pháp điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm

Điều trị nội khoa: Nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt, kéo giãn, thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ.

Can thiệp tối thiểu: một số phương pháp như giảm áp đĩa đệm bằng hóa tiêu nhân, bằng ozon oxygen, laser, sóng radio …

Phẫu thuật: Những trường hợp nào cần phẫu thuật: những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa sau 6 - 8 tuần, có biến chứng viêm loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau kéo dài, thoát vị gây rách bao xơ, có mảnh rời di trú, gây chèn ép rễ thần kinh cấp tính …

Một số trường hợp cần phẫu thuật cấp cứu để tránh  để lại những hậu quả xấu như liệt chân, rối loạn cảm giác tăng cảm, dị cảm, rối loạn tiểu tiện… Cụ thể:
- Thoát vị đĩa đệm cấp tính sau chấn thương
- Thoát vị đĩa đệm gây ra hội chứng đuôi ngựa
- Thoát vị đã gây liệt chân

Một số phương pháp phẫu thuật: Phẫu thuật với mục đích lấy bỏ phần đĩa đệm thoát vị, giải phóng chèn ép rễ thần kinh. Hiện nay, phẫu thuật lấy đĩa đệm thoát vị được tiến hành thường quy ở khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện TƯQĐ 108. Theo quy chuẩn chung của Châu Âu, phẫu thuật được tiến hành dưới kính vi phẫu Pentero 900  giúp  bác sĩ quan sát trường mổ rộng rãi, kiểm soát tốt màng cứng, rễ thần kinh, lấy đĩa đệm triệt để, giải phóng chèn ép rễ thần kinh tối đa, tránh để sót hoặc tái phát sau mổ. Ưu việt của phẫu thuật lấy đĩa đệm dưới kính vi phẫu là can thiệp nhỏ, bệnh nhân hồi phục sớm, giảm đau ngay sau mổ, hạn chế việc phải dùng thuốc giảm đau kéo dài.

Với những bệnh nhân được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cần lưu ý việc giữ gìn cho cột sống khỏe. Hạn chế lao động, mang vác nặng, sai tư thế, vận động cột sống quá mức… có thể gây thoát vị các đĩa đệm khác hoặc mất vững cột sống sau mổ. Người bệnh được điều trị kết hợp bằng vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cột sống với những bài tập chuyên biệt cho cột sống.
ThS.Nguyễn Khắc Hiếu
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét