Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

PHÁT HIỆN SỚM TẮC ĐỘNG MẠCH NUÔI CHI CẤP TÍNH



Tắc động mạch nuôi chi cấp tính (TDMNCCT) xảy ra do sự tắc nghẽn đột ngột lòng động mạch (ĐM) bởi cục máu đông hay một mảng xơ vữa...

Đây là cấp cứu ngoại khoa tim mạch, hậu quả là làm thiếu máu nuôi cấp tính phần chi mà ĐM đó nuôi dưỡng. Nếu tình trạng thiếu máu nuôi này không được giải quyết thì phần chi bị thiếu máu nuôi sẽ hoại tử trong vòng vài giờ đến vài ngày.

Biểu hiện lâm sàng
Đau: Xảy ra đột ngột và dữ dội ở chi bị tắc mạch và buộc bệnh nhân phải ngưng mọi sinh hoạt.

Dị cảm: Với cảm giác tê bì và cảm giác kiến bò. Cảm giác nông ngoài da thường bị giảm và mất trước, sau đó bệnh nhân mất luôn cảm giác sâu.

Chi lạnh: Tại vùng chi bị tắc động mạch, chi lạnh hơn bên không bị tổn thương, trường hợp bệnh nhân tới muộn sờ vào cảm giác lạnh như vật chết.

Sự thay đổi màu sắc ở chi: Ngay sau khi động mạch bị tắc da ở vùng chi bị thiếu máu nuôi trở nên tái nhợt hơn so với bên chi lành, sau đó sẽ xuất hiện những đốm tím rải rác do sự xuất huyết hoại tử ở vùng mô thiếu máu nuôi.

Mất mạch dưới chỗ ĐM tắc: Đây là dấu hiệu khách quan để xác định TĐMNCCT. Mất mạch ngoại biên cùng với dấu hiệu chi lạnh và sự thay đổi màu sắc ở da là các dấu hiệu khách quan rất có giá trị trong chẩn đoán TĐMNCCT.

Dấu hiệu liệt cơ: Thông thường sau khi ĐM bị tắc các cơ bị thiếu máu sẽ bị giảm chức năng, cử động các ngón ở chi bị tắc ĐM yếu hơn bên lành, sau đó cơ bị liệt hoàn toàn.

Phân loại TĐMNCCT: Dựa trên cơ chế hình thành khối tắc mạch hầu hết các tác giả chia TĐMNCCT thành 2 nhóm:

Nghẽn ĐM cấp tính: Hầu hết nghẽn ĐM xảy ra do vật nghẽn mạch từ tim đi xuống, chỉ một số nhỏ xuất phát từ các túi phình động mạch hoặc do bong mảng xơ vữa ở các ĐM lớn. Đa số bệnh nhân nghẽn ĐM đều có bệnh tim đi kèm, các bệnh thường gặp là bệnh cơ tim thiếu máu, bệnh van tim hậu thấp, đặc biệt là các trường hợp có rung nhĩ.



Nghẽn ĐM do bệnh van tim hậu thấp thường thấy ở người trẻ tuổi, ít có tổn thương thành ĐM. Bệnh van tim thường gây nghẽn ĐM, nhất là hẹp van 2 lá, cục máu đông hình thành trong tiểu nhĩ trái do rối loạn về huyết động học nhất là khi có rung nhĩ.

Trong khi đó, nghẽn ĐM do bệnh co tim thiếu máu hay do xơ vữa ĐM thường thấy ở bệnh nhân lớn tuổi và thành mạch ít nhiều bị tổn thương. Thường các trường hợp này cục máu đông hình thành do nhồi máu dưới nội tâm mạc, một số trường hợp hình thành trong tiểu nhĩ hoặc trong phình tâm thất do rối loạn huyết động.

Huyết khối ĐM cấp tính: Trong huyết khối ĐM bao giờ cũng có tổn thương thành động mạch tại chỗ tắc ĐM. Các tổn thương này thường được đánh giá dựa trên Xquang ĐM, siêu âm ĐM và ngay trong khi mổ. Trong một số trường hợp việc xác định chỉ có thể khẳng định khi có kết quả giải phẫu bệnh lý.

Chấn thương thành mạch là nguyên nhân thường gặp nhất trong huyết khối ĐM, thường những trường hợp này hay xảy ra trên bệnh nhân bị chấn thương mạch trên ĐM và có thể kèm gãy các xương dài ở chi. Ngoài ra cần kể đến chấn thương do các thủ thuật trên ĐM như chụp Xquang ĐM, thông tim, tạo hình ĐM xuyên lòng ĐM qua da. Sự hình thành cục máu đông trên các vết loét của mảng xơ vữa ĐM cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể trong huyết khối ĐM cấp tính.

Xác định nguyên nhân: Chẩn đoán nguyên nhân TĐMNCCT là một vấn đề không phải lúc nào cũng thực hiện được trước khi phẫu thuật. Trong huyết khối ĐM hầu như bao giờ cũng xác định được nguyên nhân trước hoặc trong mổ. Trái lại trong nghẽn ĐM nhiều trường hợp sau khi mổ vẫn không xác định được nguyên nhân.

Việc xác định nguyên nhân không nhất thiết phải làm trước mổ vì như thế sẽ bỏ mất thời gian vàng ngọc cho quá trình xử lý phẫu thuật.

Để xác định nguyên nhân trong nghẽn ĐM cần thiết làm siêu âm tim và hệ thống ĐM một cách toàn diện để xác định vị trí nguyên phát của khối nghẽn mạch.

Phương pháp điều trị
Tắc ĐM chi cấp đòi hỏi phải được điều trị sớm và rất tích cực. Phối hợp cả điều trị nội và ngoại khoa. Các bước điều trị bao gồm:

Tránh sự lan rộng của cục máu đông: Từ khi ra đời thuốc heparin, tạo ra cuộc cách mạng trong điều trị thiếu máu cấp tính chi dưới. Heparin sẽ được bác sĩ dùng ngay khi xác định chẩn đoán. Bên cạnh điều trị thuốc, cần sớm xử lý lấy bỏ cục máu gây tắc mạch, phương pháp hiện nay chủ yếu bằng phẫu thuật. Cục máu đông sẽ được lấy bỏ bằng 1 dụng cụ đặc biệt, gọi là Fogarty. Đến nay, một số trung tâm mạch máu tại các bệnh viện lớn của nước ta đã được trang bị dụng cụ này để có thể tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Ngoài ra, tùy vào bệnh lý cụ thể, có thể phải cân nhắc làm cầu nối mạch máu  hoặc dùng thuộc làm tan huyết khối hoặc phối hợp với kỹ thuật hút bỏ huyết khối. Khi  có dấu hiệu chèn ép khoang, cần phải phối hợp mở cân.

Cắt cụt chi là phương pháp cuối cùng, khi thiếu máu không hồi phục hoặc khi điều trị tái tưới máu thất bại, có rối loạn toàn thân do hội chứng tái tưới máu, rối loạn chuyển hóa gây đe dọa tính mạng.

Bên cạnh điều trị tái tưới máu, cần điều trị các bệnh lý gây thuận lợi cho tắc mạch, điều trị các nguyên nhân dẫn đến tắc mạch chi cấp như bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý mạch máu mạn tính...

Để phòng tránh tắc mạch chi dưới cấp tính, cần điều trị tốt các bệnh lý có thể là nguyên nhân dẫn đến tắc mạch cấp, và quan trọng nhất là khi có biểu hiện bất thường, cần nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa mạch máu để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Hiện nay, đa số BN đến viện vẫn còn ở giai đoạn muộn dẫn đến khả năng bảo tồn chi còn rất hạn chế. Một số người bệnh có đến viện nhưng không đúng chuyên khoa cũng dẫn đến mất cơ hội bảo tồn chi và làm giảm kết quả điều trị, vì vậy trong tắc ĐM chi cấp tính, vấn đề chẩn đoán kịp thời và thời gian được điều trị là rất quan trọng.

BS. Quang Anh
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét