Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

CÁC BỆNH UNG THƯ THƯỜNG GẶP Ở THANH THIẾU NIÊN


Tuổi thanh thiếu niên tràn đầy sức khỏe và sinh lực sống, người ta vẫn thường nói “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”.
Thế nhưng lứa tuổi này cũng là giai đoạn cơ thể phát triển thần tốc để từ một đứa trẻ thành người trưởng thành. Trong quá trình phát triển, cơ thể có nhiều thay đổi và có thể mắc những bệnh không thể ngờ tới, trong đó có ung thư.
Nguyên nhân gây ung thư ở thanh thiếu niên
Phần lớn ca ung thư ở tuổi trẻ cũng như ở người lớn, có chung một đặc điểm, đó là liên quan đến tế bào. Ung thư xảy ra khi tế bào phát triển bất thường, tăng sinh vô độ và tạo thành khối u ác tính. Đối với ung thư ở người lớn, đột biến này là do các tác nhân bên ngoài như khói thuốc lá, sợi thủy tinh amiăng (dùng cách âm, cách nhiệt) và tia tử ngoại từ ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, tác nhân gây ung thư ở thanh thiếu niên rất khó xác định, một phần do ung thư không phổ biến ở lứa tuổi trẻ, một phần là vì rất khó kết luận bệnh nhân trẻ tuổi ung thư đã tiếp xúc với những tác nhân nào.
Tuổi thanh thiếu niên có nhiều thay đổi về cơ thể và có thể mắc ung thư.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiễm phóng xạ có thể làm tổn thương ADN dẫn đến ung thư máu và các loại ung thư khác ở thanh thiếu niên. Nạn nhân phơi nhiễm từ rò rỉ phóng xạ hoặc nổ nhà máy điện hạt nhân, cả người lớn lẫn trẻ em, đều có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp tăng cao.
Khoảng 5% các ca ung thư của trẻ là do đột biến di truyền từ cha mẹ.
Dấu hiệu ung thư ở thanh thiếu niên
Các biểu hiện của bệnh ung thư ở vị thành niên có thể dễ quan sát như: Giảm cân không rõ nguyên nhân; Đau xương khớp khi chơi trò chơi hoặc tham gia các hoạt động khác; Nôn kèm theo đau đầu, thường vào buổi sáng; Bụng trướng to; Xuất hiện các đốm nhỏ đỏ ở các mạch máu, nhìn như vỡ mao mạch máu; Xuất hiện các đốm tím trên da (bệnh liên quan máu); Độ sáng trắng ở võng mạc khi tiếp xúc với ánh sáng; Mệt mỏi liên tục, thiếu máu; Sốt liên tục không rõ nguyên nhân; Nhiễm trùng thường xuyên, cho thấy miễn dịch thấp.
Các ung thư thường gặp ở thanh thiếu niên
Ung thư máu - bệnh máu trắng
Bệnh máu trắng là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất ở thanh thiếu niên, xảy ra khi số lượng tế bào bạch huyết tăng bất thường, xâm lấn tủy xương và đôi khi xâm nhập cả vào máu. Do những tế bào bạch huyết này có khiếm khuyết nên chúng không thể bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn như bình thường. Hơn nữa, do tăng sinh vô độ nên chúng xâm chiếm tủy xương và ngăn cản hoạt động sản xuất những tế bào quan trọng khác trong máu.
Bệnh máu trắng gây chảy máu, thiếu máu, đau xương và nhiễm trùng. Nó cũng có thể lan tới các tổ chức khác như: hạch bạch huyết, gan, não, lá lách và tinh hoàn ở nam giới.
Những dạng ung thư máu thường xảy ra ở thanh thiếu niên là ung thư bạch cầu dạng nguyên bào lympho cấp (ALL) và ung thư bạch cầu nguyên bào tủy cấp (AML). Cơ hội chữa khỏi bệnh rất cao với một số dạng ung thư máu. Phần lớn bệnh nhân ALL và AML được phát hiện sớm có thể được chữa khỏi bệnh hoàn toàn và không bao giờ tái phát.
U lympho (ung thư hạch)
Đây là dạng ung thư phát triển trong hệ bạch huyết, bao gồm các hạch bạch huyết, tuyến ức, lá lách, vòm họng, amiđan và tủy xương. Hệ này có chức năng chống khuẩn gây nhiễm trùng và bệnh tật. U lympho bắt đầu trong các tế bào nhất định của hệ thống miễn dịch gọi là tế bào lympho. Ung thư hạch gồm 2 loại u lympho Hodgkin (dạng ung thư của mô bạch huyết) và không Hodgkin (dạng ung thư của các tế bào trong hệ miễn dịch), cả hai loại này đều có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Dấu hiệu cảnh báo: giảm cân, sốt, đổ mồ hôi, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết dưới da cổ, nách, háng.
Dạng u lympho không Hodgkin (NHL) gần giống như bệnh máu trắng ALL, bởi vì chúng đều liên quan đến các tế bào bạch huyết và có nhiều triệu chứng giống nhau. NHL thường được điều trị bằng hóa trị.
U xương ác tính.
U xương ác tính (Sarcoma xương)
Đây là dạng ung thư xương phổ biến nhất ở nam thiếu niên, thường xuất hiện trong giai đoạn dậy thì. Nam bị u xương ác tính nhiều gấp đôi nữ và thường thấy ở những người có chiều cao vượt trội. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do gen hoặc là hậu quả của một dạng ung thư khác, ví dụ như retinoblastoma - u phát triển trong võng mạc có thể là tiền đề của bệnh u xương ác tính. Những thiếu niên được xạ trị để chữa loại ung thư khác thì nhiều khả năng sẽ bị u xương ác tính.
Những triệu chứng phổ biến nhất của u xương ác tính là đau và sưng ở một cánh tay hoặc cẳng chân, đôi khi đi kèm u bướu. Một số người bị đau về đêm hoặc khi tập thể dục. U xương ác tính thường xuất hiện ở các xương quanh đầu gối. Trong một số trường hợp hiếm gặp, khối u có thể di căn từ xương tới các dây thần kinh và mạch máu ở chi.
U não và các khối u tủy sống
Người trẻ tuổi có nhiều khả năng phát triển các khối u ở phần trên của bộ não. Khối u tủy sống ít phổ biến hơn. Các khối u não có thể gây đau đầu, buồn nôn, nôn, mờ mắt hoặc nhìn đôi, chóng mặt, co giật, đi bộ khó khăn,...
Có hai dạng u não: u não sơ cấp (bắt đầu từ những tế bào trong não) và u não thứ cấp (đến từ một dạng ung thư khởi phát từ một phần khác của cơ thể và lan tới não). Phần lớn u não thường gặp ở thanh thiếu niên là dạng sơ cấp. Hai trong số nhiều dạng phổ biến là astrocytomas (u não bắt nguồn từ những tế bào não tên là astrocyte, dạng này không di căn ra khỏi não và tủy sống, không ảnh hưởng các tổ chức khác) và ependymomas (bắt nguồn từ niêm mạc trong não thất).
Ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp có tỷ lệ mắc bệnh ở nữ nhiều hơn nam. Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư tuyến giáp là có một khối u ở mặt trước của cổ, đau hoặc sưng ở cổ, khó thở hoặc nuốt và thay đổi giọng nói.

Lời khuyên của thầy thuốc

Tỷ lệ sống sót của các bệnh ung thư ở thanh thiếu niên được cải thiện trong những năm gần đây. Nhìn chung, hơn 80% trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư có thể sống ít nhất thêm 5 năm sau chẩn đoán.

Tiên lượng cho các bệnh ung thư ở người trẻ tuổi thường tốt hơn người lớn tuổi ở cùng một giai đoạn bệnh. Việc phát hiện sớm là điều vô cùng quan trọng, giúp tăng cơ hội chữa khỏi bệnh. Vì vậy, khi thấy con có những dấu hiệu bệnh, cha mẹ cần đưa đi khám để được điều trị sớm.
BS. Lê Anh
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

SƠ CỨU NGƯỜI BỊ TAI NẠN GIAO THÔNG


Năm nào cũng vậy, vào các dịp lễ tết được nghỉ dài ngày, các vụ tai nạn giao thông thường gia tăng.
Điều đáng chú ý, một tỷ lệ không nhỏ nạn nhân bị tai nạn giao thông tử vong là do không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách trước khi đưa tới các cơ sở y tế. Việc sơ cấp cứu ban đầu khi bị tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông có ý nghĩa sống còn đối với rất nhiều người. Do đó, chúng ta cần trang bị những kiến thức cơ bản về sơ cứu khi gặp tai nạn giao thông.
Sơ cứu tai nạn giao thông như thế nào?
Thực hiện đặt người bị thương nằm ở tư thế có thể thở một cách thuận lợi nhất:
Với người bị nhẹ (hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được), cần cho nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.
Khi người bị thương còn nhận thức được, hãy bảo họ nằm ở tư thế thẳng và để đầu sao cho dễ thở (thông thường nằm ngửa, đầu thấp không kê gối tạo điều kiện cho máu chảy lên não) để người bị thương có thể thở một cách thuận lợi nhất và không làm trầm trọng thêm các vết thương.
Nếu người bị thương không còn nhận thức được, hãy đặt người đó nằm mặt úp xuống sao cho không làm tắc nghẽn sự hô hấp trong trường hợp người đó nôn.
Kiểm tra hô hấp của người bị nạn: Khi sơ cứu trong hầu hết trường hợp, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi..., phải dùng tay móc ngay ra.
Trường hợp người bị thương khó thở, sau khi tạo ra được đường thoáng khí, thực hiện hô hấp nhân tạo. Đây là cách cấp cứu an toàn nhất và hiệu quả nhất.
Thông thường thì hô hấp nhân tạo bằng cách miệng đối miệng, người cấp cứu ngậm miệng hít sâu rồi áp miệng vào miệng nạn nhân thổi mạnh, đồng thời ngón cái và ngón trỏ bóp cho cánh mũi nạn nhân kín lại. Quan sát lồng ngực nạn nhân khi thổi, nếu lồng ngực phồng lên là không khí đã vào phổi, ngẩng lên lấy hơi để thổi lần sau và bỏ ngón tay bịt cánh mũi nạn nhân ra. Tần số đối với nạn nhân người lớn là 3 - 4 giây thổi 1 lần, nạn nhân là trẻ em thì nhanh hơn, cứ 2 - 3 giây thổi 1 lần.
Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy ngón tay, nắm tay, khăn hay một cục bông đè mạnh vào vết thương. Đây là động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.
Với người có tổn thương chi như gãy xương, tay, chân, phải cố định chi gãy. Gãy chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện.
Với người bị nặng (trong tình trạng hôn mê), nên tiến hành sơ cứu theo 3 bước: Thông đường thở: làm bệnh nhân thở được (hà hơi, hồi sức); Kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết và chuyển ngay đến cơ sở y tế. Lưu ý, cần từ 2 - 3 người nhấc người bệnh lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện.
Riêng với trường hợp nghi ngờ chấn thương sọ não, khi quan sát thấy nạn nhân bị va đập ở vùng đầu, đừng tự ý di chuyển mà hãy nhờ sự giúp đỡ của những người khác. Nếu nạn nhân hôn mê, không nên cho uống bất kỳ loại nước nào vì dễ bị sặc.
Nạn nhân chấn thương sọ não có thể bị vỡ sọ, vết thương xuyên thấu, dập não, xuất huyết trong hoặc phù não, co giật. Khi đó, nên đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí với tư thế chân kê cao hơn đầu khoảng 20cm nếu không thấy chảy máu đầu cổ, không bị nhồi máu cơ tim. Cần ủ ấm cho bệnh nhân. Nếu nạn nhân ngưng tim, ngưng thở, nên ưu tiên hô hấp nhân tạo, xoa bóp lồng ngực ở vùng tim.
Sau khi xử trí tổn thương ban đầu, gọi xe cấp cứu ngay. Nếu nghi ngờ nạn nhân bị tổn thương cột sống, phải thật cẩn trọng khi khiêng cáng ra khỏi hiện trường. Trong quá trình di chuyển, cần cố định nạn nhân bằng cách chèn vải, chăn gối ở phần đầu, cổ và thân.
Sơ cứu người bị tai nạn giao thông.
Cần tránh những việc sau
Lấy bỏ bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Nếu bị vật gì nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra vì lúc này nó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, nạn nhân mất máu nhiều có thể tử vong.
Dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn có thể gây tổn thương cột sống cổ.
Di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định.
Di chuyển người bị nạn bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ do chở đi bị xóc đã tử vong trước khi vào viện do liệt hô hấp.
Đưa bất cứ một vật lạ hoặc nước vào miệng người bị nạn có thể gây tử vong do sặc, ngạt thở.
Để phòng tránh tai nạn giao thông, người tham gia cần chú ý thực hiện đúng Luật Giao thông như: Giảm tốc độ khi đến ngã tư, ngã ba, khúc cua, ngã rẽ; Không lách vào những khe hở quá hẹp giữa hai xe; Sử dụng gương chiếu hậu, đèn tín hiệu và đèn pha đúng cách; Giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước; Không uống rượu bia khi tham gia giao thông.
BS. Nguyễn Văn Thường
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

NHỮNG SAI LẦM VỀ BỆNH ĐAU DẠ DÀY VÀ VI KHUẨN HP


Bệnh đau dạ dày 70% nguyên nhân là do vi khuẩn HP gây ra. Vì thế cần phải hiểu rõ về con vi khuẩn HP, để người dân sẽ có cách phòng ngừa và đẩy lùi hợp lý.
Tỷ lệ người dân nước ta nhiễm vi khuẩn này rất cao vì thói quen sinh hoạt cũng như ăn uống chung. Theo một nghiên cứu mới công bố gần đây, tỷ lệ này có thể lên đến 70%. Dưới đây là 3 quan niệm sai lầm về vi khuẩn HP:
Vi khuẩn HP không lây lan
Vi khuẩn HP rất dễ lây lan, dưới đây là con đường chính dễ lây lan nhất:
Con đường lây nhiễm chính của vi khuẩn HP (ảnh minh hoạ)
-  Lây nhiễm qua đường miệng: Vi khuẩn Hp tồn tại trong niêm mạc dạ dày người bệnh, chúng còn được tìm thấy trong mảng bám ở răng,  nước bọt. Thói quen của người dân nước ta khi ăn uống là ăn chung nên  nguy cơ lây nhiễm khuẩn HP là rất cao.
- Lây nhiễm qua đường dạ dày - dạ dày: Quá trình lây nhiễm này diễn ra khi đi nội soi tại các cơ sở y tế. Khi dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch sẽ , vi khuẩn HP có thể lây nhiễm chéo từ người có bệnh sang người lành.
- Lây nhiễm qua đường phân - miệng: Vi Khuẩn HP tồn tại trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ hoặc lây nhiễm qua các trung gian khác như côn trùng nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó lại bám vào thức ăn.
Nhiễm vi khuẩn HP không cần chữa
Nếu vi khuẩn HP làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng (đầy hơi, đau bụng, khó tiêu, nôn ói…) thì việc đẩy lùi vô cùng quan trọng nhằm làm giảm nguy hại mà nó mang lại. Để kiểm tra vi khuẩn HP, có thể thực hiện theo hai phương pháp phổ biến hiện nay là nội soi dạ dày và kiểm tra hơi thở. Nếu không xử lý sớm, bệnh ngày một nặng có thể diễn biến sang viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày hoặc ung thư dạ dày.
Ai nhiễm vi khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày
Trong nhiều chuyên đề về Tiêu hóa, dạ dày, đã khẳng định không phải ai mắc vi khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày. Nghiên cứu cho thấy có hàng trăm loại HP khác nhau, chỉ 1 số loại mang gen CagA có độc lực cao tăng nguy cơ ung thư. Khi mắc vi khuẩn HP, người bệnh có thể làm xét nghiệm vi khuẩn HP thuộc nhóm có độc lực mang gen CagA hay không. Trên thực tế, có đến hơn 70% mang vi khuẩn HP nhưng không phải ai cũng ung thư.
Vi khuẩn Hp được xem là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng, từ đó có thể dẫn tới ung thư dạ dày nếu không được hỗ trợ đẩy lùi kịp thời.
Chính vì vậy, khi bị nhiễm vi khuẩn HP người bệnh không nên chủ quan, những người mắc vi khuẩn này nên hạn chế ăn đồ chua, cay, hạn chế uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá... Và để tránh tình trạng kháng kháng sinh, mọi người không nên tự ý mua kháng sinh diệt HP. Vi khuẩn HP có nhiều type, vì vậy, nếu đã chữa khỏi một lần, khả năng tái nhiễm vẫn xảy ra khi mắc type khác. Người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ test và diệt HP khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Để có một dạ dày khỏe mạnh cần có một thói quen bảo vệ dạ dày ngay tại nhà bằng curcumin hướng đích. Hoạt tính kháng khuẩn của curcumin có tác dụng chống lại được 65 chủng lâm sàng của vi khuẩn H.Pylori (HP) giúp ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn làm giảm tổn thương và nhiễm trùng trên mô dạ dày.
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

BẠN CẦN NGỦ BAO NHIÊU GIỜ MỘT NGÀY?


Giấc ngủ là một phần quan trọng trong hoạt động hàng ngày của con người giống như thức ăn và nước uống. Trong cuộc sống bận rộn, nhiều áp lực, không phải ai cũng ngủ đủ giấc. Còn bạn thì sao?
TS. Trần Nguyễn Ngọc - Trưởng phòng điều trị Rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết: Ngủ là trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể có tính chất ngày đêm. Trong đó toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi, tạm dừng hoạt động tri giác, ý thức, các cơ bắp giãn mềm, các hoạt động hô hấp, tuần hoàn chậm lại.
Giấc ngủ là một phần quan trọng trong hoạt động hàng ngày của con người giống như thức ăn và nước uống. Thời lượng giấc ngủ cần thiết khác nhau giữa các lứa tuổi.
Theo khuyến cáo, trẻ sơ sinh cần 14-17 giờ/ngày, trẻ 1-2 tuổi cần 11-14 giờ/ngày, 6-13 tuổi cần 9-11 giờ/ngày, người lớn cần 7-9 giờ/ngày, người cao tuổi cần 7-8 giờ/ngày.
Có một thực trạng báo động hiện nay là nhiều người bị rối loạn giấc ngủ. Theo TS. Ngọc, đây là một rối loạn thuộc chuyên khoa Tâm Thần. Tỉ lệ mắc rối loạn giấc ngủ khác nhau giữa các nước. Ước tính tỉ lệ rối loạn giấc ngủ trong dân số chung dao động từ 4 đến 26%. Rối loạn giấc ngủ gặp ở hầu hết các rối loạn tâm thần (lo âu, trầm cảm, hưng cảm, nghiện chất....).
Bệnh nhân có rối loạn giấc ngủ thường than phiền về số lượng giấc ngủ (ngủ không đủ thời gian hoặc nhiều hơn thời gian cho phép); chất lượng giấc ngủ (ngủ dậy còn cảm giác mệt mỏi, uể oải, còn buồn ngủ...); hoặc có tình trạng khó vào giấc, thức giấc nhiều lần trong đêm, khó ngủ lại khi thức giấc, thức dậy sớm...; hoặc các biểu hiện xảy ra trong khi ngủ như: gặp ác mộng, mộng du, cơn hoảng loạn khi ngủ.... Rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của người bệnh.
TS. Ngọc khuyến cáo, khi bạn thấy mình có dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ ngoài thực hiện vệ sinh giấc ngủ và có chế độ dinh dưỡng phù hợp (hạn chế dùng chất kích thích...) nên khám và tư vấn chuyên khoa Tâm thần để được điều trị sớm và kịp thời.
Không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc an thần, gây ngủ để tránh tình trạng lạm dụng hay nghiện thuốc.
T.H
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

KHẮC PHỤC CHỨNG TIM ĐẬP NHANH SAU ĂN


Chúng ta thường thấy tim đập nhanh hơn sau khi ăn một bữa ăn nặng, đặc biệt khi bữa ăn có đồ uống chứa caffein.
Chúng ta thường thấy tim đập nhanh hơn sau khi ăn một bữa ăn nặng, đặc biệt khi bữa ăn có đồ uống chứa caffein. Tuy nhiên, khi thức ăn đã tiêu hóa hết, tim sẽ trở lại trạng thái bình thường. Nhưng nếu tim bạn vẫn cứ như chạy đua trong vài giờ liên tiếp khi đã ăn xong thì bạn nên cân nhắc đi gặp bác sĩ. Có nhiều nguyên nhân gây ra tim đập nhanh, hãy tìm hiểu để có phương pháp điều trị phù hợp.
Nguồn cơn gây nhịp tim nhanh sau khi ăn
Đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Nhịp tim tăng lên vì trái tim bắt đầu bơm máu nhiều hơn để đủ cho dạ dày và ruột tiến hành quá trình tiêu hóa. Nếu không bơm đủ máu, sau khi ăn cơ thể sẽ không hấp thu được thực phẩm một cách tốt nhất.
Ăn quá nhiều: Tiêu thụ một lượng thực phẩm khổng lồ cũng có thể là lý do làm tim đập nhanh. Cơ thể buộc phải tăng lượng máu chảy nhiều hơn cho việc tiêu hóa. Kết quả là trái tim đập rất mạnh để cung cấp đủ lượng máu cần thiết. Tim sẽ cứ đập rất mạnh vào khoảng 25-40 phút hoặc cả một giờ sau bữa ăn lớn.
Trong một vài trường hợp, nhịp tim nhanh hơn bình thường là phản ứng tự nhiên khi ăn xong.
Các chất kích thích có thể làm nhịp tim tăng. Các tác nhân phổ biến nhất là chất có cồn và caffein. Hơn nữa một số chất phụ gia thực phẩm cũng gây ra hiện tượng này. Những bữa ăn nhiều natri, glutamat monosodium (một số chất phụ gia thực phẩm) cũng gây ra hiện tượng này.
Không loại trừ khả năng đang dùng thuốc: Bạn đang uống loại thuốc nào kèm với bữa ăn? Thuốc có thể là một thứ để đổ lỗi khi thấy nhịp tim tăng nhanh. Một số loại thuốc như pseudoephedrine, bổ phế, tuyến giáp có thể làm nhịp tim đập nhanh hơn. Nếu bạn vừa mới dùng thuốc mà tim đã đập nhanh, hãy liên lạc với bác sĩ ngay lập tức.
Một bữa ăn chứa nhiều calo rỗng hoặc đường nhiều quá mức cũng là nguyên nhân khiến tim phải hoạt động nhanh hơn bình thường. Vì để cơ thể tiêu thụ lượng đường lớn, tuyến tụy phóng thích ra nhiều insulin; đôi khi sinh ra quá nhiều insulin làm giảm mức đường trong máu. Lượng đường trong máu thấp dẫn đến việc giải phóng adrenaline làm tim đập nhanh hơn.
Do cách chúng ta ăn: Đôi khi tim đập nhanh liên quan đến cách ăn uống, ví dụ như nuốt mà không nhai hoặc ăn khi lo lắng và căng thẳng. Hoạt động ngay sau kết thúc bữa ăn cũng gây ra tình trạng tương tự.
Dị ứng: Trái tim đập nhanh có thể cho biết bạn bị dị ứng. Phản ứng dị ứng trầm trọng có thể làm tăng nhịp tim sau bữa ăn. Đôi khi phụ gia thực phẩm là thủ phạm thực sự, bao gồm aspartame, sulfites, benzoat và một loạt chất bảo quản như nitrat, paraben và BHT (butylated hydroxytoluence). Hãy thông báo với bác sĩ để tìm hiểu lý do làm bạn bị dị ứng.
Một bữa ăn thịnh soạn khiến cơ thể buộc phải tăng lượng máu chảy nhiều hơn cho việc tiêu hóa sau khi ăn cũng có thể là lý do làm tim đập nhanh.
Khi nào tim đập nhanh là hiện tượng đáng lo ngại?
Nếu tình trạng đó diễn ra liên tục và thường xuyên, không thuyên giảm và xuất hiện ngay cả những lúc khác, cần sớm đi khám tại chuyên khoa tim mạch, đặc biệt là khi tim đập nhanh đi kèm với các vấn đề về thở; ra mồ hôi; nhầm lẫn, lú lẫn; đau đầu nhẹ, chóng mặt, choáng ngất; đau ngực; tăng áp lực hoặc căng tức ngực, lưng dưới, cánh tay, cổ hoặc hàm.
Tim đập nhanh có thể là một triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm: thiếu máu, mất nước, hạ đường huyết, giảm lượng CO2 trong máu, giảm lượng ôxy trong máu, hạ kali máu, cường giáp, sốc.
Tim đập nhanh sẽ đặc biệt đáng lo ngại nếu bạn có nguy cơ cao bị các bệnh tim mạch hoặc gần đây được chẩn đoán mắc các bệnh về tim mạch. Nếu nghi ngờ các vấn đề về tim mạch, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một vài xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm kiểm tra mức độ căng thẳng và bài kiểm tra Holter.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trong một vài trường hợp, nhịp tim nhanh hơn bình thường là phản ứng tự nhiên khi ăn xong. Bạn không nhất thiết phải lo lắng quá nhiều khi hiện tượng này xảy ra. Nhưng đó vẫn là một cảm giác không thoải mái, đặc biệt là khi tiếp diễn nhiều lần. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ để bạn có thể thử và bình thường hóa lại nhịp tim của mình:
Hãy tìm những thực phẩm làm tim bạn đập nhanh và loại bỏ nó khỏi thực đơn của mình. Cẩn thận nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt. Tránh ăn quá nhiều so với mức cần thiết. Các bữa ăn nhỏ thường xuyên cũng làm giảm chứng đầy bụng và làm chậm nhịp tim lại.
Không nên chạy, nằm, đi bộ... ngay sau bữa ăn. Nhâm nhi một tách trà xanh sẽ làm trơn thức ăn và giúp chúng ta tiêu hóa tốt hơn.
Nếu bạn thường xuyên phải chịu áp lực căng thẳng, trị liệu bằng yoga, ngồi thiền và hít thở sâu có thể giúp bạn giảm tình trạng tim đập nhanh.
Cố cảm thấy thoải mái khi bạn để ý thấy tim mình đập nhanh hơn bình thường. Bạn nên nằm xuống nghỉ ngơi và hít thở sâu. Thử nằm nghiêng bên trái khi ngủ vì điều này cải thiện tiêu hóa.
BS. Hà Phương Khánh
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020

VI KHUẨN HP KHÔNG CHỈ GÂY BỆNH Ở DẠ DÀY

Không ít bệnh nhân nghĩ rằng vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) chỉ gây bệnh ở dạ dày, song trên thực tế, loại vi khuẩn này còn có thể gây bệnh cho một số nơi khác trong cơ thể.
Helicobacter pylori là vi khuẩn sống trong niêm mạc dạ dày, do hai bác sĩ người Úc là Robin Warren và Barry J. Marshall phát hiện năm 1982, từ mẫu sinh thiết dạ dày qua nội soi. Phát hiện này được trao tặng giải Nobel Y học và Sinh lý học năm 2005.
Nhiễm Helicobacter pylori là một trong những nhiễm khuẩn mạn tính gặp nhiều nhất ở người. Người ta ước tính có hơn nửa dân số trên thế giới đã bị nhiễm H. pylori, chủ yếu ở các nước đang phát triển với tần suất nhiễm rất cao từ 50 - 90% ở những người trên 20 tuổi và hầu hết trẻ em bị nhiễm ở độ tuổi từ 2 - 8. Việt Nam cũng thuộc vùng có tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori cao (vào khoảng 45% ở người lớn).
Sau khi điều trị thành công, tình trạng tái nhiễm Helicobacter pylori ở người lớn hiếm khi xảy ra nhưng sự lây nhiễm giữa vợ chồng có thể làm cho bệnh tái phát sau điều trị.
Hầu hết nhiễm Helicobacter pylori không có triệu chứng lâm sàng, trong số này chỉ có khoảng 1% dân số bị nhiễm sẽ tiến triển thành ung thư dạ dày, (90% những người bị ung thư dạ dày bị nhiễm Helicobacter pylori), khả năng gây bệnh còn tùy thuộc vào chủng loại vi khuẩn. Người bị loét tá tràng  nhiễm Helicobacter pylori nhiều hơn người bị loét dạ dày. Ngoài ra, nhiễm Helicobacter pylori còn liên quan đến một loại lymphôm tế bào B ở dạ dày, được gọi là u MALT (Mucosa Associated Lymphoid Tissue).Gần 75% các u MALT có thể được điều trị khỏi bằng kháng sinh diệt Helicobacter pylori nếu phát hiện sớm.
Năm 1994, Tổ chức Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Helicobacter pylori là tác nhân quan trọng hàng đầu gây ung thư dạ dày. Điều trị tiệt trừ Helicobacter pylori được coi là một chiến lược dự phòng hóa học đầu tiên có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc ung thư dạ dày.

Nguồn lây và trú ngụ
Nguồn lây từ động vật: Một số loại gia súc, gia cầm như chó, gà, vịt, chim, cừu… và động vật trong tự nhiên có thể mang Helicobacter pylori và trở thành nguồn lây cho người.
Nguồn lây từ môi trường: Trong đó nước được coi là yếu tố quan trọng nhất.
Nguồn lây từ người sang người: Là nguồn lây rất phổ biến, nhất là trẻ em. Ví dụ như hôn hít, nhai mớm cơm cho trẻ, dùng đũa gắp thức ăn chung... Đường lây truyền dạ dày - dạ dày qua nội soi do thầy thuốc gây ra đã được nhìn nhận. Việc rửa sạch và tiệt khuẩn sạch dụng cụ nội soi loại trừ được nguy cơ lây truyền.
Dạ dày là nơi cư trú chính của Helicobacter pylori.Vi trùng này cũng đã được tìm thấy trong các tế bào khác của cơ thể như trong các hạch bạch huyết, điều này được giải thích là vi khuẩn đã được nuốt bởi các đại thực bào. H.pylori còn tìm thấy ở miệng (trong cao răng, trong nước bọt), tại thực quản, tá tràng, đại tràng, túi thừa Meckel, tại những nơi có dị sản dạ dày.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy ngoài việc gây bệnh đối với đường tiêu hóa trên Helicobacter pylori còn có thể gây nên nhiều bệnh lý tại các cơ quan khác nhau thuộc hệ tiêu hóa và ngoài hệ tiêu hóa.
Bệnh lý tiêu hóa
Có một số nghiên cứu tìm thấy Helicobacter pylori trong bệnh lý viêm và chảy máu túi thừa Meckel, viêm loét đại trực tràng chảy máu, ung thư đại tràng và chứng tiêu chảy mạn tính ở trẻ em.Helicobacter pylori có trong các mẫu sinh thiết của ung thư biểu mô tế bào gan.Vi khuẩn cũng đã được tìm thấy với tỷ lệ từ 40 - 50% trong dịch mật của các bệnh nhân bị sỏi mật. Người bị ung thư tụy, tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori cũng cao hơn bình thường.
Bệnh lý hô hấp
Các bệnh lý thuộc hệ thống hô hấp có sự liên quan với H. pylori đã được đề cập là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh giãn phế quản và ung thư phổi.
Bệnh lý tim mạch
Những người bị nhiễm Helicobacter pylori có tỷ lệ triglyceride, LDL và apoprotein B cao hơn những người không bị nhiễm.Helicobacter pylori có thể còn liên quan tới tình trạng kháng insulin và xơ hóa mạch máu. Người ta thấy khi bị nhiễm Helicobacter pylori máu dễ bị đông hơn do tỷ lệ fibrinogen trong huyết tương tăng và CRP (C - Reactive Protein) cũng cao hơn bình thường.
Bệnh lý về máu
Dường như có mối liên hệ giữa Helicobacter pylori và xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân.Điều trị Helicobacter pylori đã nâng được tiểu cầu trong máu người bệnh.
Có một số bệnh nhân bị nhiễm Helicobacter pylori đã xuất hiện tình trạng thiếu sắt và sau khi tiệt trừ Helicobacter pylori  hàm lượng sắt trong máu đã được khôi phục.
Vẫn còn cần thêm nhiều dữ liệu để khẳng định và phủ định các giả thiết trên.Tuy nhiên đã có một số hiểu biết mới giúp thay đổi quan niệm trong thực hành lâm sàng của các thầy thuốc.

Chẩn đoán và điều trị HP
- Cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất là thông qua nội soi, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ trích một phần nhỏ trong dạ dày, đem đi làm xét nghiệm Clo test, soi trên kính hiển vi tìm vi khuẩn Hp.
HP cũng có thể được tìm thấy bằng cách cho bệnh nhân test hơi thở thông qua việc cho bệnh nhân uống 1 loại thuốc, khi uống vào sẽ làm bệnh nhân ợ hơi và phát hiện chất lạ, có vi khuẩn HP bác sĩ sẽ phát hiện ra. Cách này đơn giản nhưng không quan sát được thành dạ dày có bị tổn thương hay không. Một cách khác, bệnh nhân sẽ được thử phân, tìm những chất do vi khuẩn HP tiết ra chứ không tìm trực tiếp vi khuẩn mà chỉ cho thấy sự tồn tại của vi khuẩn HP trong dạ dày.
- Ngoài ra, có một cách phổ biến là thử máu nhưng cách này không chính xác tuyệt đối. Khi một người tiếp xúc với vi khuẩn HP, cơ thể sẽ tiết ra kháng thể và kháng thể này được phát hiện khi thử máu. Tuy nhiên chỉ khoảng 60 - 70% người có phản ứng này.Những người còn lại, cơ thể sẽ không tiết ra kháng thể, khi thử máu sẽ không phát hiện được có bệnh hay không. Do đó, việc thử máu tìm HP chỉ dùng để nghiên cứu chứ không dùng để chẩn đoán bệnh.
- Khi xác định HP và có chỉ định điều trị, việc dùng thuốc sẽ kéo dài 2 tuần. Điều lưu ý là thuốc này thường có tác dụng phụ như người uống bị mệt mỏi, nôn mửa, đắng miệng ăn không ngon, tiêu chảy…
- Tấn công vi khuẩn trong 2 tuần nhưng tổng thời lượng điều trị sẽ kéo dài 3 - 6 tháng. Sau khi điều trị giảm bớt triệu chứng, bệnh nhân sẽ ngưng điều trị 2 tuần, sau đó kiểm tra lại.Đối với bệnh nhân thuộc trường hợp cấp bách, ít nhất điều trị 1 - 2 tháng sau đó ngưng 2 tuần. Sau khi kiểm tra đã hết vi khuẩn nhưng tổn thương trong dạ dày vẫn còn xấu thì bệnh nhân sẽ được uống thuốc điều trị viêm dạ dày lâu dài. Đặc biệt bệnh viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP, viêm dạ dày mạn tính sẽ rất dễ tái phát.
ThS.BS.CKII. TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG
BS.CKII. ĐỖ MINH TRUNG
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống