Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

NHỮNG TÁC ĐỘNG CÓ LỢI VÀ CÓ HẠI CỦA ÁNH SÁNG XANH


Trong những năm gần đây, mọi người ngày càng chú ý đến tác động của ánh sáng xanh lên sức khỏe con người như thế nào, đặc biệt là đôi mắt. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đền này, báo Sức khỏe và Đời sống xin giới thiệu bài viết của BS.CK2. Trần Ánh Dương- Trưởng khoa Mắt-Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
Ánh sáng xanh là gì?
Ánh sáng mặt trời được tạo thành từ dải quang phổ bao gồm: ánh sáng đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm và tím. Khi kết hợp, nó trở thành ánh sáng trắng mà chúng ta nhìn thấy. Mỗi dải quang phổ có năng lượng và bước sóng khác nhau. Dải màu đỏ có bước sóng dài nhất trong trong ánh sáng nhìn thấy (700-1.000nm) và ít năng lượng. Mặt khác, ánh sáng màu xanh có bước sóng ngắn hơn (400-490nm) và nhiều năng lượng hơn.
Nguồn phát ánh sáng xanh ở đâu?
Nguồn ánh sáng xanh lớn nhất là ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, còn có nhiều nguồn khác nhau như: đèn huỳnh quang, đèn huỳnh quang compact, đèn LED, TV màn hình phẳng, màn hình máy tính, điện thoại thông minh và màn hình máy tính bảng...
Nguồn ánh sáng xanh từ đèn led
Bạn phơi ánh sáng xanh từ màn hình và các loại bóng đèn huỳnh quang nhỏ hơn so với lượng phơi sáng từ mặt trời. Tuy nhiên, có mối lo ngại về tác động lâu dài của việc phơi sáng từ các thiết bị này, vì mắt chúng ta tiếp xúc gần và phụ thuộc vào thời gian nhìn vào chúng. Theo nhiều nghiên cứu; mắt trẻ em hấp thụ ánh sáng xanh nhiều hơn người lớn từ màn hình thiết bị kỹ thuật số do thể thủy tinh người lớn có khả năng lọc được ánh sáng xanh tốt hơn.
Lợi ích của ánh sáng xanh là gì?
Ánh sáng xanh là cần thiết cho sức khỏe bởi vì:
Nó tăng cường sự tỉnh táo, tăng trí nhớ, nâng cao chức năng nhận thức và nâng cao tình trạng tâm sinh lý con người.
Nó điều chỉnh nhịp sinh học (chu kỳ thức và ngủ tự nhiên của cơ thể). Tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban ngày giúp ta duy trì nhịp sinh học khỏe mạnh. Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh vào đêm khuya (thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính) dẫn đến kích thích não, ức chế bài tiết melatonin và tăng cường sản xuất hormone tuyến thượng thận, nó sẽ phá hủy sự cân bằng nội tiết tố và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ có thể làm xáo trộn chu kỳ thức và ngủ, dẫn đến khó ngủ và mệt mỏi vào ban ngày. Điều này giải thích tại sao khi chúng ta đọc sách vào ban đêm dẫn đến dễ ngủ hơn xem điện thoại, máy tính bảng hoặc tivi.
Không tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của mắt và thị lực. Bằng chứng dịch tễ học cho thấy trẻ em tham gia các hoạt động ngoài trời có thể ngăn ngừa sự xuất hiện và phát triển của cận thị.
Ánh sáng xanh tác động lên mắt như thế nào?
Hầu như tất cả ánh sáng xanh có thể nhìn thấy đi qua giác mạc, thể thủy tinh, dịch kính rồi được hấp thụ tại võng mạc. Ánh sáng này có thể ảnh hưởng đến thị lực và có thể làm lão hóa mắt sớm. Nghiên cứu ban đầu cho thấy việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh có thể dẫn đến:
Mỏi mắt: Ánh sáng xanh từ màn hình máy tính và các thiết bị kỹ thuật số có thể làm giảm độ tương phản dẫn đến mỏi mắt, biểu hiện các triệu chứng như đau nhức mắt hoặc bị kích thích, nhìn đôi và khó tập trung dẫn đến ảnh hưởng đến công việc cũng như học tập.

Cấu trúc giải phẫu mắt
Khô mắt: Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử tác động lên lớp phim nước mắt và giảm tần số chớp mắt dẫn đến tình trạng khô mắt.
Giác mạc: Ánh sáng xanh giảm giảm tuổi thọ lớp tế bào biểu mô, dẫn đến tình trạng mắt bị kích thích, nhìn mờ .
Thể thủy tinh: Thể thủy tinh chứa protein cấu trúc, enzyme và chất chuyển hóa protein hấp thụ ánh sáng sóng ngắn. Các chất và dẫn xuất này được thêm vào protein của thể thủy tinh để tạo ra các sắc tố màu. Thể thủy tinh hấp thụ một lượng đáng kể ánh sáng xanh để bảo vệ tế bào võng mạc Tuy nhiên, khi nó phát huy tác dụng bảo vệ thì nó phải trải qua sự giảm độ trong suốt hoặc thay đổi màu sắc. Do đó, dẫn đến hình thành đục thể thủy tinh.
Tổn thương võng mạc: Các nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng xanh theo thời gian có thể dẫn đến các tế bào võng mạc bị tổn thương. Điều này có thể gây ra các vấn đề về thị lực như thoái hóa hoàng điểm tuổi già.
Ảnh hưởng đến sự phát triển khúc xạ: Nhiều nghiên cứu cho thấy việc đọc màn hình điện tử có thể dẫn đến sự xuất hiện và phát triển thị lực kém ở trẻ em, và tỷ lệ cận thị cao hơn, tương quan với sự gia tăng thời gian đọc màn hình. Từ sự khác biệt giữa đọc màn hình điện tử và các hoạt động ngoài trời, chúng ta thấy rằng các hoạt động ngoài trời được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên làm giảm xuất hiện và tiến triển cận thị ở trẻ em.
Bảo vệ mắt khỏi tác động bởi ánh sáng xanh như thế nào?
Nếu công việc của bạn bắt buộc phải tiếp xúc liên tục với điện thoại thông minh, máy tính bảng và màn hình máy tính thì sau đây có một số giải pháp giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh:
Thời gian trên màn hình: Cố gắng giảm lượng thời gian sử dụng trước các màn hình này và / hoặc nghỉ giải lao thường xuyên để cho mắt bạn nghỉ ngơi theo quy tắc 20-20-20 (cứ 20 phút làm việc trên máy tính thì thư giãn mắt trong 20 giây bằng cách nhìn vào vật nào bất kỳ ở khoảng cách 20 feet - 6 mét).
Sử dụng bộ lọc: Bộ lọc màn hình có sẵn cho điện thoại thông minh, máy tính bảng và màn hình máy tính. Chúng làm giảm lượng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này.


Mắt kính lọc ánh sáng xanh

Đeo kính khi sử dụng máy tính: Loại kính có mắt kính lọc ánh sáng xanh, mắt kính này hiện có bán nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, bạn nên đến các cơ sở có uy tính và có bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn.
Ống kính chống phản chiếu: Ống kính chống phản chiếu làm giảm độ chói và tăng độ tương phản và cũng chặn ánh sáng xanh từ mặt trời và các thiết bị kỹ thuật số.
Thủy tinh thể nhân tạo (IOL): Hiện nay, đa số thủy tinh thể nhân tạo được các nhà sản xuất vừa có chức năng lọc ánh sáng xanh đồng thời lọc được tia cực tím. Do vậy, sau phẫu thuật thay thủy tinh thể, võng mạc chúng ta đã được bảo vệ khỏi ánh sáng xanh.
Đối với học sinh, sinh viên nên tăng cường thời gian hoạt động ngoài trời, hạn chế tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử và tăng cường đọc sách giấy trong điều kiện đầy đủ ánh sáng.
Bs. Trần Ánh Dương
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét