Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

ARV - giải pháp hiệu quả ngăn chặn HIV

Một nghiên cứu mang tên “HPTN 052” chỉ ra rằng người nhiễm HIV/AIDS tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV ngay từ những giai đoạn đầu sẽ rất hiếm khi lây bệnh cho bạn tình của họ.
Ngay từ khi xuất hiện, HIV/AIDS luôn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, đến nay đã có gần 230.000 trường hợp người đang nhiễm bệnh và gần 71.000 người tử vong do HIV/AIDS, trung bình khoảng 2.800 ca tử vong/năm (gấp 230 lần so với mức trung bình của 28 bệnh truyền nhiễm khác). Trung bình, mỗi năm có từ 12.000-14.000 ca nhiễm mới.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, số người nhiễm HIV mới phát hiện đã lên tới trên 1.504 người, tức là mỗi ngày vẫn có thêm khoảng 20 người nhiễm HIV.
Các báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, tỉ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng gia tăng. Năm 2014, tỉ lệ này chiếm tới 47,9%, cao hơn hẳn tỉ lệ lây truyền qua đường máu (27,5%), đường từ mẹ sang con (3%)…

Có thể thấy rằng giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và bệnh lây qua đường tình dục nói riêng là việc làm cấp thiết để có thể đẩy lùi được HIV/AIDS. Nghiên cứu mang tên “HPTN 052” của một nhóm các nhà khoa học theo dõi trên 1.763 cặp đôi dị tính (một người nhiễm HIV, người còn lại âm tính) trong suốt 10 năm từ tháng 5-2005 đến tháng 5-2015 đã chỉ ra rằng người bệnh tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV ngay từ những giai đoạn đầu sẽ rất hiếm khi lây bệnh cho bạn tình của họ. Trong 10 năm nghiên cứu chỉ ghi nhận 46 trường hợp lây nhiễm (nghĩa là giảm 96% người bị lây nhiễm HIV).

ARV là thuốc kháng virus, có tác dụng ức chế sự sinh sôi của HIV trong cơ thể. Từ trước những năm 1990, thuốc ARV đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự bùng phát dịch và được khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS. Cụ thể, hiện nay qua các nghiên cứu, ARV giúp giảm 41% tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%, đặc biệt giảm đến 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục.
Với những hiệu quả kể trên, ARV thực sự là một giải pháp tối ưu cho việc điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam. Hiện nay, tại Việt Nam, số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV đã tăng từ 516 trường hợp (năm 2004) lên đến hơn 95.752 người (năm 2014). Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, 90% người nhiễm HIV được chẩn đoán ở nước ta sẽ được tiếp cận và duy trì điều trị bằng thuốc ARV.
Đầu tư bền vững cho thuốc ARV sẽ bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người nhiễm HIV, làm giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, tiết kiệm chi phí trong việc điều trị cho bệnh nhân do nằm viện và điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Nhóm máu và những bệnh lý liên quan

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng biết mình thuộc nhóm máu chỉ chỉ phục vụ việc cho và nhận máu. Tuy nhiên, chuyên gia cao cấp về huyết học của Mỹ cho rằng, nhóm máu có thể là dấu hiệu chỉ báo cho một số bệnh lý, có khi nguy hiểm. Do vậy, nhóm máu không thể thay đổi được nhưng biết được các nguy cơ từ nó, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh xuất hiện và tiến triển…
Cục máu đông
TS. Lawrence Cytryn, giảng viên cấp cao trong lĩnh vực khoa học về huyết học của Trường Y Icahn ở Mount Sinai, Mỹ cho biết, những người có nhóm máu O có nguy cơ bị huyết khối thấp hơn các nhóm máu khác. Những người có nhóm máu A, B và AB có nguy cơ mắc bệnh Von Willebrand, chứng rối loạn đông cầm máu, cao hơn 30%. Ngoài ra, các nhà khoa học ước tính rằng người có nhóm máu AB có nguy cơ huyết khối cao hơn khoảng 20%.
Ung thư dạ dày
Người có nhóm máu O ít có nguy cơ ung thư dạ dày hơn hẳn các nhóm máu khác. Nhóm máu A được cho là có nguy cơ mắc bệnh hơn cả nhưng cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết được chính xác nguyên nhân nào gây ra tình trạng này. Do đó nếu người nhóm máu A thấy đau vùng thượng vị, giảm cân, chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy ra máu và các triệu chứng khác như viêm dạ dày, teo dạ dày, nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Loét dạ dày
Nếu bạn thuộc nhóm máu A hoặc AB thì không nên lo lắng về các vết loét ở dạ dày vì các nghiên cứu cho thấy loét dạ dàykhông thường gặp ở những người có nhóm máu này. Tại nước ta, nghiên cứu của tác giả Nguyễn Duy Thắng (Bệnh viện Nông nghiệp) cũng cho rằng người thuộc nhóm máu O chiếm tỷ lệ cao nhất trong bệnh loét dạ dày (43,4%), nhóm máu AB có tỷ lệ thấp nhất (1,9%). Lý do người nhóm máu O có nhiều khả năng bị loét dạ dày vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán rằng đó là sự khác biệt của mỗi nhóm với miễn dịch và nhiễm trùng.

Bệnh tim mạch
Theo nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard, Mỹ, những người có nhóm máu O có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành thấp hơn đến 23% so với tất cả những người khác. Những người có nguy cơ cao nhất là loại AB và BMột lần nữa, ngoài khuynh hướng di truyền, cơ chế chính xác đằng sau điều này vẫn chưa được xác định rõ ràng.


Ung thư tụy
Theo Cytryn, người nhóm máu O ít có khả năng phát triển ung thư tuyến tụy. Thực tế, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Viện Ung thư Quốc gia phát hiện ra rằng những người có nhóm máu A có khả năng phát triển ung thư tuyến tụy 32%, những người có nhóm máu AB có khả năng mắc bệnh hơn 51%, và những người có loại B là 72% có khả năng. Các phát hiện của nghiên cứu cho rằng cần phải tìm hiểu thêm để xác định chính xác lý do tại sao những người trong nhóm máu này lại dễ bị mắc bệnh hơn, đặc biệt là những nghiên cứu xem xét tác động của kháng nguyên máu lên viêm.

Như Cytryn đã chỉ ra, bạn không thể thay đổi nhóm máu nhưng bạn có thể thay đổi về lối sống như có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và tránh xa thuốc lá sẽ cải thiện tỷ lệ mắc bệnh.

Lê Thu Lương
(Theo prevention.com)

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Mất ngủ gây trầm cảm, suy nhược thần kinh


Suy nhược thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não do tế bào não làm việc căng thẳng, dẫn tới quá tải và suy nhược.
Suy nhược thần kinh là bệnh tâm căn phổ biến hiện nay mà nhiều người gọi nó là bệnh thời đại. Chứng bệnh này liên quan chặt chẽ đến trạng thái trầm cảm và rối loạn lo âu. Bệnh gặp ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn, nam chiếm nhiều hơn nữ, tuổi thường gặp 20-50 tuổi.
Để nhận biết bệnh suy nhược thần kinh, BSCKII. Vũ Thị Lừu - Tiêu hóa - Bệnh viện E cho biết: 'Các dấu hiệu của suy nhược thần kinh bao gồm:
- Mệt mỏi: Đây là dấu hiệu thường gặp nhất. Có thể do vận động thể lực quá độ, lao động thể lực quá nặng nề dẫn đến mệt mỏi. Mệt mỏi bình thường chỉ cần nghỉ ngơi là có thể hồi phục nhưng mệt mỏi do suy nhược thần kinh thì dường như không có nguyên nhân, nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không thể phục hồi được thể lực. Đi kèm với mệt mỏi là trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, không yên, nằm trên giường cứ suy nghĩ tạp loạn, khó đi vào giấc ngủ.


- Mất ngủ cũng là một trong những triệu chứng chủ yếu của suy nhược thần kinh. Có một số người ngủ ít, nhưng ban ngày họ vẫn có thể tràn trề tinh thần làm việc, học tập, đầu óc rất sáng suốt, tình cảm rất bình ổn, rất ít bực bội, tức giận. Còn mất ngủ do suy nhược thần kinh thì thời gian ngủ ban đêm không nhiều và ban ngày họ thường mệt mỏi, ngủ gật. Ngồi muốn ngủ, nhưng nằm xuống lại không ngủ được và dùng thuốc an thần không có kết quả hoặc kết quả không đáng kể.
- Đau mỏi toàn thân, đau không có điểm đau cố định
- Rối loạn cảm giác ví dụ như buồn nôn, lợm giọng…'
BSCKII. Vũ Thị Lừu

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược thường niên lần thứ 24 tại Hà Nội


Thống kê từ ban tổ chức, số doanh nghiệp nước ngoài tham dự triển lãm không ngừng gia tăng (15%) gồm 60 doanh nghiệp, song song với đó là 90 doanh nghiệp Việt Nam (tăng 10% so với năm 2016). Các mặt hàng trưng bày phong phú hơn thuộc lĩnh vực: trang thiết bị y tế (thiết bị chẩn đoán, cấy ghép, phục hồi chức năng, phẫu thuật,…); thiết bị nha khoa; thẩm mỹ; dược phẩm.Triển lãm Vietnam Medipharm Expo lần thứ 24 chức được tổ chức quy mô với hơn 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Canada, Cộng hòa Séc, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Iran, Malaysia, Mỹ, Pakistan, Thái Lan, Trung Quốc, Úc, Việt Nam...

Bên cạnh đó, tại triển lãm sẽ có nhiều sản phẩm tiêu biểu đến từ các quốc gia, như: Mỹ (găng tay y tế); Canada (dược phẩm); Cộng hòa Séc (dược phẩm, thiết bị y tế), Trung Quốc (máy móc chế biến và đóng gói dược phẩm)… 

Đặc biệt năm nay có khu trưng bày dược phẩm của các doanh nghiệp đến từ Iran, khu thiết bị nha khoa của các doanh nghiệp Hàn Quốc, khu gian hàng Ấn Độ với các sản phẩm dược phẩm, thiết bị y tế và thí nghiệm… 60% còn lại là các doanh nghiệp Việt Nam trưng bày hàng nhập khẩu và sản xuất.
Với số lượng doanh nghiệp đăng ký không ngừng tăng theo các kỳ triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, đây chính là động lực để ban tổ chức duy trì triển khai hai cuộc triển lãm thường niên và không ngừng gia tăng các quốc gia mới tham dự, cũng như xây dựng các hoạt động bên lề như: Hội thảo chuyên ngành, tổ chức đoàn tham quan bệnh viện, tổ chức đón đoàn bác sĩ trong thành phố và các tỉnh thành lân cận để kiến tạo các giao dịch “đúng đích” từ khách hàng tới các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất.

Triển lãm Vietnam Medipharm Expo lần thứ 24 do Công ty Vinexad phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam (VNPCA) tổ chức.





Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Chuyển mùa, bệnh hen suyễn dễ xuất hiện


Bệnh hen xảy ra quanh năm, nhưng khi thời tiết thay đổi (nóng lạnh đột ngột, mưa, ẩm ướt) bệnh hay xuất hiện. Với người cao tuổi (NCT), hen sẽ gây nên phiền phức và nguy hiểm hơn nhiều do sức đề kháng kém.

Tại sao bị bệnh hen?
Ở trẻ em, bệnh hen được gọi là viêm phế quản co thắt hay hen phế quản. Người trưởng thành, bệnh hen được gọi là hen suyễn hoặc hen. Bệnh hen có thể bị mắc từ lúc còn rất nhỏ - “hen sữa”. Có nhiều trường hợp càng lớn lên bệnh càng thuyên giảm và hết hẳn nhưng cũng có trường hợp bệnh không dứt điểm bao giờ và cũng có trường hợp lúc nhỏ không bị hen suyễn nhưng về già lại mắc chứng bệnh này. Yếu tố cơ địa dị ứng là nguyên nhân hàng đầu của bệnh hen. Lý do là khi cơ thể gặp các dị ứng nguyên (chất lạ đối với cơ thể) hoặc các loại có tính chất kích ứng, sẽ gây nên phản ứng dị ứng, tức là bị lên cơn hen, trong đó có liên quan đến thời tiết thay đổi đột ngột, lạnh, ẩm ướt, gió mùa Đông Bắc, áp thấp nhiệt đới.  Vì vậy, ở người có cơ địa dị ứng (viêm mũi dị ứng, bệnh mề đay, bệnh viêm da dị ứng, bệnh tổ đĩa, bệnh chàm, bệnh exzema) thường mắc bệnh hen.
Một số vi sinh vật (vi khuẩn, virút, vi nấm) cũng có thể là dị ứng nguyên kích thích cơ thể gây hen, đặc biệt là một số ký sinh trùng (mò, mạt, nấm mốc, giun đũa). Hen còn có thể do tác động của khói, bụi, hóa chất (khói bếp, khói thuốc lá, khói công nghiệp, hóa chất độc hại) hoặc lông chó, mèo… Một số thực phẩm cũng có thể kích thích gây nên cơn hen hoặc làm cho bệnh hen tăng lên khi ăn (tôm, cua, mắm tôm). Ngoài ra, một số thuốc điều trị bệnh khớp thuộc nhóm không steroid có tác dụng phụ là gây bệnh hen hoặc làm cho bệnh hen tăng lên (aspirin, diclofenac, piroxicam…) hoặc thuốc điều trị tăng huyết áp (atenolol…). Hen có thể do di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị hen, các con có thể bị hen (25 - 30% nguy cơ con mắc bệnh); nếu cả bố và mẹ bị mắc bệnh hen, có từ 50 - 60% nguy cơ con mắc bệnh.
Biểu hiện của bệnh
Triệu chứng điển hình nhất của hen là ho và khò khè. Ho có thể kéo dài và thường hay xảy ra nhất là lúc thời tiết chuyển mùa, nóng, lạnh đột ngột, ẩm ướt. Ho thường xuất hiện cả ngày lẫn ban đêm nhưng ban đêm thường xảy ra nặng hơn, dồn dập hơn. Ho thường ho là ho khan, ho từng tiếng một. Đối với NCT, ho thường là dấu hiệu đầu tiên của cơn hen bắt đầu xuất hiện. Thông thường bệnh nhân hen có kèm theo viêm đường hô hấp trên (viêm mũi dị ứng, viêm họng), cho nên ho của bệnh hen rất dễ nhầm với ho do mắc các bệnh hô hấp khác. Tuy vậy, có một số bệnh nhân bị hen chỉ có biểu hiện duy nhất là ho, đặc biệt là nửa đêm về sáng.

Đi đôi với ho là triệu chứng khò khè do co thắt phế quản. Tiếng rít thường nghe được khi thở ra. Khò khè xảy ra cả ban ngày, cả ban đêm nhưng ban đêm thường diễn biến nặng hơn, dồn dập hơn, đặc biệt là mưa nhiều, lạnh, ẩm ướt, gió mùa đông bắc tràn về. Khi thấy cơn hen xuất hiện cần cảnh giác với cơn hen ác tính, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng
Tăng xuất tiết cũng thường gặp ở người hen cho nên có rất nhiều đờm. Người bệnh luôn cảm thấy nặng ngực (cảm giác giống như lồng ngực bị bóp chặt) và khó thở (khó thở ra) do phế quản bị co thắt. Khó thở thường hay bị tái phát nhiều lần.
Trong trường hợp bị bội nhiễm đường hô hấp, có thể có sốt, vì vậy, bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí nguy kịch hơn, đặc biệt là NCT sức yếu.
Đặc điểm của hen là các triệu chứng chỉ xảy ra trong cơn hen, ngoài cơn hen, ho, khó thở, khò khè, người bệnh trở về bình thường.

Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Mùa lạnh đang đến, người bị hen cần hết sức cảnh giác đề phòng cơn hen ác  tính xảy ra. Vì vậy, cần dùng thuốc thường xuyên theo đơn của bác sĩ khám bệnh cho mình, đặc biệt là thuốc xịt họng cắt cơn hen và phòng cơn hen. Với NCT bị hen, các loại thuốc này thường xuyên phải có ở ngay bên mình (ngay đầu giường nằm hoặc trong túi xách, cặp khi ra khỏi nhà). Tuy nhiên, dùng loại thuốc nào có lợi cho người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ khám bệnh, người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị cho bản thân mình hoặc điều trị cho người nhà của mình. Khi bệnh hen đã được kiểm soát, người bệnh nên khám định kỳ, khoảng từ 1 - 3 tháng/1 lần. Tuy vậy, khi người bệnh không đáp ứng được thuốc giãn phế quản, khó thở tăng lên, bệnh diễn biến nặng lên cần đi bệnh viện ngay.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Cảnh giác các dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh tim mạch

Ngày nay bệnh lý tim mạch gặp tỉ lệ tương đối cao ở người cao tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới có khoảng 5 triệu người mắc suy tim mỗi năm.
Trong đó tỷ lệ tử vong sau 5 năm gần 50%. Ở Việt Nam bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch chiếm tỉ lệ 60% các bệnh nội khoa. Tuy nhiên, nếu biết cách nhận biết cũng như thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa thì người cao tuổi vẫn có thể hạn chế sự phát triển và sống chung hòa bình với bệnh tim mạch.

Nguyên nhân nào gây bệnh tim mạch?

Mạch máu bị xơ cứng: Ở người trẻ tuổi, mạch máu thường mềm mại, có tính đàn hồi và co giãn giúp tim co bóp để đẩy máu vào mạch máu dễ dàng. Nhưng ở người cao tuổi, mạch máu trở nên cứng và kém đàn hồi khiến tim luôn gặp sức cản khi co bóp bơm máu vào động mạch nên phải hoạt động nhiều hơn. Bên cạnh đó, tình trạng xơ vữa động mạch cũng làm cho cấu trúc mạch máu bị biến đổi như thành mạch dày lên, lòng mạch hẹp lại. Đầu tiên, những thay đổi này sẽ gây bệnh tăng huyết áp. Người cao tuổi thường có huyết áp tâm thu (số trên) cao nhưng huyết áp tâm trương (số dưới) lại thấp, nếu hai con số này chênh lệch nhau nhiều dễ gây các bệnh tim mạch. Hậu quả cuối cùng là suy tim.
Biến đổi về cấu trúc tim: Trong tim có các cơ quan rất nhỏ làm nhiệm vụ phát tín hiệu để tim co bóp. Bình thường, chúng hoạt động đều đặn và chặt chẽ, tạo ra nhịp tim rất đều. Nhưng ở người cao tuổi, các biến đổi về cấu trúc của tim có thể ảnh hưởng đến các cơ quan này, gây ra tình trạng loạn nhịp tim, nghĩa là tim đập quá nhanh, quá chậm hay không đều. Không chỉ thế, các van tim ở người cao tuổi cũng bị thoái hóa, trở nên xơ và hóa vôi gây nên bệnh van tim người cao tuổi.
Bệnh tim mạch thường gặp

Tăng huyết áp
Chỉ số huyết áp bình thường của người già ở độ tuổi từ 60 đến 64 thông thường là 134/87 mmHg. Tuy nhiên, đối với người trên 70 tuổi thì huyết áp tâm thu (chỉ số tối đa) sẽ có trị số lớn hơn một ít, ở khoảng 140-160 mmHg. Người già thường mắc phải các kiểu huyết áp như cao huyết áp tâm thu, cao huyết áp áo choàng trắng và cao huyết áp giới hạn. Đây là ba kiểu huyết áp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và dễ dẫn đến tình trạng bị nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn cơ tim, đột quỵ… Theo thống kê năm 2015 của Hội Tim mạch học Việt Nam khoảng 30% người từ 60 – 65 tuổi và 40% người trên 65 tuổi bị cao huyết áp. Khi bị bệnh tăng huyết áp, người cao tuổi nên xác định cần sống chung với bệnh cùng việc sử dụng thuốc điều trị huyết áp hàng ngày kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp. Các thuốc trị huyết áp đang được dùng hiện nay bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh calci, thuốc chẹn α-adrenergic, thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin, thuốc chẹn β-adrenergic, thuốc giãn mạch trực tiếp.

Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành là tình trạng xuất hiện những mảng xơ vữa, khiến cho lòng động mạch bị chít hẹp, giảm khả năng lưu thông của máu nên không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Mảng xơ vữa phát triển lớn dần theo thời gian, lưu lượng máu và oxy cung cấp cho tim vì thế càng ngày càng giảm. Tim suy yếu dần do thiếu oxy lâu dài nên thường dẫn đến suy tim hoặc nhồi máu cơ tim. Nguy cơ bệnh động mạch vành tăng khi tuổi tác càng cao. Bệnh là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người cao tuổi (trên 65 tuổi) và cũng là bệnh lý ảnh hưởng đến tuổi thọ nhiều hơn bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khác. Phương pháp điều trị bệnh mạch vành ở người cao tuổi bao gồm dùng thuốc, can thiệp động mạch vành qua da và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Rối loạn nhịp tim

Bình thường quả tim đập nhịp nhàng 65-70 lần/phút. Khi các xung động dẫn truyền bị rối loạn, các buồng tim (thất, nhĩ) co bóp không theo tuần tự sẽ dẫn đến loạn nhịp tim. Có nhiều dạng rối loạn nhịp tim bao gồm rối loạn nhịp tim nhanh, block nhĩ thất, rối loạn nhịp tim chậm. Triệu chứng cảnh báo bệnh lý này được kể đến là mệt mỏi, chóng mặt, choáng ngất, đau thắt ngực, khó thở, hồi hộp… Để điều trị, tùy thuộc vào từng loại rối loạn nhịp tim ở từng người bệnh sẽ có các biện pháp cụ thể bao gồm dùng thuốc, thay đổi lối sống, đặt máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim, cô lập tĩnh mạch phổi hay triệt đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần.

Suy tim

Suy tim là một biến chứng thường gặp của một số bệnh ở người cao tuổi, người trên 65 tuổi chiếm ít nhất 20% số bệnh nhân nhập viện. Khoảng 85% tử vong vì suy tim xảy ra ở bệnh nhân trên 65 tuổi. Tần suất suy tim gia tăng theo tuổi. Nguyên nhân do người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp nhưng không điều trị, mắc bệnh thiếu máu cơ tim; nhồi máu cơ tim; bệnh van tim (hẹp, hở van 2 lá, hẹp hở van động mạch chủ); bệnh tim bẩm sinh không điều trị bằng phẫu thuật (hẹp van động mạch phổi, còn ống động mạch…); viêm cơ tim; loạn nhịp tim kéo dài…; cường giáp không điều trị, suy thận mạn tính. Ngoài ra còn do một số bệnh của mạch máu và khoảng 40% không tìm được nguyên nhân cụ thể. Nguyên tắc điều trị suy tim ở người cao tuổi là điều trị các tác nhân thúc đẩy bệnh tiến triển, điều trị tình trạng ứ nước và natri, cải thiện tối ưu chức năng co bóp cơ tim, giảm gánh nặng đối với tim… bằng các loại thuốc (thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta…) hay điều trị ngoại khoa (trường hợp suy tim mạn tính có thể được chỉ định phẫu thuật ghép tim).
Ngoài ra, ở người cao tuổi còn thường gặp các bệnh về van tim bao gồm hẹp van động mạch chủ, sa van hai lá, hẹp dưới van động mạch chủ phì đại nguyên phát.

Dấu hiệu nghiêm trọng cần đi khám

Đau thắt ngực: Thường xảy ra đột ngột khi gắng sức hay xúc động với cảm giác bị đè nặng như bị bóp nghẹt giữa ngực, có thể lan xuyên lên vai trái) hay tay trái, kéo dài vài phút, kèm theo khó thở hay vã mồ hôi. Nếu ngưng gắng sức và nghỉ ngơi thì triệu chứng sẽ hết trong vài phút. Đây có thể là biểu hiện của thiếu máu cơ tim nhưng cũng có thể là nhồi máu cơ tim khi mạch máu nuôi tim bị tắc hoàn toàn và đau thắt ngực kéo dài hơn 20 phút. Nhồi máu cơ tim là bệnh lý cần cấp cứu tại bệnh viện càng sớm càng tốt thì mới điều trị thành công.
Khó thở: Khó thở có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nếu khó thở khi gắng sức, mệt mỏi khi vận động thì cần đi khám sớm vì có thể đây là dấu hiệu của suy tim. Nguyên nhân do khi tim bị suy yếu không bơm máu đến các cơ quan đầy đủ, người bệnh sẽ thấy mệt khi vận động. Ngoài ra, máu bị ứ lại ở phổi sẽ gây khó thở khi gắng sức, ứ lại ở gan gây đau ở sườn bên phải, ứ lại ở chân gây phù hai chi dưới. Khi có triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu làm siêu âm tim và chụp x quang phổi để chẩn đoán bệnh chính xác.
Hồi hộp, đánh trống ngực: Đôi khi kèm theo chóng mặt, ngất xỉ là triệu chứng chung nhất của rối loạn nhịp tim. Có rất nhiều loại bệnh khác nhau, một số loại không quá nguy hiểm (như rung nhĩ), một số khác rất nguy hiểm và cần điều trị ngay (như nhịp nhanh thất). Để biết có bị rối loạn nhịp hay không, người bệnh có thể tự sờ mạch ở tay hay cổ cũng có thể biết nhịp tim không đều. Để chẩn đoán rối loạn nhịp tim, cần phải đo điện tâm đồ. Ở người cao tuổi, bệnh có thể không có triệu chứng, nhiều khi rối loạn nhịp tim xảy ra thành từng cơn, do đó để chẩn đoán có thể cần phải gắn máy ghi điện tim liên tục cả ngày (gọi là máy Holter).

Phòng tránh bệnh thế nào?

Bệnh tim mạch ở người già có thể khắc phục và ngăn ngừa hoàn toàn bằng cách thay đổi lối sống, có chế độ ăn uống hợp lý và giữ tinh thần thoải mái.
Thay đổi lối sống: Người cao tuổi nên ngưng hút thuốc lá vì trong thuốc lá có chất nicotine có khả năng làm giảm oxy trong máu và tổn thương niêm mạc của các mạch máu. Thường xuyên kiểm soát huyết áp mỗi tháng để đề phòng cao huyết áp. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách giảm lượng cholesterol, kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim. Tập luyện thể dục thể thao đều đặn từ 30 đến 60 phút mỗi ngày.
Chế độ ăn uống hợp lý: Người cao tuổi nên thực hiện chế độ ăn ít cholesterol bão hòa, chất béo và natri để giúp kiểm soát cân nặng, huyết áp và cholesterol. Chế độ ăn nên giảm muối (không quá 1/3 muỗng cà phê muối trong một ngày), hạn chế rượu (nhất là với trường hợp bị suy tim do tương tác với thuốc điều trị suy tim, giảm khả năng co bóp của cơ tim, gây rối loạn nhịp tim). Tránh dùng các thuốc gây giữ nước như corticoid…
Thư giãn tinh thần: Người cao tuổi cần được sống trong môi trường trong sạch, gia đình đầm ấm, hạnh phúc để giảm căng thẳng và giảm bệnh tật nói chung, bệnh tim mạch nói riêng. Người cao tuổi cũng nên tham gia các câu lạc bộ và tự tìm kiếm niềm vui tuổi già với các thú vui khác nhau như chơi cây cảnh, chim cảnh, đánh cờ...
Khám sức khỏe định kỳ: Ba đến sáu tháng nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các yếu tố nguy cơ đễn đến bệnh tim mạch, như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, phồng bóc tách động mạch, thiếu máu cơ tim, các bệnh về van tim… Đặc biệt những bệnh nhân đã bị bệnh tim mạch rồi thì càng phải đi kiểm tra thường xuyên để tránh những biến chứng.
BSCKII. Lê Xuân Bách (Báo SKDS)

Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

Chống ung thư - Cuộc chiến không ngừng nghỉ

Những năm gần đây, ngành dược dường như ít bàn luận hơn về các thuốc tim mạch, tăng huyết áp hay đái tháo đường.
Thay vào đó, người ta nhắc nhiều hơn đến ung thư - một khái niệm gắn liền với chết chóc và đang là bóng mây ảm đạm che phủ bầu trời các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMICs). Tuy nhiên, với vấn đề ô nhiễm môi trường thì việc kiểm soát được bệnh ung thư đang đặt ra một thách thức đối với y tế toàn cầu.

Gánh nặng toàn cầu

Trong hội nghị Nghiên cứu Ung thư quốc tế được tổ chức bởi Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ cho biết, trong năm 2012, có khoảng 14,1 triệu trường hợp ung thư mới mắc nhưng con số này sẽ tăng lên khoảng 24 triệu ca trong hai thập kỷ tới. Ước tính tới năm 2030, số bệnh nhân tử vong vì ung thư tăng tới 80% so với con số hiện tại và nhiều trong số đó xảy ra ở các nước LMICs.

Ô nhiễm môi trường làm gia tăng bệnh

Vấn đề ô nhiễm môi trường làm gia tăng bệnh ung thư có thể nói đến Trung Quốc là một điển hình. Theo một báo cáo mới đây, ước tính có tới 4,3 triệu ca ung thư mới mắc và hơn 2,8 triệu ca tử vong do ung thư ở Trung Quốc trong năm 2015. Điều này tương đương với mỗi ngày sẽ có gần 12.000 người Trung Quốc được chẩn đoán mới và 7.500 người chết vì ung thư. Trong đó, ung thư phổi/phế quản (tỉ lệ cao nhất), dạ dày, gan, thực quản và kết trực tràng, chiếm khoảng 3/4 tổng số trường hợp tử vong do ung thư.
Sử dụng các thuốc được bào chế ở cấp độ phân tử tế bào để tấn công tế bào ung thư.

Lý giải cho tình trạng này phải kể đến các nguyên nhân chính: Ô nhiễm không khí ngoài trời, ô nhiễm không khí trong nhà do sử dụng than đá, khí ga làm chất đốt, ô nhiễm đất và nước do người dân thải trực tiếp hóa chất gây ung thư do môi trường.

Nhiều thuốc mới được ra đời

Cuộc chiến chống ung thư sẽ là một cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt. Và có một điều chắc chắn rằng nhân loại chưa một phút đầu hàng trong cuộc chiến này.
Rất nhiều tổ chức, hiệp hội, viện nghiên cứu được thành lập. Nhiều chương trình điều trị, phòng chống, tầm soát ung thư cấp quốc gia hoặc khu vực được triển khai. Nhiều hoạt động, sự kiện giúp đỡ cho bệnh nhân ung thư đã được tiến hành. Và ngành dược luôn song hành trong cuộc chiến đó. Tính từ năm 2010 đến nay đã có hơn 140 hoạt chất mới/dạng bào chế mới/chỉ định mới được FDA chấp thuận đưa vào sử dụng trong điều trị ung thư. Theo thống kê của IMS, có hơn 500 công ty đang tích cực nghiên cứu, theo đuổi các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên gần 600 phân tử với hứa hẹn điều trị tích cực các bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ, vú, tuyến tiền liệt, buồng trứng và kết trực tràng.
Cũng theo thống kê của IMS, trong 5 năm qua đã có 70 phương pháp điều trị ung thư mới được phát minh hỗ trợ điều trị 20 dạng ung thư khác nhau. Thị trường thuốc ung thư đã tăng trưởng 11,5% trong năm 2015 để đạt mức 107 tỉ USD và sẽ luôn duy trì trong mức 7,5-10,5% từ nay đến năm 2020 và cán mốc 150 tỉ USD. Các danh mục thuốc ung thư trong phát triển lâm sàng đã được mở rộng hơn 60% trong 10 năm qua. Hiện nay có khoảng 20 thuốc ung thư được xếp vào hàng “bom tấn” nhưng các chuyên gia dự đoán rằng con số này sẽ tăng lên ít nhất là 29 vào năm 2018.
Với mối quan tâm hàng đầu đến từ ung thư phổi, việc giảm sử dụng thuốc lá và cải thiện ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề ưu tiên. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đang cố gắng phát triển các phương pháp để phát hiện sớm ung thư để giúp làm giảm tỉ lệ tử vong. Điển hình, một chương trình được hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ và ngành y tế Trung Quốc cho thấy việc giảm tới 20% nguy cơ tử vong do ung thư phổi nếu được phát hiện sớm bằng chụp CT xoắn ốc (spiral CT) so với chụp Xquang thông thường trên bệnh nhân nghiện thuốc lá nặng.
Việc áp dụng hình ảnh phân tử (một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh) vào điều trị ung thư một cách hiệu quả cũng góp phần chẩn đoán sớm ung thư ngay cả khi chưa có bất kỳ thay đổi nào trong chức năng cơ thể hoặc giải phẫu. Dựa trên nguyên lý sử dụng các marker sinh học (chất đánh dấu sinh học) riêng biệt đối với từng bệnh và quét thấy chúng trên scan còn giúp bác sĩ theo dõi được tiến triển của điều trị.
Một trong những nỗ lực đáng kể cải thiện gánh nặng ung thư toàn cầu đó là việc gia tăng sử dụng các loại vắc-xin phòng chống ung thư. Chẳng hạn như vắc-xin viêm gan b (HBV - là nguyên nhân gây ung thư gan), bệnh gặp nhiều ở các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Tiếp đó là những nỗ lực tăng cường độ phủ của vắc-xin HPV trong các nước LMICs. Các chuyên gia cũng đang nghiên cứu để phát hiện ra liều tối ưu cho loại vắc-xin này: Từ 3 liều xuống 2 liều và có thể là 1 liều trong tương lai. Tiếp sau HPV, chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của một số loại vắc-xin khác điển hình là vắc-xin chống virut Epstein-Barr (EBV). EBV chịu trách nhiệm cho khoảng 200.000 trường hợp tử vong do u lympho, ung thư dạ dày và vòm họng mỗi năm trên toàn thế giới, phần lớn trong số đó ở các nước LMICs.
Một cột mốc nữa đánh dấu sự phát triển y học trong cuộc chiến chống ung thư - đó là sự ra đời của liệu pháp nhắm vào mục tiêu phân tử. Đây là một phương pháp điều trị mới sử dụng các thuốc được bào chế ở cấp độ phân tử tế bào để tấn công đặc biệt và giết chết chỉ các tế bào ung thư của từng loại ung thư cụ thể mà không ảnh hưởng đến các tế bào thường.
Ngoài ra, còn rất nhiều phương pháp điều trị mới, các phương thức tiếp cận mới đang được nghiên cứu và phát triển. Kèm theo đó là nhiều phân tử, dược chất được phát minh phục vụ cho cuộc chiến chống ung thư. Kết quả cho những nỗ lực không ngừng nghỉ này là tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư đang tăng theo cấp số nhân. Từ 8,4 triệu năm 1996 tăng lên khoảng 15,5 triệu hiện nay và dự đoán con số 26,1 triệu bệnh nhân sống sót sau ung thư vào năm 2040. Dự kiến, trong thời gian không xa, nhân loại có thể kiểm soát dứt điểm căn bệnh chết chóc này.
DS. NGUYỄN HẢI ĐĂNG
((Theo Cancer, 2017))

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Động kinh ở người lớn - nguyên nhân do đâu?

Bệnh động kinh không chỉ xuất hiện ở trẻ em, nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi dù là người lớn, trẻ em hay người già. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến động kinh ở người lớn?

Động kinh là một rối loạn ở não bộ gây ra các cơn co giật tái diễn

Động kinh là một rối loạn ở não, trong đó các tế bào thần kinh phóng điện đột ngột. Một người được chẩn đoán bị động kinh khi xuất hiện 2 hoặc nhiều cơn các cơn co giật. Theo Hội bảo trợ người bệnh động kinh Mỹ, có khoảng 3 triệu người Mỹ bị động kinh. Theo Viện nghiên cứu Quốc gia về những rối loạn hệ thần kinh và đột quỵ Hoa Kỳ (NINDS): Có khoảng 25 - 30% trong số họ bị tái phát những cơn động kinh mặc dù đã được điều trị bằng thuốc chống động kinh.

Động kinh khiến người bệnh bị co giật, sùi bọt mép

1. Đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ. Đột quỵ có 2 loại, nhồi máu não do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não do mạch máu não bị vỡ. Theo chuyên gia thần kinh học, tiến sỹ Maynard Pathark, cơn co giật có thể xảy ra trong hoặc ngay sau khi cơn đột quỵ xảy ra. Phù não hoặc thiếu oxy não sau đột quỵ là những yếu tố chính gây ra chứng động kinh. Đáng chú ý, một số người có thể phát triển bệnh động kinh sau nhiều năm bị đột quỵ.

Đột quỵ có thể gây ra những cơn co giật
2. U não
Sự xuất hiện những cơn co giật ở người trưởng thành có thể là triệu chứng cảnh báo của một khối u não. Theo Hiệp hội U não Mỹ, có khoảng 1/3 số người bị u não được chẩn đoán sau khi trải qua những cơn động kinh. Các khối u não có thể khiến người bệnh bị lên cơn động kinh: U tế bào sao, u não nguyên phát loại glioblastoma, u màng não tủy, u thần kinh đệm, u hạch thần kinh đệm và các khối u di căn đến não do ung thư ở nơi khác trong cơ thể.
Co giật có thể là dấu hiệu cảnh báo khối u não

3. Chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não do tai nạn, do đầu va chạm vào vật cứng có thể gây chảy máu, tràn dịch trong não. Chỉ trong vòng 1 -2 ngày, chúng có thể làm kích hoạt các phản ứng viêm, tấn công và hủy hoại các tế bào thần kinh và để lại những vết sẹo vĩnh viễn bên trong não bộ. Chính điều này đã làm thay đổi nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, tăng chất kích thích glutamat và giảm chất ức chế GABA (gama amino butyric acid), làm kích hoạt các cơn sóng điện đột ngột và gây ra những cơn co giật. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nếu bạn xuất hiện một cơn động kinh sau khi bị chấn thương đầu thì đó có thể là dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo não bạn bị tổn thương nghiêm trọng.

Sau chấn thương sọ não, nhiều người dễ mắc bệnh động kinh

4. Rối loạn chuyển hóa
Các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể như hạ đường huyết, natri máu thấp, tăng ammoniac máu liên quan đến bệnh gan nặng, tăng ure máu... có thể khiến người bệnh bị co giật, động kinh. Những cơn co giật do rối loạn chuyển hóa có thể tự khỏi nếu bạn điều trị khỏi các bệnh trên.
Sau mỗi cơn co giật, dù bất kỳ là nguyên nhân nào đi nữa thì người bệnh cũng sẽ rất mệt mỏi, buồn ngủ và rất muốn nghỉ ngơi. Để có thể hồi phục nhanh chóng, người bệnh cần được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, vì não bộ cần có thời gian nghỉ ngơi và sửa chữa. Một số hoạt chất sinh học như Rhynchophylline chiết xuất từ cây Câu đằng có tác dụng an thần, trấn tĩnh, giúp bảo vệ tế bào thần kinh, và làm tăng khả năng hồi phục vận động sau những cơn co giật.

 (Theo Live Strong)

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Nấm móng và cách điều trị



Nấm móng là bệnh khá phổ biến, thường gặp ở người làm việc chân tay, làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với điều kiện vệ sinh kém, ẩm ướt.
Nguyên nhân và triệu chứng:
Bệnh nhiễm trùng nấm móng, nấm lây nhiễm xảy ra ở một hoặc nhiều móng chân, tay. Nhiễm nấm móng có thể bắt đầu như một đốm trắng hoặc vàng dưới các đầu móng tay hoặc móng chân. Nấm móng là một bệnh thường thấy ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước. Bệnh làm móng bị hư hủy xấu xí, có khi nung mủ, đau ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Nhiễm nấm móng có thể khó điều trị, và nhiễm trùng có thể tái diễn. Bệnh do nhiều loại vi nấm gây ra, có thể kể hai nhóm chính là: Nấm sợi tơ (Dermatophytes) và nấm hạt men (Candida).

Triệu chứng thường thấy của bệnh nấm móng: bề mặt móng bị xù xì, phủ một lớp vảy mịn như cám, có lằn sọc dọc hay ngang. Chỗ bị tổn thương có màu hơi vàng, hay nâu đen. Móng dễ mủn và dễ gãy. Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và móng bị tróc. Ban đầu, người bệnh chỉ bị 1 hoặc 2 móng nhưng không được điều trị sau đó dần dần lan ra nhiều ngón, thời gian lan ra nhiều ngón cũng từ từ. Trên từng móng, tổn thương tấn công từ bờ vào và không bị viêm quanh móng (nếu do Dermatophytes) hoặc từ vùng chân móng đi ra và có viêm quanh móng (nếu do nấm Candida). Khi viêm vùng chân  móng sẽ rất đau, sưng đỏ và có mủ, ngứa rất nhiều vùng quanh móng.

Thuốc nào điều trị nấm móng?
Có nhiều cách điều trị. Thường là dùng thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống tác dụng toàn thân.
Thuốc bôi tại chỗ:
Có thể cho bệnh nhân dùng một trong các thuốc bôi sau: kem hoặc pommade Ketoconazol (Nizoral), Canesten, Exoderil, terbinafin, BSI, v.v...
Nên hướng dẫn bệnh nhân cách bôi thuốc để đạt hiệu quả và tránh những sai lầm đáng tiếc. Sau khi rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày 2-3 lần, ban đêm nên dùng băng nhựa băng bịt giữ thuốc qua đêm.
Thuốc uống:
Hiện nay Itraconazol là thuốc đặc hiệu nhất để điều trị bệnh nấm móng. Itraconazole là một triazole kháng nấm, thuốc rất ưa mỡ và chất sừng, tồn tại lâu trong mô như da, Itraconazole có nồng đô cao trong mô do có ái tính với Protein, đặc biệt là chất sừng, có hoạt phổ rộng kháng nhiễm nấm da, Candida và Malassezia.
Itraconazole thấm được vào bản móng và giường móng nhờ vậy mà có tác dụng diệt nấm sinh bệnh tại móng tay, chân. Sau khi uống Itraconazole đi vào tổ chức da, tóc, móng, thuốc không quay trở lại hệ tuần hoàn. Do vậy sự tái tạo lớp sừng, tóc, móng được phục hồi từng bước ứng với sự giảm dần của Itraconazole trong các tổ chức này.
Điều trị bệnh nấm móng bằng uống Itraconazole phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc, nhằm tránh nhữn hậu quả xấu có thể xảy ra. Hiện nay có rất nhiều biệt dược: sporal, spobet, trifungi,....
Tuyệt đối không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, viêm gan cấp. Khi dùng Itraconazole cần xét nghiệm đánh giá chức năng gan trước khi điều trị và sau khi dùng mỗi đợt thuốc điều trị, nếu có viêm gan đang tiến triển thì phải điều trị viêm gan cho ổn định mới dùng thuốc điêu trị nấm móng.
Sau khi kết thúc điều trị cần xét nghiệm soi tươi bệnh phẩm lấy tại móng bệnh để đánh giá là đã hết nấm chưa, kết hợp với đáng giá lâm sàng xem móng đã mọc ra lại chưa, hết xù xì, hết viêm, hết ngứa chưa. Nếu cả xét nghiệm và lâm sàng chưa tốt thì bác sĩ sẽ có quyết định điều trị tiếp cho bạn.
Nên điều trị sớm, tuyệt đối không để bệnh nặng mới điều trị. Nếu móng tay bị nhiễm trùng nặng hoặc rất đau đớn, bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ các móng tay. Móng tay mới thường sẽ phát triển tại chỗ của nó, mặc dù nó sẽ từ từ và có thể mất đến một năm để phát triển trở lại hoàn toàn. Đôi khi phẫu thuật sử dụng kết hợp với ciclopirox để xử lý nền móng. Ngoài ra còn có thể điều trị nấm móng tay với một laser hoặc điều trị quang động, trong đó ánh sáng cường độ cao được sử dụng, để xạ móng tay sau khi nó được xử lý bằng axit, cũng có thể thành công. Tuy nhiên, điều trị mới này có thể không có ở khắp mọi nơi.
Phòng ngừa tái phát:
Để có thể phòng ngừa bệnh nấm móng tái phát, nếu có thể, người bệnh nên thay đổi việc làm hoặc mang bao tay khi làm việc để tránh móng bị ướt. Bên cạnh đó, nên hạn chế tiếp xúc với nước có chất tẩy rửa như xà bong, nước rửa chén. Chỉ tiếp xúc với nước khi cần thiết như tắm gội, không nên rửa tay chân thường xuyên khi không cần thiết, vì như thế tạo môi trường ẩm ướt cho nấm phát triển trở lại.
Mặc dù nấm móng là một bệnh tuy không nguy hiểm nhưng làm mất vệ sinh, thẩm mỹ và rất khó điều trị. Vì vậy cần phải điều trị sớm, kịp thời, đúng phương pháp tránh trường hợp bệnh nặng phải điều trị lâu dài và tốn kém. Bệnh nhân nên nhớ không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc uống hoặc thuốc bôi nào khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
Theo báo http://suckhoedoisong.vn

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Biến chứng tim mạch của bệnh cao huyết áp

Bệnh nhân cao huyết áp có thể gặp các biến chứng phì đại thất trái, thiếu máu cơ tim, rung nhĩ, suy tim tâm trương... với nhiều biểu hiện khác nhau.

Trò chuyện tại Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP HCM, bác sĩ Bùi Nguyễn Hữu Văn, Phó Khoa Hồi sức tích Nội tim mạch, Viên tim TP HCM cho biết, huyết áp được xem là cao khi đo lúc nghỉ ngơi (đo ít nhất 2 lần, ở 2 tay) có kết quả từ 140/90 mmHg trở lên hoặc đo bằng máy đo huyết áp động 24h có kết quả từ 130/80mmHg. Ban đêm thì huyết áp từ 125/75 mmHg trở lên được xem là cao.
Huyết áp cao có thể gây ra nhiều biến chứng ở tim. Bình thường hoạt động của tim gồm 2 thời kỳ kế tiếp nhau. Ở thời kỳ tâm thu, tim (cụ thể là tâm thất) co bóp tống máu vào các động mạch và đi đến các cơ quan trong cơ thể. Thời kỳ tâm trương, sau khi co bóp xong, tim vào thời kỳ nghỉ. Trong thời kỳ này, cơ tâm thất dãn ra, hút máu từ các tĩnh mạch về đổ đầy tâm thất chuẩn bị cho kỳ tâm thu kế tiếp.

Một số biến chứng ở tim có thể gặp ở bệnh nhân cao huyết áp
Phì đại thất trái
Là biến chứng rất hay gặp ở người bị cao huyết áp lâu ngày, người lớn tuổi, béo phì và người có huyết áp tăng cao không kiểm soát, chiếm  tỷ lệ 10 đến 20%.
Huyết áp tăng làm tăng áp lực lên thành tâm thất trái khiến tâm thất co bóp khó khăn, do đó các sợi cơ tâm thất phải tăng kích thước, tăng thời gian co bóp để duy trì lượng máu bơm ra ngoài. Tình trạng này tiếp diễn lâu ngày sẽ làm cơ tâm thất trái bị phì đại.
Phì đại thất trái làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và tử vong ở người bệnh cao huyết áp. Khi có biến chứng phì đại thất trái, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì hoặc có một số biểu hiện như tim đập nhanh, khó thở khi đi bộ nhanh, khi leo cầu thang, hụt hơi, mau mệt khi gắng sức, có thể khó thở khi nằm, phải kê cao gối.
Suy tim tâm trương
Khoảng 1/3 bệnh nhân có phì đại thất trái có suy tim tâm trương. Cao huyết áp lâu ngày làm cho thành tâm thất bị phì đại, bị xơ hóa, giảm khả năng đàn hồi nên không thể giãn ra trong thời kỳ tâm trương, làm hạn chế lượng máu về tim. Hậu quả là ứ đọng máu ở các tĩnh mạch phổi và tĩnh mạch hệ thống.
Bệnh nhân suy tim tâm trương sẽ có các biểu hiện như mệt, khó thở khi gắng sức, ho về đêm lúc nghỉ do ứ đọng ở phổi. Ngoài ra, người bệnh có thể phù chân, tĩnh mạch cổ nổi, tăng cân do ứ máu ở ngoại biên.
Suy tim tâm thu
Là tình trạng tim giảm khả năng co bóp tống máu trong thời kỳ tâm thu dẫn đến không cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho nhu cầu cơ thể. Suy tim tâm thu là biến chứng rất nặng, làm hạn chế sinh hoạt thường ngày của người bệnh, tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật.
Khi có biến chứng này, người bệnh sẽ có một số triệu chứng:
- Khó thở, mệt khi gắng sức. Lúc đầu khó thở khi gắng sức nhiều, càng về sau khó thở xảy ra khi gắng sức nhẹ và cuối cùng khó thở xảy ra cả lúc nghỉ.
- Ban đêm khi nằm ngủ bệnh nhân ho, khó thở. Trường hợp nặng, bệnh nhân phải ngồi để thở.
- Phù chân, tăng cân.
Thiếu máu cơ tim
Động mạch vành là hệ thống cung cấp máu cho cơ tim. Thiếu máu cơ tim xảy ra khi lượng máu cung cấp đến cơ tim bị giảm do động mạch vành bị tắc nghẽn. Bệnh nhân bị động mạch vành có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao và ngược lại, tăng huyết áp là nguy cơ của bệnh động mạch vành.
Người bị thiếu máu cơ tim sẽ có triệu chứng:
- Cảm giác đè nặng, đau tức ở vùng ngực trái, kéo dài 15-20 phút (có khi đau dữ dội, kéo dài là do nhồi máu cơ tim).
- Đau lan sang cánh tay trái, lan lên đến cằm.
- Xảy ra khi người bệnh gắng sức, bị stress tình cảm, giảm khi người bệnh nằm nghỉ.
Rung nhĩ
Bình thường tâm nhĩ co bóp đều đặn tống máu vào tâm thất trong thời kỳ tâm trương. Rung nhĩ là do các xung điện bất thường trong tâm nhĩ làm tâm nhĩ mất khả năng co bóp, chỉ "rung" với nhịp không đều, hỗn loạn, khiến tim đập không đều, đập nhanh. Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim.
Ở các nước phương Tây, phần lớn các trường hợp rung nhĩ là do tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm suy tim tâm trương, gây ứ đọng máu và tăng áp lực trong tâm nhĩ, lâu ngày làm tâm nhĩ dãn và hình thành các xung điện bất thường trong tâm nhĩ gây rung nhĩ.
Phình, bóc tách động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch chính dẫn máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể.  Tăng huyết áp làm tăng áp lực trên thành động mạch, lâu ngày làm thành mạch xơ cứng, dày, lớp nội mạc (lớp trong cùng của động mạch) bị xơ vữa. Động mạch chủ có thể bị giãn, lớp nội mạc có thể bị nứt, vỡ gây nên phình hoặc bóc tách.
Bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:
- Đau dữ dội vùng ngực, bụng hoặc lưng tùy vị trí bị bóc tách.
- Buồn nôn và nôn,
- Co cứng cơ thành bụng,
- Toát mồ hôi lạnh,
Lưu ý, bệnh nhân bị giãn hoặc phình động mạch chủ có thể không có triệu chứng gì.
Phòng ngừa biến chứng tim mạch do tăng huyết áp
- Thay đổi lối sống tích cực, giảm cân ở người thừa cân, béo phì. Khi giảm được 10kg cân nặng sẽ giúp giảm huyết áp từ 5-20 mmHg.
- Tăng cường vận động. Tập thể dục 30-60 phút đều đặn mỗi ngày giúp giảm huyết áp 4-9 mmHg.
- Dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, giảm muối, giảm chất béo, ăn nhiều rau quả
- Hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá. Hút thuốc lá có thể làm huyết áp tăng 10 mmHg kéo dài đến 1 giờ sau hút. Tránh môi trường có khói thuốc nhằm tránh hút thuốc thụ động.
- Tuân thủ chế độ điều trị, kiểm soát tốt huyết áp. Uống thuốc đều đặn, đúng và đủ liều lượng, tái khám theo đúng lịch hẹn bác sĩ.
- Khi thấy có các triệu chứng bất thường cần đến gặp bác sĩ để khám và tư vấn.
(Theo nguồn báo vnexpress.net)