Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

MẮT MỜ ĐỘT NGỘT, CHỚ XEM THƯỜNG



Với sự phổ biến của các sản phẩm công nghệ và nhiều chương trình giải trí trên màn hình điện thoại khiến đôi mắt ngày nay phải làm việc quá nhiều.

Chính vì vậy, khi mắt bị mờ đột ngột tức là bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe cần phải được đặc biệt quan tâm. Theo những nghiên cứu y khoa mới đây, hiện tượng mắt bị mờ đột ngột có khá nhiều nguyên nhân như mắc chứng tiểu đường, thiếu máu não, đột quỵ, u não, tăng huyết áp, nhiễm khuẩn, viêm xoang...

Nguyên nhân từ các bệnh lý về mắt
Một số bệnh lý về mắt có thể khiến mắt mờ đột ngột

Tăng nhãn áp: Khi mắt bị mờ đột ngột, mắt bỗng nhiên bị mờ, mắt tự nhiên bị mờ... có thể do áp suất trong mắt tăng cao làm tổn thương dây thần kinh thị giác dẫn đến suy giảm thị lực. Bệnh tăng nhãn áp có nhiều loại. Tuy nhiên, tăng nhãn áp góc đóng thường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mờ mắt đột ngột, thậm chí là mất thị lực hoàn toàn. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo như đỏ mắt, đau nhức mắt, buồn nôn... Nếu dùng thuốc nhãn áp không mang lại hiệu quả thì có thể áp dụng một số biện pháp phẫu thuật để cải thiện thị lực.

Bong võng mạc.

Rách hoặc bong võng mạc: Võng mạc là mô nhạy cảm với ánh sáng nằm ở đáy mắt. Đây là nơi hội tụ tia sáng và chuyển thành tín hiệu qua dây thần kinh thị giác gửi lên não để phân tích. Trong một số trường hợp như bị chấn thương, sau phẫu thuật, mắc bệnh tiểu đường, võng mạc có thể bị bong, rách khiến xảy ra hiện tượng mắt bị mờ đột ngột, mắt bỗng nhiên bị mờ, mắt tự dưng bị mờ.

Võng mạc đái tháo đường: Mắt bị mờ hay mắt mờ đột ngột có thể do bệnh đái tháo đường gây ra. Hệ thống mạch máu của võng mạc có thể bị tổn thương chính là một trong những biến chứng của tiểu đường khiến mắt bị mờ, có thể dẫn đến mù lòa nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Bên cạnh đó, lượng đường huyết quá cao có thể khiến dịch di chuyển tới mắt và thủy tinh thể thay đổi kích thước. Kích thước thủy tinh thể thay đổi cũng khiến mắt có tầm nhìn thay đổi. Lượng đường huyết liên tục đạt đỉnh có thể gây tổn thương cho võng mạc và thậm chí suy giảm thị lực.

Xuất huyết dịch kính: Mắt mờ, mắt bị mờ đột ngột mà nguyên nhân chính có thể là do xuất huyết dịch kính, đó là tình trạng máu chảy vào khoang chứa dịch kính của mắt và hòa chung với dịch kính. Người bệnh bị xuất huyết dịch kính nếu không được điều trị đúng phương pháp sẽ phát triển các dấu hiệu ruồi bay và suy giảm thị lực nhanh chóng.

Tắc tĩnh mạch võng mạc: Các tĩnh mạch võng mạc xảy ra khi một trong các tĩnh mạch nhỏ tại võng mạc bị tắc nghẽn bởi huyết khối. Nếu tĩnh mạch bị tắc nghẽn dẫn lưu máu vùng hoàng điểm thì bệnh nhân sẽ bị phù hoàng điểm và gây mất thị lực.

Viêm dây thần kinh thị giác: Viêm dây thần kinh thị giác là dạng bệnh lý có khả năng gây mù mắt, ảnh hưởng đến thần kinh thị giác. Bệnh này cũng là nguyên nhân khiến mắt mờ, mắt bị mờ đột ngột ở người trẻ tuổi. Viêm dây thần kinh thị giác có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh đa xơ cứng.

Xuất huyết dịch kính.

Các nguyên nhân khác
Một số bệnh lý về mắt cũng có thể khiến mắt mờ đột ngột.

Đột quỵ: Đột quỵ là căn bệnh có thể khiến cho mắt bị mờ đột ngột. Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng cảnh báo cơn đột quỵ là sự thay đổi đột ngột về thị lực nhưng không đau đớn. Người bệnh gặp phải tình trạng mắt bị mờ đột ngột, mắt tự dưng bị mờ, mắt bỗng nhiên bị mờ, nhìn đôi, chóng mặt, méo mặt, nói lắp, lú lẫn, yếu, tê ở một cánh tay, mất khả năng thăng bằng...

U não: Tĩnh mạch dẫn máu về não nhưng khi áp lực não tăng khiến việc dẫn máu về não gặp trở ngại dẫn tới phù nề tắc nghẽn, làm tổn thương tế bào thị giác trên võng mạc thị đáy mắt, làm giảm thị lực khiến bệnh nhân bị mờ mắt đột ngột. Nghiêm trọng hơn, võng mạc thị đáy mắt có dạng điểm, dạng tia và vầng, thậm chí dẫn tới xuất huyết dạng ngọn lửa, nhìn các vật chỉ lờ mờ, thậm chí bị lòa. Ngoài ra, bệnh nhân bị u não còn có các dấu hiệu khác như lơ mơ, nhức đầu, động kinh...

Huyết áp thấp: Khi có các dấu hiệu như cơ thể mệt mỏi, đau đầu, chóng mắt, đau tức ngực, rối loạn chức năng thần kinh, rối loạn chức năng nội tiết, chán ăn, đau bụng khó tiêu, mắt mờ, mắt bị mờ đột ngột, mắt bỗng dưng bị mờ..., bạn hãy nghĩ ngay đến dấu hiệu của bệnh huyết áp thấp.

Bệnh đa xơ cứng (ms): Mắt bị mờ đột ngột, mắt bỗng nhiên bị mờ, mắt tự dưng bị mờ... là dấu hiệu sớm nhất của chứng đa xơ cứng. Bệnh gây viêm dây thần kinh thị giác kết nối giữa mắt với não nên mắt có thể nhìn mờ, mất khả năng phân biệt màu sắc và đau khi di chuyển mắt. Chứng bệnh này thường chỉ xảy ra ở một bên mắt.

Chăm sóc mắt đề phòng mắt mờ đột ngột
Để giúp mắt sáng khỏe, hãy đề phòng mắt bị mờ đột ngột bằng cách xây dựng thói quen sinh hoạt tốt cho mắt.

Không dụi mắt vì hành động này gây xước giác mạc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập mắt... Thay vào đó, nên rửa mắt với nước sạch, dùng tăm bông để lấy dị vật ra ngoài. Nếu bị dị vật làm tổn thương mắt, cần đến ngay cơ sở y tế.

Đeo kính khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn và bức xạ mặt trời.
Hạn chế sử dụng smartphone, máy tính, xem tivi... nhằm tránh tạo con đường để ánh sáng xanh đi vào mắt gây hội chứng thị giác màn hình, thoái hóa hoàng điểm.

Khi bị đau đầu kèm theo nhức mắt, mỏi mắt, mắt nhìn mờ..., cần để cho mắt được thư giãn, nghỉ ngơi... Trường hợp nặng, cần thăm khám ở các bệnh viện mắt uy tín.

Nếu mắt bị mờ đột ngột, hãy theo dõi và tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Bên cạnh phác đồ điều trị của bác sĩ, việc bổ sung những dưỡng chất tối cần thiết cho mắt cũng chính là giải pháp lâu dài để làm giảm tình trạng nhìn mờ và bảo vệ đôi mắt luôn sáng khỏe.

BS. Minh Châu
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

PHÒNG BỆNH DỄ MẮC LÚC GIAO MÙA



Giao mùa, nóng ban ngày, lạnh về sáng và đêm, kết hợp với độ ẩm giảm dần, không khí khô hanh. Do nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau nhiều nên cơ thể phải thay đổi liên tục để thích nghi, do vậy rất dễ nhiễm bệnh.

Bệnh dị ứng
Giao mùa, thời tiết khô hanh xuất hiện nhiều dị nguyên trong môi trường như phấn hoa, bụi bông, lông súc vật, khói... là những tác nhân gây các chứng dị ứng như: viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc, hen phế quản... Hơn nữa trong phòng làm việc mùa thu hanh khô, các loại bụi từ thiết bị máy móc, thảm trải, mực in dễ phát tán và trở thành tác nhân gây dị ứng. Để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng. Giữ vệ sinh cơ thể (nhất là đường mũi họng) và môi trường sống sạch sẽ, tinh thần thoải mái để hạn chế mắc bệnh.

Sốt và cảm lạnh
Sốt hay gặp trong mùa thu là sốt do virut, biểu hiện dưới các dạng như sốt phát ban, cúm... nền nhiệt độ từ 38,5oC trở lên. Đối tượng dễ mắc bệnh là người già và trẻ em do sức đề kháng yếu. Triệu chứng thường gặp và dễ nhận biết khi mắc sốt do virut là sốt, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt nước mũi, đỏ mắt, đau nhức cơ, khớp, đau đầu... Nếu ở thể nhẹ, người bệnh có thể sốt từ 3-5 ngày, sau đó tự khỏi. Ở thể nặng hơn người bệnh sốt ly bì 5-7 ngày và dễ gặp các biến chứng viêm long đường hô hấp cấp trên, viêm phổi...

Sốt virut lây truyền nhanh qua đường hô hấp (ho, hắt hơi) nhất là trong môi trường tập thể: trường học, công sở, nơi công cộng. Để phòng tránh sốt virut, cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, thường xuyên vệ sinh răng miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng fluor. Do thời tiết nóng lạnh thất thường, độ ẩm không khí cao nên cần phải giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực. Đặc biệt là vào lúc sáng sớm và buổi tối hay khi ngủ.

Lưu ý: Sốt do cúm thường lạnh từ bên trong cơ thể ra, do đó không nên mặc quần áo quá dày, không đắp nhiều chăn. Cho người bệnh uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả. Tăng cường chế độ dinh dưỡng, cung cấp cho cơ thể đủ lượng calo cần thiết để tăng sức đề kháng, nên ăn thức ăn khi còn ấm. Năng tập luyện nâng cao sức khỏe phòng chống bệnh tật. Giữ trong, ngoài nhà sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt. Khi ốm sốt vẫn cần lau rửa, tắm giặt, vệ sinh mũi họng, cơ thể hằng ngày sạch sẽ.

Cảm lạnh là bệnh hay gặp ở mùa đông nhưng cũng dễ mắc vào mùa thu khi đi ngoài trời bị mưa ướt, nằm ngủ bật quạt thốc thẳng vào đầu và người, hoặc khi thời tiết thay đổi. Dấu hiệu bị cảm lạnh là nhức đầu, nóng sốt, ớn lạnh, đau ê ẩm toàn thân, đau họng, ho...


Trong những ngày chuyển sang thu, số trường hợp bị  bệnh dị ứng, cảm cúm thậm chí nhồi máu cơ tim gia tăng.

Bệnh tim mạch
Trong những ngày thu, thời tiết nóng lạnh thất thường, số trường hợp bị  nhồi máu cơ tim gia tăng, kể cả nguy cơ đột quỵ cũng tăng. Những người có vấn đề về tim mạch sẽ càng tăng nguy cơ bị bệnh suy tim. Đó là do, khi thay đổi thời tiết đột ngột, cơ thể cũng phải thay đổi để thích ứng với thời tiết, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch. Ngay cả những người khỏe mạnh cũng nên đề phòng chứng tăng huyết áp, khó thở, tim đập nhanh, do sự thay đổi nhiệt độ dễ gây ra những cơn co thắt nhiều ở mạch máu.

Để phòng ngừa bệnh tim mạch, nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, hoa quả và cá, hạn chế chất béo có hại, không hút thuốc và chăm chỉ thể dục. Nếu thấy có vấn đề về tim mạch hay huyết áp, cần chú ý theo dõi, đi khám bác sĩ để điều chỉnh hoạt động của tim mạch và huyết áp, ngăn ngừa bệnh, không nên để đến khi bị bệnh trầm trọng mới điều trị.

Nhóm bệnh đường hô hấp
Viêm đường hô hấp trên (viêm họng, VA, amidan) cấp tính và mạn tính:
Khi viêm hô hấp cấp tính gây sốt cao kèm  ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, niêm mạc họng đỏ (trẻ em nôn nhiều, quấy khóc). Nếu không kịp thời chữa trị dứt điểm sẽ diễn tiến thành viêm phế quản, viêm phổi và chuyển thành mạn tính.

Viêm đường hô hấp dưới:
Viêm phế quản là bệnh rất nhạy cảm, khó thích ứng với biến đổi thất thường của khí hậu, trẻ em càng dễ mắc. Bệnh gây khó thở, khò khè, ho nhiều về đêm và sáng, có đờm,... Nên sớm tới bác sĩ để được dùng thuốc thích hợp vì bệnh khó khỏi hẳn, dễ tái phát.

Viêm thanh quản, khí quản, tiểu phế quản, phổi ít gặp hơn nhưng khi mắc thường hay bị nặng. Mùa này 3 loại virut cúm A, B, C gây bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát mạnh, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch, biến chứng có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa.

Các chứng bệnh viêm phổi, viêm tắc thanh quản và khí quản gây ho nhiều và dữ dội về ban đêm, thờ khò khè, thậm chí ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn... Các triệu chứng này biểu hiện bệnh đã nặng, cần đi khám chữa ngay, không nên tự chữa ở nhà, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Vấn đề về tiêu hóa
Vào mùa thu, sức đề kháng của cơ thể giảm nên khó chống lại ảnh hưởng của các vi khuẩn gây bệnh, do đó, hệ tiêu hóa càng bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ loét dạ dày tá tràng tăng. Các chứng bệnh như đầy hơi, chậm tiêu, hội chứng ruột kích thích cũng luôn gây khó chịu cho mọi người.

Để giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tiêu hóa, nên có chế độ ăn uống khoa học: đúng giờ, không bỏ bữa, không hút thuốc. Nên loại bỏ khoai tây chiên và thịt băm viên, chả cá cũng như thức ăn hun khói, thức ăn quá cay, quá béo, trà và cà phê đặc, sôcôla và tuyệt đối kiêng rượu. Nên ăn các loại thịt nạc và cá để cung cấp chất đạm cho cơ thể.

BS. Hữu Hạnh
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

KIỂM SOÁT HUYẾT ÁP BẰNG CHẾ ĐỘ ĂN



Với những bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, ngoài việc tuân thủ theo điều trị của bác sĩ thì một chế độ dinh dưỡng khoa học có ý nghĩa rất quan trọng.

Chế độ ăn nhiều natri là nguyên nhân quan trọng gây tăng huyết áp. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy một chế độ ăn hạn chế natri, giàu canxi, kali và magie, uống rượu mức trung bình, không hút thuốc lá, năng lượng ăn vào vừa phải có thể làm giảm tăng huyết áp.

Ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch và không nên sử dụng thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào. Các nghiên cứu đã cho thấy huyết áp gia tăng đáng kể theo từng điếu thuốc lá. Người hút thuốc sẽ không được bảo vệ đầy đủ khỏi nguy cơ tim mạch dù có dùng thuốc chống tăng huyết áp.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp là do béo phì. Thừa cân béo phì có thể ảnh hưởng đến mức huyết áp ngay từ nhỏ và là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, giảm cân khoảng 5kg giúp giảm được huyết áp.

Hoạt động thể lực: tập thể dục thường xuyên như đi bộ nhanh hoặc bơi lội 30 - 35 phút, 3 - 4 lần/tuần. Thể dục nhẹ nhàng như vậy có hiệu quả trong việc hạ huyết áp hơn là tập thể dục mạnh như chạy bộ và có thể hạ huyết áp tâm thu khoảng 4 - 8mmHg, nên tránh mang vác các vật nặng.

Yếu tố tâm lý và stress: yếu tố cá tính và stress cùng với lối sống ít lành mạnh thường đi kèm với tăng huyết áp và yếu tố nguy cơ tim mạch gia tăng.


Người tăng huyết áp nên tăng cường ăn rau xanh và hoa quả tươi, uống sinh tố trái cây để cung cấp đủ vitamin và khoáng chất giúp trung hòa và đào thải natri ra khỏi cơ thể.

Nguyên tắc chung trong chế độ ăn kiểm soát huyết áp
Bệnh nhân tăng huyết áp thực hiện các nguyên tắc chính của chế độ ăn “3 giảm” (giảm lượng muối ăn vào; giảm chất béo nhất là chất béo từ động vật; giảm uống rượu bia); “3 tăng” (tăng sử dụng thực phẩm giàu canxi; giàu kali và giàu các chất bảo vệ như các loại rau xanh, khoai củ, đậu đỗ và trái cây); xây dựng lối sống “1 tăng, 1 giảm và 1 bỏ” (tăng vận động, giảm căng thẳng và bỏ thuốc lá) cụ thể như sau:

Ăn giảm muối hơn bình thường, nên sử dụng dưới 6g/ngày.
Hạn chế calo ăn vào, nhất là với những người quá béo, những người không béo chỉ nên ở mức 35 - 40kcal/kg cân nặng.
Giảm lipid trong khẩu phần, nhất là với những người có vữa xơ động mạch, nên ở mức 25 - 40g/ngày. Nên dùng lipid thực vật, tức là các loại dầu và các hạt có dầu.
Protein nên giữ ở mức 60 - 70g/ngày, không nên ăn quá nhiều protein động vật.
Glucid: 300 - 350g/ngày, nên dùng các hạt ngũ cốc không xay xát kỹ. Hạn chế  các loại đường và bánh kẹo.
Tỷ lệ % năng lượng giữa các chất: protein: 12 - 15% năng lượng khẩu phần; lipid: 15 - 20% năng lượng khẩu phần; glucid: 65 - 70% năng lượng khẩu phần.
Không hút thuốc lá vì nicotin làm co mạch ngoại vi.
Ăn nhiều rau xanh và trái cây, vì chứa nhiều kali, canxi, magiê và các vitamin, nhất là các loại rau quả giàu vitamin C, E, bêta caroten...
Nước uống vừa phải, nên uống chè sen, chè hoa hoè, nước râu ngô, nước rau luộc.

Những thức ăn nên dùng
Gạo tẻ, gạo nếp, các loại khoai và các loại đậu đỗ, lạc, vừng.
Thịt ít mỡ như: thịt bò, thịt gà ta, thịt lợn nạc...
Trứng: Nên ăn trứng gà vì trứng gà có ít lipid hơn trứng vịt.
Sữa: nên ăn các loại sữa tách bơ, sữa đậu nành, sữa chua.
Cá, tôm, cua các loại.

Tăng cường ăn rau xanh và hoa quả tươi, uống sinh tố trái cây để cung cấp đủ vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng loại bỏ những chất béo dư thừa ra ngoài cơ thể theo đường tiêu hóa, giúp phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Các thực phẩm: rau diếp, rau cải xoăn, cải bó xôi, chuối chín, khoai tây... chứa hàm lượng kali cao giúp trung hòa và đào thải natri ra khỏi cơ thể, từ đó có tác dụng hạ huyết áp. Có thể ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước, hay làm sinh tố các loại quả tốt chứa nhiều vitamin A và C như: cam, quýt, bưởi, bơ, đu đủ... Tích cực ăn tỏi hàng ngày.

Người bệnh không nên ăn gì?
Thịt nhiều mỡ, mỡ, nước xương thịt ninh; các loại cá béo; các loại phủ tạng: thận, óc, tim, gan, lòng... vì có nhiều cholesterol.
Nước chè đặc, cà phê, thuốc lá, ớt quá cay.
Các thức ăn muối mặn: cà mặn, dưa mặn...
Đường và các loại bánh, mứt, kẹo...

Lời khuyên của thầy thuốc

Một số người bệnh tăng huyết áp vẫn thường mắc sai lầm trong cách ăn uống. Ví dụ, giảm mặn bằng cách thêm nước vào món canh hoặc món mặn. Như vậy là chưa đúng. Giảm ăn mặn là giảm lượng muối đưa vào cơ thể chứ không phải giảm khẩu vị mặn, do đó, cần giảm lượng gia vị mặn nêm vào món ăn. Một sai lầm phổ biến nữa là cho rằng muối chỉ có nhiều trong các gia vị: muối, nước mắm, nước tương hoặc thực phẩm: mắm, dưa muối... mà bỏ quên các thực phẩm chế biến sẵn. Thực tế, trong các loại thực phẩm chế biến sẵn: thịt hộp, thịt muối, thịt xông khói, heo quay, lạp xưởng, xúc xích, cá mòi đóng hộp... cũng chứa hàm lượng muối cao. Tốt nhất là hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ưu tiên thay bằng thực phẩm tươi sống.

BS. Trần Anh Ngọc
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

VIRÚT VIÊM GAN C - SÁT THỦ THẦM LẶNG



Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh nhân viêm gan C dễ dàng chuyển sang xơ gan và ung thư gan.

Viêm gan C nguy hiểm thế nào?
Nhiều bệnh nhân biết đến bệnh viêm gan B nhưng lại bỏ qua viêm gan C. Theo các chuyên gia, nếu viêm gan B là bệnh không thể trị dứt điểm và không quá nguy hiểm thì viêm gan C là căn bệnh trong yên lặng, có thể điều trị dứt điểm nhưng lại có tính sát thủ rất mạnh. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh nhân viêm gan C dễ dàng chuyển sang xơ gan và ung thư gan.

Virút siêu vi C: cực kỳ nguy hiểm
Theo TS.BS. Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Gan bệnh viện Đa khoa Medic thì cùng với viêm gan A và B, viêm gan C cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Và dù tần suất mắc bệnh viêm gan siêu vi C ít gặp hơn so với bệnh viêm gan do virút A và B nhưng virút viêm gan C tỏ ra uy lực và có những tấn công gây tác hại lớn cho gan. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách, người mang bệnh rất dễ dàng chuyển qua giai đoạn xơ gan, ung thư gan.

Theo BS. Thủy, viêm gan C được xem là một căn bệnh “yên lặng”. Khi người bệnh nhiễm bệnh, virút viêm gan C đi từ máu đến gan và trú ngụ ở đó. Nó tấn công và gây hại lên gan rất lớn nhưng các triệu chứng viêm gan C thường không có biểu hiện rõ ràng; chỉ có thể nhận biết được bệnh khi có các xét nghiệm và chẩn đoán chuyên sâu.
Nhóm xét nghiệm để nhận biết cơ thể có bị nhiễm virút viêm gan C hay không là anti-HCV. Đây là loại kháng thể do cơ thể tạo ra để phản ứng với virút viêm gan C. Nếu xét nghiệm cho thấy anti-HCV dương tính thì chứng tỏ bệnh nhân đã hoặc đang bị nhiễm siêu vi C. Tuy nhiên để kiểm tra chính xác về mức độ tổn thương gan thì sẽ có các xét nghiệm khác như HCV ARN, siêu âm, CT-Scan, MRI, sinh thiết gan…

Triệu chứng viêm gan C
Thông thường, bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C thường có khả năng tự hết bệnh mà không cần điều trị. Gan sẽ tự điều tiết ra các kháng thể để chống lại và tiêu diệt virút viêm gan C. Dấu hiệu duy nhất cho thấy gan đã miễn dịch được virút này là sự hiện diện của kháng thể chống virút siêu vi C trong máu. 

Đáng tiếc là chỉ có khoảng 15 - 30% người bị nhiễm virút siêu vi C có khả năng chống chọi và vượt qua giai đoạn nhiễm bệnh, hơn 70% là không thắng nổi và chuyển sang giai đoạn mạn tính, nặng hơn trước.

Ở giai đoạn mạn tính, virút bắt đầu có những tấn công gây tổn thương gan nặng nề và xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, người bị đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, vàng da… Virút gây ra tổn thương và tăng nồng độ của men gan (AST và ALT) trong máu. Gan bị xơ hóa trên diện rộng và phá hỏng những chức năng quan trọng của gan là chuyển hóa và giải độc, dẫn đến xơ gan. Giai đoạn này nếu không có những biện pháp điều trị tích cực sẽ dẫn đến biến chứng cho gan và gây ung thư gan. Viêm gan C có diễn biến thầm lặng, có thể mắc bệnh kéo dài trong thời gian 10 hoặc 20 năm.

Đã tiêm ngừa viêm gan B - liệu có bị nhiễm virút C?
Nhiều người thắc mắc, nếu đã chủng ngừa viêm gan siêu vi B thì liệu có bị nhiễm virút viêm gan C? BS. Thủy cho biết: Nếu đã tiêm ngừa virút viêm gan siêu vi B thì chỉ có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm siêu vi này. Còn viêm gan C là một loại siêu vi hoàn toàn khác hẳn và chưa có chủng ngừa tiêm phòng; do đó để ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan siêu vi C bạn nên áp dụng các phương pháp tránh phơi nhiễm viêm gan C như: không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, quan hệ tình dục an toàn…

Phòng ngừa viêm gan C như thế nào?
Bác sĩ Thủy cũng chia sẻ: với những tiến bộ của y học hiện nay, bệnh viêm gan siêu vi C là hoàn toàn có thể điều trị và chữa khỏi. Vì vậy việc tầm soát và nhận biết được bệnh sớm để theo dõi, điều trị kịp thời là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm gan siêu vi C ở nước ta có chi phí khá cao nên bệnh nhân thường ngần ngại và không đi kiểm tra, xét nghiệm theo định kỳ.

Thực tế nếu viêm gan C càng được phát hiện sớm bao nhiêu thì khả năng điều trị khỏi càng cao bấy nhiêu. Ngoài ra, người bệnh nên lựa chọn những cơ sở y tế đáng tin cậy để có kết quả kiểm tra chính xác. Đồng thời, tự bảo vệ bản thân thông qua việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý và thường xuyên vận động để cơ thể có sức đề kháng tốt. 

HỒNG MINH
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

UỐNG CÀ PHÊ - TÁC ĐỘNG ĐẾN THẬN NHƯ THẾ NÀO?



Ngày nay, nhu cầu sử dụng cà phê trên thế giới ngày càng tăng và nó đã trở thành một thói quen cho đa số người dân thành thị. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cà phê tác động từ hệ thống miễn dịch của con người đến cải thiện tình trạng tim mạch thậm chí ngăn ngừa ung thư.

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, cà phê được phát hiện lần đầu tiên tại Ethiopia và cuộc tranh luận về tác dụng tốt hay xấu của cà phê đã diễn ra, kéo dài suốt hơn 1.000 năm.

Nghiên cứu giữa sử dụng cà phê và bệnh lý thận
Các nghiên cứu dịch tễ học dựa trên dân số nhằm chỉ ra mối liên hệ giữa sử dụng cà phê và chức năng thận. Một nghiên cứu năm 2008 với sự tham gia của hơn 2.600 phụ nữ ở Hàn Quốc chỉ ra rằng uống cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh về thận, kể cả người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên việc thông kê điều tra trên một vùng dân số hẹp vẫn chưa đủ để đem lại kết quả chính xác.

Để làm rõ vấn đề tranh cãi này, vào năm 2016, một nhóm các nhà khoa học khác đã tiến hành nghiên cứu trên cả nam và nữ. Kết quả cho thấy, không có mối liên hệ nào giữa bệnh thận và cà phê ở nam. Tuy nhiên ở nữ giới, nguy cơ mắc bệnh lý về thận giảm khi cá thể có thói quen sử dụng cà phê thường xuyên.

Kết quả nghiên cứu ở một nơi khác cũng cho thấy rằng, tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính ở cộng đồng vùng trồng cà phê thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác.

Các nhà nghiên cứu cho rằng chất chống oxy hóa trong cà phê có tác dụng tích cực đến việc duy trì và bảo vệ chức năng thận.

Tác dụng của cà phê đối với người mắc bệnh thận di truyền
Trước đây các nghiên cứu khoa học có thông tin rằng caffeine có thể làm tăng nguy cơ phát triển u nang thận ở bệnh nhân mắc bệnh thận đa nang (PKD). Tuy nhiên, trong các nghiên cứu lâm sàng hiện nay, uống cà phê không còn được ghi nhận là nguyên nhân xúc tiến quá trình phát triển bệnh.

Nguy cơ sỏi thận
Sỏi Oxalate là một trong những loại sỏi thận phổ biến và thực tế là một trong những nguồn oxalate chính trong chế độ ăn uống của chúng ta là cà phê và trà đen. Do đó, bệnh nhân bị sỏi thận, đặc biệt là những người cơ địa dễ hình thành sỏi canxi oxalate, cần có sự cân nhắc kỹ càng về mức độ tiêu thụ cà phê của mình.

Nguy cơ ung thư thận
Hiện tại chưa có một kết luận rõ ràng nào cho thấy rằng cà phê ảnh hưởng đến việc làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận. Thực tế chứng minh được rằng cà phê có chứa caffeine giúp giảm nguy cơ này, trong khi cà phê đã khử caffeine làm tăng mức độ mắc bệnh ung thư tế bào thận. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu làm rõ ràng vấn đề này hơn trước khi đưa ra công bố cuối cùng.

Tác dụng gián tiếp của cà phê lên chức năng thận
Huyết áp cao, đái tháo đường là những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh lý về thận. Nghiên cứu cho thấy uống cà phê có chứa caffeine làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn, mức độ cao hơn ở những người có tiền sử cao huyết áp. Do đó những người cao tuổi hay người huyết áp cao nên hạn chế sử dụng cà phê thường xuyên.

Thống kê cho thấy ở một người khỏe mạnh, việc tiêu thụ không quá 3 - 4 ly cà phê (mỗi ly khoảng 240ml chứa từ 100 - 200mg cafeine) mỗi ngày sẽ không tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Tuy nhiên, cà phê có chứa một chất làm tăng hoạt động của hệ thần kinh cũng như huyết áp. Nên cho dù bạn uống cà phê đã khử caffeine rồi, vẫn nên cân nhắc trước khi sử dụng để phù hợp với sức khỏe bản thân.

Lời khuyên của thầy thuốc
Với những hiểu biết và nghiên cứu hiện tại, ta có thể nhận thấy rằng, cà phê có tác động đến huyết áp cơ thể đối với những người không có thói quen uống cà phê thường xuyên, hoặc những người có tiền căn cao huyết áp.
Tuy nhiên, không có mối liên hệ nào giữa cà phê và nguy cơ mắc các bệnh lý về thận mà uống cà phê đôi khi còn bảo vệ các chức năng của thận, đặc biệt đối với phụ nữ.
Bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận canxi Oxalate nên cân nhắc khi cà phê chứa hàm lượng lớn chất này. Hiện tại bằng chứng cho thấy cà phê có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư thận vẫn còn chưa rõ ràng. Và hi vọng rằng, câu hỏi này sẽ sớm có lời giải đáp..
BS. LÂM VẠN PHONG

Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

LAO HẠCH VÀ LAO PHỔI KHÁC NHAU THẾ NÀO ?



Không nguy hiểm và lây nhiễm như lao phổi, bệnh lao hạch không gây tử vong và có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, đây là căn bệnh khá phổ biến, bệnh cũng kéo dài và gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt.

Lao hạch là bệnh thứ phát, xuất hiện sau bệnh lao ở nơi khác trong cơ thể, như lao sơ nhiễm hoặc lao phổi. Vi trùng lao sau khi vào phổi, gây tổn thương ở đây (lao phổi) rồi di chuyển tới hạch và ra gây lao hạch.

Triệu chứng của lao hạch
Nếu như ho là triệu chứng đầu tiên và quan trọng của bệnh lao phổi, thì người bệnh bị lao hạch không ho. Khi bị lao hạch, người bệnh có thể thấy mệt mỏi và sốt nhẹ. Trừ trường hợp bị bội nhiễm hoặc có kèm theo tổn thương lao ở các cơ quan khác như phổi, xương,... thì bệnh sẽ có triệu chứng nặng nề hơn. Người bệnh lao hạch có thể cũng thấy ăn không ngon, sụt cân do chán ăn...

Người bệnh lao hạch thường có hạch sưng to, thành từng chùm, từng chuỗi ở một vùng, nhiều nhất là ở cổ. Hạch sưng không đồng đều, không đau và không dính. Bề mặt da vùng nổi hạch nhẵn, sưng to như không nóng và không tấy đỏ. Hạch sưng to dần dần về mặt kích thước, khi to thì mềm ra, lúc đó hạch có thể vỡ và chảy mủ, trông giống như bã đậu, khó liền sẹo, hay rò. Nếu thành sẹo thì sẹo bị co kéo, có hình dúm dó, miệng sẹo tím như quả bồ quân.



Người bệnh lao hạch thường có hạch sưng to, thành từng chùm, từng chuỗi ở một vùng, nhiều nhất là ở cổ.
Hạch lao phát triển qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu: Hạch bắt đầu sưng to, với các hạch to nhỏ không đều nhau, chưa dính vào da và cũng chưa dính vào nên di động còn dễ.

Giai đoạn sau: Giai đoạn này chuyển sang thể viêm hạch và viêm quanh hạch. Lúc này các hạch có thể bị dính vào với nhau thành các mảng, có thể hoặc chưa dính vào da và các tổ chức xung quanh. Nếu có sẽ làm hạn chế di động.

Giai đoạn nhuyễn hóa: Các hạch mềm dần, da vùng hạch bắt đầu sưng tấy đỏ nhưng không nóng và không đau. Khi hạch đã hóa mủ thì dễ vỡ, nếu để tự vỡ sẽ gây những lỗ rò lâu liền, miệng lỗ rò màu tím ngắt, tạo thành sẹo lồi, nhăn nhúm, sùi trắng hoặc thành những dây chằng xơ.

Riêng ở thể khối u (viêm hạch lao phì đại) rất ít gặp có triệu chứng sau: Xuất hiện khối u ở cổ, một hay vài hạch nổi to, sau đó dính thành một khối lớn không đau, di động, không có viêm quanh hạch, sờ chắc. Khối u hạch to dần, chiếm gần hết vùng bên cổ khiến các hạch khác (dưới hàm, mang tai...) cũng bị phì đại. U nằm ở một bên hoặc cả 2 bên làm cho cổ như bị bạnh ra.

Phân biệt hạch và lao hạch
Bình thường các hạch của cơ thể rất nhỏ, chỉ lớn bằng hạt thóc, hạt đỗ, hạt ngô nhỏ. Các hạch mềm nằm lẫn trong các mô xung quanh, ở tổ chức mỡ dưới hay hay lẫn trong thớ cơ nên khó nhận biết.
Khi hạch đã có thể sờ nắn thấy nghĩa là chúng đã sưng to. Nếu hạch lúc sưng lúc giảm, lúc không lúc đau thì có thể là hạch viêm do nhiễm khuẩn thông thường. Nếu hạch có sưng nóng, đỏ, sờ thấy đau, mật độ mềm thì sau dùng kháng sinh, nếu hạch bớt sưng đau, kích thước nhỏ đi thì là viêm hạch do nhiễm khuẩn.

Nếu hạch cứng, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, sờ như hạt đạn chì, chân lan tỏa như rễ cây thì phải coi chừng đây có thể là hạch ung thư hoặc hạch di căn ung thư.
Nếu hạch phát triển chậm, sờ nắn không đau, mềm căng thì có thể là lao hạch.

Bệnh lao hạch có lây không?
Với lao phổi, do vi trùng lao thâm nhập vào phổi và sinh sôi, nên lao phổi là một bệnh rất dễ lây truyền giữa người sang người thông qua đường hô hấp. Những người bị bệnh lao phổi, hoặc lao thanh quản, phế quản, khi ho sẽ khạc ra vi khuẩn lao có trong những hạt nước bọt li ti, hoặc các hạt bụi nhỏ. Những người tiếp xúc với bệnh nhân lao sẽ dễ dàng hít vào và gây bệnh tại phổi.

Không giống như lao phổi, trường hợp bệnh nhân lao hạch, do vi khuẩn lao chỉ khu trú trong hạch gây viêm và không rò rỉ ra bên ngoài, do đó, bệnh lao hạch không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Bệnh lao hạch có chữa khỏi không?
Người bệnh lao hạch sẽ được điều trị nội khoa dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và thầy thuốc chuyên khoa, uống thuốc điều trị lao hạch theo phác đồ điều trị lao liên tục trong khoảng 9 tháng là tối thiểu. Liều dùng tùy thuộc vào cân nặng và tuân theo phác đồ điều trị do bác sĩ chuyên khoa quyết định. Người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để điều trị dứt điểm bệnh lao, tránh tình trạng vi khuẩn lao xâm nhập và gây bệnh ở những cơ quan khác trong cơ thể.

Bị lao hạch có phải mổ không cũng là thắc mắc của nhiều người. Bệnh lao hạch được điều trị ngoại khoa, phẫu thuật - mổ lấy toàn bộ hạch khi hạch hóa mủ nhưng lại không đáp ứng khi chọc dò và điều trị kết hợp với kháng sinh, hoặc là bị u lympho lao hạch, lao không thành mủ, khu trú. Mổ và nạo vét sạch mủ bã đậu ở hạch cũng là cách điều trị có hiệu quả. Tuy nhiên, việc điều trị lao hạch tốt nhất là nên điều trị bệnh lao trước khi phẫu thuật để tránh lây lan vi khuẩn lao.

BS. Đức Vĩnh
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống