Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

VIÊM MAO MẠCH DỊ ỨNG


Viêm mao mạch dị ứng là bệnh tự dị ứng nguy hiểm. Bệnh gây tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch ở nhiều cơ quan như khớp, da, đường tiêu hóa, tim mạch…

Hiện chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, do vậy việc theo dõi và điều trị từ sớm có ý nghĩa quan trọng để giảm nhẹ triệu chứng, tránh các biến chứng bệnh nguy hiểm.

Triệu chứng của bệnh
Viêm mao mạch dị ứng còn được biết đến với nhiều tên gọi như hội chứng viêm mạch Schonlein-Henoch, ban xuất huyết dạng phản vệ, ban xuất huyết dạng thấp… là bệnh tự dị ứng có tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch tại nhiều cơ quan chủ yếu là khớp, da, thận, ruột… Đây là bệnh viêm mạch hệ thống thường gặp nhất ở trẻ em (90% số ca bệnh xảy ra ở trẻ em). Cơ chế của bệnh chưa thực sự rõ ràng nhưng có liên quan tới cơ chế miễn dịch, vì khi làm sinh thiết người ta thấy có sự lắng đọng kháng thể IgA trên mẫu sinh thiết mạch máu, da, thận… Khi bị viêm mao mạch dị ứng, người bệnh có dấu hiệu xuất hiện các ban đặc biệt kèm các triệu chứng lâm sàng như:

Triệu chứng trên da: 50% trường hợp bệnh nhân gặp phải triệu chứng đầu tiên trên da như xuất huyết tại mặt duỗi của tay chân, quanh mắt cá chân, đùi, mông, cánh tay… Các xuất huyết này không ngứa, dạng chấm, gờ cao hơn mặt da, có thể mề đay, bọng nước hoặc bầm máu thậm chí là ban hoại tử. Triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với xuất huyết giảm tiểu cầu, lupus ban đỏ…

Viêm mao mạch dị ứng còn gọi là hội chứng viêm mạch Schonlein - Henoch.

Triệu chứng ở khớp: 75% trường hợp bệnh nhân viêm mao mạch dị ứng gặp phải các vấn đề ở khớp như ban xuất huyết ở cổ chân, gối, khuỷu đồng thời đau đớn tại các vị trí này, hạn chế vận động, phù quanh khớp, đau gân phối hợp.

Đường tiêu hóa: 37-66% trường hợp bệnh nhân viêm mao mạch dị ứng bị đau bụng quanh rốn, nôn và buồn nôn. Cơn đau sẽ kéo dài từ vài giờ thậm chí vài ngày và hay tái phát. Một số bệnh nhân có triệu chứng xuất huyết ra máu như đi ngoài phân đen, nôn ra máu kèm đau bụng dữ dội…

Tổn thương thận: Tổn thương thận gặp phải ở 25 – 50% bệnh nhân ở giai đoạn cấp tính. Bệnh nhân có triệu chứng đái ra máu đại thể hoặc vi thể.

Ngoài ra, viêm mao mạch dị ứng cũng có thể gây viêm tinh hoàn, viêm cơ tim… rất nguy hiểm.

Đây là bệnh tự dị ứng nên không có khả năng lây lan. Tuy nhiên, viêm mao mạch dị ứng xuất hiện sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Do vậy, bệnh nhân vẫn có thể lây lan các bệnh viêm nhiễm này đến người lành. Cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nếu các vấn đề viêm đường hô hấp chưa được điều trị khỏi.

Phương pháp nào điều trị bệnh?
Điều trị bệnh viêm mao mạch dị ứng tập trung chủ yếu vào điều trị triệu chứng do bệnh vẫn chưa có thuốc đặc hiệu. Phác đồ điều trị được áp dụng thường là:

Người bệnh cần nghỉ ngơi từ 1 - 2 tháng, ăn uống nhẹ nhàng để hạn chế tác động đến đường tiêu hóa. Nên chia nhỏ bữa ăn và hạn chế chất xơ.

Dùng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid để giảm nhẹ các triệu chứng đau khớp, đau cơ, sốt. Có thể bác sĩ sẽ kê corticoid cho bệnh nhân, trong những trường hợp bệnh nhân bị tổn thương thận nặng, dùng theo liều giảm dần. Nếu nguyên nhân là nhiễm khuẩn liên cầu, bệnh nhân được chỉ định kháng sinh để điều trị. Điều quan trọng là, bệnh nhân cần được thăm khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Hiện nay, nhiều người tìm đến Đông y, thuốc nam chữa viêm mao mạch dị ứng để hạn chế ảnh hưởng của thuốc tây. Tuy nhiên, viêm mao mạch dị ứng là bệnh khá nguy hiểm, cần được điều trị sớm và nhanh chóng để ngăn chặn biến chứng. Trong khi đó, các loại thuốc nam, thuốc Đông y lại có tác dụng chậm, không phù hợp để điều trị các đợt phát bệnh cấp. Do vậy, khi phát hiện viêm mao mạch dị ứng, người bệnh cần tìm đến các bệnh viện lớn để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
BS. Trần Minh Thiệu

Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét