Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

LÀM GÌ KHI HUYẾT ÁP THẤP?



Huyết áp thấp thường được định nghĩa là thấp hơn 90mmHg của huyết áp tâm thu hoặc 60mmHg của huyết áp tâm trương, là một tình trạng sức khỏe không mong muốn, nhưng gặp khá phổ biến, nhất là ở phụ nữ và người lớn tuổi.

Tình trạng này có thể không có nguyên nhân rõ ràng hoặc đi kèm với nhiều nguyên nhân, bao gồm cả thời kỳ mang thai, bệnh tim, một số bệnh nhiễm khuẩn nặng hoặc dị ứng, mất máu, thậm chí mất nước.
Nếu bạn có triệu chứng huyết áp thấp không có nguyên nhân cụ thể trong thời gian dài, mặc dù đã được kiểm tra y tế, bạn có thể thử điều chỉnh bằng lối sống và ăn uống thích hợp. Tuy nhiên, nếu bạn đang tụt huyết áp đột ngột hoặc huyết áp thấp có nguyên nhân rõ ràng, bạn cần đi khám ngay.

Tùy thuộc vào lý do huyết áp thấp, bạn có thể thực hiện các bước nhất định để giúp giảm bớt hoặc thậm chí ngăn ngừa các triệu chứng:

Thay đổi chế độ ăn
Uống nhiều nước: Huyết áp thấp có thể đi cùng mất nước, vì vậy có thể làm tăng huyết áp bằng cách tăng lượng nước uống. Uống ít nhất 8-10 ly nước mỗi ngày. Uống nhiều nước hơn nếu bạn ở ngoài trời thời gian lâu hơn hoặc tập thể dục. Thức uống tăng lực với chất điện giải cũng có thể giúp làm tăng huyết áp.

Cần ăn nhiều bữa trong ngày, đa dạng thức ăn như  thịt nạc, cá, ngũ cốc nguyên hạt, ăn nhiều trái cây và rau quả.

Ăn nhiều bữa nhỏ, chứ không phải là một hoặc hai bữa ăn chính, có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và huyết áp. Tránh đồ ăn carbohydrate đã chế biến như mì ống và bánh mì trắng. Nên chọn bột yến mạch, mì ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và lúa mạch.
Cân bằng chế độ ăn uống: Cách quan trọng để điều chỉnh huyết áp và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn là ăn một chế độ ăn cân bằng, bao gồm các loại thịt nạc, cá, ngũ cốc nguyên hạt, ăn nhiều trái cây và rau quả.

Sử dụng muối (natri) nhiều hơn: Nếu bác sĩ khuyên bạn thêm muối vào thức ăn nhưng bạn không thích, hãy thử dùng tương đậu nành tự nhiên. Nhưng natri dư thừa có thể dẫn đến suy tim, đặc biệt ở người lớn tuổi, nên cần có sự kiểm tra của bác sĩ trước khi tăng lượng muối trong chế độ ăn uống.

Tăng tiêu thụ vitamin B12 và folate: Những vitamin này giúp chức năng tuần hoàn huyết áp khỏe mạnh. Ngũ cốc tăng cường nên có chứa cả chất khoáng. Thực phẩm giàu B12 bao gồm cá nhiều trong các loại rau lá xanh như bông cải xanh và cải bó xôi.

Hãy thử dùng thảo mộc: Có bằng chứng cho thấy một số loại thảo mộc có thể làm giảm triệu chứng huyết áp thấp, như hạt hồi và hương thảo. Tuy nhiên, cần có ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất cứ dược thảo nào.

Tránh sử dụng một số thực phẩm làm hạ huyết áp: Gừng, quế và hạt tiêu cũng có thể làm giảm huyết áp của bạn.

Thay đổi lối sống
Giảm tiêu thụ rượu: Rượu góp phần vào tình trạng mất nước, ngay khi uống với mức độ vừa. Nếu bạn bị huyết áp thấp, tuyệt đối tránh uống rượu.

Uống cà phê: Caffein gây co thắt mạch máu, có thể làm tăng huyết áp. Tăng lượng caffein vừa phải có thể giúp làm tăng huyết áp.

Từ từ, chậm rãi khi thay đổi vị trí, tư thế cơ thể: Để giảm chóng mặt và choáng váng do huyết áp thấp khi đứng lên, hãy thay đổi tư thế từ từ khi từ nằm sang đứng hoặc ngồi sang đứng.

Trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng, hít thở sâu một vài phút và sau đó từ từ ngồi dậy trước khi đứng. Ngủ kê gối hơi cao cũng có thể giúp chống lại các tác động của lực hấp dẫn gây hạ huyết áp.

Nhưng nếu tình trạng huyết áp thấp xảy ra kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày, mặc dù bạn đã cố gắng điều chỉnh bằng ăn uống và lối sống, tốt nhất nên gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, vì huyết áp thấp cũng có nhiều nguyên nhân thực thể cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

TS.BS. Lê Thanh
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét