Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

F0, F1 ở nhà cần lưu ý những gì để nâng cao sức khỏe?

Suckhoedoisong.vn - Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) chia sẻ những lưu ý để các trường hợp F0, F1 tại nhà nâng cao sức khỏe.

Theo chia sẻ từ HCDC, một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng giúp bản thân vượt qua được bệnh tật. Các F0, F1 khi thực hiện cách ly tại nhà cần lưu ý một số vấn đề sau để nâng cao sức khỏe.

Hướng dẫn từ trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM

Chế độ dinh dưỡng đảm bảo nguyên tắc cân đối và đầy đủ dinh dưỡng.

- Ăn đủ số lượng, đa dạng các loại thực phẩm đảm bảo nhu cầu theo từng nhóm tuổi bào gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ và nước.

- Đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, có thể thêm 1-3 bữa phụ.

- Đảm bảo nguyên tắc chế biến hợp khẩu vị, sở thích và khả năng nhai nuốt thức ăn. Bệnh nhân có tình trạng chán ăn, đau họng, giảm vị giác, khứu giác có thể chế biến dạng mềm, lỏng, dễ ăn và dễ hấp thu.

- Thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi mua, chế biến và sử dụng, bảo quản thực phẩm.

- Trẻ em, người trưởng thành có bệnh lý nền: đái tháo đường, tim mạch, suy thận cấp, suy thận mạn, ... cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ hoặc cán bộ dinh dưỡng.

Đảm bảo đa dạng thực phẩm để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch

- Protein (đạm): Thành phần nền tảng cơ bản, cấu tạo nên tế bào và mô của cơ thể tham gia các phản ứng miễn dịch của cơ thể.

- Thiếu protein, sẽ bị ức chế việc hình thành kháng thể, giảm khả năng chống lại virus.

- Bữa ăn trong ngày đều cần chất đạm, cần phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa, ...) và đạm thực vật (các loại đậu, nấm, đậu phụ, …).

Các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất

Nhóm Vitamin:

- Vitamin A: gan động vật, các loại rau củ có màu vàng, đỏ, xanh sẫm, ...

- Vitamin C: ổi, cam, chanh, đu đủ, bưởi, nhãn, kiwi, ớt chuông, rau ngót, cần tây, rau đay, rau cải, ...

- Vitamin D: dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo, cá trích, ...

- Vitamin E: dầu thực vật, quả hạch, hạt hướng dương, mầm lúa mì, hạt ngũ cốc toàn phần, đậu phộng, rau bina, cải xoăn, ...

- Acid Folic: thịt bò, cam, các loại rau màu xanh đậm , ...

- Vitamin B6: cá hồi, cá ngừ, các loại trái cây, rau củ đa dạng, ...

- Vitamin B12: trứng, thịt, cá, phomai, …

Nhóm khoáng chất:

- Sắt: gan động vật, nghêu, vừng, các loại đậu, ...

- Kẽm: các loại sò, thịt động vật, vừng, đậu, …

- Đồng: nội tạng động vật và ngũ cốc nguyên cám, ...

- Selen: nội tạng và thịt động vật, hải sản...

Đảm bảo đa dạng thực phẩm để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch

- Nhóm thực phẩm chứa Flavonoid: giúp tăng khả năng chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch của cơ thể và đã được chứng minh là có thể ức chế các hoạt động của nhiều loại virus : quả họ dâu (berries), trà xanh, cần tây, hành tây, trái cây họ cam chanh bưởi, các loại rau gia vị (như các loại húng, tía tô), súp lơ xanh, cải xanh, táo, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh, dầu olive, đậu nành, …

- Nhóm thực phẩm chứa các vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe (Probiotics) và chất xơ (Prebiotics)

+ Probiotics: yaourt (sữa chua), sữa, phó mát, dưa chua, kim chi, tương bần, cà pháo, …

+ Prebiotics: hạt óc chó, chocolate đen, hành tây, yến mạch, táo, tỏi tây, đậu lăng đỏ, ...

- Nhóm chất béo, đặc biệt chất béo giàu Omega-3

Ưu tiên sử dụng những loại chất béo không no: cá, quả bơ, dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương, … hơn là những chất béo no (thịt mỡ, bơ thực vật, dầu dừa, pho mát, …).

Omega-3 là acid béo thiết yếu, cơ thể không tự tổng hợp được, có vai trò chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch, có nhiều trong dầu cá, dầu gan cá tuyết, cá mòi, cá hồi, basa, cá bơn, cá trích, cá thu, cá ngừ, …

Uống đủ nước theo nhu cầu và đúng cách

- Uống 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, nước đun sôi để nguội hoặc đã tiệt trùng, uống từ từ, từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày, ngay cả khi không khát, không uống nhiều nước trước khi đi ngủ.

- Tránh các loại thức uống có gas, nước ngọt, đồ uống có chứa cồn, …

Xây dựng lối sống, tập luyện, sinh hoạt lành mạnh

- Luyện tập đều đặn (cả khi ở trong nhà), cường độ vừa phải phù hợp với tình trạng sức khỏe. Nên tập luyện hàng ngày, tối thiểu 30 phút/ngày.

- Duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh: ngủ đủ giấc 7-8 giờ/ngày, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc

- Giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ về những điều tích cực, tránh lo lắng thái quá.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước sát khuẩn và tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm.

Hạn chế thức ăn chiên xào, nhiều dầu - mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, mỳ tôm, ... chứa nhiều chất béo, đường và muối không tốt cho cơ thể. Lượng muối tối đa: 5g/ngày (kể cả muối trong thực phẩm).

Hoàng Ngọc

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

Những thay đổi tâm sinh lý trước và sau khi sinh em bé

Cùng với thay đổi vể nội tiết, stress, trầm cảm, lo âu, hành vi bất thường… là các rối loạn tâm sinh lý mà phụ nữ mang thai và sau khi sinh em bé rất dễ gặp.

Nguyên nhân thay đổi tâm tính khi có em bé

Trong thai kỳ, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi nội tiết tố liên quan đến thai nhi như các hormon estrogen, progesteron, HCG và có sự gia tăng bài tiết một số hormon tuyến yên, cận giáp, tuyến giáp và hormon buồng trứng. Việc tiết nội tiết tố nhiều hay ít quá có thể gây ra những rối loạn cảm xúc và tinh thần, có hại cho sức khỏe và sự thanh thản trí óc. Nội tiết tố thay đổi làm cảm xúc của thai phụ thai đổi theo chiều hướng mạnh hơn với các vấn đề hay nói cách khác thai phụ nhạy cảm hơn với những vấn đề xảy ra.

Cùng với các thay đổi về nội tiết, các yếu tố tâm lý xã hội không thuận lợi như : Mang thai ngoài ý muốn; làm mẹ đơn thân; sự khó khăn thiếu thốn về vật chất, kinh tế khi mang thai;thiếu sự quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ từ gia đình;không nhận được sự chia sẻ của người chồng; áp lực giới tính của con... cũng là những yếu tố thúc đẩy phát sinh các rối loạn tâm thần kinh cho phụ nữ trước và sau sinh.

Những rối loại tâm lý thường gặp trước và sau sinh em bé

Trầm cảm:

Quá lo lắng về tương lai làm mẹ của mình, thai phụ có thể gặp vấn đề về giấc ngủ,  mộng du, ác mộng; có nỗi buồn dai dẳng, suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử…

Chứng trầm cảm gây hậu quả không tốt với thai phụ và thai nhi. Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai, đẻ non, thai phát triển không tốt, đứa trẻ sinh ra có thể mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển.

Trầm cảm thai kỳ không có nghĩa là người đó sẽ trầm cảm sau  sinh. Tuy nhiên khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm nặng trong thai kỳ tiếp tục bị trầm cảm sau sinh. Điều trị trong thời gian mang thai có thể làm giảm đáng kể nguy cơ trầm cảm sau sinh.  Biểu hiện của trầm cảm sau sinh có thể ở các mức độ khác nhau. Nhẹ thì hay khóc, dễ xúc động không rõ nguyên nhân; người luôn mệt mỏi. Trầm cảm nặng là mẹ cảm thấy lo lắng, sau trở nên buồn rầu, cáu gắt vô cớ, có những hành vi kỳ quặc đối với đứa con mới đẻ.

Stress:

Phụ nữ mang thai dễ bị stress hơn so với người khác, với nhiều biểu hiện khác nhau như buồn phiền, mất ngủ, chán ăn, không muốn giao tiếp… Có rất nhiều phản ứng  tiêu cực của stress trong thai kỳ.

Thai phụ bị stress có thể gây tác hại lập tức và dài hạn cho thai, làm thời gian thai kỳ ngắn hơn, dễ sinh non, thai chết lưu - hay gặp ở 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu stress xảy  ra ở 3 tháng cuối thì nguy cơ cao nhất là thai sinh nhẹ ký. Các bà mẹ trẻ bị stress trong thời gian “bầu bí” có thể khiến cho đứa trẻ sau này mắc bệnh hen suyễn và dị ứng. Stress trong suốt thời gian mang thai có thể ảnh hưởng lớn đến nồng độ nội tiết của người mẹ dẫn đến giảm dưỡng chất được cung cấp cho thai qua nhau, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến các cơ quan trọng yếu của thai nhi như: gan, tim, thận, não và ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của trẻ về sau.

Rối loạn hành vi:

Thông thường sau 2 tuần sau sinh, sản phụ mắc rối loạn hành vi hay buồn rầu, khóc lóc vô cớ, mất  định hướng về không gian và thời gian, lo lắng quá mức vì sợ mắc bệnh hiểm nghèo, ít chú ý đến vệ sinh cá nhân, ăn mặc lôi thôi, hành vi thô bạo, xúc phạm người xung quanh. Nặng hơn, người mẹ có thể bỏ mặc con, hành hạ con thậm chí giết hại hoặc tự sát.

Rối loạn hành vi thường gặp sau 2 tuần sinh em bé. Ảnh minh họa

Rối loạn hành vi thường gặp sau 2 tuần sinh em bé. Ảnh minh họa

Đồng hành với người phụ nữ vượt qua rắc rối

Trong thời kỳ thai nghén, nếu có các rối loạn nhẹ, người vợ cần được sự động viên, nâng đỡ của chồng, gia đình. Thai phụ cần được nghỉ ngơi, thoải mái, làm việc nhẹ nhàng, tập thể dục và thư giãn hợp lý.

Ở thời kỳ sau đẻ, những người bị trầm cảm nhẹ nếu được khuyên giải, động viên, nâng đỡ thì phần lớn sẽ trở lại bình thường.

Những trường hợp trầm cảm nặng và có rối loạn hành vi cần được đưa vào các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được điều trị.

Khi bệnh đã tạm ổn định, người mẹ cần được nâng đỡ để tránh mặc cảm.Về những hậu quả mà họ gây ra trong thời gian bị bệnh, nếu cần cho biết cũng phải thông tin một cách từ từ.

Để giúp đỡ những phụ nữ này, chồng và người thân cần quan tâm, theo dõi động viên để họ vượt qua được giai đoạn khó khăn, chăm chút cho thiên thần bé bỏng mới chào đời được khỏe mạnh.

BS.Thu Phương

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

3 phương cách giúp người bệnh thoái hóa khớp khỏe mạnh tại nhà mùa dịch

 Thoái hóa khớp là nguồn gốc của những cơn đau mạn tính kéo dài và có thể gây ra nhiều biến chứng. Trong mùa dịch COVID-19, người bệnh thoái hóa khớp có thể áp dụng một số phương cách giúp giảm đau và luôn khỏe mạnh tại nhà mùa dịch.

Biến chứng của thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp làm tổn thương sụn khớp và gây đau, suy yếu gân cơ, hoại tử xương, tổn thương dây chằng, gây biến dạng khớp… làm cho người bệnh suy giảm chất lượng cuộc sống và giảm khả năng đi lại, giảm năng suất lao động, một số trường hợp nặng có thể gây tàn phế.

Ngoài ra, thoái hóa khớp còn gây các biến chứng khác: như rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

Giúp người bệnh thoái hóa khớp khỏe mạnh tại nhà mùa dịch

1.Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Không có chế độ ăn uống nào có thể tránh hoàn toàn hay chữa khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất có thể giúp cho khớp gối khỏe mạnh, làm chậm quá trình thoái hóa:

Ăn uống cân bằng chất dinh dưỡng, không ăn quá nhiều chất béo, giảm lượng tinh bột, giảm lượng đường, giảm lượng calo thu nhập vào sẽ giúp giảm cân hoặc giữ cân nặng ở mức lý tưởng để tránh thừa cân/béo phì. Thừa cân/béo phì là 1 yếu tố làm cho bệnh thoái hóa khớp nặng lên.

Ăn nhiều trái cây và rau củ vì những thực phẩm này chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp làm giảm tổn thương các tế bào trong cơ thể trong đó có tế bào sụn. Ngoài ra những thực phẩm chứa nhiều vitamin C, acid béo không bão hòa cũng có thể giúp giảm viêm và giảm đau do bệnh thoái hóa khớp gây ra.

Chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ tốt cho người bệnh thoái hóa khớp.

2.Sinh hoạt và tập luyện điều độ

Bên cạnh chế độ ăn, người thoái hóa khớp cần có chế độ sinh hoạt - nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục đều độ tại nhà, không tập cường độ quá cao nhưng cũng tránh lối sống không vận động, phòng tránh những tư thế không đúng trong sinh hoạt hàng ngày để làm giảm tải lên hệ thống cơ xương khớp.

3.Tiêm phòng vắc xin COVID-19

Tất cả người dân nếu không có những yếu tố nguy cơ hoặc chống chỉ định của việc tiêm ngừa như dị ứng, bệnh cấp tính, suy gan, rối loạn đông máu... thì đều nên chủng ngừa COVID-19. Chủng ngừa là biện pháp hữu hiệu bảo vệ cơ thể khỏi bị bệnh nặng và giảm nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.

Đối với những người bị thoái hóa khớp nếu đang sử dụng thuốc Paracetamol hoặc thuốc kháng viêm không steroid để giảm đau thì ngày tiêm vắc xin COVID-19 nên ngưng thuốc, sau đó thì có thể uống lại theo chỉ định của bác sĩ. Tất cả những thuốc khác như thuốc tăng huyết áp, thuốc đái tháo đường... người bệnh vẫn có thể sử dụng như bình thường.

Tiêm phòng vắc xin là biện pháp hữu hiệu giúp người bệnh thoái hóa khớp khỏe mạnh mùa dịch.

TS BS. Cao Thanh Ngọc (Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

8 phương cách để làm chậm lão hóa và sống lâu hơn

Chúng ta không thể ngăn ngừa quá trình lão hóa của cơ thể nhưng có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng một số phương cách sau.

1-Bỏ thuốc lá

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên tuổi thọ của những người hút thuốc, và số liệu cho thấy rất bất ngờ.

- Bỏ thuốc vào khoảng 30 tuổi, bạn có thể sống thêm 10 năm. 

- Bỏ thuốc lá khoảng 40 tuổi sẽ giúp bạn sống thêm được 9 năm. 

- Bỏ thuốc lá khoảng 50 tuổi sẽ mang lại cho bạn thêm sáu năm sống. 

- Bỏ thuốc lá khoảng 60 tuổi sẽ tăng thêm ba năm tuổi thọ của bạn.

2- Ngủ trưa

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc ngủ trức giúp giảm tỷ lệ tử vong do mạch vành thấp hơn 12%. Và nguy cơ đối với những người luôn ngủ trưa vẫn thấp hơn 3 lần.  Đặc biệt giấc ngủ trưa rất có lợi cho đàn ông.

3- Chế độ ăn Địa Trung Hải

Chế độ ăn Địa Trung Hải gồm trái cây, rau, dầu ô liu, cá và ngũ cốc nguyên hạt giúp con người sống lâu hơn. Làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường. Và nó cũng làm giảm viêm, đây có thể là bí quyết giúp kéo dài tuổi thọ của chế độ ăn kiêng này.

4- Duy trì cân nặng lý tưởng

Đạt được và duy trì cân nặng hợp lý là nền tảng của cuộc sống lâu dài.  Giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh tim và tiểu đường. Cần chú ý đến lượng calo bạn ăn hàng ngày, đặc biệt là mức tiêu thụ đường đã qua chế biến và chất béo bão hòa.

Với những người thừa cân hoặc béo phì, việc thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp bạn có thêm nhiều năm khỏe mạnh. 

Tập luyện thường xuyên và vừa sức giúp người cao tuổi khỏe mạnh, sống lâu hơn.

5- Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đột quỵ, tim mạch, trầm cảm và ngăn ngừa một số loại ung thư. Nên tập 2,5 giờ/tuần, hoặc duy trì 30 phút tập luyện hàng ngày. Tuy nhiên ngay cả khi bạn tập với một nửa lượng thời gian khuyến nghị cũng có thể tăng thêm gần hai năm tuổi thọ.

Người cao tuổi khả năng tập luyện bị suy giảm, nhưng ngay cả những người trên 100 tuổi cũng có thể được hưởng lợi tích cực từ các bài tập phù hợp với lứa tuổi.

6- Hạn chế rượu

Mặc dù, uống rượu vừa phải (hai ly hoặc ít hơn mỗi ngày đối với nam giới, một hoặc ít hơn đối với phụ nữ) có thể có lợi cho sức khỏe, nhưng vẫn có những rủi ro về sức khỏe. Phụ nữ uống rượu có nguy cơ cao bị ung thư vú và gãy xương. 

Nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe của mình thì không nên bắt đầu uống rượu. Và nếu bạn đang uống nhiều hơn mức khuyến nghị, hãy giảm bớt hoặc bỏ rượu để bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ của bạn.

7- Ngủ sâu giấc

Ngủ sâu giấc giúp bảo vệ sức khỏe thể chất, tình cảm và cũng kéo dài tuổi thọ của bạn. Những người thường xuyên ngủ từ 6 - 8 tiếng mỗi đêm có sức khỏe tim mạch tốt hơn và không mắc một số vấn đề về nhận thức. 

Một nghiên cứu ở những người có tuổi thọ từ 85 đến 105 cho thấy những người lớn tuổi này có giấc ngủ thường xuyên và ổn định hơn so với những người trẻ tuổi. Vì vậy, nếu bạn muốn có cơ hội sống tốt hơn đến 100, hãy duy trì cho mình một giờ đi ngủ đều đặn. 

 8- Tránh căng thẳng

Thường xuyên căng thẳng khiến bạn suy sụp, dễ mắc nhiều loại bệnh và có nguy cơ sống ngắn hơn. 

Một nghiên cứu trên 1.300 người trưởng thành trung niên cho thấy những người bị bệnh mãn tính càng gặp căng thẳng thường xuyên thì  có tuổi thọ ngắn những người khác. 

Có thể giảm căng thẳng bằng  các phương pháp chăm sóc sức khỏe truyền thống như thiền, yoga và các bài tập thở sâu bằng bụng.

Quang Anh (Theo MedicineNet)


Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

Phát hiện sớm thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi

Thoái hóa điểm vàng là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực. Thoái hóa điểm vàng khiến tầm nhìn bị hạn chế, mọi thứ xung quanh trở nên mờ nhạt, méo mó. Bệnh tuy không gây đau đớn nhưng khó hồi phục, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. 

Điểm vàng nằm ở phía sau của mắt, kiểm soát tầm nhìn trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong thu nhận hình ảnh, giúp nhận biết màu sắc, độ sắc nét của hình ảnh. Với người bình thường điểm vàng sẽ yếu dần, mất thị lực dần dần theo tuổi tác, nhưng với những người bị thoái hóa điểm vàng, sự phát triển của các mạch máu bất thường gây rò rỉ máu và chất lỏng có thể dẫn đến mất thị lực đột ngột ở 1 hoặc cả 2 mắt.

Ai có nhiều nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng nhất?

Những người trên 60 tuổi có nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng cao hơn. Nguy cơ tăng cao khi bạn già đi. Các yếu tố nguy cơ khác như da trắng (thoái hóa điểm vàng ở người da trắng phổ biến hơn các chủng tộc khác, đặc biệt là sau tuổi 75), hút thuốc, thừa cân hoặc có tiền sử gia đình bị thoái hóa điểm vàng.

Các triệu chứng của thoái hóa điểm vàng

Những người bị thoái hóa điểm vàng giai đoạn đầu có thể không nhận thấy sự thay đổi nhiều về thị lực của họ, đặc biệt nếu bệnh chỉ ảnh hưởng đến một bên mắt. Có thể có một số hiện tượng mờ nhưng sẽ cải thiện khi ánh sáng sáng hơn. Khi thoái hóa điểm vàng trở nên tồi tệ hơn, mọi người có thể khó nhìn thấy khuôn mặt hoặc từ ngữ trong sách hơn. Những người bị thoái hóa điểm vàng giai đoạn muộn khi nhìn đường thẳng nhưng lại thành đường cong hoặc lượn sóng và có thể xuất hiện điểm mù gây mất thị lực trung tâm.

Làm thế nào để nhận biết thoái hóa điểm vàng?

Bác sĩ có thể biết bạn có bị thoái hóa điểm vàng hay không bằng cách cho bạn khám mắt giãn toàn diện. Trong quá trình kiểm tra, thuốc nhỏ được nhỏ vào mắt của bạn để mở rộng hoặc làm giãn đồng tử. Sau đó, một thấu kính đặc biệt được sử dụng để xem xét các tổn thương trên võng mạc. Võng mạc là lớp mô ở phía sau của mắt, nhạy cảm với ánh sáng. Sau khi kiểm tra, tầm nhìn của bạn có thể bị mờ trong khoảng thời gian vài giờ.

thoái hóa điểm vàng

Hình ảnh mắt  bị thoái hóa điểm vàng.

Bác sĩ cũng có thể cung cấp cho bạn một lưới Amsler để xem xét mỗi ngày. Trên lưới Amsler, những người có thị lực bình thường sẽ nhìn thấy các đường thẳng màu đen với một chấm ở trung tâm. Nhưng những người bị thoái hóa đểm vàng giai đoạn sau sẽ thấy các đường gợn sóng hoặc mờ và một số đốm đen ở giữa. Nếu bất kỳ xét nghiệm nào trong số này cho thấy thị lực trung tâm của một người có vấn đề, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để cho biết liệu có mạch máu bị rò rỉ xung quanh điểm vàng hay không.

Điều trị thế nào?

Thoái hóa điểm vàng không thể được chữa khỏi, nhưng nó có thể được điều trị để tình trạng bệnh không trở nên tệ hơn. Trong một số trường hợp, tầm nhìn của mọi người có thể trở nên tốt hơn.

Phát hiện sớm thoái hóa điểm vàng là điều quan trọng để bảo vệ thị lực của bạn. Trong giai đoạn đầu của thoái hóa điểm vàng, các phương pháp điều trị có thể bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống và uống nhiều vitamin hơn. Xin ý kiến bác sĩ về các loại vitamin tốt cho mắt. Nếu các mạch máu phát triển bất thường, có thể dùng thuốc nhỏ mắt hoặc phẫu thuật laser để giúp ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu bất thường trong võng mạc.

Làm gì để bảo vệ tầm nhìn của mình?

Nguy cơ mất thị lực do thoái hóa điểm vàng có thể được giảm bớt bằng cách thực hiện những điều sau:

Khám mắt giãn toàn diện ít nhất mỗi năm một lần nếu bạn từ 60 tuổi trở lên.

Tập thể dục thường xuyên và kiểm soát cân nặng.

Từ bỏ hút thuốc lá.

Ăn nhiều rau lá xanh và cá.

Giữ huyết áp bình thường.

Giữ mức cholesterol ở mức thấp.

 

BS. Lê Hùng

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2021

Thay đổi lối sống để có một cuộc sống khỏe mạnh lúc về già

 Một chế độ ăn hợp lý và tập luyện thường xuyên là điều tối quan trọng trong việc duy trì cuộc sống khỏe mạnh cho mọi người ở mọi lứa tuổi. 

Nhiều bệnh ở người cao tuổi có thể được ngăn ngừa hoặc ít nhất là làm chậm lại nhờ lối sống lành mạnh. Loãng xương, viêm khớp, bệnh tim, tăng huyết áp, tiểu đường, cholesterol cao, sa sút trí tuệ, trầm cẩm và một số bệnh ung thư… có thể được cải thiện tích cực ở người cao tuổi thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và những thay đổi lối sống đơn giản khác.

Chế độ ăn uống có vai trò gì đối với sức khỏe người cao tuổi?

Một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý có nhiều lợi ích tiềm tàng đối với sức khỏe của người cao tuổi.

Protein, carbohydrate (tinh bột), chất béo, vitamin, khoáng chất và nước là tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu tạo nên hầu hết các tế bào và mô trong cơ thể. Các thành phần thiết yếu này được cung cấp vừa phải thông qua chế độ ăn uống để duy trì một sức khỏe tốt.

Một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ thường được khuyến khích để cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết này. Tránh chất béo bão hòa (mỡ động vật), không ăn quá nhiều đạm động vật, bổ sung khoáng chất và vitamin, uống nhiều nước được coi là một thành phần quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh.

Chế độ ăn giàu chất xơ, nhiều rau xanh và trái cây tốt cho sức khỏe người cao tuổi.

Tránh sử dụng các loại thực phẩm không có giá trị dinh dưỡng tốt nhưng lại chứa nhiều calo như nước ngọt, khoai tây chiên, bánh quy, bánh rán và rượu.

Nên ăn nhạt ở người bệnh tim mạch, thận. Hạn chế carbohydrate cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Video Player is loading.
Loaded8.64%

Tập thể dục có quan trọng đối với sức khỏe của người cao tuổi không?

Hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát hoặc thậm chí ngăn ngừa một loạt các vấn đề sức khỏe ở người cao tuổi.

Bệnh tim, cholesterol cao, tiểu đường, loãng xương, yếu cơ, một số bệnh ung thư, trầm cảm và đột quỵ là một số bệnh lý phổ biến mà hoạt động thể chất thường xuyên và tập thể dục hiệu quả có thể có lợi rất nhiều cho bệnh nhân.

Một số lợi ích sức khỏe của việc tập thể dục với người cao tuổi:

- Duy trì cân nặng và đốt cháy calo dư thừa

- Cải thiện tỷ lệ cholesterol tốt và cholesterol xấu

- Tăng cường sức bền thể chất

- Tối ưu hóa sức khỏe của tim, phổi và hệ thống mạch máu

- Cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các mô tốt hơn

- Duy trì sức khỏe của xương và cơ

- Giảm nguy cơ té ngã và viêm khớp

- Tinh thần thoải mái, thư giãn

- Chất lượng và thời lượng giấc ngủ tốt hơn

Tập thể dục thường xuyên 3-5 lần một tuần trong ít nhất 30 phút được khuyến khích cho người cao tuổi. Đi bộ, bơi lội, tập ở máy tập thể dục, các bài tập thăng bằng…. tốt cho người cao tuổi.

Lưu ý: Trong quá trình tập hoặc sau khi tập xuất hiện các triệu chứng như đau ngực hoặc tức ngực, khó thở,ngất xỉu hoặc chóng mặt xảy ra, cần phải ngừng tập và thông báo cho bác sĩ kịp thời.

Người cao tuổi nên tập luyện thể dục, thể thao vừa sức, phù hợp với thể trạng.

Ngoài chế độ ăn uống và tập thể dục, những điều chỉnh một số thói quen xấu để có cuộc sống lành mạnh hơn ở người cao tuổi bao gồm:

- Hạn chế uống rượu

- Cai thuốc lá

- Sử dụng kem dưỡng ẩm và chống nắng cho da

- Đánh răng và dùng chỉ nha khoa một hoặc hai lần một ngày

- Khám sức khỏe định kỳ, luôn chủ động trong việc chăm sóc bản thân.

- Đi ngủ đúng giờ, cố gắng có giấc ngủ sâu.

- Tham gia vào các hoạt động xã hội thường xuyên và theo lịch trình

- Đi du lịch.

BS. Nguyễn Văn Hòa