Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Nôn chu kỳ - Điều trị và dự phòng thế nào?

Hội chứng nôn chu kỳ được đặc trưng bởi các cơn buồn nôn, nôn và mệt (ngủ lịm) mà không rõ nguyên nhân.

Hội chứng nôn chu kỳ xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường bắt đầu ở trẻ em khoảng 3 đến 7 tuổi. Tuy vậy số trường hợp nôn chu kỳ ở người lớn đang tăng lên. Nữ gặp nhiều hơn nam (55/45), gặp ở khoảng 2% dân số nhưng tỷ lệ này chưa được khẳng định chắc chắn vì việc chẩn đoán còn gặp nhiều khó khăn, bởi nôn là triệu chứng của nhiều bệnh lý.

Các đợt tương tự nhau, có nghĩa là chúng có xu hướng bắt đầu vào cùng một thời điểm trong ngày, kéo dài cùng một khoảng thời gian và xảy ra với cùng các triệu chứng và mức độ.



Điều trị

Điều trị thường bao gồm thay đổi lối sống để giúp ngăn ngừa các yếu tố có thể gây ra các đợt nôn. Thuốc, bao gồm các liệu pháp chống buồn nôn và đau nửa đầu, có thể giúp giảm bớt các triệu chứng. Chúng tôi cũng đã gặp nhiều bệnh nhân với các lứa tuổi khác nhau, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, thậm chí có bệnh nhân đã tử vong vì bỏ điều trị.

Điều trị hội chứng nôn theo chu kỳ là hướng tới việc ngăn ngừa, rút ngắn hoặc kiểm soát các cơn buồn nôn, nôn và giảm các triệu chứng đau bụng. Các liệu pháp cụ thể nên được điều chỉnh cho phù hợp với từng bệnh nhân.

Liệu pháp dự phòng được sử dụng để ngăn chặn các đợt xuất hiện. Một số  được điều trị bằng thuốc chống đau nửa đầu, đặc biệt là amitriptyline, cũng như cyproheptadine (ở trẻ em tuổi mẫu giáo) hoặc propranolol. Các liệu pháp chống đau nửa đầu dường như đặc biệt hiệu quả đối với những người có tiền sử gia đình bị chứng đau nửa đầu.

Một số bác sĩ dùng erythromycin để giảm mức độ nghiêm trọng của các đợt cấp. Thuốc chống co giật, đặc biệt là toparimate và phenobarbital cũng đã được sử dụng để ngăn chặn các cơn co giật xảy ra. Thuốc chống nôn, dịch truyền tĩnh mạch có chứa đường 10%  có thể hữu ích.

Điều trị chứng lo âu cơ bản thông thường bằng thuốc, liệu pháp hành vi nhận thức, kiểm soát căng thẳng (hít thở sâu) và sự hỗ trợ của gia đình là rất cần thiết.

Dự phòng

Tự theo dõi, nhiều người sẽ biết điều gì gây ra các đợt nôn theo chu kỳ của mình. Và nên tránh những yếu tố kích hoạt để có thể làm giảm tần suất các đợt nôn. Mặc dù bệnh nhân có thể cảm thấy khỏe mạnh giữa các đợt, nhưng điều quan trọng là họ phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu các đợt xuất hiện nhiều hơn một lần một tháng hoặc cần nhập viện, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc dự phòng, như amitriptyline, propranolol, cyproheptadine và topiramate.

Thay đổi lối sống cũng có thể hữu ích, bao gồm: Ngủ đủ giấc, đối với trẻ em, giảm tầm quan trọng của các sự kiện sắp tới vì sự phấn khích có thể là nguyên nhân. Điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng và/ hoặc dị ứng. Tránh thực phẩm gây kích thích, như rượu, caffeine, pho mát và sô cô la, ăn các bữa ăn nhỏ và đồ ăn nhẹ ít chất béo hàng ngày vào thời gian đều đặn.

Cần đi khám bệnh nếu thấy máu trong chất nôn. Nôn liên tục có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng, có thể có các triệu chứng như: khát nước quá mức hoặc khô miệng, đi tiểu ít hơn, da khô, mắt hoặc má trũng, không có nước mắt khi khóc, kiệt sức và bơ phờ.

Ốm nghén và mang thai

75% phụ nữ mang thai. cảm thấy buồn nôn khi thức dậy vì nghén. Nguy cơ tăng lên nếu có tiền sử bị đau nửa đầu hoặc đã bị đau bụng trong những lần mang thai trước. Nếu mang thai đôi, tỷ lệ bị nghén còn tăng lên nhiều.

Một cách để tránh ốm nghén khi mang thai là thường xuyên ăn nhiều bữa nhỏ,  uống nhiều nước, hít thở không khí trong lành. Một số người ăn dưa hấu và uống nước chanh, châm cứu cũng có thể hữu ích cho việc giảm nhẹ triệu chứng nghén!

GS. TS. Cao Tiến Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét