Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Những điều cần làm để bảo vệ chức năng thận

 Thận có rất nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể con người. Do phải hoạt động nhiều nên thận rất dễ bị tổn thương nếu như không được chăm sóc và bảo vệ đúng cách. Khi thận có vấn đề, sức khỏe của con người cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn là do chủ quan

Thận là bộ phận quan trọng trong hệ tiết niệu, là cơ quan bài tiết chính trong hệ tiết niệu với vị trí sát ngay thành sau của bụng, đối xứng nhau qua cột sống.

Thận giữ vai trò quan trọng trong cơ thể, giúp lọc máu và các chất thải. Thận là cơ quan kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể bằng cách sản xuất nước tiểu. Khi chúng ta uống nhiều nước thì lượng nước tiểu sẽ tăng lên và ngược lại.

Theo thống kê, hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 850 triệu người đang bị bệnh thận. Và trong số này, cứ mỗi 10 người lớn thì có 1 người bị bệnh thận mạn. Một trong các nguyên nhân thường gặp dẫn đến việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn là do tình trạng chủ quan, chưa quan tâm đến việc kiểm tra, tầm soát bệnh thận vẫn còn khá phổ biến hiện nay.

 Dưới đây là lời khuyên để bảo vệ thận, phòng tránh các căn bệnh nguy hiểm

 Kiểm tra và kiểm soát đường huyết, huyết áp

Theo thống kê, khoảng 50% bệnh nhân đái tháo đường không biết bản thân họ mắc bệnh này. Do đó, cần phải kiểm tra đường huyết mỗi khi đi khám sức khỏe tổng quát. Điều này đặc biệt quan trọng cho những ai đang ở tuổi trung niên hoặc tuổi già. Khoảng một nửa số bệnh nhân mắc đái tháo đường đều diễn tiến đến tổn thương thận; nhưng việc này có thể được phòng ngừa hoặc hạn chế nếu như đường huyết được kiểm soát tốt. Ngoài ra, nên kiểm tra chức năng thận đều đặn bằng xét nghiệm máu và nước tiểu.

Kiểm tra huyết áp thường xuyên là cần thiết với người trung niên và cao tuổi

 Tương tự, theo thống kê, khoảng 50% số bệnh nhân có tăng huyết áp không biết họ bị tăng huyết áp. Xác suất bệnh thận mạn càng cao khi tăng huyết áp đi kèm với những tác nhân khác như đái tháo đường, tăng cholesterol máu và các bệnh tim mạch. Nguy cơ có thể được giảm bằng việc kiểm soát huyết áp tốt.

Huyết áp của người trưởng thành bình thường ở mức dưới 120/80 mmHg. Tăng huyết áp được chẩn đoán nếu, khi được đo vào 2 ngày khác nhau, huyết áp tâm thu được đo cả hai lần đều ≥ 140 mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương cả hai lần ≥ 90 mmHg (theo Tổ chức Y tế thế giới).

Nếu huyết áp của bạn tăng kéo dài trên mức bình thường (đặc biệt bạn là người trẻ tuổi), nên đi khám bác sĩ để thảo luận về các nguy cơ, những điều cần thiết để điều chỉnh lối sống và điều trị thuốc. 

Chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục thường xuyên

Để giúp duy trì cân nặng lý tưởng, giảm huyết áp, phòng ngừa bệnh tiểu đường và những tình trạng liên quan đến bệnh thận mạn. Vì vậy cần giảm lượng muối ăn hàng ngày trong khoảng từ 5-6 g (tương đương 01 muỗng cà phê chia 03 bữa trong 1 ngày). Nên hạn chế đi ăn nhà hàng và không nên ăn các thực phẩm đã chế biến sẵn như đồ hộp, giò lụa, xúc xích, cá khô…vì chúng chứa nhiều muối. Một mẹo nhỏ là không nêm thêm muối vào thức ăn. Nên tự nấu ăn cho mình bằng những nguyên liệu tươi ngon.Tập thể dục thường xuyên giúp duy trì cân nặng lý tưởng, giảm huyết áp, và giảm các nguy cơ của bệnh thận mạn. 

Uống nước đầy đủ

Lượng nước phù hợp cần uống cho mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như luyện tập, thời tiết, tình trạng sức khỏe, mang thai và cho con bú.

Điều này có nghĩa là bình thường cần uống 8 cốc nước, tương đương 2 lít nước mỗi ngày cho một người khỏe mạnh trong điều kiện khí hậu bình thường. Lượng nước uống cần được điều chỉnh nếu có bệnh về thận, tim, hoặc gan và nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước uống phù hợp đối với tình trạng của từng người. 

Không hút thuốc là và không tự ý dùng thuốc tân dược

Theo nhiều nghiên cứu, hút thuốc lá làm chậm tốc độ tưới máu đến thận, hậu quả có thể làm giảm chức năng bình thường của thận. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ ung thư thận lên 50%.

Tương tự, những thuốc thông thường như thuốc kháng viêm không Steroid (NSAID) hay giảm đau (như ipuprofen) có thể làm hại thận nếu như uống thường xuyên. Nếu có bệnh thận hay chức năng thận suy giảm, chỉ uống một liều nhỏ cũng có thể làm hại đến thận của bạn. Nếu nghi ngờ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ nhất là kiểm tra chức năng thận nếu có một hay hơn nhiều các yếu tố nguy cơ cao như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì và những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận.

 

 

BS CKII Lê Thị Hồng

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Kiểm soát tốt đường huyết để tránh hệ quả bất lợi bởi COVID-19

 Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, người bị đái tháo đường type 2 gia tăng nguy cơ bệnh nặng do COVID-19. Chính vì thế, một trong những việc cần làm là kiểm soát tốt đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ để bảo vệ chính mình.

Đừng để đái tháo đường và COVID-19 “cộng hưởng”

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mạn tính, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh . Để giảm thiểu những tác động xấu của ĐTĐ tới cuộc sống, người bệnh cần dùng thuốc (bao gồm cả bệnh nhân tiêm insulin) theo chỉ định, theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên và đi khám định kỳ.

Bên cạnh đó, COVID-19 là bệnh lý do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đây là virus gây bệnh hô hấp, có tính lây lan cao. Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang có nhiều diễn biến phức tạp do xuất hiện nhiều biến thể SARS-CoV-2 mới. Tại nước ta cũng như trên toàn thế giới, công tác phòng chống dịch vẫn đang được thực hiện một cách nghiêm ngặt.

Đái tháo đường và COVID-19 có thể “cộng hưởng” gây kết cục bất lợi (ảnh minh họa).

Mới nghe qua thì ai cũng nghĩ bệnh ĐTĐ và COVID-19 không có mối liên hệ nào, nhưng  những người bị ĐTĐ mắc COVID-19 dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn. Nhìn chung, người bị ĐTĐ dễ có khuynh hướng gặp triệu chứng và biến chứng nặng khi nhiễm bất cứ loại virus nào.

Khi đó, ĐTĐ được coi là bệnh nền và có thể trở nặng khi mắc COVID-19. Chính vì vậy, người bị ĐTĐ cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình, đặc biệt là trong thời kỳ COVID-19 đang hoành hành như hiện nay.

Đề phòng COVID-19 và kiểm soát tốt đái tháo đường

Trong một nghiên cứu trên 7337 bệnh nhân COVID-19 tại Trung Quốc, những người bị ĐTĐ type 2 kiểm soát tốt đường huyết (từ 3,9 đến 10 mmol/L) giảm đáng kể tỷ lệ tử vong so với những người kiểm soát kém đường huyết trong thời gian nằm viện.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở bệnh nhân COVID-19: So với nhóm còn lại, bệnh nhân COVID-19 bị ĐTĐ type 2 cần phải can thiệp điều trị y khoa nhiều hơn (dùng kháng sinh, kháng nấm, corticosteroid toàn thân, các loại thuốc khác, cũng như cần các biện pháp hỗ trợ thở nhiều hơn).

Hơn nữa, nghiên cứu đã cho thấy, nhóm bị ĐTĐ type 2 có tỷ lệ tử vong tại bệnh viện cao hơn rõ rệt so với nhóm còn lại.

Chính vì thế, khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người bị ĐTĐ cần tuân thủ nghiêm ngặt theo dõi đường huyết, chế độ dinh dưỡng, tập luyện cũng như sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

 
Người bị ĐTĐ cần nghiêm chỉnh kiểm soát đường huyết giữa mùa dịch.

Hãy trang bị cho mình những biện pháp phòng tránh COVID-19 để hạn chế sự “cộng hưởng” của hai căn bệnh. Người bị ĐTĐ có thể phòng chống COVID-19 từ sớm bằng những hành động theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế.

Ngoài ra, điều cần nhớ với người bệnh ĐTĐ là theo dõi đường huyết hàng ngày để kịp thời xử lý, duy trì đường huyết ổn định. Vì thế, chúng ta cần có dụng cụ đo đường huyết bên mình, đặc biệt là khi COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

https://suckhoedoisong.vn/

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Chăm sóc người lớn tuổi: Bạn đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

  Đột quỵ là một trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi. Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ ở người cao tuổi sẽ giúp bạn kịp thời phát hiện và cấp cứu, từ đó giảm thiểu những di chứng có thể xuất hiện. Những dấu hiệu này là gì?

Người cao tuổi - Đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao

Đột quỵ là tình trạng lưu lượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột. Các tế bào não thiếu oxy và các chất dinh dưỡng nên bị tổn thương, suy yếu và chết. Kéo theo là sự suy giảm chức năng thần kinh tương ứng. Theo thống kê, có tới 66% trường hợp đột quỵ xuất hiện ở người trên 65 tuổi. Mặc dù có khả năng sống sót qua cơn đột quỵ nhưng người bệnh vẫn phải đối mặt với các di chứng nặng nề như: Méo miệng, khó nói, liệt nửa người, tê yếu tay chân, suy giảm trí nhớ,...

 

66% các trường hợp đột quỵ xuất hiện ở người trên 65 tuổi.

Nguyên nhân nào khiến cho tình trạng đột quỵ ở người cao tuổi phổ biến như vậy?

Ở người cao tuổi, tỷ lệ nước trong cơ thể giảm khiến cho độ nhớt máu tăng cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho cục máu đông - yếu tố hàng đầu gây đột quỵ - hình thành và phát triển.

Mặt khác, ở người cao tuổi, sự lão hóa khiến cho chức năng điều tiết của hệ thần kinh trung ương kém đi. Do đó, khi thời tiết quá lạnh, quá nóng hay có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột thì đều có nguy cơ đột quỵ cao.

Bên cạnh đó, người cao tuổi thường gặp phải nhiều bệnh mạn tính khác như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao,... Sự có mặt của những căn bệnh này cũng khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao. 

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ ở người cao tuổi không nên bỏ qua

Đột quỵ là một tình trạng cấp tính, những triệu chứng của đột quỵ thường khá rõ rệt nhưng chỉ biểu hiện trong thời gian ngắn trước khi đột quỵ xảy ra. Tuy nhiên, nhận biết sớm những dấu hiệu này cũng giúp cho người bệnh được cấp cứu kịp thời và giảm thiểu các di chứng.

- Tê cứng ở mặt, tay chân, thường xảy ra ở một phần cơ thể. Biểu hiện rõ nhất là người bệnh không thể cùng lúc nâng 2 tay qua đầu.

- Giảm thị lực hoặc không nhìn thấy ở một hoặc cả hai mắt.

- Cơn đau đầu dữ dội.

- Giao tiếp khó khăn, khó nói hoặc không hiểu được người khác nói gì. Bạn có thể nói một câu đơn giản và thường người bệnh không thể lặp lại chính xác câu nói đó.

 

Ngoài những triệu chứng trên, ở phụ nữ, đột quỵ còn xuất hiện với các triệu chứng khác như: Nấc cụt, buồn nôn, đau ngực, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực,...

Những triệu chứng đột quỵ là dấu hiệu cảnh báo bệnh đã nghiêm trọng. Nếu gặp phải tình trạng này, hãy gọi ngay 115 để được cấp cứu. Việc cấp cứu kịp thời sẽ giúp cứu sống người bệnh cũng như giảm thiểu mức độ các di chứng xuất hiện.

https://suckhoedoisong.vn/

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Bệnh ở tuổi đang lớn, cha mẹ cần quan tâm

 Nếu như con bạn kêu đau đầu gối, phía trước xương chày, rất có thể đó là biểu hiện của bệnh Osgood – Schlatter, một tổn thương lành tính hay gặp ở lứa tuổi thiếu niên.

Thế nào là bệnh Osgood – Schlatter?

Osgood – Schlatter là một bệnh, hay còn được gọi là hội chứng Osgood – Schlatter, thường gặp ở lứa tuổi thiếu niên với biểu hiện chính là đau phần trước đầu trên xương chày.

Tần suất bệnh gặp vào khoảng 4.5% ở người bình thường và tới 21% ở những vận động viên chuyên nghiệp. Lứa tuổi hay gặp nhất là từ 13 – 14 (ở nam) và 11 – 12 (ở nữ). Nữ bị ở lứa tuổi thấp hơn có lẽ dậy thì sớm hơn nam. Bệnh cũng gặp ở nam nhiều hơn ở nữ (với tỷ lệ khoảng 3/1 đến 7/1) do nam giới thường vận động mạnh và nhiều hơn nữ tuy khoảng cách của sự khác biệt này ngày càng thu hẹp bởi nữ giới ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thể dục thể thao. Nhìn chung, bệnh gắn liền với thời kỳ hệ xương đang phát triển mạnh trong đó có xương chày.

Đau gối tuổi thiếu niên hay gặp nhất là từ 13 – 14 (ở nam) và 11 – 12 (ở nữ).

Cơ chế gây bệnh Osgood – Schlatter hiện nay được cho là do trẻ em tham gia vào các hoạt động thể thao như đá bóng, chạy nhảy, bóng chày, bóng rổ, cầu lông…với cường độ nhiều và liên tục trên cơ sở một đầu dưới xương chày đang phát triển chưa ổn định. Ở người, cơ tứ đầu đùi là một cơ rất lớn, có phần gân phía dưới đi vòng, chồng lên qua xương bánh chè và bám vào đầu dưới xương chày. Ở trẻ em, phần đầu trên xương bánh chày còn nhiều sụn nên không được chắc chắn nên khi vận động liên tục với cường độ cao, phần sụn chỗ bám của gân cơ tứ đầu đùi rất dễ bị tổn thương gây nên các triệu chứng. Tuy vậy, bệnh có thể xuất hiện cả ở những trẻ mà tiền sử ít hoặc không hoạt động thể thao cũng như không có nguyên nhân do chấn thương một cách rõ ràng.

Dấu hiệu khi mắc bệnh Osgood – Schlatter…

Các biểu hiện chính của bệnh Osgood – Schlatter là đau, căng tức đầu dưới xương chày. Đau có thể xuất hiện khi đi lại, vận động nhiều như chạy nhảy, co đầu gối, đau đặc biệt tăng lên khi lên xuống cầu thang và nhiều khi, cảm giác đau, căng tức đầu trên xương chày liên tục cả khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân cũng thường thấy đầu dưới cơ tứ đầu đùi căng tức và thậm chí đau nhiều khi vận động. Mức độ đau thì rất khác nhau ở từng cá thể, có người chỉ đau ở mức độ nhẹ, vẫn đi lại và tham gia các hoạt động thể lực được trong khi ở người khác, mức độ đau nhiều phải dùng thuốc giảm đau. Thông thường, các triệu chứng biểu hiện từ từ và người bệnh chỉ nhận ra khi mức độ đau đã khá nặng. Tổn thương trong bệnh Osgood – Schlatter ở một bên gối chiếm khoảng 70% và có 20 – 30% số bệnh nhân bị cả hai bên.

Xác định bệnh Osgood – Schlatter dựa vào các triệu chứng đau tức đầu gối, cơ tứ đầu đùi khi vận động, xuất hiện ở lứa tuổi thiếu niên, khám có thể thấy lồi củ trước xương chày sưng nề, ấn đau, chụp XQ hoặc cộng hưởng từ có thể thấy tổn thương gân, sụn và phần sụn xương chày bong, tách khỏi đầu trên xương chày.

Tổn thương xương chày trên phim Xquang trong bệnh Osgood – Schlatter

Những điều cần làm

Điều trị bệnh Osgood – Shlatter về cơ bản chỉ bao gồm các biện pháp như tạm dừng các hoạt động thể lực, băng ép dây chằng đầu gối, chườm đá, cho các thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen và vật lý trị liệu… Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp đau quá nhiều không đáp ứng điều trị hoặc có tổn thương nhiều phần sụn và lồi củ xương chày do chấn thương. Tiên lượng của bệnh Osgood – Schlatter thường tốt, bệnh thuyên giảm nhanh sau khi nghỉ ngơi và điều trị đúng phương pháp, hết hẳn khi đến tuổi trưởng thành (hệ xương ngừng phát triển). Tuy nhiên cá biệt có một số trường hợp chuyển mạn tính với những cơn đau đầu gối tồn tại ngay cả ở tuổi trưởng thành.

Dự phòng các tổn thương trong bệnh Osgood – Schlatter chủ yếu là tránh các hoạt động thể lực quá sức ở lứa tuổi thiếu niên; Trước khi vận động nên khởi động thật kỹ, theo đúng bài; Tránh các động tác làm căng cơ đùi đột ngột và quá mức; Tập luyện theo cường độ tăng dần để hệ cơ xương khớp có thể thích nghi. Khi đã có triệu chứng đau gối, căng cơ đùi, phải lập tức dừng vận động và chỉ tập luyện nhẹ nhàng trở lại khi đã hết đau. Duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt cũng góp phần làm tăng sức chịu đựng của hệ cơ xương khớp ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Trước khi chơi thể thao phải vận động thật kỹ và đúng bài

PGS. TS. BS. Vũ Đức Định

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Biết cấp cứu nạn nhân đúng cách để thoát hiểm như cầu thủ Eriksen

 Đêm 12/6, trong trận Đan Mạch - Phần Lan tại giải Euro 2021, cầu thủ Eriksen đội tuyển Đan Mạch đột ngột bị ngừng tuần hoàn khi đang thi đấu. Rất may anh đã được sơ cứu tại chỗ trên sân rất sớm, rất chuyên nghiệp nên đã bảo tồn được mạng sống và chức năng thần kinh.

 

06_4

Cầu thủ Christian Eriksen của Đội tuyển Đan Mạch bất ngờ đổ gục xuống sân. Ảnh Reuters

Nhìn lại thực tế tại Việt Nam, không ít trường hợp cầu thủ nghiệp dư bị ngừng tuần hoàn trên sân bóng, dù đang ở gần bệnh viện nhưng vẫn không thể sống sót…

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ người ngừng tuần hoàn được cấp cứu tại cộng đồng vô cùng thấp, hầu hết là để yên người gặp nạn nằm đó, chờ người đến hỗ trợ và đưa thẳng lên xe đến bệnh viện mà không được sơ cứu. Số liệu nghiên cứu cho thấy, 71% số người chứng kiến người ngừng tuần hoàn chỉ có 8,4% người được tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Thực trạng này dẫn đến kết quả: Trong số người ngừng tuần hoàn ngoại viện được đưa đến viện chỉ có 3,8% được sống sót ra viện và 0,4% trong đó sống minh mẫn không bị di chứng thần kinh.

Thực tế trên sân cho thấy, vài phút đầu tiên là cực kỳ quan trọng, không được sơ cứu kịp thời, đúng cách thì phòng hồi sức tối tân, nhiều triệu đô la cũng không mang lại mạng sống cho cầu thủ Eriksen. Sau đây chúng tôi xin trình bày lại hướng dẫn sơ cứu người bệnh ngừng tuần hoàn tại cộng đồng.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng ngừng tuần hoàn

 Ngừng tuần hoàn là tình trạng nạn nhân có 3 dấu hiệu sau đây:

1. Mất ý thức (Gọi hỏi không biết).

2. Ngừng thở, hoặc thở ngáp cá (Không nghe tiếng thở, ngực, bụng không phập phồng).

3. Mất mạch cảnh (Bỏ qua nếu bạn thực sự không biết mạch cảnh ở đâu).

hinh-1

Kiểm tra mạch cảnh

Cách tiến hành cấp cứu

Gọi người hỗ trợ, gọi cấp cứu 115. Đừng rời xa nạn nhân, hãy tiến hành đánh giá và ép tim ngoài lồng ngực sớm nhất có thể.  Tiến hành như sau:

Ngay lập tức đặt nạn nhân nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng (sàn nhà, mặt đất, giường rộng…)

Kiểm tra mạch cảnh của nạn nhân trong vòng 5-10 giây (không kiểm tra quá 10 giây).

Nếu không bắt được mạch cảnh:

Bắt đầu 5 chu kì hồi sinh tim phổi (kéo dài 2 phút) (30 lần ép tim/ 2 lần thổi ngạt)

Bắt đầu ép tim ngoài lồng ngực: Ép tim nhanh và mạnh

1. Ép tim 100 đến 120 lần trong một phút, 30 lần ép tim mỗi 15-18 giây.

2. Đặt lòng bàn tay của bạn vào giữa ngực bệnh nhân, một bàn tay chồng lên bàn tay còn lại, ở vị trí 1/3 dưới xương ức nạn nhân (giữa hai núm vú, với nam giới).

3. Dùng hai cánh tay ép lên ngực của nạn nhân, sâu 5-6 cm. Để ngực nẩy lên hoàn toàn sau mỗi lần nhấn ngực.

1 chu kỳ hồi sinh tim phổi gồm 30 lần ép tim ngoài lồng ngực và 2 lần hô hấp nhân tạo.

Hãy đổi người ép sau mỗi 5 chu kỳ (tương đương khoảng 2 phút).

hinh-2

Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực liên tục không nghỉ

Cách khai thông đường thở

Trong trường hợp thời điểm ngừng tuần hoàn không được chứng kiến hoặc ngừng tuần hoàn do chấn thương, đuối nước (có nguy cơ chấn thương cột sống cổ):

Thực hiện động tác đẩy hàm

1. Đặt ngón tay thứ 2-4 vào xương hàm dưới

2. Dùng lực của ngón tay đẩy hàm ra phía trước.

Chỉ được đưa nạn nhân vào bệnh viện gần nhất sau khi bệnh nhân có được tái lập tuần hoàn (bắt được mạch cảnh), việc vận chuyển này phải bằng xe cứu thương chuyên dụng của 115 hoặc của bệnh viện gần nhất.

Nếu thực sự không ngậm miệng để thổi ngạt được thì hãy tiến hành ép tim ngoài lồng ngực liên tục không nghỉ, thay người sau mỗi 2 phút trong lúc chờ nhân viên y tế đến.

Các bước hồi sinh tim phổi cơ bản trên là bước đầu tiên trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cho nạn nhân, cần được thực hiện ngay lập tức bởi người chứng kiến, nhằm duy trì tuần hoàn và oxy cho não và các cơ quan khác cho đến khi hồi sức tim phổi nâng cao hoặc các can thiệp khác có thể được tiến hành bởi đội cấp cứu ngoại viện và nhân viên y tế được đào tạo.

 

PGS.TS.BS. Hoàng Bùi Hải và ThS.BS. Vũ Đình Hùng (Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội )

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Cảnh giác nguy cơ ngừng tuần hoàn đột ngột và cách phòng tránh

 Ngừng tuần hoàn là tình trạng gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu bình thường của tim làm ngừng trệ dòng máu tới các cơ quan. Đây là một tình trạng có tỷ lệ tử vong rất cao 80-90% và để lại di chứng rất nặng nếu không được xử trí đúng cách và thật nhanh.

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở những người chưa bao giờ phát hiện ra bệnh tim mạch trước đây.

Khi ngừng tuần hoàn, thiếu máu mang oxy tới cơ quan có thể gây ra tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn trong vài phút.

Tuy nhiên nếu được nhận biết sớm và tích cực cấp cứu nhanh, đúng cách thì vẫn có thể giữ được mạng sống cho nạn nhân và bảo tồn được các chức năng thần kinh về sau.

Biểu hiện của ngừng tuần hoàn

Bạn có 10 giây để phát hiện một trường hợp ngừng tuần hoàn với 3 dấu hiệu sau đây:

1)    Đột ngột mất ý thức,

2)    Ngừng thở hoặc thở ngáp,

3)    Không có dấu hiệu mạch lớn đập (mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn).

Đôi khi có thể có các một số dấu hiệu báo trước khi ngừng tuần hoàn đột ngột, đây chính là các triệu chứng của bệnh lý nguyên nhân bao gồm: Đau tức ngực, khó thở, mệt thỉu, hồi hộp, đánh trống ngực, xanh lướt…

Nhưng ngừng tuần hoàn đột ngột có thể xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào.

Nguyên nhân ngừng tuần hoàn

20190504_052341_048133_dong-mach-vanh-1024x6-max-800x800

Bệnh động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngừng tuần hoàn đột ngột

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở những người không biết đến có nguy cơ. Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp là các bệnh lý về tim mạch:

-       Rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng thường xảy ra ở một người mắc bệnh tim có sẵn, nhưng chưa được chẩn đoán như rối loạn dẫn truyền điện ở trong tim ví dụ: hội chứng Brugada và hội chứng QT dài…

-       Bệnh động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngừng tuần hoàn đột ngột. Tắc động mạch vành do mảng xơ vữa, do huyết khối làm cơ tim bị thiếu máu kéo dài dẫn đến hoại tử; hoặc gây rối loạn dẫn truyền điện trong tim và cuối cùng là ngừng tuần hoàn.

-       Các bệnh lý tim cấu trúc như suy tim, bệnh cơ tim giãn, bệnh lý van tim, bệnh tim bẩm sinh…

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở các bệnh lý khác như: Bệnh tắc động mạch phổi cấp do huyết khối xuất hiện trong động mạch phổi có thể có nguồn gốc từ huyết khối tĩnh mạch sâu. Huyết khối động mạch phổi gây suy tim phải cấp và ngừng tuần hoàn; Viêm phổi suy hô hấp; Cơn hen phế quản cấp; Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; Đột quỵ nhồi máu não lớn, xuất huyết não do vỡ phình mạch, dị dạng mạch…

Các tai nạn như ngộ độc, điện giật, đuối nước hoặc chấn thương cột sống; chấn thương ngực; đa chấn thương…cũng có thể ngừng tuần hoàn tại hiện trường, trên đường vận chuyển hoặc trong bệnh viện.

Làm thế nào để phát hiện và xử trí với một người bị ngừng tuần hoàn tại cộng đồng?

Một người bị ngừng tuần hoàn khi có ba dấu hiệu sau:

1)    Mất ý thức đột ngột: Nạn nhân không có phản ứng khi được gọi to và lay mạnh vào vai.

2)    Không thở bình thường: Nạn nhân không thở hoặc thở ngáp.

3)    Không cần thiết phải bắt mạch của nạn nhân nếu bạn là người chưa được đào tạo.

Ngay lập tức, bạn phải làm gì?

Gọi to để tìm sự giúp đỡ của người khác. Hãy gọi to rằng có người bị ngừng tim và yêu cầu người bên cạnh gọi điện ngay cho đơn vị cấp cứu ngoại viện 115 hoặc nhân viên y tế gần nhất hãy thông báo rằng có nạn nhân đang nghi ngờ bị ngừng tuần hoàn đột ngột, tại địa chỉ này…(nói rõ để tạo thuận lợi cho xe 115 tìm đến), cần có sự hỗ trợ ngay lập tức.

Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ngay lập tức với nguyên tắc ép nhanh, ép mạnh và hạn chế gián đoạn trong quá trình ép tim:

1)    Đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng; đặt hai tay của mình vào giữa ngực nạn nhân, ở vị trí một phần ba dưới xương ức; nhanh chóng ép vào ngực với tốc độ 100 đến 120 lần mỗi phút, độ sâu mỗi lần ép tim khoảng 5 cm và để cho lồng ngực của nạn nhân nảy lên hết sau mỗi lần ép tim.

2)    Ép tim liên tục, hạn chế gián đoạn cho đến khi thấy nạn nhân có dấu hiệu bắt đầu thở hoặc khi nhân viên y tế 115 đến.

Nếu có nhiều người giúp đỡ thì thay phiên nhau ép tim cho nạn nhân mỗi 2 phút.

Sử dụng máy khử rung tim tư động (AED) nếu có sẵn: Ở một số nơi công cộng như sân bay, nhà ga, bệnh viện, có thể có trang bị sẵn máy khử rung tim tự động. Hãy nhanh chóng bật máy lên và làm theo hướng dẫn bằng giọng nói. Tiếp tục ép tim trong khi máy khử rung tim đang sạc. Thực hiện sốc điện nếu được thiết bị khuyên dùng và sau đó ngay lập tức tiếp tục ép tim trong vòng 2 phút. Lặp lại chu trình này cho đến khi nhân viên y tế đến hoặc nạn nhân bắt đầu thở, tỉnh ra hay bắt được mạch cảnh, bẹn sau mỗi 2 phút ép tim liên tục.

thực hiện sooscs điện

Thực hiện sốc điện trong cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện

Làm thế nào để phòng tránh tình trạng ngừng tuần hoàn đột ngột?

Ngừng tuần hoàn đột ngột thường liên quan đến bệnh lý tim mạch, phổi, thần kinh, tai nạn, ngộ độc…vì vậy phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khống chế tốt các bệnh nền, khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện một số bất thường tiềm tàng…

-       Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, đột quỵ bao gồm: Bỏ hút thuốc lá; điều trị tăng huyết áp (cơ bản quanh 120/80 mmHg), rối loạn lipid máu (Ví dụ: LDL – cholesterol < 3,4 mmol/l); kiểm soát cân nặng (béo phì khi BMI ³30); kiểm soát tốt đường huyết và HbA1c ở người đái tháo đường; tăng cường vận động.

-       Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ngừng tuần hoàn đột ngột bao gồm: Sử dụng ma túy hoặc các chất gây nghiện như cocaine hoặc amphetamine; bệnh thận mạn tính;hội chứng ngừng thở khi ngủ ở người ngủ ngáy, béo phì gặp nhiều hơn.

Khi nào cần đến ngay bác sĩ Cấp cứu?

Đau ngực

Đánh trống ngực

Nhịp tim nhanh hoặc không đều

Khò khè không giải thích được

Khó thở

Có cơn ngất hoặc thỉu

Chóng mặt

Lời khuyên của thầy thuốc

Người khoẻ mạnh nên đi khám định kỳ mỗi 6 tháng- 1 năm

Người có các bệnh lý nền nên khám theo hẹn của các bác sĩ

Thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, bạn cần giữ được liên lạc với bác sĩ và có thể sử dụng y học từ xa (telamedicine) để được bác sĩ tư vấn. Trong trường hợp có các dấu hiệu đe doạ như trên phải đến khám cấp cứu ngay để tránh nguy cơ bị ngừng tuần hoàn.

PGS.TS.BS. Hoàng Bùi Hải (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – Trường Đại học Y Hà Nội)

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Đau tức thắt lưng: Coi chừng dị tật hệ tiết niệu!

 Niệu quản bắt chéo sau tĩnh mạch chủ dưới là một dị tật hiếm gặp của tiết niệu. Đây là một bệnh lý cần được phát hiện sớm để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến thận.

Mới đây, tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), các thầy thuốc đã tiếp nhận một người bệnh là nam thanh niên 17 tuổi quê ở Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện với các dấu hiệu như đau tức vùng thắt lưng hông phải… Khai thác tiền sử bệnh được biết, bệnh nhân thường xuyên bị nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát. Bệnh nhân được khám, làm các xét nghiệm. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy: Đài bể thận phải giãn đường kính trước sau 18mm, niệu quản 1/3 trên giãn, bắt chéo sau tĩnh mạch chủ dưới, không có sỏi cản quang…  Bệnh nhân được chẩn đoán là mắc một dị tật tiết niệu hiếm gặp: Niệu quản bắt chéo sau tĩnh mạch chủ dưới.

IMG_20210616_102624

Hình ảnh trên phim chụp dị tật niệu quản bắt chéo sau tĩnh mạch chủ dưới

BSCKII. ThS. Bùi Hoàng Thảo – Phó Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết: Giải phẫu bình thường thì niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) thường nằm phía bên ngoài so với tĩnh mạch chủ. Nhưng trong trường hợp này nó lại đi ở phía sau và bên trong tĩnh mạch chủ nên được gọi là bệnh "Niệu quản bắt chéo sau tĩnh mạch chủ dưới”.  Tình trạng này gây ra sự chèn ép lên niệu quản, gây tắc nghẽn dòng nước tiểu đổ xuống bàng quang. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây các biến chứng như: Giãn đài bể thận, giãn niệu quản phía trên; giảm chức năng thận; nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát…Thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị…

Phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu

Đối với những trường hợp phát hiện sớm (thường do tình cờ) mà không có giãn thận, không có nhiễm khuẩn hay không có sỏi, những trường hợp này chỉ cần thận trọng theo dõi và can thiệp khi có triệu chứng hay khi có ảnh hưởng tới chức năng thận. Còn khi đã có biểu hiện triệu chứng, phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật tạo hình lại niệu quản.

BS. Bùi Hoàng Thảo cho biết, có nhiều phương pháp để tạo hình lại niệu quản về đúng vị trí giải phẫu như mổ mở, nội soi ổ bụng, nội soi sau phúc mạc.  Trong đó phương pháp phẫu thuật nội soi sau phúc mạc có nhiều ưu việt như: Ít xâm lấn, tính thẩm mỹ cao do sẹo không lớn, thời gian nằm viện ngắn (3-5 ngày), giảm thiểu các biến chứng. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng thuần thục và phải có các phương tiện phẫu thuật nội soi hiện đại để thực hiện kỹ thuật.

Ngày 11-6 vừa qua, bệnh nhân nói trên đã được kíp thầy thuốc do ThS. BS Bùi Hoàng Thảo -Phó Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện Xanh Pôn phẫu thuật thành công với phương pháp phẫu thuật nội soi sau phúc mạc. Thời gian phẫu thuật là 85 phút. Sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện 3 ngày sau đó.

IMG_20210613_201900-1536x957

Hình ảnh niệu quản bắt chéo sau tĩnh mạch chủ dưới trước phẫu thuật 

sau pt

Và hình ảnh sau phẫu thuật nội soi tạo hình lại niệu quản

Lời khuyên của thầy thuốc

Chuyên gia Thận- Tiết niệu khuyên rằng bệnh lý niệu quản bắt chéo sau tĩnh mạch chủ dưới cần phát hiện và điều trị sớm để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến thận. Đặc biệt tỷ lệ bệnh lý này ở nam giới thường cao gấp 3 lần nữ giới. Vì vậy, nam giới cần chú ý tới các dấu hiệu như nhiễm khuẩn tiết niệu tái đi tái lại, đau tức thường xuyên vùng thắt lưng hông, đái ra máu… để đi khám, được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Ngoài bệnh lý niệu quản bắt chéo sau tĩnh mạch chủ, các dị tật niệu quản khác nữa cũng có thể gây biến chứng tương tự như:Niệu quản bắt chéo động mạch cực dưới thận, hẹp khúc nối bể thận niệu quản bẩm sinh, thận niệu quản đôi hoàn toàn gây giãn mất chức năng đơn vị thận trên. Khám sức khỏe định kỳ là một cách để phát hiện sớm các bất thường của cơ thể cũng như các bệnh lý niệu quản, từ đó có cách chăm sóc sức khỏe và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng có thể gặp phải.  

Lê Minh Thúy