Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bảo vệ mình thế nào trước dịch COVID-19?

 Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến với số ca mắc cao trong đợt này, điều này đã làm nhiều người mắc các bệnh lý mạn tính, đặc biệt là người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) được đánh giá là nguy cơ cao mắc bệnh cảm thấy lo sợ khi đến viện. Do đó, nhiều người trị hoãn việc đến viện khám lại từ đó gây ra những hệ luỵ cho sức khoẻ.

Mới đây, thông tin từ BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ, một bệnh nhân đã tử vong vì đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) do không đến viện. 

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, tình trạng bệnh của bệnh nhân nặng lên khoảng 1 tuần trước đó nhưng ngại không đến viện khám vì sợ COVID -19.

Đến khi bệnh nặng đợt cấp gia đình gọi 115 đến cấp cứu thì bệnh nhân đã ngừng thở, tím tái. Khi đưa bệnh viện, mặc dù các bác sĩ đã làm mọi cách nhưng không thành công.

Các bác sĩ cho biết, đây là điều rất đáng buồn vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị được nếu đến viện sớm hơn.

Cũng theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân khiến người bị COPD ngại đến viện trong giai đoạn này vì lo sợ nguy cơ mắc COVID -19. Bởi, người bệnh COPD là một trong những nhóm bệnh nền được khuyến cáo là có nguy cơ cao mắc COVID-19 và khi mắc sẽ diễn tiến bệnh nặng hơn, nguy cơ tử vong cũng cao hơn. 

Vậy, để người bệnh phổi mạn tính an tâm và mạnh khoẻ trong mùa dịch cần phải lưu ý gì?.

Đo chức năng hô hấp cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 

Theo PGS TS BS. Lê Tiến Dũng – Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, COVID-19 gây ảnh hưởng đến toàn thân người bệnh mà đặc biệt là trên đường hô hấp (như viêm phổi kẽ), có thể diễn tiến nặng gây thiếu oxy trong máu nặng và hệ quả cuối cùng là tử vong.

Vì vậy, với người bệnh COPD để đảm bảo sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cần phải lưu ý những điều sau. :

- Về điều trị bệnh:

• Người bệnh cần được bác sĩ lên kế hoạch điều trị và duy trì việc sử dụng thuốc đều đặn.

• Nên chủ động theo dõi thân nhiệt, các triệu chứng của bệnh như ho, khó thở, đàm, mệt mỏi.

• Nhanh chóng xin lời khuyên của bác sĩ qua điện thoại khi các triệu chứng trở nặng.

• Nếu tình trạng bệnh không đáp ứng với thuốc đang điều trị, người bệnh phải nhanh chóng đến bệnh viện để được khám và can thiệp kịp thời.

- Về phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, người bệnh COPD cần thực hiện cách biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế như:

• Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch

• Thường xuyên làm sạch và khử trùng các đồ vật cũng như bề mặt hay được chạm vào

• Tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng

• Tránh tụ tập và hạn chế đến những nơi đông người

• Tránh tiếp xúc gần với những người bị sốt hoặc ho

• Duy trì thói quen lành mạnh như tập thể dục (tại nhà) và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng…

Việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng và khoáng chất trong ngày bình thường cũng như trong mùa dịch đều quan trọng.

Người bệnh COPD nên ăn cân bằng các chất dinh dưỡng (chất bột 50%, đạm 15%, chất béo 35%), nên sử dụng chất béo từ cá hoặc thực vật, ăn các loại rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin, các yếu tố vi lượng, đặc biệt các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A,C,E.

Bên cạnh đó, người bệnh nên uống đủ nước trong ngày (2 - 3 lít) để hạn chế táo bón, giúp làm loãng đờm, giúp ho khạc đờm dễ dàng.

Người bệnh nên ngồi thẳng lưng khi ăn, ăn từng miếng nhỏ, ăn chậm và hạn chế các thức uống, thực phẩm có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas cũng như những đồ ăn dễ gây đầy bụng vì chúng có thể gây khó thở.

Ngoài việc chủ động chăm sóc bản thân tại nhà bằng cách duy trì chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục để nâng cao sức đề kháng và tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch, người bệnh COPD cần phải nhanh chóng bỏ thuốc lá (nếu còn đang sử dụng) và chích ngừa cúm mỗi năm và phế cầu mỗi 3 năm.

 

Nguyên Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét