Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Lưu ý khi sử dụng kháng sinh ở người bệnh thận

Mẹ tôi có tiền sử bị viêm cầu thận cấp, đã được điều trị. Gần đây, bà bị viêm họng, bà muốn mua thuốc kháng sinh về uống cho nhanh khỏi. Vậy xin hỏi bác sĩ, mẹ tôi có được uống kháng sinh không?

Trần Thúy Hường (Hà Nội)

Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn. Đối với người bị bệnh thận, nguy cơ này càng cao hơn rất nhiều.

Thuốc kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu nên được sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn. Nhưng nhiều nhóm kháng sinh có thể gây độc cho thận bao gồm: nhóm cephalosporin, các thuốc sulfamid, nhóm aminozid (tobramycin, streptomycin, neomycin...), các thuốc nhóm fluoroquinolon (ciprofloxacin, ofloxacin, levofloxacin, sparfloxacin...), kháng sinh nhóm betalactam...

thuốc kháng sinh

Khi dùng các kháng sinh kể trên, người khỏe mạnh cũng có thể có nguy cơ nhiễm độc thận; người có chức năng thận suy giảm do cao tuổi hay trẻ nhỏ, do mắc bệnh thận hay một số bệnh mạn tính kèm theo thì nguy cơ kháng sinh gây hại thận càng cao, dễ xảy ra và nặng. Vì vậy, trước khi dùng các kháng sinh này phải xem xét chức năng thận, đặc biệt là với trường hợp có nguy cơ cao (tăng huyết áp, mắc bệnh gan...).

Để an toàn dùng thuốc, bạn cần đưa mẹ đi khám và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không để mẹ bạn tự ý mua, sử dụng thuốc kháng sinh vì có thể không điều trị triệt để được nhiễm khuẩn mà còn có khả năng gây hại thận. Cần lưu ý, khi đưa mẹ đi khám, bạn phải thông báo cho bác sĩ loại thuốc mẹ bạn đang dùng để tránh các tương tác thuốc có thể gây hại thận khi dùng đồng thời với kháng sinh. 

DS. Trần Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét