Ngừng tuần hoàn là tình trạng gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu bình thường của tim làm ngừng trệ dòng máu tới các cơ quan. Đây là một tình trạng có tỷ lệ tử vong rất cao 80-90% và để lại di chứng rất nặng nếu không được xử trí đúng cách và thật nhanh.
Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở những người chưa bao giờ phát hiện ra bệnh tim mạch trước đây.
Khi ngừng tuần hoàn, thiếu máu mang oxy tới cơ quan có thể gây ra tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn trong vài phút.
Tuy nhiên nếu được nhận biết sớm và tích cực cấp cứu nhanh, đúng cách thì vẫn có thể giữ được mạng sống cho nạn nhân và bảo tồn được các chức năng thần kinh về sau.
Biểu hiện của ngừng tuần hoàn
Bạn có 10 giây để phát hiện một trường hợp ngừng tuần hoàn với 3 dấu hiệu sau đây:
1) Đột ngột mất ý thức,
2) Ngừng thở hoặc thở ngáp,
3) Không có dấu hiệu mạch lớn đập (mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn).
Đôi khi có thể có các một số dấu hiệu báo trước khi ngừng tuần hoàn đột ngột, đây chính là các triệu chứng của bệnh lý nguyên nhân bao gồm: Đau tức ngực, khó thở, mệt thỉu, hồi hộp, đánh trống ngực, xanh lướt…
Nhưng ngừng tuần hoàn đột ngột có thể xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào.
Nguyên nhân ngừng tuần hoàn
Bệnh động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngừng tuần hoàn đột ngột
Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở những người không biết đến có nguy cơ. Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp là các bệnh lý về tim mạch:
- Rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng thường xảy ra ở một người mắc bệnh tim có sẵn, nhưng chưa được chẩn đoán như rối loạn dẫn truyền điện ở trong tim ví dụ: hội chứng Brugada và hội chứng QT dài…
- Bệnh động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngừng tuần hoàn đột ngột. Tắc động mạch vành do mảng xơ vữa, do huyết khối làm cơ tim bị thiếu máu kéo dài dẫn đến hoại tử; hoặc gây rối loạn dẫn truyền điện trong tim và cuối cùng là ngừng tuần hoàn.
- Các bệnh lý tim cấu trúc như suy tim, bệnh cơ tim giãn, bệnh lý van tim, bệnh tim bẩm sinh…
Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở các bệnh lý khác như: Bệnh tắc động mạch phổi cấp do huyết khối xuất hiện trong động mạch phổi có thể có nguồn gốc từ huyết khối tĩnh mạch sâu. Huyết khối động mạch phổi gây suy tim phải cấp và ngừng tuần hoàn; Viêm phổi suy hô hấp; Cơn hen phế quản cấp; Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; Đột quỵ nhồi máu não lớn, xuất huyết não do vỡ phình mạch, dị dạng mạch…
Các tai nạn như ngộ độc, điện giật, đuối nước hoặc chấn thương cột sống; chấn thương ngực; đa chấn thương…cũng có thể ngừng tuần hoàn tại hiện trường, trên đường vận chuyển hoặc trong bệnh viện.
Làm thế nào để phát hiện và xử trí với một người bị ngừng tuần hoàn tại cộng đồng?
Một người bị ngừng tuần hoàn khi có ba dấu hiệu sau:
1) Mất ý thức đột ngột: Nạn nhân không có phản ứng khi được gọi to và lay mạnh vào vai.
2) Không thở bình thường: Nạn nhân không thở hoặc thở ngáp.
3) Không cần thiết phải bắt mạch của nạn nhân nếu bạn là người chưa được đào tạo.
Ngay lập tức, bạn phải làm gì?
Gọi to để tìm sự giúp đỡ của người khác. Hãy gọi to rằng có người bị ngừng tim và yêu cầu người bên cạnh gọi điện ngay cho đơn vị cấp cứu ngoại viện 115 hoặc nhân viên y tế gần nhất hãy thông báo rằng có nạn nhân đang nghi ngờ bị ngừng tuần hoàn đột ngột, tại địa chỉ này…(nói rõ để tạo thuận lợi cho xe 115 tìm đến), cần có sự hỗ trợ ngay lập tức.
Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ngay lập tức với nguyên tắc ép nhanh, ép mạnh và hạn chế gián đoạn trong quá trình ép tim:
1) Đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng; đặt hai tay của mình vào giữa ngực nạn nhân, ở vị trí một phần ba dưới xương ức; nhanh chóng ép vào ngực với tốc độ 100 đến 120 lần mỗi phút, độ sâu mỗi lần ép tim khoảng 5 cm và để cho lồng ngực của nạn nhân nảy lên hết sau mỗi lần ép tim.
2) Ép tim liên tục, hạn chế gián đoạn cho đến khi thấy nạn nhân có dấu hiệu bắt đầu thở hoặc khi nhân viên y tế 115 đến.
Nếu có nhiều người giúp đỡ thì thay phiên nhau ép tim cho nạn nhân mỗi 2 phút.
Sử dụng máy khử rung tim tư động (AED) nếu có sẵn: Ở một số nơi công cộng như sân bay, nhà ga, bệnh viện, có thể có trang bị sẵn máy khử rung tim tự động. Hãy nhanh chóng bật máy lên và làm theo hướng dẫn bằng giọng nói. Tiếp tục ép tim trong khi máy khử rung tim đang sạc. Thực hiện sốc điện nếu được thiết bị khuyên dùng và sau đó ngay lập tức tiếp tục ép tim trong vòng 2 phút. Lặp lại chu trình này cho đến khi nhân viên y tế đến hoặc nạn nhân bắt đầu thở, tỉnh ra hay bắt được mạch cảnh, bẹn sau mỗi 2 phút ép tim liên tục.
Thực hiện sốc điện trong cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện
Làm thế nào để phòng tránh tình trạng ngừng tuần hoàn đột ngột?
Ngừng tuần hoàn đột ngột thường liên quan đến bệnh lý tim mạch, phổi, thần kinh, tai nạn, ngộ độc…vì vậy phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khống chế tốt các bệnh nền, khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện một số bất thường tiềm tàng…
- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, đột quỵ bao gồm: Bỏ hút thuốc lá; điều trị tăng huyết áp (cơ bản quanh 120/80 mmHg), rối loạn lipid máu (Ví dụ: LDL – cholesterol < 3,4 mmol/l); kiểm soát cân nặng (béo phì khi BMI ³30); kiểm soát tốt đường huyết và HbA1c ở người đái tháo đường; tăng cường vận động.
- Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ngừng tuần hoàn đột ngột bao gồm: Sử dụng ma túy hoặc các chất gây nghiện như cocaine hoặc amphetamine; bệnh thận mạn tính;hội chứng ngừng thở khi ngủ ở người ngủ ngáy, béo phì gặp nhiều hơn.
Khi nào cần đến ngay bác sĩ Cấp cứu?
Đau ngực
Đánh trống ngực
Nhịp tim nhanh hoặc không đều
Khò khè không giải thích được
Khó thở
Có cơn ngất hoặc thỉu
Chóng mặt
Lời khuyên của thầy thuốc
Người khoẻ mạnh nên đi khám định kỳ mỗi 6 tháng- 1 năm
Người có các bệnh lý nền nên khám theo hẹn của các bác sĩ
Thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, bạn cần giữ được liên lạc với bác sĩ và có thể sử dụng y học từ xa (telamedicine) để được bác sĩ tư vấn. Trong trường hợp có các dấu hiệu đe doạ như trên phải đến khám cấp cứu ngay để tránh nguy cơ bị ngừng tuần hoàn.
PGS.TS.BS. Hoàng Bùi Hải (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – Trường Đại học Y Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét