Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

VIÊM DA CƠ ĐỊA LÀ GÌ?

 

Viêm da cơ địa là một bệnh viêm da tái phát, mãn tính. Nó còn được biết đến với những tên gọi khác là: Chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa Besnier hay Liken đơn dạng mạn tính.

Đa số trường hợp người bệnh mắc bệnh từ khi còn nhỏ. Nếu không được chữa trị, bệnh lý có thể phát triển tới khi trưởng thành.

Các triệu chứng của viêm da cơ địa thường rầm rộ từng đợt rồi thuyên giảm và sau một thời gian sẽ lặp lại. Chính vì vậy, bệnh lý này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, làm người bệnh mệt mỏi và khó chịu.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT VIÊM DA CƠ ĐỊA?


Viêm da cơ địa có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng da nào nhưng thường gặp là vùng bàn tay và các nếp gấp (gấp khoeo chân, gấp khuỷu tay...). Bệnh tiến triển thành từng đợt, trong đợt cấp tính, người bệnh thấy một vùng da nổi mẩn đỏ và ngứa. Mức độ ngứa đôi khi rất nghiêm trọng, đặc biệt là vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Khi bệnh lui dần, vùng da sẽ chuyển sang màu nâu, xám, hoặc để lại các mảng dày da do chà xát nhiều.

Do ngứa nhiều người bệnh phải gãi, vùng da bệnh rất dễ bị trầy xước, có thể bị nhiễm trùng, tổn thương sẽ sưng viêm, tiết mủ đục, có mùi hôi. Tình trạng ngứa mạn tính và việc chà xát kéo dài sẽ khiến da dày lên. Đặc điểm da của người bệnh viêm da cơ địa thường khô, nứt nẻ.

 

NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM DA CƠ ĐỊA

Nguyên nhân chính gây ra viêm da vẫn chưa được xác định nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:

·         Di truyền: Theo thông tin từ tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh da liễu” của Bộ Y tế, có khoảng 60% cha hoặc mẹ mắc viêm da do yếu tố cơ địa có con cũng mắc bệnh. Tình trạng này có thể khởi phát sớm từ tuổi sơ sinh cũng như sẽ gặp nhiều trong gia đình có các thành viên có bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng...

·         Rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch: Hệ miễn dịch bị rối loạn dẫn tới sự đánh giá nhầm các tác nhân tiếp xúc với cơ thể.

·         Yếu tố môi trường: Môi trường bị ô nhiễm, trong không khí chứa nhiều khói, bụi bẩn, len dạ, lông động vật… là một trong những tác nhân khiến bệnh khởi phát và nặng thêm.

 

TRIỆU CHỨNG VIÊM DA CƠ ĐỊA

Là bệnh lý ngoài da nên các triệu chứng của bệnh thường có thể quan sát bằng mắt thường. Vị trí xuất hiện dấu hiệu bệnh đa phần là ở trán, má, cằm hoặc tay, chân, thân mình.

·         Xuất hiện các đám da có màu đỏ ranh giới không rõ ràng, có thể kèm theo sẩn, mụn nước tiết dịch.

·         Da phù nề, đóng vảy tiết.

·         Trên da hình thành các vết trợt, bội nhiễm tụ cầu sinh ra mụn mủ và vẩy tiết có màu vàng.

·         Da dày hơn, thâm, niken hóa và có các vết nứt gây đau đớn.

·         Da vẽ nổi.

·         Người bệnh có cảm giác ngứa, muốn gãi liên tục.

Với trẻ nhỏ, viêm da xuất hiện chủ yếu ở vùng mặt. Còn với người lớn, hiện tượng bệnh lý thường ở các nếp gấp như khuỷu tay, khuỷu chân, khoeo, rốn và cổ.


Khi nào cần gặp bác sĩ? Viêm da cơ địa với những biểu hiện nhẹ là da khô, ngứa ngáy và nứt nẻ. Trong trường hợp, các cơn ngứa ngày càng gia tăng cường độ và tần suất đồng thời xuất hiện hàng loạt mẩn đỏ trên da, vùng da bị tổn thương bị nhiễm trùng, sưng tấy, viêm đỏ, có mủ đục kèm mùi hôi thì người bệnh cần phải tới gặp bác sĩ ngay.


ĐIỀU TRỊ VIÊM DA CƠ ĐỊA NHƯ THẾ NÀO?

Mục đích điều trị viêm da cơ địa là để giảm viêm, giảm ngứa và ngăn chặn các cơn bùng phát trong tương lai, tránh biến chứng. Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị như:

Kem chống ngứa: Dùng bôi vào vùng da có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị ngứa quá nặng và ảnh hưởng đến sinh hoạt, đôi khi phải cần đến thuốc kháng histamine đường uống. Với các thuốc chống dị ứng gây buồn ngủ, bác sĩ thường kê cho uống buổi tối.

Kem dưỡng ẩm: Phối hợp với kem chống ngứa làm giảm thiểu triệu chứng khó chịu. Ngoài những cơn cấp, cần thường xuyên dưỡng ẩm da, mềm da khi thời tiết lạnh và khô, tránh để da nứt nẻ sẽ làm dễ gây ngứa.

Kem kháng viêm: Hạn chế phản ứng viêm tại chỗ quá mức khiến triệu chứng thuyên giảm hơn, da bớt mẩn đỏ, sưng, ngứa. Tuy nhiên, nên hạn chế bôi kem kháng viêm khi đã bớt ngứa và tăng cường các liệu pháp tự chăm sóc khác như làm ẩm da, mềm da cũng giúp kiểm soát viêm da cơ địa mức độ nhẹ thay vì dùng thuốc. Vì nếu dùng kéo dài kèm kháng viêm sẽ gây tác dụng phụ như làm đổi màu da, mỏng da, mọc lông và dễ làm da nhiễm trùng hơn. Các kem kháng viêm có corticoid chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tùy vào tính chất tổn thương, bác sĩ sẽ kê dạng hoạt chất từ nhẹ đến nặng.

Kháng sinh: Trong trường hợp người bệnh có nhiễm trùng da thì việc điều trị cần bổ sung thêm kháng sinh trong một thời gian ngắn để điều trị nhiễm trùng. Đồng thời, nếu vết thương hở và chảy dịch, người bệnh cần đắp gạc, vệ sinh và thay băng mỗi ngày để tránh bội nhiễm.

Hạn chế các yếu tố kích thích bệnh khởi phát: Nhiều bệnh nhân lo lắng viêm da cơ địa có lây không vì sợ đã bị lây từ người khác hay lo ngại sẽ lây cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, bệnh do cơ địa của từng người nên hoàn toàn không lây nhiễm.

Theo đó, việc cần làm là hạn chế các yếu tố kích thích bệnh khởi phát như:

·         Tránh thức ăn dễ gây dị ứng, vệ sinh nhà cửa, giặt giũ chăn, gối, nệm, thảm và màn cửa thường xuyên, tránh khói thuốc lá và môi trường bụi bặm.

·         Tắm không quá lâu; mỗi lần tắm, giới hạn trong 15 - 20 phút và sử dụng nước ấm hơn là nước nóng.

·         Nên dùng một loại nước hoa, xà phòng cố định và có tính tẩy rửa nhẹ nhàng; nếu muốn thay đổi, nên thử trên một vùng da mỏng trước để xem có gây kích ứng hay không.

·         Hạn chế gãi da đến mức tối thiểu; đối với trẻ nhỏ, cần cắt móng tay và đeo găng tay vào ban đêm.

·         Khi trời nóng, cần mặc quần áo thoáng mát. Khi trời lạnh và khô, cần dưỡng da với các loại kem, sáp giữ ẩm. Uống đủ nước.


Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Trầm cảm - Sát thủ giấu mặt trong xã hội hiện đại

TRẦM CẢM LÀ GÌ?

Trầm cảm là một trạng thái bệnh lý của cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ hoạt động tâm thần. Trầm cảm được kí hiệu F32 theo Phân loại quốc tế về bệnh tật ICD-10 (International Classification of Diseases). Người bị trầm cảm có thể gặp khó khăn trong cuộc sống do suy sụp tinh thần, thậm chí là có suy nghĩ tự làm hại mình và tự tử. Bên cạnh đó, trầm cảm còn gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe như rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý. Trầm cảm điển hình thường được biểu hiện bằng khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay thích thú, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động, tồn tại trong khoảng thời gian ít nhất là 2 tuần.

 

NGUYÊN NHÂN GÂY TRẦM CẢM

Trầm cảm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng tóm tắt có 3 nguyên nhân chính:

      Trầm cảm nội sinh: Do sự thay đổi hoạt lực của các chất dẫn truyền thần kinh tại não mà ngày nay người ta hướng nhiều đến giảm Serotonin ở thần kinh trung ương.

      Trầm cảm tâm sinh: Xuất hiện sau các chấn thương tâm lý, thất tình, ly dị, thi trượt, mất việc làm, làm ăn thua lỗ, người thân mất, con cái hư hỏng…

      Trầm cảm thực tổn: Do tình trạng bệnh lý cơ thể, gây ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lên hoạt động chức năng của não như các tổn thương tại não (u não, chấn thương sọ não), bệnh nội tiết (suy chức năng tuyến giáp).


CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA TRẦM CẢM

Trầm cảm là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phức tạp mà nỗi buồn chỉ là một trong những biểu hiện của nó. Khi bị trầm cảm, các chất dẫn truyền thần kinh trong não bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố môi trường hoặc sinh học.

3 triệu chứng chính:

-         Khí sắc trầm: Khí sắc thay đổi ít từ ngày này sang ngày khác và thường không tương xứng với hoàn cảnh, được duy trì trong ít nhất hai tuần.

-         Mất mọi quan tâm thích thú trong các hoạt động.

-         Giảm năng lượng và tăng sự mệt mỏi.

7 triệu chứng phổ biến khác:

-         Giảm sự tập trung chú ý.

-         Giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khó khăn trong việc quyết định.

-         Ý tưởng bị tội và không xứng đáng.

-         Nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan.

-         Ý tưởng và hành vi tự huỷ hoại hoặc tự sát.

-         Rối loạn giấc ngủ.

-         Thay đổi cảm giác ngon miệng (tăng hoặc giảm) với sự thay đổi trọng lượng cơ thể tương ứng

è Giai đoạn trầm cảm nhẹ: Bệnh nhân có 2/3 triệu chứng đặc trưng2/7 triệu chứng phổ biến trong ít nhất 2 tuần.

 

 

NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ BỆNH TRẦM CẢM

Mục tiêu:

-         Điều trị nguyên nhân dẫn đến trầm cảm (nếu có).

-         Làm giảm và mất hoàn toàn các triệu chứng.

-         Phòng ngừa tái phát và tái diễn trầm cảm.

Tiến trình điều trị:

-         Cần phải chẩn đoán chính xác, đánh giá mức độ trầm trọng, nguy cơ tự sát; chọn thuốc chống trầm cảm thích hợp; cho thuốc đủ liều; kiểm tra độ dung nạp của thuốc và sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân; tiếp tục duy trì điều trị sau khi đã thanh toán hết các triệu chứng.

-         Điều trị tấn công giai đoạn cấp để thanh toán các triệu chứng từ 2 – 4 tháng. Điều trị duy trì để phòng ngừa tái phát trầm cảm từ 4 – 6 tháng. Điều trị phòng ngừa tái diễn trầm cảm dài ngắn khác nhau phụ thuộc vào trạng thái bệnh và mỗi bệnh nhân thường không dưới một năm.

-         Trong khi điều trị trầm cảm, đôi khi phải phối hợp thuốc chống trầm cảm với thuốc giải lo âu, thuốc chống loạn thần, thuốc điều chỉnh khí sắc, liệu pháp sốc điện, liệu pháp nhận thức … nếu cần thiết.

 

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng thì ngày càng có nhiều nghiên cứu quan tâm tới căn bệnh này và các phương pháp trị liệu xuất hiện ngày càng nhiều hơn nữa. Đối với trầm cảm từ nhẹ đến trung bình, lựa chọn điều trị hàng đầu phải là liệu pháp tâm lý.

Đối với mức độ nặng hơn thì các bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân thuốc điều trị trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm là một trong những phương pháp điều trị mang lại hiệu quả tích cực lên đến 80%. Nó làm thay đổi một số chất dẫn truyền thần kinh trong não. Nghe thì có vẻ đáng sợ nhưng nó chỉ góp phần giải quyết các vấn đề sinh học giúp cải thiện tình trạng trầm cảm, hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính cách của bạn.

Tuy nhiên, chỉ sử dụng thuốc chống trầm cảm thôi là chưa đủ, bạn cần kết hợp với liệu pháp tâm lý trò chuyện cũng như có sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và lối sống. Ngoài ra, bạn không nhất định phải uống thuốc trầm cảm cả đời. Nó phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và phương pháp điều trị có hiệu quả hay không. Một số người chỉ cần uống thuốc trong thời gian ngắn, một số người khác thì cần thời gian dài hơn.

Bên cạnh đó, liệu pháp sốc điện và liệu pháp kích thích thần kinh phế vị cũng đang được ứng dụng trên các bệnh nhân mắc trầm cảm nặng và trầm cảm kháng trị.

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2022

Triệu chứng Covid-19 kéo dài trẻ em thường gặp

 Nhiều trẻ mắc Covid-19 nhẹ, nhanh khỏi song có thể gặp các triệu chứng kéo dài như viêm đa hệ thống, loạn khứu giác, não sương mù, mệt mỏi...

TP HCM, trong tuần từ ngày 1/3 đến 7/3, ghi nhận khoảng 37.500 trẻ nghi mắc Covid, cao gần gấp đôi so với tuần trước đó, chủ yếu lây nhiễm do học sinh đến trường.

Hồi tháng 2, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, công bố hơn 19% tổng số ca nhiễm hiện nay là trẻ em. Trong đó, nhóm trẻ 13-17 tuổi chiếm gần 5%, nhóm 6-12 tuổi hơn 8%, trẻ 3-5 tuổi là gần 3%% và gần 4% tuổi 0-2. Tỷ lệ tử vong ở nhóm 0-2 tuổi là gần 0,2%; ở nhóm 3-12 tuổi và 13-17 tuổi chưa tới 0,1%.

Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, nguyên Phó Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc Covid không cao so với người lớn, song ảnh hưởng không nhỏ và lâu dài đến thể chất, tinh thần trẻ hậu nhiễm.

Theo bác sĩ Thoa, nCoV xâm nhập vào hô hấp. Do đó trẻ mắc Covid-19, biểu hiện bệnh qua đường hô hấp là rõ ràng nhất. Trẻ sẽ sốt kèm ho, nghẹt mũi, chảy mũi, có thể có triệu chứng ở đường tiêu hóa, như mắc ói, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng. Một số trường hợp có biểu hiện phát ban, đỏ mắt.

Hội chứng hậu Covid-19 phổ biến nhất ở trẻ em đa phần cũng liên quan đến đường hô hấp, như ho nhiều, ho kéo dài, cảm giác nặng ngực, hụt hơi, khó thở. Một số trẻ bị đau ngực, nhịp tim không đều, cảm giác mệt khi gắng sức do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, thường gặp là viêm cơ tim. Ngoài ra, trẻ cũng bị giảm sức chịu đựng về thể chất, dễ mệt hơn bình thường ngay cả khi không có bệnh lý ở tim, hô hấp; trẻ cũng giảm sự tập trung, dễ quên hơn bình thường, đau đầu và viết chữ xấu hơn.

Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đang triển khai nhiều gói khám hậu Covid-19 toàn diện về thể chất và tinh thần cho trẻ. Ảnh: Quỳnh Châu

Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đang triển khai nhiều gói khám hậu Covid-19 toàn diện về thể chất và tinh thần cho trẻ. Ảnh: Quỳnh Châu

Riêng biểu hiện mất khứu giác, vị giác trẻ em ít gặp hơn người lớn. Theo một số báo cáo, mất vị giác, khứu giác thường gặp ở trẻ lớn hơn trẻ nhỏ, có thể do trẻ nhỏ chưa có khả năng diễn tả được cảm giác của mình. Tình trạng này thường sẽ khỏi sau vài tuần.

Tiến sĩ Jagdish Kathwate - chuyên gia Nhi khoa tại Bệnh viện Motherhood Hospital Kharadi Pune, Ấn Độ, cho biết Covid-19 có thể gây ra tình trạng "loạn khứu giác", do virus làm tổn thương tạm thời các thụ thể (protein) và dây thần kinh liên quan đến khứu giác. Trẻ bị thay đổi khứu giác và vị giác dẫn đến kén ăn. Tình trạng "loạn khứu giác" làm ảnh hưởng đến việc cảm thụ mùi vị của trẻ với thức ăn, ví dụ thay vì ngửi mùi chocolate lại ra mùi xăng, mùi rác thải thậm chí là mùi trứng thối. Do vậy, một số trẻ em có thể sẽ cảm thấy không còn hứng thú với những món ăn mà bé từng rất thích trước đó.

Một tình trạng y tế hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến Covid-19 ở trẻ em được y khoa thế giới gọi là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, ảnh hưởng rất nhiều cơ quan trong cơ thể và có thể gây tử vong, trẻ cần phải được nhập viện sớm để điều trị.

MIS-C thường xảy ra ở trẻ 6-15 tuổi, vào khoảng 2 đến 6 tuần sau khi mắc Covid-19, do rối loạn đáp ứng miễn dịch. Nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan tiêu hóa... có thể bị tổn thương. Trẻ thường bị sốt rất cao liên tục kèm theo biểu hiện tổn thương niêm mạc (nổi ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ như quả dâu tây, phù nề bàn tay, bàn chân); rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, nôn) hoặc biểu hiện tổn thương các cơ quan khác (tim, thận, thần kinh...). Mắc hội chứng này, trẻ cảm giác mệt mỏi, choáng váng, mất mùi, phát ban, đỏ mắt, sốt kéo dài, thậm chí mất hoặc thay đổi vị giác...

Không ít trẻ có tâm lý mặc cảm, tự ti sau mắc Covid. Một biểu hiện khác ở trẻ khiến phụ huynh lo lắng là khó tập trung, không ghi nhớ và hiểu được kiến thức giáo viên giảng dạy, chữ viết xấu... Toàn bộ biểu hiện này rất cần được theo dõi, đánh giá sớm và can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ, bác sĩ Thoa nói.

"Để chẩn đoán MIS-C cần có sự thăm khám rất kỹ của bác sĩ và cần làm một số xét nghiệm, loại trừ tất cả nguyên nhân khác có thể gây triệu chứng tương tự nhằm chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp", bác sĩ Thoa nói.

Bác sĩ khuyên phụ huynh cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường để đưa trẻ đi khám ngay khi cần thiết. Trẻ sau khi mắc Covid-19 có thể có tình trạng "não sương mù" làm trẻ suy nghĩ chậm, giảm trí nhớ và thiếu tập trung. Trẻ cần thời gian nhiều hơn để học và nhớ bài. Do đó, trẻ cần hỗ trợ về mặt tâm lý từ phụ huynh và thầy cô để vượt qua khó khăn trong học tập, tránh tâm trạng lo lắng bi quan. Trẻ nên tập thể dục nhẹ nhàng, tăng lên dần chứ không quá sức khiến trẻ dễ mệt và sẽ từ chối hoạt động. Từ sự hỗ trợ về tinh thần và thể chất, dần dần trẻ sẽ quay trở về nhịp sống bình thường.

Gia đình có trẻ mắc Covid-19 không được chủ quan, ngay cả khi trẻ chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. "Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Thoa nói. Bà ví dụ, thuốc kháng đông, kháng viêm chỉ được chỉ định sử dụng khi trẻ nhập viện. Và thuốc kháng đông dành cho trẻ là dạng sử dụng đường tiêm, không phải là thuốc uống của người lớn. Nếu cho trẻ sử dụng thuốc kháng đông dạng uống của người lớn thì "lợi bất cập hại".

Ngoài ra, sau khi trẻ khỏi bệnh, âm tính ít nhất 2-3 tuần, người nhà cần theo dõi sát, đi khám khi có các biểu hiện bất thường về thể chất hay tinh thần; thậm chí tiếp tục theo dõi đến tận 2-3 tháng sau đó. Kết hợp với bác sĩ điều trị, phụ huynh đồng hành cùng bé trong những hoạt động tại nhà như vận động phù hợp, chơi thể thao, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử như tivi, máy tính điện thoại, có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý...

Quỳnh Châu