Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Nghỉ lễ 30/4, cần lưu ý những vấn đề gì?

 Dịp nghỉ lễ mọi người thường sinh hoạt và ăn uống có phần thoải mái hơn. Tuy nhiên cần chú ý một số vấn đề về dinh dưỡng để cơ thể luôn khỏe mạnh, đảm bảo kỳ nghỉ được diễn ra trọn vẹn.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Vân Hồng (Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai), có 3 lưu ý về dinh dưỡng mọi người cần thực hiện để đảm bảo có một cơ thể khỏe mạnh, an toàn trong mỗi dịp nghỉ lễ, đó là: an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng rượu bia quá nhiều, đề phòng dị ứng thức ăn.

An toàn vệ sinh thực phẩm

Mất vệ sinh an toàn thực phẩm thường gây ra tiêu chảy. Nếu tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa thường thoáng qua là sẽ hết nhưng nếu tiêu chảy mà kèm theo sốt thường liên quan đến vi khuẩn. Trong những trường hợp nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như vậy phải dùng kháng sinh, tuy nhiên phải vào cơ sở y tế để có lời khuyên chính xác. Nếu tiêu chảy thông thường do chế độ ăn uống mất cân đối hay ăn quá nhiều, ăn phải thức ăn không hợp cơ địa thì dị ứng trong dinh dưỡng cũng dễ xảy ra. Trong những trường hợp như vậy cố gắng tìm những loại thức ăn mình bị dị ứng để tránh ăn. Tuy nhiên chế độ ăn uống vẫn phải cung cấp đủ dinh dưỡng. Các loại thực phẩm tốt cho bệnh tiêu chảy, làm cho tiêu chảy ít trầm trọng hơn như thịt gà trắng, hồng xiêm, ổi, táo…. Nếu tiêu chảy nhiều, chuối cũng là một bổ sung hợp lý vì chuối cung cấp kali giúp cho người bệnh đỡ mệt hơn rất nhiều. Để phòng tránh tiêu chảy có thể mang theo những gói men tiêu hóa (dạng gói bột) giúp bao phủ bề mặt niêm mạc đường tiêu hóa giảm bớt các yếu tố vi khuẩn tấn công trực tiếp vào niêm mạc đường tiêu hóa.

Lựa chọn thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng để cả gia đình vui khỏe trong dịp nghỉ lễ.

Khi đi du lịch, đi chơi, để tránh vấn đề an toàn thực phẩm, rối loạn tiêu hóa xảy ra nên chọn những thức ăn đã quen, không nên chọn các món lạ để tránh dị ứng với các thực phẩm đó. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nên tham vấn kỹ các nhà hàng, quán ăn trước khi vào ăn. Nếu chuẩn bị thức ăn từ nhà phải bao gói sạch sẽ cẩn thận, tuy nhiên không để quá 2 tiếng nếu không đun nấu lại. Có thể sử dụng các thức ăn sẵn mà có thương hiệu đã được cấp phép. Tuy nhiên việc phòng bệnh mới quan trọng. Cần phải ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn...

Chế độ ăn quá nhiều trong thời gian ngắn khiến hệ tiêu hóa không tiêu hóa và hấp thu kịp, thức ăn sẽ ứ trệ gây đầy bụng, trướng hơi, ậm ạch khó chịu, tình trạng này kéo dài tùy thuộc vào loại thức ăn đã ăn, thịt kéo dài lâu hơn các loại rau quả. Để khắc phục tình trạng đó nên sử dụng thực phẩm với mức với cơ thể, nên vận động, tập luyện để tiêu hóa hết lượng thức ăn tiêu thụ, hoặc có thể sử dụng các thuốc giúp tống hết thức ăn còn đọng trong ống tiêu hóa ra ngoài giúp cơ thể thoải mái hơn chứ không nên uống thêm các loại thuốc hay thực phẩm giúp ăn ngon miệng.

Hạn chế sử dụng rượu bia

Trong những dịp nghỉ lễ, lượng rượu bia tiêu thụ khá nhiều, do đó những cấp cứu liên quan đến rượu bia cũng tăng lên. Uống rượu nhiều sẽ đưa vào cơ thể thành phần andehit - là chất khá độc, sử dụng rượu nhiều buộc gan làm việc quá sức có thể gây bệnh suy gan với những người có bệnh nền gan từ trước, hoặc có thể gây tổn thương gan với những người có lá gan khỏe mạnh. Sử dụng rượu bia không cấp phép (rượu công nghiệp) có thể bị ngộ độc methanol gây rối loạn thị lực, hôn mê, gây suy đa tạng. Chỉ nên sử dụng 50g cồn mỗi ngày (2,5 lon bia/ngày), 5 ngày/tuần để cơ thể có thời gian thải chất độc ra ngoài. Kể cả việc sử dụng thuốc giải rượu, cũng không nên vượt quá 50g cồn/ngày, việc sử dụng quá nhiều cồn khiến gan, tụy, thận làm việc quá sức, những người có bệnh nền khiến triệu chứng bệnh nền tăng lên nhiều. Những người tửu lượng kém thì không nên cố uống sẽ không tốt cho sức khỏe. Không sử dụng rượu bia với những bữa ăn giàu protit (bữa ăn thịnh soạn) bởi có thể gây tình trạng viêm tụy cấp, người bệnh đau bụng dữ dội, có thể suy đa tạng dẫn tới tử vong… Nước ngọt, nước có gas cũng không nên sử dụng quá nhiều bởi có thể gây thừa cân, béo phì (một trong những nguyên nhân gây béo phì là tiêu thụ nước ngọt ít nhất 3 lần/ tuần) là căn nguyên gây ra nhiều bệnh mạn tính khác như tim mạch, đái tháo đường…

Sử dụng quá nhiều rượu bia gây nhiều nguy hại cho sức khỏe.

Trong mỗi bữa tiệc, hội họp… không thể thiếu những lon bia, ly rượu… Tuy nhiên cần sử dụng với lượng vừa phải theo khuyến cáo, không nên ham vui hay cả nể mà sử dụng quá đà bởi sự ảnh hưởng của rượu bia không phải ngay tức thì mà lâu dần sẽ đầu độc làm cơ thể yếu đi hàng ngày, sức đề kháng giảm sút.

Thải độc cơ thể bằng hỗn hợp các loại nước hoa quả là một trong cách thải độc tốt. Tuy nhiên, nhiều người uống có thể gây tình trạng dị ứng, mẩn ngứa, đau bụng… do đó nên uống ít một xem phản ứng cơ thể như thế nào rồi mới sử dụng với lượng nhiều hơn và phải đảm bảo nguyên tắc uống sau ăn. Uống nước cũng giúp đào thải chất độc cơ thể rất tốt với lượng 2l/ngày.

Đề phòng dị ứng thực phẩm

Những người có cơ địa dị ứng cần nhớ mình bị dị ứng với những loại thực phẩm gì để tránh các loại thực phẩm đó. Tăng cường thực phẩm giải độc cho gan giúp chức năng gan tốt hơn, không sử dụng rượu bia, với những thực phẩm chế biến sẵn cần thận trọng, nên hỏi thành phần trước khi sử dụng để nếu có thực phẩm gây dị ứng cho cơ thể thì tránh ăn.  

Ngọc Anh (ghi)

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Mùa nắng nóng, uống nước thế nào là đúng?

 Mùa hè nắng nóng, cơ thể mất nước và các chất điện giải qua mồ hôi, lượng mồ hôi bài tiết rất lớn và thậm 3 lít/giờ, có thể gây ra những rối loạn do thiếu nước và điện giải. Trong mồ hôi, thành phần chính là nước chiếm 98%, 2% là muối (natri) và sản phẩm chuyển hóa. khi cơ thể mất nước sẽ gây ra các rối loạn chuyển hóa, kém hấp thu, biểu hiện khô miệng (khát nước), nước bọt quánh, hạ huyết áp, mạch nhanh, tiểu ít dẫn đến ăn không ngon, khó nuốt, chán ăn. trẻ em thì ăn không tiêu, thường nôn trớ, táo bón, biếng ăn.

Nước là một trong những thành phần cơ bản và cần thiết cho cơ thể con người. Nước chiếm tới 60-70% trọng lượng cơ thể. Ở bào thai, trẻ em tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Người trưởng thành bình thường nặng 50kg, chứa tới 29 - 32kg nước. Con người có thể nhịn ăn một vài ngày, thậm chí một vài tuần, nhưng không thể thiếu nước. Một người chỉ cần mất 5 - 10% nước thì coi như mất nước trầm trọng, khi mất đến 15 - 20% là hết hy vọng cứu chữa.

Nhu cầu nước hằng ngày của mỗi người không hoàn toàn giống nhau

Nhu cầu nước hàng ngày

 Mỗi ngày, người trưởng thành cần 35g nước cho 1 kg thể trọng. Nhu cầu nước của trẻ em cao gấp 3 - 4 lần. Trung bình mỗi người cần 6 - 8 cốc nước/ngày (tương đương 1,5 lít). Nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống. Nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể còn t ùy theo thời tiết, điều kiện sinh hoạt, tình trạng lao động, tình trạng sinh lý,..

Người càng cao tuổi lượng nước trong cơ thể càng ít. Ở trẻ sơ sinh lượng nước chiếm 75 - 80% cân nặng, nhưng người ở 60 -70 tuổi lượng nước chỉ chiếm 50% trọng lượng.

Nhu cầu nước theo khuyến nghị năm 2012 của Viện Dinh dưỡng Trung ương:

Theo cân nặng, tuổi với trẻ vị thành niên (10-18) tuổi nhu cầu nước là 40 ml/kg; từ 19 đến 30 tuổi hoạt động thể lực nặng nhu cầu nước là 40 ml/ kg; từ 19 đến 55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35 ml/kg, người trưởng thành trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30 ml/kg.

Theo cân nặng: Trẻ em từ 1-10 kg nhu cầu nước là 100 ml/kg; trẻ em từ 11 – 20 kg nhu cầu nước là:  1.000 ml + 50 ml cho mỗi 10 kg cân nặng tăng lên; trẻ em từ 21 kg trở lên nhu cầu nước là: 1.500 ml + 20 ml/kg cho mỗi 20 kg cân nặng tăng lên.

Người trưởng thành trên 50 tuổi nhu cầu nước thêm 15 ml/ kg cho mỗi 20 kg cân nặng tăng lên.

Ngoài cung cấp nước, nước ép hoa quả còn cung cấp thêm nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe nhưng cũng cần chú ý khi sử dụng

Uống nước đúng cách

Trong điều kiện bình thường, chuyển hóa nước được điều hòa chặt chẽ, số lượng nước đưa vào hàng ngày luôn cân bằng với số lượng nước bài tiết ra khỏi cơ thể. Cân bằng này khiến trọng lượng cơ thể của người trưởng thành luôn ổn định trong một thời gian dài. Khi thời tiết nắng nóng cần thường xuyên bổ sung nước, tránh để thiếu nước đến khi có biểu hiện khô miệng, nước bọt quánh. Không nên uống nhiều một lúc các loại nước uống như: nước hoa quả, nước rau, nước OSEROL, nước có pha thêm chút muối,..

Uống quá nhiều nước một lúc không tốt cho sức khỏe: Nước trong cơ thể bài tiết ra ngoài, thành phần chính là nước và một số chất điện giải như natri, kali được hòa tan trong nước. Khi bổ sung nước vào cơ thể quá nhiều trong một thời gian ngắn, cảm giác khát không giảm thậm chí còn cảm giác khát hơn. Uống nhiều nước khiến mồ hôi bài tiết nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất nhiều chất điện giải. Uống nước càng chậm càng tốt, chia nhỏ lượng nước cần uống, sẽ giảm cơn khát tốt hơn.

Khi khát, nhiều người chọn uống nước đá, nước lạnh nhằm giải tỏa cơn khát, giải pháp này thực sự không tốt cho sức khỏe. Khi thời tiết nóng, uống nước đá nước lạnh sẽ không tốt cho sức khỏe vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với thân nhiệt, uống nước đá dễ dẫn đến bị viêm họng, những người bị sâu răng sẽ bị đau nhức, tê buốt. Nước uống phù hợp nhất là những loại nước để ở môi trường tự nhiên, nó phù hợp với nhiệt độ cơ thể.

Lựa chọn nước uống phù hợp

 Bổ sung nước trong mùa nắng nóng vừa đảm bảo đủ nước và tăng cường cho sức khỏe cho cơ thể. Các loại nước được chế biến rất đơn giản từ rau xanh, hoa quả và rất nhiều các loại khác tùy theo sở thích của mỗi người, để bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, chất xơ, các chất chống oxy hóa,…

Một số loại nước thông dụng như

Chè xanh: Các nghiên cứu gần đây nhất đều khẳng định chè xanh là một thức uống rất có giá trị. Chè xanh là nguồn tốt nhất cung cấp nhiều loại flavonoid chống oxy hóa, fluor, nhiều vitamin. Nhiều bằng chứng cho thấy uống nước chè xanh có thể phòng ngừa nhiều loại ung thư, bệnh tim mạch, sỏi thận, sâu răng... Chú ý, trà thường uống vào buổi sáng, buổi trưa. Không nên uống vào buổi tối kích thích thần kinh, gây mất ngủ.

Nước dừa: Nước dừa là một trong nhiều loại nước uống giải khát thông dụng, cung cấp nhiều kali và các chất khoáng, sử dụng thường xuyên sẽ tốt cho sức khỏe. Uống một cốc nước dừa mỗi ngày giúp giảm nguy cơ bất thường của đường tiêu hóa, nhiệt miệng, nhanh chóng hồi phục cơ thể sau khi mất nước.

 Nước dừa là loại nước uống thông dụng được nhiều người lựa chọn trong thời tiết nắng nóng

Nước cam, nước chanh: Nước cam, nước chanh cung cấp vitamin C, vitamin A, E,…giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch. Vì vậy, nhiều người lựa chọn uống nước cam, chanh để tăng cường sức đề kháng, chống lại dịch bệnh hiện nay là rất tốt. Ngoài cam, chanh, các loại quả khác cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất như: bưởi, đu đủ, xoài, dưa hấu, cà rốt,…

Nước râu ngô: Nước râu ngô có tác dụng lợi tiểu, thải độc cho cơ thể nên tốt cho người cao huyết áp, bệnh thận, giảm cân. Nước râu ngô chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho việc kích thích loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thế, tăng cường chức năng gan, chức năng bài tiết và giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

Nước rau má: Rau má là loại rau rất thông dụng vừa để ăn và chế biến nước giải khát, rau má cung cấp nhiều vitamin A, C, E,…chất có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Rau má rửa sạch có thể ăn sống , xay nhuyễn lấy nước hoặc dùng để nấu canh trong bữa cơm hàng ngày.

Nước cà rốt: Cà rốt có chứa nhiều glucoza,  lecithin, caroten, dầu thực vật, muối kali, magiê, sắt, caxi… Cà rốt nhiều carotene, khi vào cơ thể nó được chuyển hóa thành vitamin A rất cần cho sự phát triển của cơ thể, giúp sáng mắt, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giữ cho da dẻ mịn màng. 

Nhu cầu nước theo khuyến nghị năm 2012 của Viện Dinh dưỡng Trung ương:

* Theo cân nặng, tuổi với trẻ vị thành niên (10-18) tuổi nhu cầu nước là 40 ml/kg; từ 19 đến 30 tuổi hoạt động thể lực nặng nhu cầu nước là 40 ml/kg; từ 19 đến 55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35 ml/kg, người trưởng thành trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30 ml/kg.

* Theo cân nặng: trẻ em từ 1-10kg nhu cầu nước là 100 ml/kg; trẻ em từ 11 - 20kg nhu cầu nước là:  1.000 ml + 50ml cho mỗi 10kg cân nặng tăng lên; trẻ em từ 21kg trở lên nhu cầu nước là: 1.500 ml + 20 ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng lên.

* Người trưởng thành trên 50 tuổi nhu cầu nước thêm 15 ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng lên.
 

Ths.Bs Nguyễn Văn Tiến

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Các bệnh dễ mắc do nắng nóng

 Nắng nóng, nhiều bệnh có thể xuất hiện và gia tăng, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, nên làm gì để phòng bệnh mùa nắng nóng có hiệu quả?

Có nhiều lý do làm cho bệnh tật gia tăng vào mùa nắng nóng, trước hết phải kể đến lý do thời tiết nắng nóng đầu mùa khiến cơ thể chưa kịp thích nghi ngay dễ dẫn đến mắc một số bệnh, đặc biệt là khi thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng hoặc ngược lại.

Mùa nắng nóng thường gặp phải các loại nước giải khát, nước đá, kem không đảm bảo vệ sinh hoặc ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín hoặc để quá nhiều giờ không được bảo quản rất dễ bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy). Tỉ lệ say nắng, say nóng cũng gia tăng do tia cực tím của ánh nắng mặt trời chiếu vào vùng gáy khi ra nắng không đội mũ rộng vành hoặc đầu trần, đặc biệt là trẻ em chơi đùa, người tắm sông, suối, hồ, ao, biển giữa lúc trời nắng gắt. Bên cạnh đó, các loại bệnh do côn trùng tiết túc mang đến (mang mầm bệnh từ người bệnh sang người lành như bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt rét...) hoặc bệnh từ động vật sang cho người.

Tập thể dục đều đặn để ngừa bệnh tật. Ảnh: TM

Tập thể dục đều đặn để ngừa bệnh tật. Ảnh: TM

Một số bệnh thường xảy ra trong mùa nắng nóng

Bệnh gặp khá phổ biến là say nắng, say nóng. Say nắng là do chiếu xạ của tia cực tím ánh nắng mặt trời hoặc đang ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ thấp đi ra ngoài đường hoặc tắm sông, ao hồ hoặc tắm biển lúc nắng gắt, nhiệt độ tăng cao. Bởi vì khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 38 - 390C, thậm chí cao hơn, hiện tượng thường hay gặp nhất là say nắng ở cả người lớn và trẻ em, do cơ thể mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, rối loạn nghiêm trọng về điều hoà thân nhiệt khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào người, nhất là vùng gáy.

Một số bệnh về đường tiêu hóa thường gặp trong mùa nắng nóng do nhiễm vi khuẩn tả hoặc vi khuẩn lỵ hay vi khuẩn thương hàn hoặc E.coli, đặc biệt là có thể lây lan cho nhiều người khác tạo nên dịch bệnh.

Khi thời tiết quá nóng, nếu mở quạt với tốc độ lớn hoặc ở trong phòng điều hòa máy lạnh nhiệt độ quá chệch lệch với môi trường bên ngoài, có nguy cơ làm khô vùng hầu họng, các chất nhày bảo vệ đường hô hấp bị khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, nhất là vi khuẩn và vi nấm xâm nhập gây viêm nhiễm đường hô hấp, đặc biệt là gây viêm VA, viêm amidan, viêm thanh quản, phế quản cấp tính, nặng hơn có thể gây viêm phổi. Ngoài ra, nếu ngồi trong phòng máy lạnh quá lâu, nhất là người làm công tác văn phòng, lái xe đường dài (xe có máy lạnh)... khi ra ngoài trời nắng nóng, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột rất dễ gây viêm mũi, họng, viêm xoang, viêm phế quản. Uống nước đá lạnh cũng là nguyên nhân gây viêm họng, đặc biệt là trẻ em.

Mùa nắng nóng, bệnh thủy đậu, bệnh tay chân miệng hoặc viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu rất dễ xuất hiện và lây lan thành dịch do các virus gây bệnh này thích hợp với thời tiết mùa hè. Mùa hè, bệnh rôm, sẩy luôn rình rập trẻ nhỏ, nếu vệ sinh cá nhân kém, sàn nhà không đảm bảo vệ sinh, bệnh tuy nhẹ nhưng có thể bị bội nhiễm thành bệnh nặng.

Mùa hè, nắng gay gắt không có lợi cho tim. Tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng, đặc biệt sẽ bất lợi cho những người bệnh đang mang trong mình bệnh về tim, tăng huyết áp, xơ vữa mạch có thể bị thiếu ôxy, bất tỉnh, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Phòng bệnh mùa nắng nóng

Trời nắng nóng, khi ra khỏi nhà cần đội mũ, nón hoặc mặc áo chống nắng (phụ nữ). Tốt nhất không tắm sông, biển, ao hồ, sông suối lúc nắng gắt, nhất là buổi trưa, xế chiều. Không dùng quạt gió với tố độ lớn, xoáy vào người, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi. Nếu dùng máy lạnh, nên để ở nhiệt độ khoảng 25- 26 độ là vừa. Mỗi lần đi ngoài nắng về, không nên vào phòng máy lạnh ngay, đặc biệt trẻ em, người cao tuổi. Sàn nhà, dụng cụ ăn uống, đồ chơi trẻ em cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Cần vệ sinh tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh bằng hình thức rửa tay sạch bằng xà phòng thích hợp. Ngủ cần nằm màn để tránh muỗi đốt. Cần diệt muỗi, gián, chuột, bọ chét để tránh mắc các bệnh do chúng truyền từ người bệnh sang người lành.

Cần ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống chín, uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày. Với trẻ, nên được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo khuyến cáo của y tế. Với người lớn, trẻ em lớn, cần tập thể dục đều đặn hàng ngày bằng bài tập thể dục buổi sáng.

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu (Theo BSKĐS)

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Dinh dưỡng phù hợp cho người tập Yoga

 Chế độ ăn uống là sự bổ sung hoàn hảo cho các bài tập và tư thế, giúp cơ thể hấp thụ được tối đa các chất dinh dưỡng, hỗ trợ khai thác hiệu quả các tác động của Yoga với cơ thể, giúp người tập Yoga luôn khỏe mạnh, kiểm soát tốt trọng lượng cơ thể, giữ gìn vóc dáng và ngăn ngừa bệnh tật.

Vì vậy, để việc tập luyện Yoga hiệu quả, cần có một chế độ ăn uống khoa học.

Nếu ăn các bữa vào cùng một thời điểm mỗi ngày, cơ thể sẽ nhận biết được khi nào cần được ăn và luôn trong tư thế sẵn sàng để thực hiện việc tiêu hóa. Hãy ăn bữa sáng trước 8h, bữa trưa vào khoảng từ 11-13h và bữa tối vào khoảng 18-19h. Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày cũng giúp duy trì thói quen sinh hoạt, ăn uống này một cách hiệu quả hơn.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ tăng hiệu quả khi tập Yoga.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ tăng hiệu quả khi tập Yoga.

Trong một bữa ăn chỉ nên ăn tối đa 4 hoặc 5 loại thực phẩm. Các bữa ăn nên cách xa nhau. Sau khi tập Yoga từ 10-15 phút mới được ăn thức ăn dạng lỏng (các loại súp detox, sinh tố xay nhuyễn). Sau 30 phút mới được ăn thức ăn đặc và rắn. Lưu ý điều chỉnh dần chế độ ăn sao cho có thể giảm tải cho hệ tiêu hóa một cách hiệu quả nhất.

Vì nguồn năng lượng trong cơ thể thường thấp vào sáng sớm, do đó bữa sáng nên là một thứ gì đó ấm và có một ít nước. Hãy khởi động bằng cách uống 1 ly nước ấm trước khi dùng bất cứ thứ gì cho bữa sáng. Điều này sẽ giúp kích thích nguồn năng lượng, hệ tiêu hóa và giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Cháo (yến mạch) là một sự lựa chọn tuyệt vời. Còn nếu như bạn thích ăn bánh mì nướng thì hãy ăn kèm với một ít bơ hoặc bơ hạnh nhân để cân bằng độ khô.

Hãy ăn bữa trưa thật thịnh soạn. Nguồn năng lượng đồng nghĩa với mặt trời, có nghĩa là cả hai đều cháy vào lúc sáng nhất, đó là khoảng giữa trưa. Hãy dùng một bữa trưa thật thịnh soạn và hấp thụ năng lượng để tiêu hóa các loại thực phẩm như salad và protein.

Buổi tối nên ăn nhẹ và ít tinh bột.

Nên ăn nhiều sữa, bơ, sữa chua, phô mai, rau, củ, hoa quả tươi và các loại đậu, vừng, lạc (chuối, dưa leo, sữa chua chỉ ăn vào lúc sáng và trưa, tuyệt đối không ăn vào buổi tối). Trong các bữa ăn chính cần có các loại ngũ cốc nhiều năng lượng như gạo, khoai tây và bánh mì. Với những người thừa cân có thể thay thế bằng khoai lang, miến dong, miến đậu xanh...

Cơ thể rất cần nước cho nhiều hoạt động như tiêu hóa, luân chuyển dinh dưỡng đến các tế bào máu. Ngoài nước lọc, có thể uống thêm các loại nước trái cây tươi, sữa đậu nành nước trà xanh (chè tươi) hay chanh muối. Nước chanh muối này chỉ đơn giản là nước đun sôi để nguội, vắt chanh tươi với độ chua vừa phải và thêm vài hạt muối (lưu ý không dùng đường) như một thứ nước detox. Không uống rượu, bia và trà khô, không hút thuốc và các chất kích thích khác.

Hệ tiêu hóa cần năng lượng để đốt cháy, thực phẩm và đồ uống lạnh sẽ dập đi nguồn năng lượng đó, vì thế nên ưu tiên đồ uống, thức ăn ấm nóng hơn đồ lạnh và hạn chế ăn thức ăn lấy ra trực tiếp từ tủ lạnh. Đây là những thói quen cần được duy trì mỗi ngày để giúp tăng cường sức khỏe một cách tối đa.   

Lan Anh (Theo BSKĐS)

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Lo lắng nguy cơ ung thư da trong mùa nắng nóng đến gần

 Tia tử ngoại từ ánh sáng mặt trời là một trong những yếu tố chính gây ra ung thư da. Các bác sĩ cảnh báo, người dân không nên tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời quá lâu (đặc biệt là từ 10h đến 15h).

Mùa nắng nóng đã đến thật gần với nền nhiệt cao, đi kèm với đó là sự gia tăng không nhỏ các bệnh lý về da mùa nóng, trong đó, có bệnh ung thư da. Đây là căn bệnh dẫn đầu trong số các bệnh ung thư mà người Việt Nam mắc phải. Tuy nhiên, triệu chứng của ung thư da không dễ nhận biết để phòng tránh.

Theo các bác sĩ, nhìn chung, nguy cơ mắc ung thư da tăng theo tuổi, nhất là sau 50 tuổi. Cũng có trường hợp ung thư ở người trẻ từ 20 - 40 tuổi.

ThS.BS Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: "Trong mấy năm gần đây, tình hình ung thư da có sự gia tăng đáng kể về số lượng bệnh nhân. Gần như ngày nào cũng có bệnh nhân đến khám chữa bệnh về ung thư da".

Để phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư da, BS. Nguyễn Mạnh Tân - Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng cho hay: "Ung thư da có nhiều loại khác nhau, giai đoạn đầu tiên có thể nhầm lẫn với một số bệnh lý da khác, tuy nhiên bệnh nhân nên cẩn trọng với một số dấu hiệu.

Ví dụ như xuất hiện các tổn thương da mới, tiến triển nhanh, có lan rộng, diễn biến lâu và không đáp ứng với các điều trị thông thường; thứ hai là xuất hiện các vết loét, lâu lành, rất dễ tái phát".

Ngoài ra, các bác sĩ cũng cảnh báo về một số trường hợp bệnh nhân “cháy nắng” khi đi biển, hoặc làm việc nhiều giờ ở ngoài trời dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đáng lo là vùng da bị “cháy nắng” có thể để lại tình trạng tăng sắc tố sau viêm, gây sạm da, đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Đặc biệt, tiếp xúc kéo dài với tia UV, theo nhiều nghiên cứu, có thể là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư da.

Tia tử ngoại (còn gọi là tia UV): là một dạng bức xạ điện đến từ mặt trời hay các nguồn nhân tạo (từ màn hình máy tính, điện thoại, bóng đèn…), đây là một trong những thủ phạm nguy hiểm hàng đầu với làn da. Tia tử được chia làm 3 loại chính:
- Tia UVA: có khả năng xuyên qua cửa kính, quần áo khiến da bị sạm và nám.
- Tia UVB: gây bỏng nắng, tăng sắc tố gây rám nắng và xạm da, có thể gây ung thư da.
- Tia UVC: gây tổn thương nghiêm trọng đến làn da và đôi mắt tuy nhiên chúng bị chặn bởi tầng ozone

Tia tử ngoại - "Sát thủ" của làn da

Theo dự báo trong những ngày tới đây, chỉ số UV cực đại của các tỉnh thành Trung Bộ trở vào Nam Bộ duy trì ở mức nguy cơ gây hại rất cao. Trong khi đó, các tỉnh thành Bắc Bộ có chỉ số UV cực đại ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao.

BS. Nguyễn Mạnh Tân cảnh báo, tia tử ngoại từ ánh sáng mặt trời là một trong những yếu tố chính gây ra ung thư da. Ngoài ra có các yếu tố khác nữa, ví dụ như những người có cơ địa, liên quan đến gen. Hoặc có xuất hiện các tổn thương da mà không đến khám, bệnh nhân tự điều trị, hoặc điều trị tại các cơ sở y tế không có chuyên khoa.

"Với những người mắc ung thư da nếu để lâu hoặc không điều trị đúng cách, bệnh sẽ gây những biến chứng nặng nề. Nhưng hầu hết các loại ung thư da đều có thể phòng ngừa được..." - chuyên gia da liễu khuyến cáo.

Một bệnh nhân bị bong tróc và có dấu hiệu tăng sắc tố do thường xuyên phải làm việc dưới ánh nắng mặt trời.

Chính vì vậy, người dân nên thực hiện theo một số biện pháp để duy trì sự khỏe mạnh của làn da:

- Tránh tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời quá lâu (đặc biệt là từ 10h đến 15h).

- Sử dụng kem chống nắng, mũ, áo khi đi ra ngoài.

- Hạn chế tiếp xúc hóa chất, chất phóng xạ.

- Ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.

- Kiểm tra sức khỏe định kì để tầm soát ung thư.

Trong mùa nắng nóng, nếu chẳng may bị cháy nắng thì người dân nên làm mát cơ thể bằng cách tắm, chườm khăn mát, đắp nha đam… lên vùng da tổn thương. Lưu ý, không chà mạnh lên vùng da này bởi da đang nhạy cảm, có thể gây kích ứng hoặc làm tổn thương thêm trầm trọng. Sau khi làm mát, có thể bôi một lớp kem dưỡng ẩm lên da, đặc biệt là loại kem có chiết xuất nha đam.

Với các trường hợp nặng hơn, cảm giác đau đớn, khó chịu, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định các thuốc chống viêm và giảm đau.

Dương Hải (Theo Báo SKĐS)

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

6 biện pháp cần làm ngay để phòng viêm não virus trong mùa hè

Để chủ động phòng chống bệnh viêm não virus, trong đó có viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch.
2. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy.
3. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.
5. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
6. Nếu có các dấu hiệu: sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê…) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước nhiệt đới, lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng truyền trong đó có các bệnh viêm não virus đặc biệt vào mùa hè, mùa thích hợp cho các côn trùng truyền bệnh phát triển.

Bệnh viêm não virus là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao.

Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê...

Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.

Vắc xin - biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Với bệnh viêm não, ngành y tế khuyến cáo, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:
- Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi.
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.
- Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trẻ tiêm thiếu mũi hoặc không được tiêm vắc xin phòng VNNB vẫn diễn ra. Trong khi đó, đây là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

PGS.TS. Bùi Vũ Huy – Nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Giảng viên cao cấp Bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh: "Để chủ động phòng bệnh VNNB nói riêng và các loại bệnh khác nói chung, cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin để đảm bảo đủ lượng kháng thể để bảo vệ sức khỏe trước sự tấn công của nhiều loại bệnh khác nhau. Người dân không nên vì một vài trường hợp có tác dụng phụ mà quên đi hiệu quả mà vắc xin mang lại cho loài người".

Mỗi người dân cũng cần phải có kế hoạch phòng bệnh theo nguyên tắc nâng cao sức khỏe, ăn uống sinh hoạt đầy đủ, khám sức khỏe định kỳ, đi khám sớm khi có dấu hiệu bất thường.

Ngoài ra cần chú ý tới việc ăn uống hàng ngày, tránh bị ngộ độc thực phẩm, nên rửa tay thường xuyên để hình thành thói quen; đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, hướng dẫn của Bộ Y tế về các loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát (như sốt xuất huyết, viêm não...).

Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng. Nên cho trẻ ngủ mùng để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.

Dương Hải

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Đau bụng: Coi chừng bệnh trọng ở người cao tuổi

Đau bụng là triệu chứng của một loạt bệnh lý ở bệnh nhân cao tuổi, có thể biểu hiện rất khác biệt so với các bệnh nhân trẻ hơn.

Một số bệnh lý gây đau bụng thường gặp ở người cao tuổi

Tắc ruột: Tắc ruột chiếm khoảng 12% các trường hợp đau bụng ở bệnh nhân cao tuổi. Tắc nghẽn được phân loại thành tắc nghẽn ruột non hoặc tắc nghẽn đại tràng, mặc dù khó có thể phân biệt được chúng trên lâm sàng.

Xoắn manh tràng tương đối hiếm và thường thể hiện trên lâm sàng như tắc nghẽn ruột non. Xoắn đại tràng sigma phổ biến hơn nhiều và thường được xác định bằng chụp X quang bụng đứng không chuẩn bị. Các yếu tố nguy cơ gây xoắn đại tràng sigma là tình trạng ít vận động và dùng thuốc xổ thường xuyên, cả hai yếu tố này lại thường gặp ở bệnh nhân cao tuổi.

Phình động mạch chủ bụng: Phình động mạch chủ bụng hầu như chỉ gặp ở người cao tuổi. Khoảng 5% đàn ông trên 65 tuổi có phình động mạch chủ bụng. Nếu chẩn đoán vỡ phình động mạch chủ bụng được thiết lập trên một bệnh nhân có huyết động ổn thì tỷ lệ tử vong khoảng 25%. Nếu bệnh nhân trong tình trạng sốc thì tỷ lệ tử vong sẽ là 80%. Nên có sự hoài nghi cao, vì nhiều bệnh nhân đến với hình ảnh lâm sàng gợi ý cho cơn đau quặn thận hoặc đau cơ xương vùng lưng. Khoảng 30% bệnh nhân vỡ phình động mạch chủ bụng đã bị chẩn đoán sai lúc ban đầu.

Loét tiêu hóa: Loét dạ dày tá tràng nên được đặc biệt đề cập đến, vì tỷ lệ mắc ở các bệnh nhân cao tuổi ngày càng tăng. Điều này một phần có thể do việc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) ngày càng nhiều. Người sử dụng NSAIDs có nguy cơ bị loét tiêu hóa cao gấp 5-10 lần so với người không dùng thuốc.

Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân cao tuổi loét tiêu hóa cao gấp 100 lần so với bệnh nhân loét tiêu hóa trẻ. Chẩn đoán loét tiêu hóa ở bệnh nhân cao tuổi có thể khó khăn. Khoảng 35% bệnh nhân cao tuổi loét tiêu hóa không có triệu chứng đau. Các dấu hiệu thường gặp nhất là tiêu phân đen.

Các biến chứng bao gồm xuất huyết và thủng. Bệnh nhân cao tuổi đôi khi không đau khi thủng loé và liềm hơi trên phim Xquang bụng đứng có thể không quan sát thấy ở 60% trường hợp.

Viêm dạ dày ruột: Nên được xem xét như một chẩn đoán loại trừ ở bệnh nhân cao tuổi có nôn và tiêu chảy. Nôn và tiêu chảy có thể do nhiều căn nguyên gây ra. Hồi cứu về các trường hợp viêm ruột thừa bị bỏ sót cho thấy khoảng một nửa số bệnh nhân ban đầu đã được chẩn đoán nhầm là viêm dạ dày ruột.

Ngay cả khi các bệnh lý nguy hiểm đã được loại trừ, cần chú ý viêm dạ dày ruột cũng có thể gây bệnh nghiêm trọng ở bệnh nhân cao tuổi. Trong tất cả các ca tử vong do viêm dạ dày ruột, khoảng 2/3 xảy ra ở bệnh nhân lớn hơn 70 tuổi.

Bệnh lý đường mật: Là chẩn đoán thường gặp nhất ở bệnh nhân cao tuổi đến khám vì đau bụng. Khoảng 30-50% bệnh nhân trên 65 có sỏi túi mật. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân cao tuổi được chẩn đoán viêm túi mật khoảng 10%. Viêm túi mật không do sỏi chiếm khoảng 10% ở bệnh nhân cao tuổi bị tình trạng này. Kinh điển, chẩn đoán đòi hỏi phải có đau 1/4 trên bụng phải kết hợp với sốt và bạch cầu tăng. Thật không may, 25% bệnh nhân cao tuổi lại có thể không cảm thấy đau đáng kể, dưới 50% có sốt, nôn mửa, hoặc tăng bạch cầu. Việc chẩn đoán do đó có thể khó khăn trong nhóm tuổi này, và người thầy thuốc cần phải có tính hoài nghi cao.

Các biến chứng của bệnh lý đường mật bao gồm thủng túi mật, viêm tràn khí túi mật, viêm đường mật ngược dòng và liệt ruột do sỏi mật, chiếm khoảng 2% các trường hợp tắc ruột non ở người cao tuổi.

Viêm ruột thừa: Là một nguyên nhân đau bụng ít gặp ở bệnh nhân cao tuổi so với những bệnh nhân trẻ, chỉ có khoảng 10% các trường hợp viêm ruột thừa cấp xảy ra ở bệnh nhân trên 60 tuổi, trong khi đó 50% số ca tử vong do viêm ruột thừa lại xảy ra ở nhóm tuổi này. Tỷ lệ thủng ruột thừa ở bệnh nhân cao tuổi khoảng 50%, gấp 5 lần so với người trẻ tuổi. Điều này đa phần là do 75% số bệnh nhân cao tuổi thường để quá 24 giờ trước khi đi thăm khám.

Việc chẩn đoán có thể khó thực hiện, do trên 50% số bệnh nhân trong nhóm tuổi này không có sốt hoặc tăng bạch cầu. Ngoài ra khoảng 30% bệnh nhân không đau khu trú ở 1/4 dưới bụng phải, và 25% bệnh nhân không đau đáng kể ở 1/4 dưới bụng phải.

Chỉ có 20% bệnh nhân cao tuổi đến khám với biếng ăn, sốt, đau 1/4 bụng dưới phải và tăng bạch cầu. Chẩn đoán ban đầu thường không chính xác ở 40-50% bệnh nhân ở độ tuổi này. Tất cả các yếu tố trên góp phần làm chậm chẩn đoán và dẫn đến tỷ lệ biến chứng cao. Một hồi cứu trong 10 năm cho thấy chẩn đoán bị trì hoãn ở 35% bệnh nhân. Một lần nữa, cần phải có thái độ hoài nghi cao để tránh bỏ sót chẩn đoán.

Cần lưu ý gì?

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng ở người cao tuổi, biểu hiện đau bụng ở người cao tuổi thường không rõ ràng như người trẻ, cảm giác ở người bệnh cao tuổi thường không rõ ràng, khiến bệnh tiến triển đến giai đoạn nguy hiểm trước khi xuất hiện triệu chứng, do đó cần chú ý trong chăm sóc, để ý các dấu hiệu sớm của người bệnh dù mơ hồ để đi khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng, đặc biệt là người lớn tuổi nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, xử lý sớm tình trạng bệnh lý để tránh biến chứng nguy hiểm.     

 

TS. Nguyễn Văn Phương

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Cách ngừa thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ

 Sắt, acid folic là những vi chất dinh dưỡng rất quan trọng trong cơ thể, giúp vận chuyển oxy, có vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não ở trẻ nhỏ.

Ngoài ra, sắt còn tham gia vào thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch. Đặc biệt, bổ sung sắt - acid folic đầy đủ sẽ giúp thai nhi phát triển. Theo kết quả điều tra về vi chất toàn quốc năm 2015 cho thấy 27.8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu, tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em từ 6-24 tháng tuổi (42.7- 45%). Thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỷ lệ 63.6 % ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Vai trò của sắt trong cơ thể

Sắt cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển ôxy và CO2 trong quá trình hô hấp, có vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, sắt còn giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn vì sắt tham gia vào thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch, giúp biến đổi betacaroten thành vitamin A, giúp tạo colagen (giúp gắn kết các mô cơ thể). Nếu sắt không được cung cấp đủ sẽ đưa đến thiếu máu thiếu sắt. Lượng sắt ở trẻ sơ sinh là 250mg, ở trẻ 1 tuổi khoảng 420mg.

Với thai nhi, thiếu máu thường gây tình trạng sinh non và tử vong sơ sinh cao. Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh thường là do mẹ bị thiếu sắt nên lượng sắt dự trữ của cơ thể trẻ thấp. Khi mang thai tổng lượng sắt cần > 1.000mg hay nhu cầu sắt hàng ngày là 59,2mg sắt nguyên tố (so với 39,2mg/ngày ở phụ nữ không có thai).

Bổ sung thực phẩm giàu sắt.

Bổ sung thực phẩm giàu sắt.

Trẻ nhỏ dễ bị thiếu máu thiếu sắt

Sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp chất sắt duy nhất cho trẻ. Trong sữa mẹ tuy hàm lượng chất sắt không cao nhưng dễ hấp thu và được cơ thể trẻ hấp thu hoàn toàn. Sắt là thành phần quan trọng tham gia tạo hồng cầu, nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Trong năm đầu tiên của cuộc đời trẻ tăng trưởng rất nhanh, do đó lượng sắt cần nhiều hơn. Sắt cần cho quá trình tăng trưởng của các mô (tổ chức, cơ quan) và sự tăng khối lượng hồng cầu. Nhu cầu sắt cho 1kg thể trọng trẻ em cao hơn so với người trưởng thành, trong khi đó lượng thức ăn cho trẻ lại ít hơn. Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, thức ăn bổ sung cho trẻ thường là bột gạo, bột ngô loại thức ăn nghèo sắt và chất sắt trong các loại ngũ cốc rất khó hấp thu. Sắt có nhiều trong thức ăn động vật như thịt, trứng, gan, cá, tôm và trong đậu đỗ. Sắt trong thức ăn động vật có chất lượng cao và dễ hấp thu hơn sắt trong đậu đỗ. Vitamin C có trong rau xanh và các loại quả chín giúp hấp thu sắt tốt hơn. Bữa ăn cuả trẻ em nông thôn và những vùng khó khăn thường ít thức ăn giàu dinh dưỡng như đã kể trên. Vì vậy, khi cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) sớm và thức ăn bổ sung nghèo dinh dưõng sẽ dẫn đến thiếu máu.

Những dấu hiệu thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nhỏ?

Khi trẻ bị thiếu máu thiếu sắt bà mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể để ý và nhận ra. Những dấu hiệu của bệnh dễ nhận thấy ở trẻ như sau: da xanh xao, trông có vẻ yếu ớt, nhưng lưu ý là triệu chứng này xuất hiện từ từ, nhìn quen thì khó phát hiện. Nếu so sánh với các trẻ cùng trang lứa khoẻ mạnh thì bà mẹ sẽ thấy con mình da xanh hơn, cử động chậm chạp hơn. Trẻ có biểu hiện chán ăn, khó ngủ và ít ngủ, hay quấy khóc vật vã, có thể trẻ chậm vận động hơn các trẻ cùng tuổi như: chậm biết ngồi, chậm biết đứng, chậm biết đi; nắn thấy bắp thịt, chân tay của trẻ mềm nhẽo so với trẻ khoẻ mạnh khác. Trẻ có thể kêu đau nhức trong xương. Trường hợp bệnh thiếu máu nặng sẽ thấy tóc bị bạc màu, rụng tóc. Khi phát hiện con mình có một hay nhiều triệu chứng kể trên, các bà mẹ nên đưa trẻ đi khám ở bệnh viện để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng trầm trọng.

Làm thế nào để trẻ em không bị thiếu máu thiếu sắt?

Để phòng chống thiếu máu thiếu sắt hay còn gọi là thiếu máu dinh dưỡng cho trẻ em, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ, vì ngay từ khi còn là bào thai, trẻ đã nhận chất sắt từ người mẹ để phát triển và dự trữ. Sau khi sinh, trẻ tiếp tục nhận được sắt qua nguồn sữa mẹ. Ở trẻ nhỏ cần được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý, trẻ lớn hơn cần có chế độ dinh dưỡng đủ cả về số lượng và chất lượng. Bữa ăn của trẻ cần đủ năng lượng và các loại thực phẩm giàu sắt. Hàng ngày nên cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sắt có nguồn gốc từ động vật như: thịt đỏ (lợn, bò…), gan (gà, lợn, bò), trứng, sữa, tôm, cua, cá, ốc... các loại thực phẩm này cũng là nguồn chứa loại sắt có tỷ lệ hấp thu cao đồng thời cũng là nguồn cung cấp chất đạm rất quan trọng cho trẻ. Ngoài ra các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại họ đậu: các sản phẩm chế biến từ đậu tương (đậu phụ, sữa đậu nành), đậu xanh, đậu đen, lạc và vừng cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng. Muốn hấp thụ sắt tốt thì cần ăn các thức ăn có chứa nhiều vitamin C như các loại rau (rau ngót, rau muống, mồng tơi, quả đậu…), quả chín (chuối, đu đủ, cam, bưởi...).

Bên cạnh chế độ ăn, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ, quan tâm vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường để tránh nhiễm giun, đặc biệt là giun móc, giữ một vai trò quan trọng trong phòng chống thiếu máu ở trẻ em.

ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng)