Tắc lệ đạo là khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn.
Khi đó nước mắt không còn thoát được xuống mũi như bình thường và sẽ gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống, kích thích hoặc làm cho mắt bị nhiễm trùng mạn tính.
Lệ đạo là hệ thống ống, có cấu tạo đặc biệt, bắt đầu bằng điểm lệ ở góc trong của mi mắt và kết thúc tại khe mũi dưới.
Do đặc điểm giải phẫu là hệ thống ống nên bệnh lý thường gặp nhất ở lệ đạo là tắc lệ đạo. Khi có tắc lệ đạo, nước mắt không được dẫn lưu xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài. Vì vậy, triệu chứng thường gặp là chảy nước mắt. Nếu quá trình tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng ở túi lệ có thể gây ra nhiễm khuẩn tại đường lệ. Tắc lệ đạo có thể gây viêm nhiễm, đau nhức..., nếu để lâu sẽ dẫn tới những biến chứng tại mắt.
Ai cũng có thể mắc bệnh
Bệnh lý gây tắc lệ đạo có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến thanh thiếu niên, người cao tuổi. Trẻ sau khi sinh ra (nhất là trẻ đẻ thiếu tháng) cũng có thể bị tắc lệ đạo, gọi là tắc lệ đạo bẩm sinh. Nguyên nhân tắc thường do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng tắc. Hầu hết các trường hợp này có thể tự khỏi khi trẻ lớn dần.
Các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải thường do các chấn thương vùng mắt, xoang hoặc sau các phẫu thuật ở xoang hàm. Những viêm nhiễm mạn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc có thể gây nên chít hẹp lệ đạo. Tắc lệ đạo gặp ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới.
Hình ảnh tắc lệ đạo.
Biến chứng dễ gặp
Khi tắc lệ đạo, đặc biệt là tắc ở ống lệ mũi, có thể gây ra viêm túi lệ mạn tính. Bệnh nhân thường xuyên chảy nước mắt, kèm theo có chảy nhầy mủ. Vùng góc trong mắt có thể nề nhẹ, căng hơn. Ấn vào vùng này có nhầy mủ trào ra ở khóe mắt. Nếu không được điều trị, viêm mạn tính có thể tiến triển thành viêm cấp tính, gây áp-xe túi lệ, thậm chí gây rò, thoát mủ ra ngoài. Bệnh nhân thường đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ.
Các phương pháp trị tắc lệ đạo
Nhiều trường hợp tắc lệ đạo bẩm sinh sẽ tự cải thiện trong vòng vài tháng sau sinh khi hệ thống thoát lưu nước mắt của bé hoàn thiện hơn hoặc khi lớp màng che ống lệ mũi mở ra được. Trong một số trường hợp, bác sĩ nhãn khoa sẽ hướng dẫn cách ấn vuốt dọc cạnh mũi của bé để làm bật lớp màng này ra.
Hầu hết những trường hợp tắc lệ đạo sau chấn thương mặt sẽ không cần phương pháp điều trị hỗ trợ vì hệ thống thoát lưu nước mắt thường phải mất vài tháng mới tự hoạt động lại được. Do đó, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ đề nghị bệnh nhân chờ đợi vài tháng trước khi cân nhắc phẫu thuật.
Ở những trẻ mà sự bít tắc không tự cải thiện, hoặc các trường hợp người lớn bị bán tắc lệ đạo, hẹp bán phần điểm lệ, bác sĩ sẽ can thiệp bằng phương pháp thông lệ đạo. Một dụng cụ sẽ được dùng để nong giãn điểm lệ trước khi đưa que thông vào lệ đạo qua điểm lệ này. Chiếc que sẽ được luồn xuống đến mũi rồi rút ra. Sau đó, lệ đạo sẽ được bơm rửa với nước muối sinh lý để đẩy trôi những chất ứ đọng gây nghẹt.
Đối với các trường hợp lệ đạo bị hẹp tắc do viêm hoặc do mô sẹo, bác sĩ sẽ sử dụng một dây ống nhỏ luồn vào lệ đạo xuống tận ống lệ mũi, bơm hơi vào để phần bóng ở đầu ống phình ra nong chỗ hẹp, sau đó xả bóng. Phương pháp này cần phải gây mê toàn thân.
Một phương pháp khác, cũng cần gây mê toàn thân, gọi là phương pháp đặt ống. Bác sĩ sẽ đưa đoạn dây ống nhỏ vào lệ đạo thông qua 1 hoặc cả 2 điểm lệ ở góc trong của mắt, sau đó luồn hẳn xuống mũi và được giữ nguyên như vậy trong 3 - 4 tháng. Phần đầu ống ở điểm lệ được thắt nút để giữ cho dây không bị tuột mất. Điểm thắt này sẽ không gây cảm giác khó chịu.
Phẫu thuật thường được lựa chọn trong những trường hợp tắc lệ đạo tiến triển. Phương pháp này cũng khá hiệu quả đối với trẻ nhỏ bị tắc lệ đạo bẩm sinh. Tuy nhiên, nó được áp dụng sau khi các phương pháp trên thất bại.
Tiếp khẩu túi lệ mũi thường được dùng để điều trị hầu hết các trường hợp tắc lệ đạo. Bác sĩ sẽ tạo điểm thông nối giữa túi lệ và mũi. Do đó, nước mắt sẽ không còn chảy xuống ống lệ mũi, nơi tắc nghẽn, như trước mà chảy thẳng vào mũi bằng đường dẫn mới. Để chỗ thông nối được ổn định, bác sĩ sẽ đặt ống vào trong và lưu ống từ 3 - 4 tháng mới lấy ra.
Để phòng ngừa viêm nhiễm sau mổ, sẽ cần sử dụng thuốc co mạch mũi và thuốc nhỏ mắt. Sau 3-6 tháng, ống đặt bên trong sẽ được lấy ra.
Nếu tắc lệ đạo do u chèn ép, phẫu thuật cắt khối u hoặc các phương pháp khác nhằm làm giảm kích thước khối u sẽ được thực hiện để giải quyết nguyên nhân.
BS. Minh Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét