Các chuyên gia cảnh báo do việc nghiên cứu kháng sinh mới
khó khăn, tốn kém và lâu dài nên việc kháng kháng sinh sẽ vô cùng nguy hiểm cho
bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng ở các khoa hồi sức và điều trị tích cực bởi không có
thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và
chống độc Việt Nam cho biết tình trạng kháng thuốc kháng sinh và kháng đa thuốc
đang rất nan giải, nhất là ở các khoa hồi sức tích cực. Việt Nam có tỉ lệ kháng
thuốc kháng sinh vào loại cao nhất.
Các chuyên gia cũng cảnh báo do việc nghiên cứu kháng sinh mới
khó khăn, tốn kém và lâu dài nên việc kháng kháng sinh sẽ vô cùng nguy hiểm cho
bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng ở các khoa hồi sức và điều trị tích cực bởi không có
thuốc điều trị đặc hiệu.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Khoa học thường niên
chuyên ngành Hồi sức cấp cứu (HSCC) và Chống độc lần thứ 16 tổ chức tại Bệnh viện
Bạch Mai ngày 13-14/4.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh,
Bộ Y tế cho biết hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt
với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Trong khi các quốc
gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới
kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo hơn, nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu
vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc kháng sinh.
Một khảo sát của Bộ Y tế trước đó cho thấy ở khu vực thành
thị có đến 88% kháng sinh được bán ra mà không cần kê đơn, trong khi ở nông
thôn tỉ lệ này còn cao hơn, lên đến 91%. Ngoài ra một trong những nguyên nhân
khiến tình trạng kháng thuốc gia tăng là do các bác sĩ sử dụng kháng sinh không
hợp lý. Theo khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy, khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ
kê đơn bất hợp lý; 32% bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân
không nhiễm khuẩn; 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết…
Chăm sóc bệnh nhân có biểu hiện kháng thuốc tại Khoa Truyền
nhiễm, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương
Ảnh Báo Tin tức
GS. Vũ Văn Đính, Nguyên Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống
độc Việt Nam chia sẻ: Vấn đề kháng sinh và đặc biệt, tình trạng đa kháng thuốc
của vi khuẩn rất nan giải, nhất là tại các khoa Hồi sức tích cực. Hiện nay, Việt
Nam là một trong những nước có tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh vào loại cao nhất,
kéo dài ngày điều trịtrung bình, tăng tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân tại khoa
cấp cứu và hồi sức.
Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu tham gia Hội nghị đã
tập trung tham luận về những vấn đề mang tính thời sự của chuyên nghành như cập
nhật những hiểu biết mới về sinh bệnh học của nhiễm khuẩn (sepsis) và các ứng dụng
trong thực hành lâm sàng ở Việt Nam để làm giảm tỉ lệ tử vong do nhiễm khuẩn.
Bên cạnh các vi khuẩn kháng thuốc là thực trạng và các giải pháp của tình trạng
gia tăng nhiễm nấm trong các khoa hồi sức cấp cứu cũng được các báo cáo đề cập
đến.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra một hoạt động hết sức
ý nghĩa, đó là việc xuất bản sách “Kháng sinh dùng trong Hồi sức cấp cứu” - đây
được coi là một trong các hướng dẫn thực hành sử dụng kháng sinh thích hợp
trong kỉ nguyên đa kháng thuốc.
Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, Bộ Y tế đã thiết lập
mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn
2016-2020 với 16 bệnh viện tham gia giám sát trọng điểm về kháng thuốc.
Các đơn vị này thực hiện việc lấy mẫu (máu, nước tiểu, phân,
dịch đường sinh dục, tiết niệu), nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ một cách
thường quy. Mạng lưới này cũng có nhiệm vụ phân tích và báo cáo dữ liệu quốc
gia về kháng thuốc gồm: giám sát sự kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh liên
quan đến nhiễm khuẩn trên người; sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc mới
và/hoặc bất thường; giám sát mức độ nghiêm trọng, sự lây lan và vấn đề dịch tễ
của vi khuẩn kháng thuốc… Các thông tin này sẽ được cung cấp cho cơ sở y tế, cộng
đồng và mạng lưới quốc tế.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo hiện Việt Nam được xếp vào một
trong những nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất. Tình trạng bị kháng thuốc
không chỉ xảy ra ở thuốc điều trị lao, sốt rét, viêm phổi… mà cả với thuốc dự
phòng HIV/AIDS, các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới.
Theo nguồn báo Sức Khỏe & Đời Sống