Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Giảm béo bằng thuốc sao cho an toàn?

Béo phì không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn là mối đe dọa lớn cho sức khỏe, là cửa ngõ liên quan tới các bệnh lý hoặc rối loạn khác như đái tháo đường, tăng huyết áp,
Béo phì không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn là mối đe dọa lớn cho sức khỏe, là cửa ngõ liên quan tới các bệnh lý hoặc rối loạn khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và có xu hướng bị hư các khớp nâng đỡ (khớp háng, đầu gối, cột sống...). Do vậy, để kiểm soát, ngăn ngừa bệnh tật, cần kiểm soát cân nặng (giảm cân). Một trong các phương pháp hỗ trợ giảm béo là dùng thuốc.
Các thuốc giảm béo
Mặc dù người ta đã tìm ra được một số gen có liên quan tới thừa cân, béo phì, nhưng thực chất hội chứng này mang bản chất của một số rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng nhiều hơn.



Thuốc giảm cân phải dùng theo đúng chỉ định mới đạt hiệu quả.
Cách thức hoạt động của các thuốc có tác dụng giảm cân là tác động trực tiếp vào hệ tiêu hóa và những bộ phận có liên quan nhằm hai mục đích chính: giảm hấp thu và chán ăn. Kết quả cuối cùng là lượng dinh dưỡng trong cơ thể giảm xuống và chúng ta giảm được cân.
Một số thuốc giảm cân được FDA (Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ) phê duyệt như benzphetamine, diethylpropion, phendimetrazine, phentermine có tác dụng làm giảm sự thèm ăn, làm tăng cảm giác no nhưng lại có tác dụng phụ làm tăng huyết áp và nhịp tim, gây căng thẳng, mất ngủ, khô miệng, táo bón; Thuốc lorcaserin cũng có tác dụng làm giảm sự thèm ăn, làm tăng cảm giác no, nhưng làm tăng nhịp tim, gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn; Orlistat (xenical) có tác dụng làm ức chế men tiêu hóa mỡ lipase tại ruột nên gần như toàn bộ lượng mỡ ăn vào không được hấp thu nên làm giảm cân. Tác dụng phụ của thuốc lại gây tiêu chảy, phân lỏng, nhiều mỡ. Người bệnh sẽ thấy rất khó chịu vì thường xuyên sôi bụng, đau bụng, quặn bụng. Nguy hiểm hơn là dùng thuốc kéo dài sẽ làm giảm hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K... và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy do thiếu các vitamin này như gây loãng xương (do thiếu vitamin D), rối loạn đông máu do giảm vitamin K. Vì thế không được dùng thuốc kéo dài... Ngoài ra, sau khi dùng orlistat, đã có trường hợp tổn thương gan nghiêm trọng đã được báo cáo ở một số người dùng với các biểu hiện ngứa, chán ăn, vàng mắt hoặc da, phân có màu sáng, hay nước tiểu màu nâu.
Một số thuốc giảm béo chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn (thường ít hơn 12 tuần) như diethylpropion, phentermine, benzphetamine. Những loại thuốc này được phân loại là chất bị kiểm soát (vì rất dễ bị lạm dụng).
Dùng thuốc khi nào?
Thông thường thừa cân, béo phì là do quá trình ăn uống thừa chất dinh dưỡng sinh năng lượng (đường, bột, béo) nhưng lại không có sự vận động thích hợp để tiêu hao năng lượng. Năng lượng thừa biến thành mỡ gây dư cân béo phì. Vì vậy, để giảm cân phải đồng thời tác động đến 2 yếu tố: chế độ dinh dưỡng thích hợp (ăn kiêng) và chế độ tập luyện thể dục thích hợp.
Chỉ dùng thuốc giảm béo khi chế độ ăn uống, luyện tập không kiểm soát được trọng lượng hoặc những người có vấn đề sức khỏe vì trọng lượng của họ như các vấn đề về tim mạch (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột qụy não), xương khớp...



Thuốc giảm cân phải được dùng theo chỉ định và kết hợp thực hiện chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp.
Thuốc giảm cân phải được dùng theo chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Trước khi lựa chọn một loại thuốc giảm cân cho bạn, bác sĩ sẽ xem xét lịch sử sức khỏe của bạn, các nguy cơ bệnh tật, tác dụng phụ và tương tác tiềm năng của thuốc giảm cân với các loại thuốc khác (mà bạn đang dùng) để chỉ định thuốc phù hợp, an toàn... Thuốc sẽ có hiệu quả cao khi người dùng thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, luyện tập thể lực tích cực. Không nên lầm tưởng về những tác dụng “thần kỳ” mà thuốc giảm béo có thể đem lại. Thuốc giảm béo không điều trị được bệnh béo phì. Khi ngừng uống thuốc, nếu không duy trì một chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh và tập luyện thường xuyên, cân nặng của bạn sẽ tăng trở lại.
Giảm cân nặng cần phải có thời gian và giảm từ từ. Thông thường khi kết hợp với một chế độ ăn ít calo và tập thể dục thường xuyên, cùng với việc dùng thuốc cơ thể sẽ giảm được từ 5 - 10% trọng lượng cơ thể trong vòng một năm. Cần cảnh giác với các loại thuốc giảm cân nhanh, cấp tốc... Thực chất các loại thuốc “giảm cân cấp tốc” này chỉ là những thuốc gây tiêu chảy, mất nước và không được gọi là thuốc giảm béo. Người dùng có thể gặp những biến cố tai hại do sự thay đổi quá nhanh và quá đột ngột gây ra. Không nên mua thuốc giảm cân trôi nổi trên thị trường, đề phòng hàng giả mạo, chứa chất cấm... gây những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo nguồn báo  http://suckhoedoisong.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét