Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Các cách kiểm soát tăng huyết áp không dùng thuốc

Những người bị tăng huyết áp thường cần một số loại thuốc để kiểm soát huyết áp. Nhưng thay đổi lối sống có thể làm hạ huyết áp và thậm chí có thể loại bỏ sự cần thiết sử dụng các loại thuốc tân dược.
Những người bị tăng huyết áp thường cần một số loại thuốc để kiểm soát huyết áp. Nhưng thay đổi lối sống có thể làm hạ huyết áp và thậm chí có thể loại bỏ sự cần thiết sử dụng các loại thuốc tân dược.
Bằng cách thay đổi lối sống, bạn có thể làm giảm huyết áp và giảm nguy cơ bệnh tim. Lối sống đóng một vai trò quan trọng trong điều trị bệnh tăng huyết áp. Nếu bạn kiểm soát thành công huyết áp của bạn với một lối sống lành mạnh, bạn có thể tránh, trì hoãn hoặc làm giảm nhu cầu dùng thuốc.
Dưới đây là 10 sự thay đổi lối sống của bạn có thể làm hạ huyết áp của bạn và giữ huyết áp trong vòng kiểm soát.
1. Giảm cân thừa và để mắt đến vòng eo của bạn
Huyết áp thường tăng lên khi tăng trọng lượng. Thừa cân, béo phì cũng có thể gây gián đoạn hơi thở trong khi ngủ (sleep apnea) và làm tăng huyết áp của bạn. Giảm cân là một trong những thay đổi lối sống có hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp. Mất khoảng 4,5kg có thể giúp giảm huyết áp nếu bạn thừa cân. Kiểm soát vòng eo trong giới hạn cho phép: Đàn ông <90cm. Phụ nữ <80cm theo chuẩn người châu Á.

Rèn luyện thể lực thường xuyên giúp phòng tránh tăng huyết áp. Ảnh: TM
2. Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể chất thường xuyên, ít nhất là 30 phút hầu hết các ngày trong tuần có thể làm giảm huyết áp của bạn từ 4-9mmHg. Nếu bạn có huyết áp hơi cao (tiền tăng huyết áp), tập thể dục có thể giúp bạn tránh tăng huyết áp thực sự. Các môn tập thể dục tốt nhất để làm giảm huyết áp bao gồm đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội hoặc khiêu vũ. Nếu không có 30 phút liên tục để tập thể dục thì có thể tập 10-15 phút/lần, vài lần mỗi ngày.
3. Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn một chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả và các sản phẩm từ sữa ít chất béo và chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm huyết áp của bạn lên tới 14mmHg. Bổ sung thêm kali bằng cách ăn 3-5 trái chuối chín hàng ngày.
4. Giảm natri (muối)
Thậm chí giảm chút ít natri trong chế độ ăn uống của bạn có thể làm giảm huyết áp từ 2-8mmHg. Nói chung, hạn chế lượng muối xuống dưới 2.300mg mỗi ngày hoặc ít hơn, người đã bị tăng huyết áp nên dùng ít hơn 1.500mg mỗi ngày. Ít ăn thực phẩm chế biến và đóng hộp. Chỉ một lượng nhỏ natri tự nhiên trong thực phẩm là đủ. Đừng thêm muối, chỉ cần 1 muỗng cà phê muối đã có 2.300mg natri. Sử dụng các loại thảo mộc hoặc gia vị để thêm hương vị cho món ăn của bạn.
 Tôi đã “thoát khỏi” căn bệnh MỒ HÔI TAY CHÂN NHIỀU sau bao năm chịu khổ 20 năm "khổ sở" với Hen suyễn, Đờm ho, Khó thở vì không biết tới Lá Hen
5. Hạn chế uống rượu
Nghiên cứu cho thấy, uống khoảng 1 ly rượu vang đỏ mỗi ngày thì nguy cơ tăng huyết áp có thể thấp hơn bởi vì rượu vang đỏ có chứa chất resveratrol được cho là có tác dụng bảo vệ tim và não. Không nên uống nhiều hơn.
6. Bỏ hút thuốc lá
Mỗi điếu thuốc bạn hút làm tăng huyết áp của bạn trong nhiều phút sau hút xong. Bỏ hút thuốc lá sẽ giúp trả lại huyết áp bình thường. Những người bỏ hút thuốc lá, bất kể tuổi tác, có sự gia tăng đáng kể tuổi thọ.

Chế độ ăn uống giàu ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm huyết áp.
7. Uống cà phê vừa phải
Caffeine có thể làm tăng huyết áp khoảng 5-10mmHg ở những người hiếm khi uống cà phê, nhưng có rất ít hoặc không có tác động đến huyết áp ở những người uống cà phê thường xuyên thành thói quen. Để xem caffeine có làm tăng huyết áp không, hãy kiểm tra huyết áp trong vòng 30 phút uống một thức uống chứa caffeine, nếu huyết áp của bạn tăng từ 5 - 10mmHg, bạn có thể nhạy cảm với caffeine, nếu đã vậy thì bạn nên hạn chế thức uống chứa caffeine.
8. Giảm stress
Stress mạn tính đóng góp quan trọng đối với bệnh tăng huyết áp. Stress có thể đóng góp cho huyết áp cao nếu bạn giải quyết stress bằng cách ăn thực phẩm không lành mạnh, uống rượu hay hút thuốc. Biết stress gây nên, tránh và giải quyết dứt điểm bất cứ điều gì gây nên stress là cách tốt nhất, thử bàn bạc với mọi người trong gia đình hoặc nơi làm việc để tháo gỡ ngay khi có stress. Thử tập yoga, thiền khi bạn lâm vào stress sẽ có kết quả khả quan hơn.
9. Theo dõi huyết áp và khám sức khỏe thường xuyên
Giám sát tại nhà có thể giúp bạn theo dõi thường xuyên huyết áp, điều chỉnh ngay lối sống của bạn để đạt huyết áp mong muốn và cảnh báo cho bạn đồng thời thông tin cho bác sĩ của bạn để xử lý kịp thời. Thăm khám thường xuyên với bác sĩ cũng là chìa khóa để kiểm soát huyết áp của bạn. Nếu huyết áp của bạn được kiểm soát tốt, bạn có thể cần phải đi khám chỉ mỗi 03- 06 tháng/ lần. Nếu huyết áp của bạn không được kiểm soát tốt, bác sĩ của bạn sẽ cho lịch hẹn tái khám thường xuyên hơn. Khi đi khám, nên đưa cho bác sĩ xem nhật ký ghi chép huyết áp hàng ngày của bạn, những triệu chứng xuất hiện thời gian vừa qua, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn điều chỉnh lối sống tiếp theo nếu thấy cần thiết.
10. Tìm sự hậu thuẫn của người thân và bạn bè

Gia đình và bạn bè ủng hộ có thể giúp cải thiện sức khỏe của bạn. Họ có thể khuyến khích bạn để chăm sóc bản thân, nhắc bạn đi khám định kỳ hoặc tham gia vào một chương trình tập thể dục với bạn để giữ cho huyết áp ổn định. Nếu bạn thấy bạn cần hỗ trợ ngoài phạm vi gia đình và bạn bè của bạn, hãy xem xét tham gia một nhóm hỗ trợ hoặc hội viên của hội huyết áp địa phương. Điều này có thể giúp bạn liên lạc với những người có thể cung cấp cho bạn một lời khuyên thiết thực để đối phó với tình trạng của bạn.

Theo báo SKĐS

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Theo dõi diễn biến và xử trí bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết hiện đang là bệnh xảy ra khá phổ biến tại một số địa phương với nhiều người mắc bệnh, với những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và tỷ lệ diễn biến nặng cao. Nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy không nên chủ quan khi đối diện với sốt xuất huyết vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh.

Diễn biến bệnh sốt xuất huyết

Bệnh thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua ba giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

 
Vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh

Giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24 - 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau. Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ; huyết áp bị kẹt với hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg; huyết áp bị tụt hoặc không đo được; lượng nước tiểu ít. Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng. Dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện với hiện tượng chảy máu mũi, lợi; đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể thấy ở hệ tiêu hóa, phổi, não; đây là dấu hiệu nặng. Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy phủ tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không bị sốc; vì vậy trên thực tế lâm sàng cần cảnh giác. Khi xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy dung tích hồng cầu (hematocrite) tăng so với giá trị ban đầu của người bệnh hoặc so với giá trị trung bình của dân số ở cùng lứa tuổi; số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3 máu, enzyme AST (aspartat transaminase), ALT (alanin transaminase) thường tăng; trong trường hợp nặng có thể có rối loạn đông máu. Siêu âm hoặc chụp phim Xquang có thể phát hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi.

          Giai đoạn hồi phục thường xảy ra từ 24 - 48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm khi có hiện tượng tái hấp thu dần từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch máu. Giai đoạn hồi phục kéo dài khoảng từ 48 - 72 giờ sau đó. Người bệnh hết sốt, thể trạng được tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và bắt đầu đi tiểu nhiều. Bệnh nhân có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ. Trong giai đoạn này cần thận trọng vì nếu truyền dịch không kiểm soát, truyền dịch quá mức có thể gây nên phù phổi hoặc suy tim. Xét nghiệm cận lâm sàng thấy dung tích hồng cầu (hematocrite) trở về chỉ số bình thường hoặc có thể thấp hơn do hiện tượng pha loãng máu khi dịch được tái hấp thu trở lại. Số lượng bạch cầu ở trong máu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt. Số lượng tiểu cầu dần dần trở về chỉ số bình thường nhưng có thể chậm hơn so với số lượng bạch cầu.

          Với diễn biến lâm sàng qua 3 giai đoạn đã nêu trên, việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ rất cần thiết để có biện pháp xử trí phù hợp theo từng giai đoạn và tiên lượng trước khả năng có thể ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là những biến chứng trầm trọng xảy ra.

 
Nằm màn là một cách phòng bệnh hiệu quả


Các mức độ của bệnh sốt xuất huyết

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo bệnh sốt xuất huyết xảy ra gồm 3 mức độ khác nhau là sốt xuất huyết, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.

- Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo gồm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết đã nêu trên và kèm theo các dấu hiệu cảnh báo như vật vã, lừ đừ, li bì. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, gan to trên 2cm; nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, đi tiểu ít. Xét nghiệm cận lâm sàng thấy dung tích hồng cầu (hematocrite) tăng cao và tiểu cầu giảm nhanh chóng. Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm dung tích hồng cầu, tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời.

- Sốt xuất huyết nặng xảy ra khi người bệnh có một trong các biểu hiện thoát huyết tương nặng dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích hay còn gọi là sốc sốt xuất huyết, có ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều; có dấu hiệu xuất huyết nặng và suy tạng.
Sốc sốt xuất huyết có biểu hiện suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh với các triệu chứng như vật vã, bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt, hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg, tụt huyết áp hay không đo được huyết áp; đi tiểu ít. Sốc sốt xuất huyết lại được chia làm 2 mức độ để điều trị bù dịch gồm sốc sốt xuất huyết có dấu hiệu như suy tuần hoàn, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt; kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã, li bì và sốc sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được. Cần chú ý trong quá trình theo dõi diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng; vì vậy khi thăm khám phải phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có định hướng xử trí phù hợp.

- Xuất huyết nặng được biểu hiện triệu chứng chảy máu cam nặng nên cần nhét gạc vào vách mũi để cầm máu, bị rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng; thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu ôxy mô và toan chuyển hóa, có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng. Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin); ibuprofen hoặc dùng thuốc corticoid; bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn tính.

- Suy tạng nặng được biểu hiện các dấu hiệu suy gan cấp, men gan AST, ALT có thể bằng hoặc dưới 1.000U/L; suy thận cấp; rối loạn tri giác trong sốt xuất huyết thể não. Có thể viêm cơ tim, suy tim hoặc suy chức năng các cơ quan khác.

Lời khuyên của thầy thuốc
- Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được. Vì vậy, ngành y tế cùng phối hợp với cộng đồng người dân thực hiện công tác giám sát, phòng chống bệnh một cách chặt chẽ. Phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát được hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như tránh muỗi đốt kể cả ban ngành; diệt bọ gậy muỗi, loăng quăng muỗi và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi; đồng thời thường xuyên vệ sinh cảnh quan, môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi ở trong nhà và ngoài nhà. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp; mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi có những biến chứng trầm trọng xảy ra. Bệnh nhân chỉ được xuất viện về nhà khi hết sốt trong vòng 2 ngày, tỉnh táo; mạch, huyết áp bình thường; số lượng tiểu cầu máu phải trên 50.000/mm3 máu.



Nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

TRIỂN LÃM QUỐC TẾ CHUYÊN NGÀNH Y DƯỢC THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ 17 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


 * Công ty TNHH Dược Phẩm Y MED 
Kính mời quý khách hàng đến tham dự triển lãm tại gian hàng của chúng tôi G131 (thời gian từ 17/8/2017 đến 19/8/2017).
📣_ Hiện chúng tôi đang trưng bày để quý khách dùng thử và trải nghiệm dòng sản phẩm thiết bị y tế & chăm sóc sức khỏe
📣_ Bên cạnh đó chúng tôi còn giới thiệu thêm đến Quý Khách hàng cách sản phẩm thuốc mới (thuốc kê toa và thuốc không kê toa)
📣_ Một số nguyên liệu ngành dược & vật tư Y Tế.
Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược thường niên lần thứ 17 tại TP. Hồ Chí Minh – VIETNAM MEDI-PHARM EXPO 2017 IN HCMC sẽ diễn ra từ ngày 17-19/8/2017 tại Trung tâm Triển lãm & Hội nghị Sài Gòn (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, P. Tân Phú, Q. 7, TP. Hồ Chí Minh.




















Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

THUỐC CHỐNG TRẦM CẢM Ở PHỤ NỮ CÓ THAI: KHÔNG TÁC ĐỘNG ĐẾN IQ CỦA TRẺ

Tâm thần học JAMA. Xuất bản trực tuyến ngày 12 tháng 7 năm 2017

Theo nghiên cứu mới cho thấy,  không có sự liên quan đáng kể giữa khuyết tật về trí tuệ ở trẻ em và việc sử dụng thuốc chống trầm cảm ở mẹ trong thai kỳ.


Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y Icahn ở Núi Sinai, thành phố New York, nhận thấy rằng khuyết tật trí tuệ được chẩn đoán ở 37 trẻ (0,9%) đã từng tiếp xúc với thuốc chống trầm cảm so với 819 (0,5%) trẻ không bị phơi nhiễm.
Mặc dù ước tính nguy cơ tương đối cao hơn (RR) tình trạng khuyết tật về trí tuệ, nhưng một khi các yếu tố gây nhầm lẫn như tuổi sinh đẻ và lịch sử tâm thần đã được tính, rủi ro không còn được coi là có ý nghĩa thống kê nữa.
"Thông điệp mang về cho các bác sĩ lâm sàng từ nghiên cứu của chúng tôi là mặc dù có sự liên quan giữa sử dụng thuốc chống trầm cảm trong thai kỳ - đặc biệt là các chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) - và tình trạng khuyết tật trí tuệ ở con cái, có lẽ không phải do thuốc", tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ, giáo sư tâm thần học Abraham Reichenberg, Trường Y Icahn, nói với Medscape Medical News
"Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, sự liên quan là do các đặc điểm khác của cha mẹ mà chúng ta biết có liên quan đến khuyết tật trí tuệ, bao gồm tiền sử rối loạn tâm thần, độ tuổi của cha mẹ và các rối loạn tâm thần ở mẹ trước khi mang thai" Tiến sĩ nói.
Nghiên cứu được công bố trực tuyến vào ngày 12 tháng 7 tại JAMA Psychiatry.

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Không phải nước nào cũng dùng để uống thuốc

Về việc uống thuốc khi bị bệnh, nhiều người chủ quan cho rằng: dùng nước nào cũng như nhau miễn là cho thuốc vào trong người là sẽ bớt bệnh. Đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, vì việc dùng nước tùy tiện để uống thuốc không chỉ phản tác dụng mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Một số loại nước dưới dây nên tránh uống cùng với thuốc:
Nước trái cây
Nước ép trái cây và thuốc chính xác là một sự kết hợp sai trái.
Các loại nước trái cây như nước cam, nước có thể làm cho thuốc kháng sinh như Ampicillin, Erythromycin, Lincomycin bị hỏng bởi các loại kháng sinh này kém bền vững ở môi trường axit.
Ngoài ra nước cam, nước táo khi dùng uống thuốc còn có thể làm giảm sự hấp thu một số loại thuốc.
Nước nho ép dùng uống thuốc có thể làm giảm tác dụng và làm tăng phản ứng phụ của thuốc, lý do là vì nước nho ép có thể ức chế các men trong quá trình hấp thụ thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh tim mạch và thuốc chống nấm.
Trong khi đó, nước ép lựu có chứa một loại enzym có thể làm giảm tác dụng của các thuốc trị tăng huyết áp.
Nghiêm trọng nhất là nước bưởi chùm (grape-fruit) có tên khoa học Citrus paradises. Loại bưởi này chứa hoạt chất naringin và bergamotin khi uống chung với một số thuốc như statin trị rối loạn lipid, atelenol trị tăng huyết áp... sẽ làm tăng độc tính của thuốc do naringin ức chế men chuyển hóa thuốc ở gan, dẫn đến nồng độ thuốc tăng cao trong máu.


Sữa
Sữa không tốt với một số loại thuốc kháng sinh vì trong sữa có chứa canxi có thể sẽ tạo thành phức hợp không tan, làm kháng sinh không hấp thu được vào máu cho thuốc tác dụng. 


Nước ngọt có ga
Uống nhiều nước ngọt có ga không tốt cho sức khỏe, dùng nước ngọt có ga để uống thuốc lại càng không tốt.
Nước ngọt có ga có chứa caffein, là chất kích thích giúp tỉnh táo. Chúng sẽ kết hợp với thuốc có thành phần sắt, tạo thành kết tủa không hấp thu được vào cơ thể.


Nước trà
Trà xanh chính là thức uống khắc tinh với một loại thuốc chống ung thư có tên là bortezomib.
Lý do là vì trong trà có chất tanin, khiến nhiều loại thuốc mất tác dụng.




Bia, rượu và thức uống có cồn
Trong khi đang dùng thuốc, nhất là loại thuốc có hoạt chất là acetaminophen như: Padol, Panadol… nếu uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy gan.
Ngoài ra, rượu còn hạn chế tác dụng chữa bệnh của các loại thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh thần kinh và làm tăng tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh khác.
Không chỉ vậy, rượu còn làm tăng độc tính hại gan của paracetamol, tăng độc tính hại dạ dày của aspirin, tăng độc tính gây mê của thuốc an thần gây ngủ.
Riêng với kháng sinh như thuốc metronidazol, các cephalosporin... nếu uống chung với rượu bia sẽ gây phản ứng antabuse gây vật vã, hạ huyết áp rất khó chịu.
Bên cạnh việc dùng nước, một số người cũng có thói quen dùng chuối để thay nước uống thuốc. Tuy nhiên cũng cần rất thận trọng với cách uống thuốc này vì chuối là loại trái cây giàu kali. Và hơn hết, việc uống thuốc bằng chuối có thể gây mắc nghẹn.

Vậy nước nào tốt nhất dùng để uống thuốc?
Câu trả lời chính là nước sạch đun sôi để nguội.

Nước lọc chính là loại nước tốt nhất dùng để uống thuốc.


Theo tạp chí Sống Khỏe

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Ngừa mảng bám xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch hoặc sự phát triển của mảng bám trong động mạch làm cho lòng động mạch hẹp dần và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như cơn đau tim và đột quỵ. ...

Xơ vữa động mạch hoặc sự phát triển của mảng bám trong động mạch làm cho lòng động mạch hẹp dần và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như cơn đau tim và đột quỵ. Mảng bám xơ vữa được tạo thành từ chất béo, và hai thủ phạm chính dẫn đến sự hình thành mảng bám xơ vữa là những chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm.
Nguyên nhân gây mảng bám xơ vữa động mạch
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp thường không có bất kỳ triệu chứng đặc hiệu báo trước, do đó rất dễ chủ quan, bỏ sót. Kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là ở người lớn tuổi là điều cần thiết. Khi huyết áp ở mức cao, gây tác động xấu lên thành động mạch làm cho thành động mạch bị hư hỏng và trở nên dễ bị mảng bám xơ vữa.
- Đường trong máu cao: Nếu bạn bị đái tháo đường và lượng đường trong máu của bạn không được kiểm soát tốt, bạn cần phải được điều trị. Đường trong máu quá cao có thể làm hỏng thành động mạch và đây có thể là thủ phạm chính gây ra mảng bám xơ vữa động mạch và có thể dẫn đến xơ vữa động mạch.

- Tiêu thụ nhiều rượu: Uống nhiều rượu có thể làm hại sức khỏe và có thể làm tăng huyết áp và dẫn đến tăng mức cholesterol xấu trong máu. Hạn chế tiêu thụ rượu hàng ngày để tránh bị xơ vữa động mạch.


- Thừa cân: Nếu thừa cân, bạn có nhiều khả năng có mức cholesterol cao hơn và có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Giảm cân có thể làm giảm đáng kể các nguy cơ này và có thể ngăn ngừa sự hình thành mảng bám xơ vữa trong động mạch.
- Thiếu vận động: Lối sống ít vận động, thiếu tập thể dục và ít hoạt động thể chất làm cho bạn có nguy cơ bị thừa cân và phát triển bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và cholesterol cao trong máu. Các yếu tố nguy cơ vừa nêu góp phần gây ra mảng bám xơ vữa trong động mạch và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe.
- Ăn nhiều chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống là một trong những thủ phạm chính dẫn đến xơ vữa động mạch và gây ra mảng bám xơ vữa tích tụ trong lòng động mạch. Các nguồn chính của chất béo bão hòa là: bơ, các sản phẩm sữa nguyên chất, phô mai, thịt đã xử lý.
- Chế độ ăn uống giàu cholesterol: Thịt, trứng, phô mai và các sản phẩm sữa béo là các thực phẩm giàu cholesterol và đây cũng là lý do để hình thành mảng bám xơ vữa.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc rất có hại cho sức khỏe. Chất nicotin tìm thấy trong thuốc lá có thể làm hỏng lớp niêm mạc động mạch và các động mạch bị tổn thương dễ dàng hình thành mảng bám xơ vữa.
Thực phẩm phòng ngừa mảng bám xơ vữa động mạch
Dưới đây là một số thực phẩm có thể hữu ích để ngăn ngừa, thậm chí loại bỏ sự tích tụ mảng bám xơ vữa động mạch.
- Măng tây: Măng tây có chứa chất xơ, vitamin và khoáng chất. Vitamin C, E, K, B1 và B2 có trong măng tây rất hữu ích trong việc duy trì sức khỏe động mạch và có thể giúp ổn định huyết áp. Tốt nhất nên ăn tươi hoặc hấp măng tây.
- Trái bơ: Bơ có nhiều chất béo tốt và rất có lợi cho sức khỏe. Nên thêm bơ vào món xà lách, bánh mì hoặc thêm vào nước trái cây, tạo ra vị ngon và chứa đầy chất xơ, vitamin, chất chống ôxy hóa, chất béo tốt và khoáng chất. Bơ có khả năng làm giảm mức cholesterol trong máu đáng kể và cũng làm tăng HDL trong máu. HDL có thể có lợi cho các động mạch và có khả năng loại bỏ các mảng bám xơ vữa đã được hình thành.
- Bông cải xanh: Mức vitamin K cao có trong bông cải xanh rất tốt cho việc duy trì các động mạch khỏe mạnh. Bông cải xanh cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác và có thể làm giảm mức LDL. Bông cải xanh có nhiều chất xơ và cũng có thể làm giảm huyết áp. Tất cả những yếu tố này là hữu ích trong việc ngăn ngừa hình thành mảng bám xơ vữa và có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
- Các quả mọng: Những quả mọng này có nhiều các chất chống ôxy hóa. Các chất chống ôxy hóa làm tăng mức “cholesterol tốt” HDL trong máu. Nên sử dụng các quả mọng như một phần của chế độ ăn uống hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và nhiều bệnh khác.
- Cá béo nước lạnh: Cá béo nước lạnh là thực phẩm được biết đến để làm sạch các động mạch. Cá ngừ, cá hồi, cá thu và cá mòi có chứa chất béo tốt và rất hữu ích để giảm viêm và hạn chế mảng bám xơ vữa tích tụ trong các động mạch. Nên ăn cá béo nước lạnh hai lần một tuần để hạn chế xơ vữa động mạch và tăng cường sức khỏe tim mạch.
- Các loại hạt: Hạt dẻ, hạt hạnh nhân, hạt hướng dương, quả óc chó là những lựa chọn ăn nhẹ lành mạnh nhất. Các loại hạt này có chứa vitamin E và chất béo không no, giúp giảm tỷ lệ viêm và giảm hình thành mảng bám xơ vữa trong động mạch.

(theo nguồn báo SKĐS)

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Những thực phẩm nên và không nên ăn khi sử dụng kháng sinh.

Các sản phẩm từ sữa và đường là những thực phẩm phải tránh khi dùng kháng sinh. Đây là những chất gây dị ứng thông thường.
Bạn nên chú ý đến sức khỏe bản thân nhiều hơn khi đang sử dụng thuốc kháng sinh do các bệnh nhiễm trùng đang tấn công cơ thể và thuốc kháng sinh cũng có thể gây hại cho cơ thể.
Thuốc kháng sinh có thể giết chết vi khuẩn trong cơ thể. Nhưng những chất kháng sinh này không thể phân biệt được vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi sống trong ruột, miệng và âm đạo.
Những người sử dụng kháng sinh đồng thời cũng đang tiêu diệt những vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe khi sử dụng kháng sinh.


Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý trong chế độ ăn trong quá trình sử dụng thuốc kháng sinh.
1.Tránh các chất gây dị ứng và đường
Gluten, các sản phẩm từ sữa và đường là những thực phẩm phải tránh khi dùng kháng sinh. Đây là những chất gây dị ứng thông thường. Tránh những loại thực phẩm này sẽ giúp ngăn ngừa chứng viêm hoặc các bệnh tiềm ẩn.
2. Ăn nhiều thực phẩm chứa prebiotic
Bạn cần ăn nhiều thực phẩm lành mạnh khi đang dùng kháng sinh, đặc biệt là thực phẩm chứa chất prebiotic như  sữa chua, kefir, súp miso, kimchi, kombucha và bắp cải.
3. Nên ăn thực phẩm chứa prebiotic khi nào?
Hầu hết các bác sĩ đều yêu cầu bạn uống thuốc kháng sinh từ 1-4 lần một ngày. Thuốc kháng sinh có thể giết chết vi khuẩn, do đó không nên dùng cùng lúc các thực phẩm chứa Prebiotic.
4. Kiểm soát căng thẳng
Bạn thường gặp căng thẳng khi bị bệnh, uống thuốc kháng sinh làm bạn càng thấy tồi tệ hơn. Căng thẳng có thể cản trở việc tái phân bố lại vi khuẩn trong ruột. Vì vậy, bạn phải bỏ những thói quen làm tăng mức cortisol như hút thuốc lá, uống rượu, ăn các loại thực phẩm gây dị ứng.

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Các loại bệnh trầm cảm thường gặp

Rối loạn trầm cảm là trạng thái giảm khí sắc, giảm năng lượng và giảm hoạt động thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người. Chúng thể hiện bằng nhiều hình thái khác nhau nhưng ít khi được chú ý. Vì vậy, trên thực tế cần biết những loại trầm cảm này để phát hiện và xử trí can thiệp phù hợp.

Đặc điểm và nguyên nhân trầm cảm
Thời gian gần đây, số người bị bệnh trầm cảm ngày càng có xu hướng gia tăng. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên như: bị sang chấn tâm lý mạnh gọi là sốc xúc cảm hoặc căng thẳng tâm lý gọi là stress tuy không mạnh nhưng kéo dài. Sang chấn tâm lý thường hay gặp nhất, yếu tố tâm lý quan trọng đến mức có thể tạo cơ sở để tách ra thành một thể bệnh riêng gọi là trầm cảm phản ứng; sốc xúc cảm cũng do hiện tượng quá vui hoặc quá sung sướng tạo nên các cơn trầm cảm. Các yếu tố tâm lý xã hội, các trường hợp khó thích nghi với môi trường khác lạ, có hoàn cảnh sống cô đơn, sống biệt lập với người thân; các yếu tố nội sinh trong các bệnh loạn thần hưng trầm cảm, tâm thần phân liệt, trầm cảm thoái triển... đều có thể gây nên hiện tượng trầm cảm. Đồng thời, thể tạng người có loại hình sinh học kiểu người mập mạp có liên quan đến trầm cảm chu kỳ; yếu tố di truyền cũng có tác động ảnh hưởng lớn đến một số thể bệnh trầm cảm. Bệnh trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở độ tuổi trên 50. Ngoài ra, trạng thái trầm cảm còn là biểu hiện triệu chứng của nhiều bệnh ở não như: nhiễm khuẩn trong sọ não, liệt toàn thể tiến triển, chấn thương sọ não, xơ mạch máu não...; các bệnh toàn thân làm thay đổi sinh lý hay làm suy nhược cơ thể gồm lao, ung thư, bệnh về máu, rối loạn nội tiết, nhiễm độc, tự nhiễm độc... và một số trường hợp không rõ nguyên nhân.


Các loại trầm cảm thường gặp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh trầm cảm thường có nhiều loại khác nhau như: trầm cảm nặng, trầm cảm nhẹ, trầm cảm xuất hiện từng giai đoạn, trầm cảm tái diễn, trầm cảm nặng và tái diễn, trầm cảm mức độ nhẹ liên tục, trầm cảm di chứng của rối loạn khí sắc trầm cảm, rối loạn phân liệt cảm xúc.
Trầm cảm nặng: xuất hiện đơn độc, suốt đời chỉ có một cơn, trước đây loại trầm cảm này được gọi là hiện tượng trầm uất, trầm cảm kích động, có biểu hiện như đặc điểm trầm cảm đã nêu ở trên. Bệnh lý trầm cảm kéo dài trên 2 tuần, gây sự đau buồn, trở ngại đối với hoạt động hàng ngày.
Trầm cảm nhẹ: xuất hiện đơn độc, khác với trầm cảm nặng xuất hiện đơn độc về mức độ, không gây nên sự đau buồn và trở ngại đối với hoạt động hàng ngày, thường kéo dài ít nhất 2 tuần; không có hiện tượng hoang tưởng, ảo giác.
Trầm cảm xuất hiện từng giai đoạn: tái diễn nhiều đợt và có thể xen kẽ với giai đoạn hưng cảm. Giữa các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm là thời kỳ khí sắc bình ổn hoàn toàn. Loại trầm cảm này còn được gọi là bệnh loạn thần hưng trầm cảm. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam nữ gần như nhau, sau tuổi trung niên thì giai đoạn trầm cảm thường xuất hiện nhiều hơn giai đoạn hưng cảm và kéo dài hơn.
Trầm cảm tái diễn: biểu hiện giống như loại trầm cảm nặng và trầm cảm nhẹ đã nêu trên nhưng không xuất hiện đơn độc mà tái diễn nhiều đợt trong đời người. Giai đoạn trầm cảm kéo dài từ 3 - 12 tháng, trung bình 6 tháng. Bệnh thường khởi phát chậm, thường gặp ở độ tuổi từ 50. Phần lớn bệnh được phục hồi hoàn toàn và tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm loại này ở nữ ghi nhận gấp đôi nam.

Trầm cảm nặng và tái diễn: gần giống như các bệnh trước kia gọi là trầm cảm, trầm uất, loạn thần hưng trầm cảm, trầm cảm sinh thể, trầm cảm nội sinh. Trong đời, con người ít nhất thường có hai giai đoạn trầm cảm nặng hay nhẹ tái diễn, mỗi giai đoạn thường kéo dài trên 2 tuần, giữa hai giai đoạn trầm cảm phải có một thời kỳ lành bệnh ít nhất 6 tháng.
Trầm cảm mức độ nhẹ: liên tục biểu hiện, đơn độc nhưng kéo dài, có khi gần hết tuổi thanh niên, gây nên sự đau buồn và trở ngại cho sinh hoạt lao động, làm việc và học tập của người bệnh. Bệnh có thể nặng lên và tiến triển như rối loạn trầm cảm tái diễn hay xen kẽ với các giai đoạn hưng cảm. Nếu các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm xen kẽ nhau được gọi là khí sắc tuần hoàn; nếu mức độ khí sắc trầm, nhẹ, kéo dài thì gọi là loạn khí sắc.
Trầm cảm di chứng của các rối loạn khí sắc trầm cảm: biểu hiện đơn độc hoặc tái diễn nhưng mức độ nhẹ, không kéo dài gồm các trạng thái hỗn hợp trầm cảm và hưng cảm, trầm cảm ẩn, rối loạn xúc cảm khác không liên quan đến nghiện rượu, nghiện ma túy, rối loạn nội tiết  hay rối loạn tâm thần thực tổn.
Phân liệt cảm xúc: biểu hiện các triệu chứng phân liệt và triệu chứng cảm xúc xuất hiện đồng thời, nổi bật như nhau; lưu ý thể trầm cảm xuất hiện sau cơn loạn thần cấp tính của bệnh tâm thần phân liệt không xếp vào loại trầm cảm này. Các triệu chứng trầm cảm biểu hiện như đã nêu ở trên. Các triệu chứng phân liệt ở bệnh nhân biểu hiện ý nghĩ vang lên thành tiếng nói ở trong đầu, bị những lực lượng xa lạ nào đó điều khiển, mưu hại; nghe thấy những tiếng nói gièm pha, buộc tội mà thực tế không có... Phần lớn bệnh nhân được phục hồi hoàn toàn sau điều trị, một số ít trường hợp tiến triển thành thiếu sót phân liệt như thờ ơ với ngoại cảnh, có hành vi kỳ dị...

Các thể lâm sàng của trầm cảm
Theo các nhà khoa học, rối loạn trầm cảm là hiện tượng xảy ra rất phúc tạp và rất đa dạng. Các thể lâm sàng trầm cảm thường gặp là: trầm cảm nội sinh, trầm cảm tâm sinh, trầm cảm triệu chứng.
Trầm cảm nội sinh: thể trầm cảm này có thời kỳ đầu tiến triển từ vài tuần đến vài tháng với các hiện tượng mất ngủ, mệt mỏi, giảm khí sắc, lo lắng đến sức khỏe và tương lai; thời kỳ toàn phát có 3 triệu chứng đặc trưng là ức chế cảm xúc, ức chế tư duy và ức chế vận động. Trầm cảm nội sinh có đặc điểm là biểu biện nặng lên vào buổi sáng và nhẹ đi về buổi tối, tiến triển thường xuất hiện từng giai đoạn, giữa các giai đoạn khí sắc bình ổn hoàn toàn, không làm biến đổi nhân cách và không đi đến sa sút tâm thần. Ngoài thể lâm sàng điển hình đã nêu trên, còn có các thể lâm sàng không điển hình được ghi nhận như: trầm cảm sững sờ, trầm cảm kích động, trầm cảm nghi bệnh, trầm cảm ám ảnh, trầm cảm hoang tưởng, trầm cảm ẩn, trầm cảm ở trẻ em...
Trầm cảm tâm sinh: đây là thể trầm cảm có trạng thái phản ứng của một nhân cách yếu đối với một môi trường sống không thuận lợi. Đặc điểm biểu hiện lâm sàng không sâu sắc như trầm cảm nội sinh, bệnh nhân ít có ý tưởng bị buộc tội, chúng mang sắc thái loạn cảm như cơn khóc, cơn than vãn về nỗi khó khăn, nỗi bất hạnh, cho rằng mình là nạn nhân. Thể trầm cảm này gồm 2 nhóm chính không đồng nhất là trầm cảm phản ứng và trầm cảm tâm căn. Trầm cảm phản ứng là một thể của loạn thần phản ứng với một hoạt động tâm thần có thể làm rối loạn đến mức mất tính toàn vẹn, tính thống nhất; có những rối loạn về hoạt động nhận thức, ý thức, tiếp xúc, hành vi. Trầm cảm tâm căn có triệu chứng của bệnh tâm căn như khí sắc trầm, giảm hứng thú, dễ cảm động; lo lắng về bệnh tật, về những điều không may có thể xảy ra.

Trầm cảm triệu chứng: có đặc điểm lâm sàng từ nhẹ đến nặng, chúng tồn tại trong một giai đoạn hay kéo dài trong quá trình bệnh tiến triển. Trầm cảm diễn biến tùy theo sự tiến triển của bệnh chính, cường độ của tác nhân gây hại và sức phản ứng của cơ thể. Các hội chứng có thể gặp là hội chứng trầm cảm paranoid và hội chứng trầm cảm không điển hình. Hội chứng trầm cảm paranoid có các triệu chứng buồn rầu, sợ hãi, kích động, lo âu, ảo tưởng lời nói, hoang tưởng bị tội; có thể kèm theo rối loạn ý thức, mê sảng, lú lẫn, kích động giống động kinh và thường tăng lên về đêm. Hội chứng trầm cảm không điển hình có các triệu chứng kích động lo âu như than khóc kèm theo các ý tưởng nghi bệnh, loạn cảm giác bản thể như khó chịu ở những vùng khác nhau. Trầm cảm triệu chứng có thể gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn như bệnh cúm, các bệnh thực tổn của não như xơ vữa động mạch não, các bệnh nội tiết như bệnh Cushing và ngay trong cả quá trình điều trị với loại thuốc steroide.

          Phòng bệnh
Như vậy rối loạn trầm cảm trên thực tế có nhiều loại khác nhau khá phong phú và đa dạng; chính ngay cả bản thân người bệnh và người thân có thể không biết hoặc không để ý đến. Dù mắc loại bệnh trầm cảm nào nhưng trong cơn trầm cảm bột phát sẽ dẫn đến một hệ lụy khá tồi tệ là bệnh nhân có thể có hành vi tự sát hoặc giết chết người thân rồi tự sát. Vì vậy, việc phòng bệnh trầm cảm là một vấn đề quan trọng cần được lưu ý hiện nay do bệnh ngày càng có xu hướng phát triển trong xã hội hiện đại. Phòng bệnh rối loạn trầm cảm chủ yếu là chú trọng đến việc giáo dục nhân cách trẻ em từ khi còn nhỏ để sau này lớn lên có được các phẩm chất hòa nhập dễ dàng với cuộc sống, nghề nghiệp xã hội; đồng thời có khả năng thích ứng linh hoạt với những hoàn cảnh bất lợi luôn luôn có thể xảy ra. Cần tổ chức lao động, làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý; tránh tình trạng căng thẳng về cảm xúc và các sang chấn tâm lý; phát hiện và điều trị sớm các bệnh của cơ thể. Ngoài ra, khuyến khích thực hiện cuộc sống với mẫu gia đình có cả ba thế hệ cùng sinh sống. Cần quan tâm chăm sóc trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn; đặc biệt là người tàn tật và người già cô đơn không nơi nương tựa…

 (dẫn nguồn báo Sức khỏe & Đời Sống)