Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

NHẬN BIẾT CƠN THIẾU MÁU NÃO CỤC BỘ THOÁNG QUA


Cơn thiếu máu não thoáng qua là một dạng thiếu hụt máu ở hệ thần kinh trung ương (não bộ) kéo dài khoảng vài phút (thoáng qua), có trường hợp đến dưới 24 giờ, đó chính là đột quỵ não nhẹ do một phần của não không được cung cấp đủ lượng máu.
Người bệnh sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nếu trước đó đã từng bị thiếu máu cục bộ não thoáng qua.
Nguyên nhân
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có thể do tình trạng máu đông hoặc ứ đọng trong động mạch não hoặc do vật cản dòng chảy (cục máu đông do suy tim, mảng xơ vữa động mạch bong ra) của động mạch não gây ra tình trạng chặn dòng chảy của máu hoặc do động mạch bị co thắt ở một vùng nào đó của não gây thiếu máu (thiếu oxy, dưỡng chất). Với cục máu đông, phần lớn cơ thể con người có thể tự phá hủy các khối máu đông này để máu có thể lưu thông lại, từ đó các triệu chứng biến mất nhưng một số trường hợp cơ thể bất khả kháng gây nên thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Ngoài ra, yếu tố môi trường đóng vai trò khá quan trọng, đó là dưới tác động của nhiều tác nhân gây hại cho sức khỏe như môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, stress, căng thẳng... làm gốc tự do gia tăng mạnh mẽ ngay cả ở người trẻ, đặc biệt là dân công sở thường xuyên chịu đựng và có thể mắc bệnh.
Nguy cơ đột quỵ cao hơn ở những người từng bị thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu phổ biến nhất là người bệnh có thể cảm thấy yếu ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể (tứ chi, giọng nói...). Các triệu chứng khác bao gồm bối rối, chóng mặt, song thị (nhìn 1 vật thành 2 vật), mất trí nhớ, tê liệt, nói khó, phát âm không rõ tiếng, nuốt khó và có thể bị ngứa.
Tiến triển của bệnh
Trong 70% các trường hợp, các triệu chứng biến mất trong ít hơn 10 phút và 90% trường hợp các triệu chứng biến mất trong ít hơn 4 giờ.  Bệnh có thể bị tăng nặng ở người tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường hoặc ở người có độ tuổi ngoài 55. Tuy vậy, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh thiếu máu não cục bộ thoáng qua đang ngày càng trẻ hóa, nhiều trường hợp bị thiếu máu não cục bộ thoáng qua chỉ ở tuổi 35, thậm chí có những trường hợp còn trẻ hơn.
Nếu vị trí tắc nghẽn được khơi thông ngay, người bệnh có thể phục hồi sau vài phút nhưng nếu kéo dài có nguy cơ dẫn đến đột quỵ - tai biến mạch máu não.
Một số xét nghiệm có thể thực hiện
Người bệnh có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua cần được làm xét nghiệm khảo sát các yếu tố nguy cơ, bao gồm: chụp cắt lớp vi tính não hoặc chụp cộng hưởng từ não, xét nghiệm công thức máu, xác định chỉ số lipid máu, điện tim, siêu âm tim, siêu âm hệ động mạch cảnh và hệ động mạch đốt sống - thân nền (xác định xem có bị hẹp hay không). Các xét nghiệm này nên hoàn tất càng nhanh càng tốt (trong vòng 24-48 giờ đầu sau cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua). Các kết quả xét nghiệm là cơ sở xác định nguyên nhân nhằm giúp điều trị dự phòng.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Trước hết, cần được cấp cứu càng nhanh, càng sớm càng tốt. Song song, cần tìm nguyên nhân để điều trị nguyên nhân (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu, suy tim...)
Một số người có quan niệm rằng các cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua lành tính, còn đột quỵ não mới nghiêm trọng, đây là một nhận thức rất sai lầm. Đột quỵ não và cơn thiếu máu não cục bộ, thoáng qua đều là tình trạng nghiêm trọng liên quan tới thiếu máu não cục bộ. Bác sĩ cần chẩn đoán sớm, kịp thời và có thái độ xử trí đúng với bệnh nhân bị cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. Bởi vì cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có các triệu chứng lâm sàng chỉ xảy ra trong chốc lát hoặc có thể kéo dài hơn nhưng là yếu tố chỉ điểm nguy cơ cao gây đột quỵ não thực thụ. Do vậy, bệnh nhân cần được xử trí, điều trị sớm và khảo sát các yếu tố nguy cơ để có kế hoạch điều trị dự phòng tốt. Người bệnh cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, ăn uống điều độ, nên giảm ăn muối, tăng thực phẩm, trái cây giàu kali (chuối chín, giá đỗ...) để đề phòng bệnh tăng huyết áp. Hàng ngày, nên ăn nhiều rau để vừa có sinh tố vừa có chất xơ giúp tiêu hóa tốt, nên hạn chế ăn mỡ động vật hoặc các phủ tạng động vật. Người có mỡ máu cao càng cần kiêng mỡ động vật, thịt đỏ, tôm, lòng động vật. Không căng thẳng thần kinh, tích cực và kiên trì điều trị bệnh mạn tính. Người đã có tiền sử có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua nên kiêng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, trà đặc, tránh thức khuya. Để tránh mắc các bệnh có nguy cơ dẫn đến bệnh thiếu máu não cục bộ thoáng qua, mọi người bất kể nam hay nữ giới nên vận động cơ thể một cách đều đặn hàng ngày bằng cách tập thể dục buổi sáng, buổi chiều, chơi các môn thể thao nhẹ như chơi cầu lông, bóng bàn, bơi hoặc đi bộ. Mỗi ngày nên dành thời gian vận động cơ thể khoảng 60 phút chia làm 2 - 3 lần, mỗi lần 20 - 30 phút. Tốt nhất, đơn giản nhất và cũng rất có lợi là đi bộ, tuy vậy, tránh đi bộ vào lúc nắng, mưa hoặc trời lạnh quá.
TS.BS. Bùi Việt Bắc
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

CẦN PHÁT HIỆN SỚM PHÌNH MẠCH NÃO


Phình mạch não là sự phình ra hay phồng lên của một phần thành mạch máu não tại điểm thành mạch máu bị yếu.
Tại nơi túi phình hình thành thì thành mạch máu trở nên mỏng hơn và yếu hơn. Vì thành mạch quá mỏng nên dễ vỡ, máu tràn vào khoang ở xung quanh não gọi là khoang dưới màng nhện gây nên xuất huyết khoang dưới nhện. Trong các trường hợp nghiêm trọng, tình trạng xuất huyết có thể gây tổn thương não, liệt, hôn mê, thậm chí tử vong.
Đối tượng dễ bị bệnh
Tỷ lệ phình mạch não trung bình khoảng 5% dân số. Phình mạch não không xuất hiện ở trẻ sơ sinh, hầu hết gặp sau 40 tuổi. Bệnh do một điểm thành mạch máu não yếu bởi không có đầy đủ các lớp giải phẫu dẫn tới phình ra hình túi hoặc hình thoi. Phình mạch não thường gặp tại các điểm phân nhánh của hệ mạch, phát triển lớn lên từ từ. Thành túi phình ngày càng yếu và nguy cơ vỡ tỷ lệ thuận với kích thước túi phình. Phình mạch cũng có thể kết hợp với một số bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp do bất thường gene tổ chức liên kết (trong hội chứng Ehlers Danlos). Khi đó, bệnh có tính chất gia đình. Một số yếu tố nguy cơ phình mạch não như tăng huyết áp, thuốc lá, nghiện rượu, sử dụng ma túy, nhiễm khuẩn huyết, chấn thương hoặc tổn thương mạch máu, xơ vữa mạch máu làm suy thành mạch.
Phình mạch não thường gặp tại các điểm phân nhánh của hệ mạch, phát triển lớn lên từ từ.

Dấu hiệu nhận biết
Một số người bị túi phình mạch não không có bất kỳ triệu chứng gì trước khi bị vỡ. Những túi phình nhỏ thường không gây triệu chứng nhưng với những túi phình lớn có thể gây đau đầu kéo dài hoặc đau khu trú tại vùng có túi phình. Nếu túi phình nằm cạnh những cấu trúc thần kinh quan trọng có thể gây các triệu chứng như mờ mắt, liệt hoặc yếu nửa người, giảm trí nhớ hoặc khả năng nói, hiếm gặp có thể gây động kinh.
Chúng ta không biết được chính xác khi nào túi phình mạch não vỡ. Tuy nhiên, một số yếu tố sau có thể gây tăng nguy cơ vỡ của túi phình: tăng huyết áp, các động tác nâng vác vật nặng gây tăng huyết áp đột ngột. Các xúc cảm mạnh gây tăng huyết áp.
Khi túi phình vỡ, máu chảy vào khoang dưới nhện quanh nhu mô não gây ra các triệu chứng đột ngột như: đau đầu dữ dội; nôn, buồn nôn, yếu liệt, suy giảm ý thức hoặc hôn mê. Người bệnh khó nói, co giật... Điều trị cấp cứu sớm nhất rất cần thiết để cứu tính mạng bệnh nhân cũng như giảm thiểu các di chứng.
Hậu quả của phình mạch não vỡ?
Khoảng 30 - 40% số người bị vỡ túi phình mạch tử vong (cả được điều trị và không). Khoảng 20 - 35% để lại di chứng trong số những người được điều trị thành công.
Khoảng 15 - 20% số người có co thắt mạch não dẫn tới thiếu máu não. Tim và phổi có thể hoạt động không bình thường dẫn tới rối loạn chung của toàn cơ thể.
Phương pháp điều trị
Với những túi phình nhỏ, chưa vỡ, chưa có triệu chứng, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ. Nếu túi phình tăng kích thước, gây triệu chứng hoặc vỡ đột ngột, cần điều trị ngay. Các bệnh lý toàn thân khác, đặc biệt là tăng huyết áp cũng cần theo dõi và điều trị vì đây là những yếu tố nguy cơ đối với phình mạch. Cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ mạch máu não là 2 phương pháp được sử dụng vì không xâm lấn.
Có 2 phương pháp điều trị: mổ kẹp cổ túi phình hoặc điều trị túi phình qua đường nội mạch bằng vòng xoắn kim loại hoặc stent. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ chỉ định cụ thể. Đối với phẫu thuật,  bệnh nhân được gây mê, bác sĩ phẫu thuật thần kinh tiến hành mở hộp sọ bệnh nhân, sau đó tìm và kẹp cổ túi phình bằng clip kim loại.
Đối với điều trị túi phình qua đường nội mạch: Dựa vào sự hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa, bác sĩ can thiệp chẩn đoán hình ảnh sẽ tiến hành đưa các dụng cụ siêu nhỏ qua động mạch đùi lên động mạch não vào túi phình và gây tắc. Dụng cụ đó có thể là các vòng xoắn kim loại hoặc stent (hợp kim titan).
Vòng xoắn kim loại khi được thả vào trong lòng sẽ gây tắc túi phình, lỗ rách sẽ dần được tự sửa chữa theo thời gian bởi lớp nội mạc mạch máu.Stent kim loại là loại dụng cụ đặc biệt tương tự như đường ống lót bên trong lòng mạch, ngăn cản dòng máu đi vào túi phình, thường được chỉ định với những trường hợp phình cổ rộng, hình thoi, khổng lồ hoặc ở vị trí khó.
Ưu điểm của phương pháp này là không phải phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn (từ 2 - 5 ngày), có thể tiến hành với những trường hợp khó. Tuy nhiên, chi phí thường cao hơn so với phẫu thuật.
Lời khuyên của thầy thuốc
Phình mạch não là một căn bệnh nguy hiểm, phát triển thầm lặng, có thể giết chết bệnh nhân bất cứ lúc nào khi phình mạch vỡ. Tuy nhiên, nhờ khoa học kỹ thuật hiện đại, ngày nay, chúng ta có thể phát hiện và loại trừ phình mạch trước khi vỡ gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của bản thân. Chính vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết. Những đối tượng có nguy cơ cao cần phải chụp kiểm tra như: những người trong gia đình có bệnh nhân phình mạch; gan thận đa nang; những người có các yếu tố nguy cơ: tuổi cao, hút thuốc, uống nhiều rượu, vữa xơ mạch máu, nghiện ma túy, có tiền sử hay đau đầu... Nếu có điều kiện, mọi người nên sàng lọc thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Mỗi năm, có khoảng 50.000 người Mỹ bị đột quỵ do vỡ phình mạch não, 2/3 trong số đó chết hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề. Ngoài ra, khoảng 1/50 dân số Mỹ tồn tại phình mạch não đang phát triển và có thể vỡ bất cứ lúc nào, vậy nên nó được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ phình động mạch trong dân số, tuy nhiên, tại các bệnh viện hàng ngày tiếp nhận các bệnh nhân chảy máu dưới nhện do vỡ phình động mạch não ngày một tăng.
ThS.BS. Nguyễn Thái
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

PHÒNG BỆNH VIÊM LOÉT HANG VỊ DẠ DÀY


Viêm loét hang vị là một bệnh thường gặp của dạ dày. Bệnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm.

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc viêm, loét hang vị dạ dày nhưng với người cao tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn cả.

Viêm hang vị dạ dày là tình trạng hang vị ở phần niêm mạc dạ dày bị viêm, cũng tương tự như viêm ở những vị trí khác trong dạ dày (tùy vào vị trí viêm hoặc loét sẽ có những tên gọi khác nhau). Tuy nhiên, viêm hang vị dạ dày không đơn giản như chúng ta vẫn thường nghĩ. Viêm hang vị dạ dày là bệnh có thể gặp trong mọi độ tuổi, song đối tượng dễ mắc nhất lại là người trong độ tuổi trung niên và đặc biệt là người cao tuổi. Tuy nhiên, gần đây trẻ em cũng có dấu hiệu mắc các bệnh về dạ dày nhiều hơn, thậm chí tình trạng loét dạ dày cũng có thể xảy ra ở trẻ trong khoảng 2 tuổi đầu. Khi viêm hang vị không được điều trị hoặc điều trị không đúng, không kịp thời sẽ dẫn đến loét hang vị dạ dày, lúc này bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, thậm chí gây một số biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Nguyên nhân
Trước đây viêm, loét hang vị dạ dày thường cho thần kinh không ổn định nhưng từ năm 1983 đến nay khoa học đã được chứng minh là viêm loét hạng vị dạ dày nguyên nhân chính là do một loại vi khuẩn có tên là Helicobacter pylori (viết tắt là vi khuẩn HP). Vi khuẩn HP tiết ra một men ureaza làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây viêm, loét. Ngoài vi khuẩn HP gây viêm, loét hang vị dạ dày còn có thể do dùng một số thuốc như:  corticoid (methamethason, prerednison, Solumedrol…), Aspirin, NSAID (thuốc chống viêm không steroid NSAID: non-steroidal anti-inflammatory drug) hoặc do uống nhiều rượu, bia nhất là lúc đói.
Triệu chứng
Bệnh nhân bị viêm, loét hang vị thường có những dấu hiệu tương tự như viêm dạ dày, cụ thể như đau phần trên rốn, đây là dấu hiệu phổ biến nhất. Cơn đau có thể dữ dội hoặc lâm râm, âm ỉ kéo dài có khi vài tiếng đến vài ba ngày vẫn chưa dứt hoặc lâu hơn. Lúc mới bị viêm, đau bụng nhiều khi ăn vào. Đau cả ngày lẫn đêm nhưng ban đêm đau nhiều hơn do dịch vị tiết ra nhiều kích thích niêm mạc đã bị tổn thương. Khi hang vị mới bị loét, đói đau nhiều hơn nhưng khi bệnh đã nặng, no, đói đều đau. Người bệnh thường có ợ hơi, ợ chua hoặc có nóng rát vùng thượng vị, sau xương ức. Đau thượng vị nhiều hơn khi ăn chua, cay,  chuối tiêu, đu đủ chín hoặc uống rượu, bia. Bệnh nhân có thể bị buồn nôn hoặc nôn nhất là khi dạ dày tiết ra nhiều dịch vị do bị kích thích, đặc biệt khi hang vị bị viêm cấp lan đến gây viêm hẹp môn vị cấp. Người bệnh thường có rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu hoặc khó tiêu, phân lúc lỏng, lúc đặc, đôi khi phân rắn thành cục như phân dê. Do hấp thu bị giảm nên người bệnh thường gầy, da xanh, mệt mỏi, mất ngủ (do bệnh hay đau về đêm).
Viêm loét hạng vị dạ dày nguyên nhân chính là do một loại vi khuẩn có tên là Helicobacter pylori

Để chẩn đoán bệnh viêm, loét hang vị dạ dày có thể chụp X-quang có thuốc cản quang (thường chụp hàng loạt), cần nhịn ăn trước  khi chụp và tốt nhất là rửa dạ dày để chụp.
Hiện nay kỹ thuật nội soi dạ dày - tá tràng được áp dụng khá rộng rãi. Đây là một kỹ thuật khá chính xác, nhanh, thuận lợi nếu được gây mê để nội soi tránh khó chịu cho người bệnh là tốt nhất. Kỹ thuật nội soi còn có giá trị khi sinh thiết niêm mạc tổn thương để xét nghiệm tế bào và xét nghiệm hình thể vi khuẩn HP với 2 kỹ thuật nhuộm gram xác định hình thể vi khuẩn HP và thử test ureaza. Nếu đúng do vi khuẩn HP, kỹ thuật nhuộm gram từ mảnh sinh thiết niêm mạc hang vị cho kết quả chính xác. Tuy nhiên, cả hai kỹ thuật bác sĩ phải có kinh nghiệm (nội soi) và kỹ thuật viên phải có kỹ thuật tốt (nhuộm gam).
Kỹ thuật nội soi dạ dày - tá tràng được áp dụng khá rộng rãi
Những biến chứng
Khi bị viêm hang vị, đặc biệt là loét hang vị, nếu không phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, đúng sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, đầu tiên phải kể đến xuất huyết dạ dày. So với loét hành tá tràng, loét hang vị ít bị xuất huyết hơn nhưng khi xuất huyết hang vị, nếu không phát hiện sớm để cấp cứu kịp thời, tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa do mất máu dẫn đến trụy tim mạch. Tiếp đến là thủng dạ dày, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm gây nhiễm trùng màng bụng (phúc mạc) dẫn đến sốc nhiễm khuẩn cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng người bệnh, nếu để chậm trễ. Nếu hang vị bị viêm lâu ngày, lan đến môn vị sẽ gây hẹp môn vị làm cho người bệnh ăn không tiêu, chán ăn, đầy bụng, đau âm ỉ suốt ngày đêm, người gầy, da xanh, thậm chí có bệnh nhân phải dùng động tác làm cho nôn hết mới dễ chịu, bởi vì hẹp môn vị sẽ làm ứ đọng thức ăn và dịch vị ngày một gia tăng gây ậm ạch, khó chịu. Biến chứng đáng sợ nhất là ung thư dạ dày. Với các bệnh về dạ dày, nếu bệnh của dạ dày tá tràng sẽ đau nhiều hơn, nguy cơ chảy máu hay xảy ra hơn, nhưng hầu như ít bị ung thư hơn, ngược lại, các bệnh khác của dạ dày, trong đó có viêm loét hang vị tuy đau có ít hơn, xuất huyết ít hơn viêm loét dạ dày tá tràng nhưng tỉ lệ bị ung thư hóa chiếm khá cao.
Nguyên tắc điều trị
Khi thấy đau thượng vị có kèm theo rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, người cao tuổi cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Khi được xác định là viêm hoặc viêm loét hang vị cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ và phải kiên trì không thể nóng vội. Người bệnh không nên đọc trên mạng rồi tự chẩn đoán và tự điều trị cho mình hoặc nghe theo sự mách bảo của người không có chuyên môn về y học mua thuốc của họ để điều trị. Nếu làm như vậy, bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm, thậm chí nguy hiểm thêm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để tránh mắc bệnh viêm loét hang vị, người cao tuổi nên có chế độ ăn, uống hợp lý như: không nên ăn quá cay, chua; không nên uống rượu bia quá nhiều nhất là khi đói, hạn chế uống cà phê, trà đặc nếu đã có dấu hiệu viêm hang vị. Sau khi ăn không nên làm việc ngay hoặc không nên chạy nhảy, tập thể dục ngay mà cần ngồi thoải mái để thức ăn được nhào trộn kỹ ở dạ dày trước khi xuống ruột non. Hàng ngày, người cao tuổi nên có chế độ tập đều đặn, nhẹ nhàng tùy theo sức của mình, không nên gắng nhất là người cao tuổi.
TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

DỊ ỨNG THỜI TIẾT, XỬ TRÍ THẾ NÀO?



Hiện nay, dị ứng thời tiết là bệnh lý rất thường gặp. Các triệu chứng dị ứng thời tiết xuất hiện quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa. Dị ứng thời tiết gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh.
Dị ứng thời tiết thực chất là hiện tượng xảy ra đối với cơ thể chúng ta vào những thời gian chuyển mùa, do thay đổi nhiệt độ đột ngột nóng - lạnh hoặc độ ẩm ảnh hưởng đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc hoặc thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí, tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể. Rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể là nguyên nhân chính dẫn đến dị ứng thời tiết. Từ đó sẽ xuất hiện các phản ứng dị ứng, sản sinh ra hàng loạt kháng thể, chất hóa học trong cơ thể nhằm chống lại các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài, gây hại cơ thể. Cơ chế sản sinh histamin cũng là hoạt động quan trọng trong hệ miễn dịch cũng gây ảnh hưởng nhất định đến tình trạng dị ứng. Người bị dị ứng thời tiết khi tiếp xúc với các yếu tố bất lợi sẽ xuất hiện các triệu chứng dị ứng rất nhanh.
Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Khi cơ thể chúng ta tiếp xúc với sự thay đổi của môi trường gây ra hiện tượng dị ứng thời tiết. Mỗi cá thể khác nhau sẽ phản ứng khác nhau trước tác nhân gây dị ứng thời tiết và mức độ dị ứng cũng khác nhau sẽ dẫn đến những biểu hiện khác nhau. Đối với dị ứng thời tiết nóng, cơ thể vào thời gian này sẽ tiết ra mồ hôi nên da của chúng ta sẽ luôn trong trạng thái ẩm ướt dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, làm bệnh dị ứng ngày càng nặng hơn.
Dị ứng thời tiết lạnh nổi mẩn đỏ là hiện tượng xảy ra vào mùa đông, nhiệt độ hạ thấp làm không khí trở nên khô hơn là nguyên nhân khiến tình trạng dị ứng xảy ra. Thậm chí những lúc trời mưa hoặc có gió cũng có thể xảy ra tình trạng dị ứng thời tiết này.
Dị ứng thời tiết đặc trưng bởi những dấu hiệu như dị ứng thời tiết nổi mề đay và dị ứng thời tiết nổi mẩn đỏ. Dị ứng thời tiết bao gồm dạng cấp tính và mạn tính. Nếu bệnh ở trạng thái cấp tính, sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến dưới 6 tuần, biểu hiện lâm sàng là những triệu chứng ngứa, gây khó chịu cho người bệnh. Nếu những dấu hiệu này không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ chuyển sang giai đoạn dị ứng thời tiết mạn tính có thể gây nguy hiểm cho cơ thể với biểu hiện phù nề, nhiễm trùng da, tụt huyết áp, sốc phản vệ, trường hợp xấu nhất sẽ dẫn đến tử vong.
Dị ứng thời tiết đặc trưng bởi những dấu hiệu nổi mề đay, mẩn đỏ...
Biểu hiện của dị ứng thời tiết
Khi những người có cơ địa dị ứng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài như thời tiết nóng, lạnh, phấn hoa, nước mưa... sẽ xảy ra những biểu hiện của dị ứng thời tiết như sau:
Phát ban: Ban xuất hiện trên bề mặt da với những mẩn đỏ, nhất là ở vùng tay, chân, kể cả ở mặt gọi là dị ứng thời tiết ở mặt. Những ban này làm cho cơ thể có cảm giác ngứa, khó chịu dẫn đến động tác gãi càng làm cho những nốt mẩn đỏ này lan rộng hơn và thành từng đám nổi khắp bề mặt da.
Viêm mũi dị ứng: Triệu chứng này dễ gặp ở những người bệnh có cơ địa dị ứng thời tiết. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ cảm thấy khô vùng mũi họng, ngứa ngáy vùng mũi, mắt khó chịu, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, mất ngủ, buồn ngủ ngày, mệt mỏi, kém tập trung... Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy khó chịu vùng mũi theo từng đợt, kéo dài khoảng từ 20-30 phút. Tùy thuộc vào mức độ dị ứng nặng nhẹ khác nhau mà tần suất xuất hiện các đợt viêm mũi dị ứng cũng khác nhau.
Nổi mề đay cấp tính: Đây là triệu chứng đặc trưng và cũng là triệu chứng nguy hiểm đối với bệnh dị ứng thời tiết nổi mề đay đã ở giai đoạn nặng. Nổi mề đay cấp tính là nổi mề đay khắp cơ thể một cách đột ngột khiến cơ thể rơi vào trạng thái khó thở, tụt huyết áp nhanh, sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong.
Chàm bội nhiễm: Các bệnh nhân sẽ có dấu hiệu dị ứng, nổi mẩn đỏ có thể kèm mụn nước li ti, chảy dịch vàng, có nhiều vảy gầu ở đầu, khuỷu tay, đầu gối và mặt. Mỗi đợt chàm bội nhiễm xuất hiện thường kéo dài và ảnh hưởng tới làn da của người bệnh. Để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và ngăn ngừa chàm bội nhiễm tiến triển nặng hơn, cần phải can thiệp sớm.
Khò khè, ho hoặc khó thở: Các triệu chứng thường tái diễn nhiều lần mỗi khi thay đổi thời tiết hoặc chuyển mùa, cần đi khám sàng lọc phát hiện sớm hen phế quản để kiểm soát bệnh ổn định tránh chuyển nặng gây đe dọa tính mạng, đặc biệt hay gặp ở trẻ hoặc những người được chẩn đoán hen phế quản trước đó nhưng chưa kiểm soát bệnh tốt.
Khi bị dị ứng thời tiết, nên làm gì?
Không thể chữa trị dứt điểm khi bị dị ứng thời tiết vì nó liên quan tới cơ địa và hệ miễn dịch của từng người. Đối với người bị dị ứng thời tiết, chỉ có giải pháp điều trị theo từng đợt và hạn chế tiếp xúc với yếu tố thời tiết bất lợi.
Để phòng ngừa bệnh, cách tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, tuyệt đối không hút thuốc lá hoặc đồ uống có cồn để tránh kích thích tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng. Ăn đủ chất dinh dưỡng, nhiều trái cây, rau xanh, nước trà xanh và có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể. Khi các biện pháp giảm dị ứng không có kết quả, người bệnh nên gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh sẽ có những biến chứng không mong muốn nếu tình trạng dị ứng kéo dài.
BS. Trung Hưng
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

ÐAU MỘT BÊN HỌNG - VÌ SAO?


Đau họng là một lý do phổ biến để gặp bác sĩ. Trong khi đau họng có thể do cảm cúm, viêm họng, amidan,... đa phần không nghiêm trọng, thì triệu chứng chỉ đau một bên cổ họng lại có thể là dấu hiệu của một căn bệnh hoặc tình trạng sức khỏe khác.
Trong bài này, chúng ta xem xét những nguyên nhân có thể gây đau họng ở một bên và cần gặp bác sĩ.
Sưng hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết hay hạch lympho đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của  hệ miễn dịch. Chúng có chức năng làm bộ lọc hoặc bẫy giữ lại các phần tử ngoại lai và có thể bị viêm, sưng khi làm nhiệm vụ này. Các hạch bạch huyết cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh.
Hạch bạch huyết gần họng nhất nằm ở hai bên cổ, có thể gây ra cảm giác đau khi chúng sưng lên hoặc viêm. Hạch bạch huyết bị sưng có nhiều nguyên nhân. Đôi khi hạch bạch huyết chỉ sưng, gây đau họng ở một bên. Một số bệnh có thể dẫn đến hạch bạch huyết bị sưng bao gồm: cảm lạnh hoặc cúm, viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, nhiễm khuẩn tai, một chiếc răng bị viêm hoặc áp-xe răng, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (Mononucleosis) do virut Epstein-Barr (EBV), tổn thương nhiễm khuẩn vùng da trong khu vực, ung thư, HIV...
Sưng hạch bạch huyết một bên cổ có thể gây đau.
Hội chứng chảy dịch mũi sau
Hội chứng chảy dịch mũi sau (Post nasal drips) là chỉ tập chứng gây ra do dịch chảy từ hệ thống xoang qua mũi sau xuống thành sau họng gây vướng họng, đau họng, ho, ngứa họng. Bệnh có thể do viêm mũi xoang nhiễm khuẩn, nhiễm virut, nhiễm lạnh. Những nguyên nhân phối hợp là hội chứng trào ngược thực quản dạ dày, những rối loạn nội tiết và suy giảm miễn dịch. Hội chứng chảy dịch mũi sau thường xảy ra kéo dài, do dịch tiết liên tục có thể gây khó chịu, gây cảm giác đau ở một bên họng trong một số trường hợp.
Viêm amidan
Amidan nằm ở phía sau của cổ họng. Chức năng chính và cũng là quan trọng nhất của amidan chính là ngăn chặn lại sự tấn công của các loại virut, vi khuẩn đối với cơ thể. Đồng thời amidan còn có chức năng tiết ra các kháng thể tự nhiên chống lại sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, do nguyên nhân nào đó mà amidan không thể kháng lại được sự tấn công của các loại vi khuẩn, virut làm cho amidan bị sưng lên, viêm amidan xuất hiện. Đôi khi chỉ một bên amidan bị viêm, gây ra đau đớn ở một bên. Điều trị viêm amidan thường bằng kháng sinh.
Áp-xe quanh amidan
Áp-xe thường gây ra bởi một viêm nhiễm do vi khuẩn. Một áp-xe quanh amidan hình thành trong các mô gần amidan, thường là khi viêm amidan trở nên nghiêm trọng hoặc do không được điều trị. Nó có thể gây đau dữ dội ở một bên cổ họng. Nó cũng có thể gây sốt, sưng hạch bạch huyết và khó nuốt. Một người có áp-xe quanh amidan cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây khó thở.
Tổn thương cổ họng
Nhiều nguyên nhân có thể làm tổn thương phần sau của miệng hoặc cổ họng, bao gồm: bỏng do thực phẩm nóng hoặc chất lỏng nóng, do thức ăn có cạnh sắc, do đặt nội khí quản... Nếu một bên cổ họng bị đau do bị xước hoặc bị bỏng, nuốt nước muối sinh lý ấm có thể làm dịu các triệu chứng.
Trào ngược dạ dày - thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) là một tình trạng gây ra hội chứng dạ dày, bao gồm tăng acid dạ dày, trào ngược vào ống thực quản và hầu họng. GERD có thể tệ hơn vào ban đêm và khi nằm xuống. Khi nằm nghiêng một bên theo thói quen, axit dạ dày trào ngược có thể dẫn đến đau một bên cổ họng. Các triệu chứng khác của GERD bao gồm: đau hoặc nóng rát ở giữa ngực, cảm giác nghẹn cổ họng như có vật chèn, khàn tiếng, ho khan, nóng rát trong miệng. Nếu GERD không được xử lý, để quá lâu, có thể làm tổn thương thực quản và cổ họng. Tình trạng này cần được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống.
Bệnh tay-chân-miệng
Như tên của nó, bệnh do virut này thường gây ra vết loét trên tay, bàn chân và miệng. Các vết loét có thể phát triển ở phần sau của miệng, thành họng và một bên có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn. Bệnh tay-chân-miệng thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng nó cũng có thể lây lan cho trẻ lớn hơn và người lớn. Cần đi khám khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh tay-chân-miệng.
Tổn thương dây thanh quản
Sử dụng thanh quản quá mức trong các hoạt động như nói, la hét, ca hát... có thể dẫn đến tổn thương dây thanh quản. Một tổn thương có thể hình thành ở một bên, gây ra một vùng cổ họng bị đau. Khi dây thanh quản tổn thương thường sẽ nhận thấy sự thay đổi trong giọng nói, chẳng hạn như khàn giọng. Những loại tổn thương này thường điều trị dễ dàng. Cho cơ quan phát âm nghỉ ngơi giúp làm dịu tổn thương dây thanh quản. Trong một số trường hợp, tổn thương sẽ cần phẫu thuật.
Khối u
Mặc dù chúng là một trong những nguyên nhân gây ra đau họng ít nhất, các khối u có thể ảnh hưởng đến cổ họng và các vùng lân cận. Chúng có thể lành tính hoặc là ung thư. Một khối u có thể gây đau ở một bên cổ họng khi nằm ở khu vực này. Các triệu chứng có thể bao gồm: một khối u ở cổ, khàn tiếng, ho kéo dài, giảm cân không rõ lý do, có máu trong nước bọt hoặc đờm máu...
BS. Nguyễn Văn Bách
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

KHI ĐƯỜNG HUYẾT KHÔNG ỔN ĐỊNH


Khi đường huyết quá thấp hoặc quá cao đều nguy hiểm cho người bệnh. Nếu đường huyết xuống thấp dưới 60 mg/dl có thể dẫn đến tình trạng hôn mê, thậm chí tử vong. Còn nếu đường huyết cao hơn 180mg/dl thì ngoài hôn mê, còn có thể gây tổn thương nhiều bộ phận quan trọng trong cơ thể…

Khi hạ đường huyết
Sự nguy hiểm khi bị hạ đường huyết (ĐH): Hạ ĐH là khi nồng độ đường glucose trong máu giảm xuống dưới 4mmol/l, không đủ cho cơ thể hoạt động. Hạ ĐH hiếm gặp ở những người bình thường nhưng khá phổ biến ở những bệnh nhân ĐTĐ, chủ yếu là do biến chứng của điều trị. Khi bị hạ ĐH các cơ quan trong cơ thể bị lâm vào tình trạng thiếu năng lượng, các hoạt động bị đình trệ. Dù cơ thể có khả năng huy động năng lượng từ các nguồn khác như từ lipid, protid nhưng cũng chỉ tạm thời và không đủ. Đặc biệt là não và hồng cầu là hai cơ quan trong cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ glucose. Vì thế hạ ĐH nặng hoặc kéo dài có thể gây tổn thương não nặng, thậm chí gây tử vong. Do vậy việc phát hiện và điều trị hạ ĐH phải càng nhanh càng tốt.

Người bệnh đái tháo đường cần luôn giữ đường huyết ở mức an toàn

Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng của người bị hạ ĐH cũng gần giống như khi bị đói nhưng nặng hơn nhiều. Các triệu chứng này xuất hiện qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu (ĐH giảm xuống còn 4-3 mmol/l): Bệnh nhân có cảm giác đói, vã mồ hôi, run chân tay, hồi hộp đánh trống ngực và lo sợ… Đa số các bệnh nhân bị hạ ĐH nhận biết và tự điều trị ở giai đoạn này.
Giai đoạn sau (ĐH giảm xuống còn 3-2 mmol/l): Bệnh nhân có cảm giác yếu, mệt, đau đầu, nhìn mờ và lơ mơ.
Giai đoạn cuối, một số ít bệnh nhân (khi ĐH giảm xuống < 2 mmol/l): Người bệnh sẽ đi vào hôn mê, có thể bị co giật.
Lưu ý, những bệnh nhân mắc ĐTĐ đã lâu và đã có các biến chứng thần kinh, tim mạch hoặc những bệnh nhân đã bị hạ ĐH nhiều lần thì các triệu chứng trên rất mờ nhạt, thậm chí có thể không có bất cứ triệu chứng nào. Một số bệnh nhân ĐTĐ đang được dùng các thuốc điều trị suy tim, tăng huyết áp… thì các triệu chứng của hạ ĐH cũng rất mờ nhạt do hầu hết bị thuốc này làm giảm đi rất nhiều hoặc làm mất hoàn toàn các triệu chứng. Bệnh nhân có thể đột ngột đi vào hôn mê mà không có bất cứ dấu hiệu báo trước nào.
Hạ ĐH cũng có thể xảy ra khi đang ngủ nên khi mê thấy ác mộng nhiều, sáng ngủ dậy thấy người ướt đẫm mồ hôi, rất mệt, khó chịu, đau đầu…
Mức đường máu an toàn là:

Trước bữa ăn: 90 – 130 mg/dL ( 5,0 – 7,2 mmol/L).

Sau bữa ăn 1 – 2 giờ: nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/L).

Trước lúc đi ngủ: 110 – 150 mg/dL (6,0 – 8,3 mmol/L).


Khi nghi ngờ bị hạ ĐH cần phải kiểm tra ĐH ngay. Nếu ĐH dưới 4 mmol/l thì đã bị hạ ĐH. Tuy nhiên một số trường hợp người bệnh ĐTĐ có những dấu hiệu giống như hạ ĐH nhưng khi đo thì thấy ĐH không thấp (từ 4-6 mmol/l). Những trường hợp này là do trước đó ĐH của họ thường xuyên cao nên khi ĐH giảm thì một số cơ quan có cảm giác bị “thiếu” giả tạo và phát ra những dấu hiệu như khi ĐH hạ thấp. Do đó cần phải kiểm tra ĐH để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng.
Xử trí khi bị hạ đường huyết: Đối với những bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu hạ đường huyết nhẹ và trung bình phải nhanh chóng ăn nhẹ như cháo loãng, súp hoặc uống một cốc nước đường (150ml), 100ml nước ngọt (cocacola), uống 100ml- 150ml nước hoa quả (cam), để người bệnh nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, khi người bệnh tỉnh táo trở lại nên được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Đối với trường hợp hạ đường huyết nặng, hôn mê thì phải nhanh chóng chuyển tới bệnh viện chuyên khoa. Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể tự khỏi không để lại di chứng gì.
Khi đường huyết tăng cao
Khi ĐH cao hơn 180mg/dl có thể gây tổn thương nhiều bộ phận quan trọng trong cơ thể như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ khi ĐH rất cao (trên 300mg/dl (16,5 mmol/l) thì người bệnh mới có một số triệu chứng như mệt mỏi, đi tiểu nhiều và khát nước… Còn khi ĐH cao trong khoảng 126 – 300 mg/dl (7-16,5 mmol/l) thì các triệu chứng gần như rất khó nhận ra bởi nó không gây ra đau đớn, mệt mỏi hay cảm giác khó chịu. Đó chính là lý do bệnh ĐTĐ lại gây ra nhiều tổn thất do các biến chứng mà nó gây nên. Trong đó, hậu quả đáng lo ngại nhất là biến chứng nhiễm toan ceton và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu.
Nhiễm toan ceton: Khi cơ thể không có đủ insulin, đường trong máu tăng cao nhưng cơ thể bị “thiếu thốn” năng lượng. Để bù đắp, não chỉ huy cơ thể sử dụng năng lượng thay thế bằng cách phá vỡ các chất béo, hậu quả tạo ra sản phẩm thải là ceton (có tính acid) vào trong máu. Khi ceton tích tụ quá nhiều, sẽ dẫn tới biến chứng cấp tính nhiễm toan ceton. Đây là biến chứng phổ biến hơn ở người bệnh đái tháo đường type 1, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở người bệnh đái tháo đường type 2. Khi bị biến chứng này, bệnh nhân có thể bị lú lẫn, mất nước…
Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu: ­­­­Xuất hiện khi đường huyết cao hơn 600mg/dl (33mmol/l), có thể kèm hoặc không kèm nhiễm toan ceton ở người bệnh đái tháo đường type 2. Ở giai đoạn này, cơ thể không thể sử dụng được đường từ máu, cũng như từ chất béo, lập tức lượng đường được tăng đào thải ra ngoài qua nước tiểu, khiến người bệnh tiểu tiện thường xuyên.  Nước từ tế bào bị kéo vào lòng mạch, gây mất nước trầm trọng, làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu. Khi bị hội chứng tăng áp lực thẩm thấu, bệnh nhân có thể bị ảo giác, mất thị lực, co giật…
Nhiễm toan ceton và tăng áp lực thẩm thấu là tình trạng đe dọa tính mạng và người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức, nếu chậm trễ có thể dẫn tới hôn mê và đe dọa tới tính mạng.

Đường huyết bao nhiêu là an toàn?
Giữ ĐH trong vùng an toàn đóng vai trò then chốt trong phòng ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh ĐTĐ và các biến chứng do bệnh gây ra. Theo Hiệp hội ĐTĐ Mỹ, đối với đa số bệnh nhân ĐTĐ, mức đường máu an toàn là:
Trước bữa ăn: 90 – 130 mg/dL ( 5,0 – 7,2 mmol/L).
Sau bữa ăn 1 – 2 giờ: nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/L).
Trước lúc đi ngủ: 110 – 150 mg/dL (6,0 – 8,3 mmol/L).
Tuy nhiên, tùy từng bệnh nhân và mức độ biến chứng mà vùng an toàn của đường huyết cũng khác nhau, do đó mỗi bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ của mình để biết vùng đường huyết an toàn mà bản thân cần đạt tới.
Làm thế nào để có vùng đường huyết an toàn?
Để giữ mức ĐH an toàn cần tuân thủ một chế độ ăn lành mạnh, hợp lý do bác sĩ hướng dẫn: Luyện tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, lựa chọn cách luyện tập phù hợp để đạt được hiệu quả và an toàn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề này của bạn; dùng thuốc điều trị ĐTĐ (uống và/hoặc tiêm) đúng cách, đúng giờ hàng ngày; kiểm tra ĐH thường xuyên và ghi kết quả vào sổ tay, kịp thời xin ý kiến của bác sĩ về chế độ ăn, tập luyện và thuốc nếu có sự thay đổi mức ĐH; vệ sinh cá nhân sạch sẽ, kiểm tra kỹ bàn chân hàng ngày trước khi đi ngủ, phát hiện mọi bất thường như vết cắt, vết phỏng, vết chai,  chỗ bị đau, bị sưng, bị đỏ…; bỏ hút thuốc lá ngay…
TS. Phạm Thuý Hường