Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

BIẾN CHỨNG BỆNH TUYẾN GIÁP CÓ THỂ GÂY HỎNG MẮT



Bệnh Basedow có 3 biểu hiện chính gồm bướu giáp, hội chứng cường giáp và biểu hiện mắt.

Trong đó, có không ít bệnh nhân gặp biến chứng về mắt của bệnh này nhưng không được phát hiện và điều trị sớm.

Bệnh Basedow là bệnh thuộc bệnh lý tuyến giáp với nhiều tên gọi khác nhau như: bệnh Graves, bệnh Parry, bệnh cường giáp tự miễn... Bệnh xuất hiện do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormon giáp trong máu gây ra những tổn hại về mô và chuyển hóa. Bệnh thường ảnh hưởng đến tuyến giáp, làm phì đại tuyến giáp (bướu cổ), gây triệu chứng cường giáp với các biểu hiện như tăng nhịp tim, yếu cơ, mất ngủ hoặc khó ngủ và tính tình dễ bị kích thích. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mắt gây lồi mắt và ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác bao gồm da, tim, tuần hoàn và thần kinh. Bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi, nhất là độ tuổi 20-40, thường gặp nhiều ở nữ giới.

Dấu hiệu nhận biết
Có 3 biểu hiện chính: bướu giáp, hội chứng cường giáp và biểu hiện mắt. Bệnh biểu hiện khác nhau tùy từng bệnh nhân. Bệnh có khi xảy ra rất nhanh chỉ trong vòng vài tuần hay ít hơn nữa nhưng thường tăng dần trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước khi bệnh nhân thấy.

Bướu giáp: Tuyến giáp thường lan tỏa tương đối đều, mềm hoặc chắc. Nghe tại bướu có thể phát hiện được tiếng thổi liên tục hay trội hơn ở thì tâm thu. Bướu giáp lớn đôi khi gây chèn ép các cơ quan lân cận. Khoảng 7,4% trường hợp không có bướu.

Hội chứng cường giáp: Triệu chứng chính của Basedow do tăng sản xuất quá mức các hormon tuyến giáp. Bệnh nhân dễ nóng giận, nói nhiều; vận động nhiều hay mệt, run tay, yếu cơ và có thể teo cơ; tăng tiết mồ hôi tay...

Biểu hiện mắt: Biểu hiện mắt có thể bắt đầu trước hoặc sau khi được chẩn đoán Basedow 6 tháng. Bệnh do thâm nhiễm tế bào Lympho đi kèm với phù nề của các mô ở hốc mắt và sau nhãn cầu gây ra lồi mắt hay còn gọi là bệnh mắt Basedow. Mặc dù nhiều bệnh nhân chỉ thấy có đỏ mắt hoặc cộm mắt nhưng chỉ có dưới 5% có các biểu hiện nghiêm trọng kéo dài. Do vậy, bệnh nhân có các triệu chứng về mắt cần được thăm khám bởi các bác sĩ mắt và đồng thời cả bác sĩ nội tiết.

Lồi mắt có thể rất nhiều trên những bệnh nhân có bướu cổ nhỏ và ngược lại có thể lồi rất ít trên những bệnh nhân bướu cổ to. Lồi mắt thường xảy ra ở cả hai mắt, đôi khi rõ rệt hơn ở một bên. Cũng có những bệnh nhân chỉ bị lồi một bên mắt nhưng rất hiếm gặp.

Dấu hiệu điển hình ở mắt là: mi mắt nhắm không kín; co cơ mi trên gây hở khe mi; mất đồng tác giữa nhãn cầu và mi trên (co cơ mi trên khi mắt nhìn đưa xuống dưới); giảm hội tụ nhãn cầu gây nhìn đôi do liệt cơ vận nhãn.


Biến chứng bệnh tuyến giáp ảnh hưởng mắt.

Phân loại
Phân loại theo mức độ NOSPECT của Hội tuyến giáp Mỹ (ATA):
Độ 0: Không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì.
Độ 1: Co cơ mi trên, giảm hội tụ nhãn cầu.
Độ 2: Tổn thương kết mạc và phù mi, phù kết mạc chảy nước mắt, cảm giác có vật lạ ở mắt, sợ ánh sáng.
Độ 3: Lồi mắt, đo bằng thước đo độ lồi Hertel (bình thường: 16-18mm).
Độ 4: Tổn thương thâm nhiễm các cơ vận nhãn, thường gặp nhất là cơ thẳng trong gây hạn chế nhìn lên, tiếp đến là cơ thẳng ngoài hạn chế nhìn sang bên. Thị lực bị rối loạn hoặc nhìn đôi.
Độ 5: Tổn thương giác mạc (đục giác mạc, loét giác mạc) vì không nhắm kín được mắt.
Độ 6: Giảm thị lực đến mất thị lực (tổn thương dây thần kinh thị giác).

Chẩn đoán và điều trị
Bệnh Basedow được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm hormon tuyến giáp tăng cao và hormon kích thích tuyến giáp - TSH giảm trong máu. Đôi khi tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ có thể chỉ định thêm xạ hình tuyến giáp hoặc một vài xét nghiệm khác như TRAb.

Hiện nay, có nhiều phương pháp và phương tiện để điều trị bệnh Basedow như dùng thuốc kháng giáp hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng.

Việc chọn lựa phương pháp nào điều trị hay phẫu thuật thì tùy thuộc kinh nghiệm của thầy thuốc, sự dung nạp thuốc và tuân thủ của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Khi thuốc không đáp ứng hoặc đáp ứng kém thì bệnh nhân cần chuyển sang điều trị phẫu thuật.

Đặc biệt, những tổn thương lồi mắt trong bệnh Basedow sau quá trình điều trị rất ít được cải thiện triệu chứng lồi, vì vậy cần được phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm.

Khi gặp các triệu chứng phổ biến của chứng cường giáp chủ yếu là mất ngủ hoặc khó ngủ, run tay, gầy sút, ngoài ra, giảm cân đột ngột mặc dù tăng sự thèm ăn, tiêu chảy và đại tiện thường xuyên hơn, tim đập mạnh, cơ bị yếu, khó hoạt động như trước, da ấm và có cảm giác ẩm, người bệnh hãy đi khám ngay để phát hiện và điều trị trước khi xuất hiện các biến chứng nặng.

BS. Nguyễn Văn Đức
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

“SAY” CAFFEIN VÀ CÁCH ỨNG PHÓ



Caffein được tìm thấy trong một số loại thực vật bao gồm cà phê, lá chè và cacao. Nó được tiêu thụ trên khắp thế giới với nhiều sản phẩm như cà phê, trà và sô-cô-la.

Trong khi caffein an toàn cho hầu hết mọi người, một số người khác lại bị dị ứng với chất caffein. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc nhận diện các triệu chứng của dị ứng caffein, nguyên nhân và cách điều trị.
Caffein - một loại “thuốc” tự nhiên chứa trong cà phê, có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương. Ngoài vấn đề khẩu vị, đây cũng là một nguyên nhân nhiều người yêu thích, thậm chí nghiện món đồ uống này. Nhưng caffein sẽ tác động lên cơ thể một người dị ứng với nó như thế nào?

Caffein và các hiệu ứng của nó
Caffein là một chất kích thích tự nhiên ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh trung ương, làm cho người dùng cảm thấy tỉnh táo và tập trung hơn. Nhiều người  uống tới vài ly cà phê trong ngày, hay uống trà liên tục vì họ tin rằng nó làm cho họ làm việc hiệu quả hơn.

Sưng phù mặt do dị ứng caffein là một triệu chứng dị ứng nặng.

Hầu hết mọi người có thể an toàn khi dung nạp đến 400mg caffein mỗi ngày, tương đương với khoảng 4 cốc cà phê. Tuy nhiên, một số người nhạy cảm với chất caffein và sau khi dung nạp một lượng caffein nhất định sẽ có những triệu chứng mà người ta thường gọi là “say cà phê”. Say cà phê có 2 dạng hay 2 mức độ:

Một là không dung nạp caffein. Sau khi ăn uống thực phẩm có chứa caffein có cảm giác: tim đập loạn nhịp; lo lắng; cáu kỉnh; đau đầu; khó ngủ; đau bụng... Những người gặp các triệu chứng này rất có thể không dung nạp thức ăn, đồ uống có chứa caffein. Triệu chứng gây ra bởi sự nhạy cảm với cà phê thường sẽ biến mất nếu người đó ngừng uống cà phê hay thức ăn, uống chứa caffein.

Những người nhạy cảm với cà phê có thể bị rối loạn đường tiêu hóa hoặc các triệu chứng liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác có thể trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, cà phê có thể làm ợ nóng và các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản tồi tệ hơn. Caffein trong cà phê có thể làm giãn cơ vòng ở đầu dưới của ống thực phẩm, gây ra trào ngược dịch vị dạ dày.

Sự không dung nạp khác với việc bị dị ứng với caffein. Bệnh dị ứng caffein rất hiếm gặp và các triệu chứng của một ca dị ứng caffein nghiêm trọng hơn nhiều. Các triệu chứng dị ứng caffein bao gồm từ nhẹ đến nặng: Phát ban, sưng môi và lưỡi, ngứa ngáy môi và lưỡi; buồn nôn và ói mửa; khó nuốt; hụt hơi hoặc khó thở; ho khan; đau bụng; tiêu chảy; da tái; nhịp tim yếu hoặc giảm huyết áp đột ngột; chóng mặt hoặc mất ý thức.

Nếu một người bị dị ứng với caffein, các triệu chứng này có thể xảy ra trong vòng 1 giờ sau tiêu thụ caffein. Các triệu chứng có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng trên cơ thể và thường sẽ trở nên tệ hơn theo thời gian.

Một số người có thể bị phản ứng dị ứng trầm trọng là sốc phản vệ (đã được báo cáo trong một số nghiên cứu). Tuy nhiên, may mắn là điều này rất hiếm gặp. Các triệu chứng của sốc phản vệ có thể bao gồm: Sưng mặt nghiêm trọng bao gồm mắt, môi, mặt và lưỡi; khó thở do tình trạng sưng phù mặt; khó nói; thở khò khè; ho; buồn nôn, đau bụng hoặc nôn; tim đập loạn nhịp; chóng mặt... Phản ứng dị ứng trầm trọng có thể dẫn đến chứng quá mẫn, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị.

Nguyên nhân gây dị ứng và không dung nạp caffein
Caffein ảnh hưởng đến những người khác nhau bằng những cách khác nhau. Những ảnh hưởng mà caffein có trên cơ thể của người dị ứng với nó không giống như đối với những người không dung nạp caffein.

Khi một người tiêu thụ caffein, nó được hấp thu vào máu qua đường ruột. Trong não, chất caffein ngăn chặn các ảnh hưởng của các chất hóa học thông thường làm cho một người buồn ngủ. Nó cũng có thể làm tăng mức adrenaline trong máu, làm cho não và cơ thể hưng phấn, tỉnh táo hơn. Đó là phản ứng cơ thể của người bình thường. Còn đối với người dị ứng caffein, cơ thể xử lý nó như thể nó là một kẻ xâm lược. Hệ thống miễn dịch sau đó đáp ứng với caffein theo một cách tương tự như cách nó sẽ phản ứng với các mầm bệnh như vi khuẩn và virut. Nó giải phóng các hợp chất bảo vệ, như histamine, để cô lập và tiêu diệt caffeine xâm nhập. Các triệu chứng của một dị ứng cà phê là kết quả của quá trình này.

Tại sao có phản ứng dị ứng với caffein?
Theo một nghiên cứu năm 2014 cho thấy, đáp ứng khác nhau của người với caffein được cho là liên quan đến di truyền. Tuy nhiên, chính xác những gì làm cho cơ thể một số người coi caffein như một chất gây dị ứng chưa được hiểu đầy đủ. Một nghiên cứu gợi ý rằng dị nguyên có thể là các tạp chất bám vào hạt cà phê trước khi rang, chúng có tác động như một chất gây dị ứng. Một nghiên cứu tiếp theo vào năm 2017 cho thấy một loại nấm mốc trên hạt cà phê có thể là nguyên nhân của dị ứng.

Chẩn đoán dị ứng caffein
Cũng như các chứng dị ứng khác, bác sĩ có thể thực hiện test da để chẩn đoán dị ứng caffein. Bác sĩ sẽ đặt một lượng nhỏ chất gây dị ứng trên cánh tay của một người và theo dõi phản ứng của da với chất này. Nếu phát ban xuất hiện, điều này có thể báo hiệu chứng dị ứng.

Các phương pháp điều trị dị ứng với caffein
Các loại thuốc kháng histamin có thể giúp giảm bất kỳ triệu chứng ngứa, sưng hoặc phát ban nào do dị ứng caffein.
Trong những trường hợp hiếm hoi, dị ứng caffein có thể gây sốc phản vệ. Đây là một cấp cứu khẩn cấp. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng tiêm epinephrin. Nếu một người có dấu hiệu của sốc phản vệ, hãy liên hệ ngay với dịch vụ cấp cứu.

Phòng ngừa thế nào?
Khi một người bị dị ứng với caffein hoặc không dung nạp được, cách tốt nhất để ngăn ngừa việc đó là tránh ăn bất cứ thứ gì có chứa caffein. Điều này có thể bao gồm việc loại bỏ ra khỏi khẩu phần hàng ngày: cà phê, trà, sôcôla, nước tăng lực, bánh kẹo hay bất kỳ đồ ăn thức uống nào trong thành phần có chứa caffein. Vì thế, đọc kỹ nhãn hàng khi sử dụng đối với người bị dị ứng caffein là rất cần thiết trước khi quyết định nạp nó vào cơ thể.
BS. Thục Trinh
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

KHÔNG CHỦ QUAN VỚI VIÊM PHỔI Ở TRẺ



Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng, gây tổn thương nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí.

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em. Bệnh có các thể rất nặng, diễn biến nhanh gây tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tác nhân gây viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em xảy ra quanh năm nhưng hay gặp vào mùa thu đông và đầu xuân. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn, virut trú ngụ ở mũi họng và được phát tán khi trẻ ho, hắt hơi, sổ mũi.
Có 3 loại mầm bệnh chủ yếu gây viêm phổi ở trẻ em là do virut, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Theo đánh giá chung, viêm phổi ở trẻ trên 5 tuổi thường do vi khuẩn, ngược lại dưới 5 tuổi chủ yếu do virut. Tuy nhiên thực tế lâm sàng không dễ phân biệt căn nguyên do vi khuẩn hay virut. Hơn nữa, ở trẻ nhỏ với khả năng miễn dịch bảo vệ thấp, khởi đầu có thể bị nhiễm virut, nhưng nếu không kiểm soát tốt, bội nhiễm vi khuẩn rất dễ xảy ra.

Các tác nhân gây bệnh hay gặp: Streptococcus pneumoniae, Hemophilus influenzae type b, Group b streptococci, Mycoplasma pneumoniae, Respiratory syncytialvirus,  Influenzavirus và Adenovirus.

Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Trẻ nào dễ mắc?
Trẻ nhỏ nào cũng có thể mắc viêm phổi, tuy nhiên nhóm trẻ hay mắc là trẻ sống trong không gian chật chội, ô nhiễm môi trường trong nhà và xung quanh. Đặc biệt nếu trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp  than... Trẻ em ở độ tuổi đến trường thường dễ bị bệnh hoặc mang các tác nhân gây bệnh về lây nhiễm cho anh chị em trong gia đình. Ngoài ra, nhóm trẻ có khả năng miễn dịch thấp (trẻ đẻ non, trẻ không được bú mẹ, suy dinh dưỡng) hoặc mắc các chứng bệnh mạn tính như: bệnh tim bẩm sinh, xơ hóa phế quản phổi, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn miễn dịch bẩm sinh và mắc phải...

Bệnh viêm phổi có lây nhiễm không?
Bệnh viêm phổi có lây nhưng không nhiều như suy nghĩ của đa số mọi người. Virut cảm cúm gây ra triệu chứng ho ban đầu có khả năng lây lan lớn nhưng ổ viêm nhiễm ở sâu dưới phổi lại ít lây hơn. Khi tiếp xúc với bệnh nhân viêm phổi, người chăm sóc thường bị nhiễm virut với các biểu hiện ho và cảm cúm thông thường, nhưng ít khi tiến triển thành viêm phổi. Virut có thể lây lan qua dịch tiết ở mũi hoặc miệng, khi bé ho hoặc hắt hơi, hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống với người khỏe mạnh.

Sự lây nhiễm của viêm phổi không phụ thuộc nhiều vào chủng loại virut hay vi khuẩn gây bệnh ở trẻ mà phụ thuộc chủ yếu vào độ nhạy cảm của mỗi người. Như vậy, nếu một ai đó trong gia đình bị viêm phổi, phải điều trị bằng kháng sinh, thì điều này không có nghĩa là những người còn lại trong gia đình cũng sẽ bị viêm phổi.

Những biểu hiện chính của viêm phổi
Thở nhanh là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán viêm phổi cao nhất. Theo tiêu chuẩn của WHO, trẻ dưới 5 tuổi, thở nhanh như sau: nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi; nhịp thở từ 50lần/phút trở lên đối với trẻ 2 - 12 tháng tuổi; nhịp thở từ 40lần/phút trở lên đối với trẻ 1 - 5 tuổi. Có thể  đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ và phải đếm trong 1 phút, muốn có kết quả chính xác thì đếm 2-3 lần. Bác sĩ nghe thấy ran ẩm nhỏ hạt cũng là dấu hiệu có giá trị thường được dùng trong chẩn đoán viêm phổi. Nếu trẻ bị viêm phổi nặng sẽ có dấu hiệu rút lõm lồng ngực. Để phát hiện dấu hiệu này cần nhìn vào phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm vào khi trẻ hít vào. Chú ý rằng khi chỉ thấy phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là dấu hiệu rút lõm lồng ngực. Mặt khác ở trẻ dưới 2 tháng tuổi nếu chỉ rút lõm lồng ngực nhẹ thì chưa có giá trị phân loại vì lồng ngực của trẻ nhỏ còn mềm, nên khi thở bình thường cũng có thể hơi bị rút lõm. Do đó ở những trẻ này rút lõm lồng ngực mạnh (lõm sâu và dễ nhìn thấy) mới có giá trị để chẩn đoán viêm phổi.

Triệu chứng thường gặp nữa là sốt cao. Triệu chứng thở khò khè có thể ở trẻ lớn bị viêm phổi do Mycoplasma. Song triệu chứng này cũng dễ nhầm với bệnh hen nếu không chụp Xquang phổi. Những triệu chứng phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém, kích thích và các bất thường khi khám phổi thay đổi phụ thuộc vào tuổi bệnh nhi và mức độ nặng của bệnh. Các triệu chứng như bỏ bú, thở rên, tím trung tâm có thể là những gợi ý của tình trạng thiếu oxy, nhưng các triệu chứng này không có độ nhạy và đặc hiệu cao, vì vậy khi có điều kiện cần phải đo độ bão hòa oxy qua da cho bệnh nhi có biểu hiện suy hô hấp hoặc có vẻ bị bệnh nặng.

Khi nào đưa trẻ tới gặp bác sĩ?
Viêm phổi là một bệnh nặng và có thể gây tử vong, do đó nếu bạn nghĩ con bạn có khả năng viêm phổi hãy đưa tới gặp bác sĩ nhi khoa ngay lập tức. Hãy gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời nếu con có một trong các triệu chứng sau: Ngưng thở, da xanh tái hoặc nhợt nhạt, rất khó thở, thở rên, trông trẻ có vẻ rất mệt mỏi và rất gắng sức mới thở được.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, mức độ nặng của bệnh và tác nhân gây viêm phổi là virut hay vi khuẩn. Đối với những trẻ bệnh rất nặng hoặc tuổi nhỏ khi bị viêm phổi thì phải nhập viện điều trị.
Cần nhập viện khi tất cả trẻ dưới 3 tháng có biểu hiện viêm phổi. Trẻ trên 3 tháng viêm phổi và sốt cao trên 38,50C. Suy hô hấp mức độ trung bình đến nặng (nhịp thở trung bình trên 70 lần ở trẻ dưới 1 tuổi, trên 50 lần với trẻ lớn, co lõm lồng ngực, khó thở nặng, thở rên, cánh mũi phập phồng, ngưng thở), tím tái, li bì, trẻ bỏ bú, mất nước (mắt trũng, tiểu ít)...

Biện pháp phòng bệnh
Muốn phòng bệnh viêm phổi cho trẻ em, cần thực hiện các biện pháp như sau: Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; tránh cho trẻ hít phải khói, bụi. Giữ vệ sinh răng miệng bằng việc chải răng cho trẻ ngày 2 lần, sáng khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. Khám và điều trị sớm, tích cực các bệnh tai mũi họng, răng hàm mặt cho trẻ dưới 5 tuổi. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Mùa đông cần mặc quần áo đủ ấm cho trẻ, chú ý giữ ấm vùng ngực, cổ, đầu mặt cho trẻ, nhất là khi phải đưa trẻ đi ra ngoài. Viêm phổi ở trẻ em thường diễn tiến nhanh, cần theo dõi chặt chẽ tại cở sở y tế.

BS. Lê Thanh Thư
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

NHẬN BIẾT SỚM GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM CỦA SỐT XUẤT HUYẾT


Theo BSCKII. Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, sốt xuất huyết (SXH) Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch, xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa và hiện nay đang là thời kỳ cao điểm của bệnh này ở các tỉnh phía Bắc. Tại Hà Nội, bệnh nhân SXH ghi nhận ở cả trẻ em và người lớn.

Bệnh sốt xuất huyết có những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, việc phát hiện sớm những diễn biến nguy hiểm là vô cùng quan trọng.

Diễn biến bệnh sốt xuất huyết

Bệnh thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua 3 giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn sốt trong 3-5 ngày đầu tiên. Trong giai đoạn này bệnh nhân sốt cao 38-400C, liên tục, kèm theo các triệu chứng chung của nhiễm virut: đau đầu, mỏi cơ khớp toàn thân.

Giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 tính từ ngày đầu tiên khi bệnh nhân bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24-48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ; huyết áp bị kẹt với hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg; huyết áp bị tụt hoặc không đo được; lượng nước tiểu ít.

Người bệnh SXH cần theo dõi chặt chẽ, tránh biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng. Dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện với hiện tượng chảy máu mũi, lợi; đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể thấy ở hệ tiêu hóa, phổi, não; đây là dấu hiệu nặng.

Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy phủ tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không bị sốc; vì vậy trên thực tế lâm sàng cần cảnh giác.

Giai đoạn hồi phục thường xảy ra từ 24-48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm khi có hiện tượng tái hấp thu dần từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch máu. Giai đoạn hồi phục kéo dài khoảng từ 3-4 ngày tiếp theo. Người bệnh hết sốt, thể trạng được tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và bắt đầu đi tiểu nhiều. Bệnh nhân có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ. Trong giai đoạn này cần thận trọng truyền dịch, truyền dịch quá mức có thể gây nên phù phổi hoặc suy tim.

Với diễn biến lâm sàng qua 3 giai đoạn đã nêu trên, việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ rất cần thiết để có biện pháp xử trí phù hợp theo từng giai đoạn và tiên lượng trước khả năng có thể ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là những biến chứng xảy ra.

Nhận biết các mức độ của bệnh sốt xuất huyết

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo bệnh sốt xuất huyết xảy ra gồm 3 mức độ khác nhau là sốt xuất huyết, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.

Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo gồm các triệu chứng lâm sàng đã nêu trên và kèm theo các dấu hiệu cảnh báo như: vật vã, lừ đừ, li bì. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, gan to trên 2cm; nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, đi tiểu ít.

Sốt xuất huyết nặng xảy ra khi người bệnh có một trong các biểu hiện thoát huyết tương nặng dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích hay còn gọi là sốc sốt xuất huyết, có ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều; có dấu hiệu xuất huyết nặng và suy tạng.

Sốc sốt xuất huyết có biểu hiện suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh với các triệu chứng như vật vã, bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt, hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg, tụt huyết áp hay không đo được huyết áp; số lượng nước tiểu ít.

Sốc do sốt xuất huyết lại được chia làm 2 mức độ để điều trị bù dịch gồm sốc sốt xuất huyết có dấu hiệu như suy tuần hoàn, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt; kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã, li bì và sốc sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được.

Xuất huyết nặng được biểu hiện triệu chứng chảy máu cam nặng nên cần nhét gạc vào vách mũi để cầm máu, bị rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng; thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu ôxy mô và toan chuyển hóa, có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin); ibuprofen hoặc dùng thuốc corticoid; bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn tính.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được.

Vì vậy, phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát được hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như tránh muỗi đốt kể cả ban ngày; diệt bọ gậy muỗi, loăng quăng muỗi và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi; đồng thời thường xuyên vệ sinh cảnh quan, môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi ở trong nhà và ngoài nhà.

Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Trong 3-4 ngày đầu, bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú tại nhà, ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước (nước oresol hoặc sữa, nước hoa quả...); uống thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,50C.

Bệnh nhân tái khám theo hẹn và nhập viện điều trị khi bệnh nhân có các dấu hiệu cảnh báo hoặc theo tiên lượng của bác sỹ để đề phòng có những biến chứng nguy hiểm.

TS.BS. Bùi Trí Cường (Bệnh viện TWQĐ108)
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

NHẬN DIỆN “THỦ PHẠM” GÂY RỐI LOẠN NHỊP TIM



Rối loạn nhịp tim là tên gọi chung của một số tình trạng hoạt động không bình thường của điện ở tim, làm cho tim đập nhanh hơn hoặc chậm hơn hoạt động điện tim bình thường. Vậy, đâu là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, khi bị rối loạn nhịp tim cần làm gì?

Rối loạn nhịp tim không phải lúc nào cũng là bệnh lý. Ngày nay rối loạn nhịp tim ngày càng xuất hiện phổ biến và có xu hướng trẻ hóa, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Nhịp tim là gì?
Hoạt động co bóp của cơ tim được điều khiển bởi hệ thống xung điện (hệ thống điện tim). Hệ thống này kiểm soát cả tốc độ và mức độ đập của tim. Với mỗi nhịp tim, một tín hiệu điện lan từ đỉnh tim xuống đáy. Khi tín hiệu này lan truyền, nó làm tim co lại tống máu đi nuôi cơ thể, tạo áp suất để hút máu về tim (hoạt động bơm, tống máu như pit-tông xi lanh).

Nhịp tim của người bình thường sẽ rơi vào khoảng 60-100 nhịp/phút. Một trái tim khỏe mạnh sẽ có nhịp đập từ 60- 80 nhịp/phút. Nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt có nhịp chậm hơn hoặc nhanh hơn một cách tự nhiên. Khi tuổi càng cao, nhịp tim sẽ thường thay đổi và đó là dấu hiệu của sự thay đổi về sức khỏe.

Nhịp tim được đo bằng số lần co thắt (nhịp đập) của tim mỗi phút (bpm - beat per minute). Nhịp tim có thể thay đổi theo nhu cầu thể chất của cơ thể, bao gồm cả nhu cầu hấp thu oxy và bài tiết carbon dioxit. Nó thường bằng hoặc gần với xung điện được đo tại bất kỳ điểm ngoại vi nào (ngực, cánh tay...).

Hình ảnh bất thường nhịp tim trên điện tâm đồ.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nhịp tim người lớn khi nghỉ ngơi, bình thường là 60 - 100bpm. Nhịp tim được gọi là nhanh nghĩa là nhịp tim được xác định trên 100bpm lúc nghỉ ngơi.  Nhịp tim được gọi là chậm tức là một nhịp tim được định nghĩa là dưới 60bpm khi nghỉ ngơi. Trong giấc ngủ, nhịp tim chậm đi với tốc độ khoảng 40-50bpm là phổ biến và được coi là bình thường. Khi tim không đập theo cách thông thường, được gọi là rối loạn nhịp tim. Đặc biệt với các trường hợp nhịp tim đập chậm có thể gặp ở một số vận động viên thể hình, vận động viên điền kinh do luyện tập làm chắc cơ, trong đó có cơ tim làm cho tim khỏe nên đập chậm (ví dụ, vận động viên điền kinh có nhịp tim khi nghỉ dưới 40 nhịp/phút). Một khi cơ tim khỏe hơn nhịp tim sẽ chậm hơn và mỗi nhịp đập đều đặn như vậy vẫn đảm bảo đẩy máu đầy đủ đi nuôi khắp cơ thể. Các trường hợp này không được gọi là rối loạn nhịp tim.

Khi thiếu máu, những tế bào hồng cầu có chức năng cung cấp oxy cho cả cơ thể sẽ bị thiếu hụt. Cơ thể thiếu oxy sẽ gây ra nhiều rối loạn, bao gồm cả rối loạn nhịp tim.


Biểu hiện của rối loạn nhịp tim
Người bệnh có rối loạn nhịp tim nhanh (nhịp nhanh), có thể thấy khó thở, tức ngực, rung trong lồng ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, ngất xỉu hoặc choáng váng…
Người bệnh có loạn nhịp tim chậm, có một số triệu chứng hay gặp như đau thắt ngực, cảm thấy tim đập quá chậm, hay nhầm lẫn, khó tập trung, khó thở, chóng mặt, đánh trống ngực, đổ mồ hôi, mệt mỏi, ngất xỉu hoặc thoáng ngất…

Ngoài ra, có thể gặp tình trạng tim đập không đều (lúc nhanh, lúc chậm), thường là do rung thất hoặc rung nhĩ. Đây là một loại rối loạn nhịp tim khi có một buồng tim đập hỗn loạn, không đồng bộ với các buồng tim còn lại. Điều này làm cho tâm thất hoặc tâm nhĩ rung vô ích, làm giảm hiệu quả bơm máu cho các cơ quan. Người bệnh có thể có triệu chứng đau lồng ngực, khó thở, chóng mặt, đánh trống ngực, thậm chí đột tử do ngừng tim đột ngột.

Nguyên nhân nào gây rối loạn nhịp tim?
Tim hoạt động dựa trên cơ tim, van tim và hệ thần kinh tim. Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim nói chung:

Bệnh về tim: Như hẹp, hở van tim, loét sùi van tim, viêm cơ tim, suy tim sung huyết, phì đại tâm thất, tim bẩm sinh… gây hiện tượng rối loạn nhịp tim.

Bệnh rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường…): Người mắc bệnh đái tháo đường dễ bị rối loạn nhịp tim, bởi vì, người đái tháo đường luôn bị thiếu hụt insulin để hấp thụ glucose cho cơ thể, lượng đường trong máu sẽ tăng và cũng gây ra chèn ép thành mạch, khiến tim đập nhanh hơn.

Bệnh rối loạn chức năng tuyến giáp: Làm cho các cơ quan đều bị ảnh hưởng, trong đó có trái tim. Chức năng tuyến giáp rối loạn đồng nghĩa với việc lượng hormon sản xuất ra sẽ thấp hoặc cao hơn bình thường. Nếu thấp hơn sẽ khiến giảm nhịp tim và giảm tốc độ tuần hoàn. Ngược lại, nồng độ hormon cao lại khiến tim đập nhanh, có thể dẫn đến những kết cục đáng sợ như hôn mê sâu thậm chí tử vong.
Rối loạn gen: Theo ông Kenneth Offit - Trưởng ban Di truyền học tại Bệnh viện Denver Health (Mỹ): “Sự xáo trộn gen ở cơ tim có liên quan mật thiết đến các hội chứng gây bệnh loạn nhịp tim, diễn biến nặng có thể dẫn đến đột tử.”

Thiếu máu: Người bị thiếu máu đôi khi thấy tim đập mạnh và nhanh bất thường, lý do là khi thiếu máu, những tế bào hồng cầu có chức năng cung cấp oxy cho cả cơ thể sẽ bị thiếu hụt. Cơ thể thiếu oxy sẽ gây ra nhiều rối loạn, bao gồm cả rối loạn nhịp tim.

Thần kinh căng thẳng (stress): Là một trong các nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim. Trong thời buổi hối hả hiện nay, luôn có những áp lực trong công việc, gia đình, tài chính... Khi những căng thẳng bị đẩy đến đỉnh điểm, vượt qua ngưỡng chịu đựng có thể xuất hiện tim đập nhanh, trống ngực dồn dập. Đây chính là cách cơ thể báo rằng không nên tiếp nhận thêm bất cứ sự lo lắng mệt mỏi nào nữa. Hãy thư giãn để trái tim bạn được hoạt động với công suất bình thường mà thôi.

Máy tạo nhịp tim sẽ tạo xung điện, hỗ trợ kích thích và khôi phục tần số tim cần thiết.

Sử dụng chất kích thích: Rượu, bia, trà đặc, cà phê, thuốc lá, ma túy... là các chất kích thích phổ biến gây rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, rối loạn nhịp tim còn có thể do sử dụng một số thuốc trong điều trị bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh hen suyễn… hoặc rối loạn nhịp tim do cơ thể bị mất nước (trong bệnh tiêu chảy, sốt…). Khi cơ thể ở vào tình trạng mất nước nghiêm trọng sẽ dẫn đến những thay đổi trong chất điện giải. Có thể hiểu đơn giản, dòng điện khi bị chặn sẽ chạy vòng theo chiều ngược lại, cản luôn xung điện bình thường kế tiếp, rồi tiếp tục chạy vòng tạo nhịp nhanh. Quá trình này sẽ khiến tim đập dồn dập, lâu ngày gây ra chứng rối loạn nhịp tim.

Cần làm gì khi bị rối loạn nhịp tim?
Rối loạn nhịp tim là do sự bất thường trong chuỗi hoạt động của tim dẫn đến tình trạng tim bơm máu không hiệu quả. Vì vậy, khi nghi ngờ rối loạn nhịp tim cần được khám bệnh một cách toàn diện, tốt nhất là khám chuyên khoa tim mạch để được phát hiện và điều trị kịp thời. Những người đang mắc một số bệnh làm rối loạn nhịp tim (đái tháo đường, bệnh tuyến giáp trạng, bệnh tim mạch…) cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Tùy vào nguyên nhân và từng loại rối loạn nhịp tim mà bác sĩ đưa ra phương pháp khác nhau.
Đối với nhịp tim chậm có thể dùng thuốc. Nếu không hiệu quả, bác sĩ sẽ sử dụng máy tạo nhịp tim, cấy dưới cơ ngực của bệnh nhân. Máy sẽ hỗ trợ tạo các xung điện, hỗ trợ kích thích và khôi phục tần số tim cần thiết, tránh đột tử…

Điều trị nhịp tim nhanh có thể dùng các biện pháp như: Thuốc chống loạn nhịp để kiểm soát và khôi phục nhịp tim bình thường; liệu pháp phế vị (thao tác đặc biệt này được dùng để ngăn chặn chứng nhịp nhanh trên thất bằng việc tác động lên dây thần kinh phế vị và hệ thống thần kinh kiểm soát nhịp tim); đốt điện (các sóng điện sẽ đốt các ổ nhịp tim bệnh lý hoặc đốt đường dẫn truyền điện học phụ của tim... để phòng ngừa nhịp tim không đều, nhịp nhanh); sốc chuyển nhịp (tác động lên các xung điện để khôi phục nhịp tim bình thường). Khi các phương pháp can thiệp trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị rối loạn nhịp tim.
BS.Bùi Mai Hương
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống