Nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới (WB) và
Viện Đánh giá và Nghiên cứu y tế cho thấy, nguy cơ tử vong do ô nhiễm không khí
đứng thứ tư trong các nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới.
Thiệt hại do ô nhiễm không khí
Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục
cảnh báo mối đe dọa từ ô nhiễm không khí với sức khỏe con người cao hơn nhiều
so với những con số báo cáo. Rằng ô nhiễm không khí là nguyên nhân làm hơn 3
triệu người tử vong sớm mỗi năm do đột quỵ, mắc bệnh tim mạch, hô hấp, lão hóa
não bộ, đe dọa hầu hết cộng đồng dân cư các thành phố lớn ở những nước đang
phát triển và các nước chậm phát triển.
Theo WB, tử vong do ô nhiễm không khí gây
thiệt hại 225 tỷ USD kinh tế toàn cầu và là nguy cơ hàng đầu gây tử vong sớm
trên thế giới. Ô nhiễm không khí làm 5,5 triệu người tử vong năm 2013 do mắc
các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà, gây đau khổ
cho con người và làm giảm sự phát triển kinh tế.
Các phân tử ô nhiễm qua khứu giác xâm nhập vào não và tủy sống.
Nguy hiểm rình rập khi không khí ô nhiễm
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh cho
thấy, các hạt phân tử được tìm thấy trong tình trạng ô nhiễm có thể xâm nhập
não người do hít thở không khí. Các phân tử ô nhiễm là magnetite (oxit sắt từ)
có kích thước nhỏ hơn 150 nanometer được phát hiện bên trong vỏ não trước. GS.
Barbara Maher tại Đại học Lancaster chủ trì nghiên cứu cho biết, magnetite là
chất độc đối với não người. Các phân tử magnetite luôn có mặt trong môi trường
ô nhiễm. Magnetite là một dạng khoáng của sắt, chúng có khả năng dễ phản ứng và
giải phóng các hạt phân tử khác, tạo ra các gốc tự do, gây ra mất cân bằng ôxy
hóa trong các tế bào thần kinh, phá hủy và tiêu diệt tế bào thần kinh.
Nghiên cứu của Maher khám phá ra hai dạng hạt
phân tử magnetite bên trong các mẫu não người. Một dạng của hạt phân tử này là
có góc cạnh hay răng cưa được tạo thành tự nhiên bên trong não người, một dạng
khác có hình cầu do chúng được hình thành ở nhiệt độ cao. Maher cho biết thêm:
“Đây là một kết hợp tổng thể với các hạt phân tử ô nhiễm không khí. Để xác minh
điều này, nhóm nghiên cứu so sánh các hạt phân tử này với các hạt phân tử từ ô
nhiễm không khí được bơm từ các lề đường khác nhau và nó khá thuyết phục”.
Theo ước tính của WHO, ô nhiễm không khí bên
ngoài (Outdoor air pollution) gây ra 1,3 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm
và được xem là yếu tố nguy cơ đối với bệnh hô hấp cấp tính và mạn tính. Còn
nhóm nghiên cứu của Maher cho rằng, phân tử gây ô nhiễm này có thể tăng mối
nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.
Nhiều nghiên cứu trước đây được liên kết với
sự có mặt của magnetite trong não đối với sự xuất hiện của bệnh Alzheimer’s.
GS. Maher cho rằng điều này có thể xuất hiện bởi sự phát triển của các gốc tự
do, gây ra tổn thương bên trong não và các phân tử cũng có thể gây ra các tổn
thương khác ở não. Cho đến nay, đây là các nhân tố môi trường tiềm ẩn đối với
bệnh Alzheimer’s nhưng bằng chứng của điều này bị hạn chế nên cần được nghiên
cứu thêm.
Làm gì để hạn chế tác hại từ ô nhiễm không
khí?
Đối với mọi người, luôn luôn đeo khẩu trang
mỗi khi ra đường, đến nơi công cộng như chợ, siêu thị, bến tàu xe... Trong nhà
bạn cần tránh khói từ bếp, từ người hút thuốc lá, thuốc lào; Không bao giờ nổ
xe máy hay máy phát điện... trong phòng kín cửa. Không đốt rác hay đốt vàng mã khi
đã đến giờ ngủ của các thành viên gia đình; Nếu phòng sử dụng máy điều hòa thì
cần bố trí quạt thông gió; Phòng ngủ cần thoáng khí nhưng cần tránh gió lùa;
Nên sử dụng cửa kính để tránh khói bụi từ ngoài xông vào nhà.
Đối với toàn xã hội, thực hiện luật bảo vệ môi
trường, quản lý và kiểm soát những nguồn và các tác nhân gây ô nhiễm nhằm cải
thiện chất lượng không khí; Thay thế các trang thiết bị cũ bằng trang thiết bị
hiện đại; Xử lý tốt các chất thải, khí thải trước khi thải ra môi trường. Hạn
chế sử dụng than đá, củi, dầu..., phòng chống cháy rừng, chống đốt phá rừng,
hạn chế đốt rơm rạ...; Giảm ô nhiễm của bụi, hơi và khí bằng các phương pháp:
sử dụng buồng lắng bụi, lọc bụi...; Trồng nhiều cây xanh để hạn chế một phần ô
nhiễm không khí. Sử dụng một số biện pháp như: làm sạch khí thải, phương pháp
hấp thụ, phương pháp ngưng tụ, phương pháp sinh hóa...
BS. Ninh Hồng
((Theo CNN và WHO))
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét