Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

KHÔNG CHỦ QUAN VỚI VIÊM PHỔI Ở TRẺ



Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng, gây tổn thương nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí.

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em. Bệnh có các thể rất nặng, diễn biến nhanh gây tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tác nhân gây viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em xảy ra quanh năm nhưng hay gặp vào mùa thu đông và đầu xuân. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn, virut trú ngụ ở mũi họng và được phát tán khi trẻ ho, hắt hơi, sổ mũi.
Có 3 loại mầm bệnh chủ yếu gây viêm phổi ở trẻ em là do virut, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Theo đánh giá chung, viêm phổi ở trẻ trên 5 tuổi thường do vi khuẩn, ngược lại dưới 5 tuổi chủ yếu do virut. Tuy nhiên thực tế lâm sàng không dễ phân biệt căn nguyên do vi khuẩn hay virut. Hơn nữa, ở trẻ nhỏ với khả năng miễn dịch bảo vệ thấp, khởi đầu có thể bị nhiễm virut, nhưng nếu không kiểm soát tốt, bội nhiễm vi khuẩn rất dễ xảy ra.

Các tác nhân gây bệnh hay gặp: Streptococcus pneumoniae, Hemophilus influenzae type b, Group b streptococci, Mycoplasma pneumoniae, Respiratory syncytialvirus,  Influenzavirus và Adenovirus.

Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Trẻ nào dễ mắc?
Trẻ nhỏ nào cũng có thể mắc viêm phổi, tuy nhiên nhóm trẻ hay mắc là trẻ sống trong không gian chật chội, ô nhiễm môi trường trong nhà và xung quanh. Đặc biệt nếu trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp  than... Trẻ em ở độ tuổi đến trường thường dễ bị bệnh hoặc mang các tác nhân gây bệnh về lây nhiễm cho anh chị em trong gia đình. Ngoài ra, nhóm trẻ có khả năng miễn dịch thấp (trẻ đẻ non, trẻ không được bú mẹ, suy dinh dưỡng) hoặc mắc các chứng bệnh mạn tính như: bệnh tim bẩm sinh, xơ hóa phế quản phổi, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn miễn dịch bẩm sinh và mắc phải...

Bệnh viêm phổi có lây nhiễm không?
Bệnh viêm phổi có lây nhưng không nhiều như suy nghĩ của đa số mọi người. Virut cảm cúm gây ra triệu chứng ho ban đầu có khả năng lây lan lớn nhưng ổ viêm nhiễm ở sâu dưới phổi lại ít lây hơn. Khi tiếp xúc với bệnh nhân viêm phổi, người chăm sóc thường bị nhiễm virut với các biểu hiện ho và cảm cúm thông thường, nhưng ít khi tiến triển thành viêm phổi. Virut có thể lây lan qua dịch tiết ở mũi hoặc miệng, khi bé ho hoặc hắt hơi, hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống với người khỏe mạnh.

Sự lây nhiễm của viêm phổi không phụ thuộc nhiều vào chủng loại virut hay vi khuẩn gây bệnh ở trẻ mà phụ thuộc chủ yếu vào độ nhạy cảm của mỗi người. Như vậy, nếu một ai đó trong gia đình bị viêm phổi, phải điều trị bằng kháng sinh, thì điều này không có nghĩa là những người còn lại trong gia đình cũng sẽ bị viêm phổi.

Những biểu hiện chính của viêm phổi
Thở nhanh là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán viêm phổi cao nhất. Theo tiêu chuẩn của WHO, trẻ dưới 5 tuổi, thở nhanh như sau: nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi; nhịp thở từ 50lần/phút trở lên đối với trẻ 2 - 12 tháng tuổi; nhịp thở từ 40lần/phút trở lên đối với trẻ 1 - 5 tuổi. Có thể  đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ và phải đếm trong 1 phút, muốn có kết quả chính xác thì đếm 2-3 lần. Bác sĩ nghe thấy ran ẩm nhỏ hạt cũng là dấu hiệu có giá trị thường được dùng trong chẩn đoán viêm phổi. Nếu trẻ bị viêm phổi nặng sẽ có dấu hiệu rút lõm lồng ngực. Để phát hiện dấu hiệu này cần nhìn vào phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm vào khi trẻ hít vào. Chú ý rằng khi chỉ thấy phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là dấu hiệu rút lõm lồng ngực. Mặt khác ở trẻ dưới 2 tháng tuổi nếu chỉ rút lõm lồng ngực nhẹ thì chưa có giá trị phân loại vì lồng ngực của trẻ nhỏ còn mềm, nên khi thở bình thường cũng có thể hơi bị rút lõm. Do đó ở những trẻ này rút lõm lồng ngực mạnh (lõm sâu và dễ nhìn thấy) mới có giá trị để chẩn đoán viêm phổi.

Triệu chứng thường gặp nữa là sốt cao. Triệu chứng thở khò khè có thể ở trẻ lớn bị viêm phổi do Mycoplasma. Song triệu chứng này cũng dễ nhầm với bệnh hen nếu không chụp Xquang phổi. Những triệu chứng phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém, kích thích và các bất thường khi khám phổi thay đổi phụ thuộc vào tuổi bệnh nhi và mức độ nặng của bệnh. Các triệu chứng như bỏ bú, thở rên, tím trung tâm có thể là những gợi ý của tình trạng thiếu oxy, nhưng các triệu chứng này không có độ nhạy và đặc hiệu cao, vì vậy khi có điều kiện cần phải đo độ bão hòa oxy qua da cho bệnh nhi có biểu hiện suy hô hấp hoặc có vẻ bị bệnh nặng.

Khi nào đưa trẻ tới gặp bác sĩ?
Viêm phổi là một bệnh nặng và có thể gây tử vong, do đó nếu bạn nghĩ con bạn có khả năng viêm phổi hãy đưa tới gặp bác sĩ nhi khoa ngay lập tức. Hãy gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời nếu con có một trong các triệu chứng sau: Ngưng thở, da xanh tái hoặc nhợt nhạt, rất khó thở, thở rên, trông trẻ có vẻ rất mệt mỏi và rất gắng sức mới thở được.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, mức độ nặng của bệnh và tác nhân gây viêm phổi là virut hay vi khuẩn. Đối với những trẻ bệnh rất nặng hoặc tuổi nhỏ khi bị viêm phổi thì phải nhập viện điều trị.
Cần nhập viện khi tất cả trẻ dưới 3 tháng có biểu hiện viêm phổi. Trẻ trên 3 tháng viêm phổi và sốt cao trên 38,50C. Suy hô hấp mức độ trung bình đến nặng (nhịp thở trung bình trên 70 lần ở trẻ dưới 1 tuổi, trên 50 lần với trẻ lớn, co lõm lồng ngực, khó thở nặng, thở rên, cánh mũi phập phồng, ngưng thở), tím tái, li bì, trẻ bỏ bú, mất nước (mắt trũng, tiểu ít)...

Biện pháp phòng bệnh
Muốn phòng bệnh viêm phổi cho trẻ em, cần thực hiện các biện pháp như sau: Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; tránh cho trẻ hít phải khói, bụi. Giữ vệ sinh răng miệng bằng việc chải răng cho trẻ ngày 2 lần, sáng khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. Khám và điều trị sớm, tích cực các bệnh tai mũi họng, răng hàm mặt cho trẻ dưới 5 tuổi. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Mùa đông cần mặc quần áo đủ ấm cho trẻ, chú ý giữ ấm vùng ngực, cổ, đầu mặt cho trẻ, nhất là khi phải đưa trẻ đi ra ngoài. Viêm phổi ở trẻ em thường diễn tiến nhanh, cần theo dõi chặt chẽ tại cở sở y tế.

BS. Lê Thanh Thư
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét