Theo
BSCKII. Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà
Nội, sốt xuất huyết (SXH) Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch, xảy ra quanh
năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa và hiện nay đang là thời kỳ cao điểm của
bệnh này ở các tỉnh phía Bắc. Tại Hà Nội, bệnh nhân SXH ghi nhận ở cả trẻ em và
người lớn.
Bệnh sốt
xuất huyết có những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và chưa có
thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, việc phát hiện sớm
những diễn biến nguy hiểm là vô cùng quan trọng.
Diễn biến
bệnh sốt xuất huyết
Bệnh
thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua 3 giai đoạn là giai đoạn
sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn
sốt trong 3-5 ngày đầu tiên. Trong giai đoạn này bệnh nhân sốt cao 38-400C, liên tục,
kèm theo các triệu chứng chung của nhiễm virut: đau đầu, mỏi cơ khớp toàn thân.
Giai đoạn
nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 tính từ ngày đầu tiên khi
bệnh nhân bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu
hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24-48
giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể
đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện
như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ;
huyết áp bị kẹt với hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc
dưới 20mmHg; huyết áp bị tụt hoặc không đo được; lượng nước tiểu ít.
Người
bệnh SXH cần theo dõi chặt chẽ, tránh biến chứng nguy hiểm.
Triệu
chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng. Dấu hiệu xuất
huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất
huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi,
mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện với
hiện tượng chảy máu mũi, lợi; đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất
hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể thấy ở hệ tiêu
hóa, phổi, não; đây là dấu hiệu nặng.
Ngoài ra,
một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy phủ tạng như viêm gan nặng, viêm
não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh
không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không bị sốc; vì vậy trên thực tế
lâm sàng cần cảnh giác.
Giai đoạn
hồi phục thường xảy ra từ 24-48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm khi có hiện tượng
tái hấp thu dần từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch máu. Giai đoạn hồi phục kéo
dài khoảng từ 3-4 ngày tiếp theo. Người bệnh hết sốt, thể trạng được tốt dần
lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và bắt đầu đi tiểu nhiều. Bệnh
nhân có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ. Trong giai đoạn này
cần thận trọng truyền dịch, truyền dịch quá mức có thể gây nên phù phổi hoặc
suy tim.
Với diễn
biến lâm sàng qua 3 giai đoạn đã nêu trên, việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ rất
cần thiết để có biện pháp xử trí phù hợp theo từng giai đoạn và tiên lượng
trước khả năng có thể ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là những biến chứng xảy
ra.
Nhận biết
các mức độ của bệnh sốt xuất huyết
Tổ chức Y
tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo bệnh sốt xuất huyết xảy ra gồm 3 mức độ khác
nhau là sốt xuất huyết, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết
nặng.
Sốt xuất
huyết có dấu hiệu cảnh báo gồm các triệu chứng lâm sàng đã nêu trên và kèm theo
các dấu hiệu cảnh báo như: vật vã, lừ đừ, li bì. Bệnh nhân có triệu chứng đau
bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, gan to trên 2cm; nôn nhiều, xuất huyết niêm
mạc, đi tiểu ít.
Sốt xuất
huyết nặng xảy ra khi người bệnh có một trong các biểu hiện thoát huyết tương
nặng dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích hay còn gọi là sốc sốt xuất huyết, có
ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều; có dấu hiệu xuất huyết nặng và suy
tạng.
Sốc sốt
xuất huyết có biểu hiện suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến
ngày thứ 7 của bệnh với các triệu chứng như vật vã, bứt rứt hoặc li bì; lạnh
đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt, hiệu số huyết áp tối đa và
tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg, tụt huyết áp hay không đo được huyết áp; số
lượng nước tiểu ít.
Sốc do
sốt xuất huyết lại được chia làm 2 mức độ để điều trị bù dịch gồm sốc sốt xuất
huyết có dấu hiệu như suy tuần hoàn, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt;
kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã, li bì và sốc sốt
xuất huyết nặng có dấu hiệu sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được.
Xuất
huyết nặng được biểu hiện triệu chứng chảy máu cam nặng nên cần nhét gạc vào
vách mũi để cầm máu, bị rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất
huyết đường tiêu hóa và nội tạng; thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm
tiểu cầu, thiếu ôxy mô và toan chuyển hóa, có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và
đông máu nội mạch nặng.
Xuất
huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như
acetylsalicylic acid (aspirin); ibuprofen hoặc dùng thuốc corticoid; bệnh nhân
có tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn tính.
Lời
khuyên của thầy thuốc
Hiện nay,
bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều
trị. Diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến
nhanh từ nhẹ sang nặng. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường
sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được.
Vì vậy,
phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát được hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt xuất
huyết như tránh muỗi đốt kể cả ban ngày; diệt bọ gậy muỗi, loăng quăng muỗi và
muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi; đồng thời thường
xuyên vệ sinh cảnh quan, môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là
điểm sinh sản của muỗi ở trong nhà và ngoài nhà.
Khi phát
hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để
được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trong 3-4
ngày đầu, bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú tại nhà, ăn lỏng dễ tiêu, uống
nhiều nước (nước oresol hoặc sữa, nước hoa quả...); uống thuốc hạ sốt khi sốt
cao trên 38,50C.
Bệnh nhân
tái khám theo hẹn và nhập viện điều trị khi bệnh nhân có các dấu hiệu cảnh báo
hoặc theo tiên lượng của bác sỹ để đề phòng có những biến chứng nguy hiểm.
TS.BS.
Bùi Trí Cường (Bệnh viện TWQĐ108)
Theo nguồn báo Sức khỏe
& Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét