Do thuốc lá truyền thống chứa nhiều độc tố nên
người ta nghĩ ra thuốc lá điện tử để thay thế, nhưng thực tế không hề an toàn
như lầm tưởng, thậm chí còn gây tử vong như một số ca diễn ra mới đây tại Mỹ.
Tham khảo nhanh về thuốc lá điện tử
Theo Bách khoa toàn thư mở (EWO), thuốc lá
điện tử (e-cigarettes hay vaping) là sản phẩm mô phỏng thuốc lá thông thường cả
về hình thức lẫn chức năng. Nguyên thủy, được Herbert A. Gilbert, doanh nhân
người Mỹ kiêm người “phun mây nhả khói” đến 2 bao thuốc lá trong ngày, đã đưa
ra ý tưởng thuốc lá điện tử hay “thuốc lá không khói” vào năm 1963. Bốn thập kỷ
sau, vào năm 2003 dược sĩ đông y người Trung Quốc Hàn Lực tiếp tục phát triển
và hoàn thiện với hình dạng như ngày nay.
Hơi của e-cigarettes được tạo ra, giống như kỹ
thuật được áp dụng để tạo sương mù trên các sàn nhảy disco.Khác với thuốc lá
truyền thống, e-cigarettes không tạo khói mà sinh ra luồng hơi có mùi vị và cảm
giác giống thuốc lá thật. Do không tạo khói khi hút, nên thuốc lá điện tử được
các nhà sản xuất quảng cáo rùm beng với khả năng loại bỏ các chất độc và mùi
khó chịu như có trong thuốc lá điếu.
Herbert A. Gilbert người phát minh ra thuốc lá điện tử
Tuy không khác nhiều với thuốc lá điếu,
e-cigarettes lại đa dạng về kích thước và hình dạng.Ngoài ra còn có loại thuốc
lá điện tử có thể dùng lại nhiều lần, gọi là e-shishas, riêng pin dùng cho
thuốc lá điện tử có thể sạc và dùng nhiều lần.
E-cigarettes được quảng cáo ích lợi vượt bậc
so với thuốc lá truyền thống như không chứa các chất độc hại như thuốc lá
thường, có thể giúp người hút bỏ dần thói quen hút thuốc sau một thời gian. Tuy
nhiên, quảng cáo này thiếu hẳn các căn cứ khoa học, cần nhiều thời gian để xác
minh và gần đây đang dần bộc lộ nhiều nhược điểm, hệ lụy, nhiều người đã
tử vong vì nó. Do thuốc lá điện tử là sản phẩm mới, nên số lượng người dùng
tăng nhanh, việc kiểm soát và ban hành luật đã không theo kịp. Ngay cả ở các
nước phát triển Âu - Mỹ, các quy định và luật liên quan đến thuốc lá điện tử
vẫn chưa hoàn chỉnh.
Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát
& Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), nhóm người trẻ tuổi, dưới 18 có xu hướng
sử dụng thuốc lá điện tử cao gấp 3 lần so với người lớn. Sở dĩ có điều này là
do nhiều người ngộ nhận, tin rằng thuốc lá điện tử không có nicotine. Đại học
California (Mỹ) đã phân tích mẫu nước bọt và nước tiểu của 67 thanh thiếu niên
dùng thuốc lá điện tử, 17 thiếu niên hút thuốc lá truyền thống hoặc cả hai và 20
người trẻ khác không hút thuốc.
Kết quả, nhóm dùng thuốc lá điện tử có hàm
lượng các hợp chất hữu cơ độc hại cao gấp 3 lần nhóm không hút thuốc và tương
đương với nhóm hút thuốc lá truyền thống. Lý do, nicotine không phải là thứ độc
hại duy nhất có trong một điếu thuốc lá, mà còn có các hóa chất khác như
acrylonitrile, acrolein, propylene oxide, acrylamide, crotonaldehyde...Ngoài
ra, các chất bảo quản propylen glycol hay glycerin được sử dụng để giữ các dung
dịch trong thuốc lá điện tử ở dạng lỏng, có thể an toàn trong nhiệt độ phòng
nhưng khi được đốt nóng ở nhiệt độ để bốc hơi lại vô cùng độc hại.
E-cigarettes, hiểm họa chẳng của riêng ai
Theo tiến sĩ Mark L.
Rubinstein, giáo sư nhi khoa ở Đại học California San Francisco, thành viên
nhóm nghiên cứu, thiếu niên cần hít không khí trong lành chứ không phải khói
thuốc, ở bất kỳ dạng nào cũng rất độc hại, kể cả cho người hút lẫn người xung
quanh (hay còn gọi là hút thụ động, tức hít phải hơi do người hút phả ra).
Cảnh báo của CDC về mối nguy hiểm của thuốc lá
điện tử
Trang tin Chicagotribune (CTC)
của Mỹ số đầu tháng 9/2019 cho biết, do mối nguy hiểm liên quan đến
thuốc lá điện tử tăng nhanh nên CDC đã mở rộng các cuộc điều tra về
e-cigarettes. Tính đến đầu tháng 9/2019 đã có 5 người tử vong, 450 người phải
nhập viện trên khắp 33 tiểu bang của Mỹ sau ca tử vong mới nhất diễn ra hôm 6 -
9 tại bang Indiana; một thanh niên 18 tuổi đã chết do tổn thương phổi nghiêm
trọng vì e-cigarettes.
Tình trạng đáng báo động khiến CDC khuyến cáo
mọi người nên ngừng hút thuốc lá điện tử, bất kể loại gì. Những ca tử vong phần
lớn liên quan đến bệnh hô hấp bí ẩn, do e-cigarettes có chứa nicotine và THC
(thành phần của cần sa), nhất là các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Mitch Zeller, giám đốc Phân ban Sản phẩm thuốc
lá thuộc Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) cho hay, bệnh nhân
18 tuổi tên là Adam Hergenreder bị thiệt mạng là do có tiền sử nicotine và THC
với triệu chứng như khó thở, nôn mửa, tiêu chảy và sốt. Qua phim X-quang đáy
phổi Adam cho thấy nhiều tổn thương nghiêm trọng “giống phổi của một người đàn
ông 70 tuổi”. Những người tử vong vì e-cigarettes đều thuộc nhóm trưởng thành
gồm 1 ở Illinois, 1 ở Oregon, 1 Indiana, 1 ở California và 1 ở Minnesota. 450
người đã phải nhập viện trên cả nước Mỹ, nhưng tập trung chủ yếu ở Illinois và
Wisconsin.
Tính đến đầu tháng 9/2019 tại Mỹ đã có 5 người tử vong, 450
người phải nhập viện vì e-cigarettes
Trong các ca tử vong này, thành phần độc tố
phổ biến là dầu THC, nhưng đến nay người ta vẫn chưa rõ nguồn gốc hóa chất này
vì phần lớn sản phẩm được mua ở chợ đen.Hóa chất này có thể làm tổn thương các
phế nang, khiến bệnh nhân khó thở, phải trợ thở bằng máy; nặng dễ rơi vào hôn
mê trước khi tử vong.
- Theo nghiên cứu của Đại học UC San
Francisco, thuốc lá điện tử có chứa nicotine, chất gây nghiện rất hại cho não,
nhất là nhóm người trẻ tuổi não đang phát triển. Nếu thanh thiếu niên dùng
vaping nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và não bộ rất cao do có chứa các hạt siêu
mịn, kể cả hạt kim loại nặng... làm tăng viêm nhiễm và dẫn đến bệnh tim và
phổi.
- Thuốc lá điện tử gây phơi nhiễm độc hại cao
cho mọi người. Hơi do người hút phả ra có chứa hỗn hợp độc hại gồm nicotine,
hương liệu và các thành phần khác. Đáng tiếc, nhận thức về thuốc lá điện tử của
nhóm người trẻ tuổi lại lệch lạc, coi là an toàn, chỉ có nước hoặc hơi mà
không biết còn có cả nicotine và phụ gia tạo hương vị độc hại.
- Về hương vị của e-cigarettes: Theo thống kê
có hơn 7.000 loại thuốc lá điện tử có hương vị hiện đang được mua bán trên thị
trường. Prue Talbot, giáo sư sinh học ở Đại học UC Riverside đã nghiên cứu phát
hiện thấy độc tính tế bào của 36 chất lỏng tạo hương vị trong thuốc lá điện tử
có độc tính cao. Hương vị gây ngộ độc tế bào, nhất là Cinnamon Ceylon, có chứa
hóa chất gọi là cinnamaldehyd, mang hương vị quế nhưng lại gây ho và đau
họng.Theo nghiên cứu của ĐH Harvard, các chất tạo hương vị phổ biến được tìm
thấy trong chất lỏng thuốc lá điện tử gây ra sự tích tụ sẹo vĩnh viễn và hủy
hoại phổi. Những hóa chất tạo hương vị độc hại như 2,3 - pentanedione và
diacetyl, phá hủy một cách có hệ thống phổi, đặc biệt là đường dẫn khí nhỏ, gây
viêm tiểu phế quản hay phổi bỏng ngô.
- Thuốc lá điện tử có hiệu ứng thứ cấp và hiệu
ứng “third-hand”: Mọi người đều biết hệ lụy sức khỏe nếu hút và hít phải khói
thuốc lá. Ngay cả tàn tích của khói thuốc còn lưu lại trên các bề mặt khác nhau
cũng có thể gây nguy hiểm cho con người, kể cả những người không hút thuốc nên
khi khói thuốc đã tan, nguy cơ sức khỏe do các chất có hại trong khói bám lên
các bề mặt, vật dụng trong phòng... vẫn còn. Y học gọi đây là hiệu ứng
“third-hand”, một dạng hít phải khói thuốc lá bị động.
Ví dụ, các chất gây hại trong khói thuốc như
nicotine, hạt kim loại, vẫn có thể bám vào quần áo, đồ gỗ, thảm, màn cửa, các
bức tường cũng như ở tóc và da con người. Theo một nghiên cứu của Phòng
thí nghiệm Berkeley Lab, người ta đã tìm thấy 31 hóa chất độc hại có
trong hơi thuốc lá điện tử. Trong số này có acrolein, một chất kích thích mắt
và hô hấp nghiêm trọng và formaldehyd, một chất gây ung thư rất tiềm ẩn, nhất
là khi nhiệt độ đốt hay điện áp tăng, sản phẩm phụ độc hại này tăng lên theo
cấp số nhân.
- Pin lithium ion có thể phát nổ: Theo FDA, từ
năm 2009 đến tháng Giêng 2016 có 134 báo cáo về pin thuốc lá điện tử quá nóng,
bắt lửa hoặc phát nổ mà không có dấu hiệu nhận biết nên nhiều người bị thương
khá nặng. Một điếu thuốc lá điện tử được thiết kế gồm một ống ngậm, hoặc hộp
mực, một bộ làm nóng, pin sạc và mạch điện. Khi rít điếu thuốc, pin sẽ cấp điện
cho thiết bị để đun nóng chất nicotine và làm nó bay hơi giúp người dùng hút
vào miệng như điếu thuốc lá thông thường. Hàm lượng nicotine sẽ thay đổi từ 0 đến
cực cao hoặc 24 - 36mg/ml khí thở.
- Chất lỏng điện tử rất độc nếu nuốt phải, đặc
biệt là ở trẻ nhỏ. Theo Hệ thống kiểm soát ngộ độc California, số cuộc gọi cấp
cứu liên quan đến thuốc lá điện tử đã tăng từ 19 ca năm 2012 lên 243 vào năm
2014. Hơn 60% các cuộc gọi này có liên quan đến ngộ độc nicotine ở thuốc lá
điện tử với trẻ dưới 5 tuổi.
- Sử dụng thuốc lá điện tử làm gia tăng
bệnh trầm cảm: Theo nghiên cứu của Đại học California, Trường Y khoa San Diego,
các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng, hút thuốc lá điện tử gia tăng chứng lo
âu, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Những người dùng thuốc lá
điện tử mắc các chứng bệnh trên cao gấp 3 lần so với những người không dùng
thuốc lá điện tử.
Sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam
Nhiều người Việt Nam ngộ nhận, rằng thuốc lá
điện tử có thể giúp họ cai thuốc nên đã bỏ hút thuốc lá thông thường, chuyển
sang dùng thuốc lá điện tử. Thậm chí, những người thân trong gia đình cũng ủng
hộ ý tưởng này, khiến nhiều người gắn bó hơn với thuốc lá điện tử.
Nhiều người bị cám dỗ bởi thuốc lá điện tử như
mang hương vị trái cây giúp thơm miệng hay không gây hại cho sức khỏe và những
người xung quanh, nên đã không tiếc tiền mua cả bộ thuốc lá điện tử và phụ kiện
đi kèm như tẩu hút, ống chứa tinh dầu, bộ làm nóng, pin sạc và mạch điện về
dùng. Giá thuốc lá điện tử từ vài trăm ngàn đồng đến cả chục triệu đồng/bộ còn
giá tinh dầu từ 100.000 - 500.000 đồng, tùy xuất xứ, chất lượng hay dung tích.
Do kỳ vọng giúp cai nghiện thuốc lá và muốn
lên đời “đẳng cấp” nên nhiều người đua nhau tìm đến với sản phẩm giải trí này
mà không hề quan tâm đến mặt trái. Khách hàng phần đông là các bạn trẻ, thậm
chí cả học sinh, sinh viên.Như trên đã đề cập, những gì được quảng cáo về thuốc
lá điện tử là thiếu căn cứ, chưa được khoa học kiểm chứng đầy đủ.
Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho
rằng rằng, hút thuốc lá điện tử không gây hại cho cơ thể bằng thuốc lá thông
thường là thiếu căn cứ.Bởi để tạo cảm giác sảng khoái thì người hút thuốc lá
cần có một ngưỡng nicotine nhất định.Vì vậy, khi hút thuốc lá điện tử, để đủ
lượng nicotine có trong tinh dầu thì người dùng phải hít sâu nên tác hại vào cơ
thể không khác thuốc lá điếu truyền thống.Chưa kể các chất gây ung thư mà khoa
học chưa có điều kiện kiểm chứng.
Với những tác hại nói trên, cả FDA lẫn CDC đều
khuyến cáo mọi người nên tránh xa thuốc lá điện tử, đặc biệt là những người trẻ
tuổi, phụ nữ mang thai... Nếu muốn cai thuốc thì cần phải có quyết tâm, và nên
sử dụng các phương pháp khác, thân thiện cũng như có lợi hơn. Riêng nhóm người
trẻ không nên lạm dụng thuốc lá điện tử hoặc dùng để giải trí; còn dùng để cai
thuốc lá thì nó chỉ tác dụng ở nhóm đã nghiện thuốc lá truyền thống trước đó.
DS. TRANG NHUNG
(Theo Net/CTC/ CDC/DET- 9/2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét