Hệ thống van tim là hệ thống cấu trúc đảm bảo
cho máu được lưu chuyển giữa các buồng tim theo một chu trình nhất định.
Tuy nhiên vì một nguyên nhân nào đó làm tổn
thương gây nên bệnh van tim...
Bệnh van tim bao gồm những bệnh nào?
Hệ thống van tim bao gồm van 2 lá, 3 lá, van
động mạch phổi và van động mạch chủ. Van tim có vai trò điều hướng dòng chảy
của máu ra, vào tim theo nguyên tắc một chiều. Cụ thể hoạt động của van tim
được mô tả: Khi máu được bơm từ buồng tim trên xuống buồng tim dưới thì van 2
lá và van 3 lá mở còn van động mạch phổi và van động mạch chủ đóng lại. Khi máu
được bơm từ hai buồng tim phía dưới lên phổi, ra hệ thống tuần hoàn thì van
động mạch phổi, van động mạch chủ mở còn van 2 lá và van 3 lá đóng lại để máu
không trào ngược về tim. Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van tim không
thực hiện tốt chức năng đóng mở cho máu lưu thông theo một chiều. Có hai dạng
thường gặp trong bệnh van tim, đó là bệnh hở và hẹp van tim.
Hẹp van tim: Khi các van tim trở nên dày và
cứng hoặc dính các mép van làm hạn chế khả năng mở của van tim, gây cản trở sự
lưu thông của máu qua đó. Tim phải bơm mạnh hơn để nén dòng máu qua chỗ hẹp.
Hở van tim (còn gọi là suy van): Khi các van
tim đóng lại không kín do giãn vòng van, thoái hoá, dính, co rút hoặc các dây
chằng van tim quá dài... làm cho dòng máu có thể trào ngược lại trong thời kỳ
đóng van gây ra hiện tượng này gọi là hở van tim. Khi hở van, tim phải làm việc
nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược.
Một số trường hợp có thể gặp cả hẹp van tim và
suy van tim trong một hoặc nhiều van, nhất là các bệnh van tim do thấp tim.
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Bệnh van tim có thể xảy ra do những nguyên
nhân sau đây:
Do bẩm sinh: Điều này có nghĩa là van bị lỗi
ngay khi còn ở bào thai, thường gặp ở van động mạch chủ. Khuyết tật van tim bẩm
sinh thường được chẩn đoán trong thời thơ ấu.
Do bệnh cơ tim (cardiomyopathy): Bệnh lý này
có thể mắc từ trước khi sinh hoặc là biến chứng của bệnh khác trong quá trình
phát triển, như sốt do virut hay viêm nội tâm mạc. Bệnh cơ tim làm thay đổi cấu
trúc tim làm giãn các buồng tim và gây hở van.
Nhồi máu cơ tim: Nhồi máu cơ tim làm tổn
thương dây chằng van và gây hở van, thường gặp ở van hai lá và van động mạch
chủ.
Do tuổi cao: Khi có tuổi, van tim trở nên kém
linh hoạt, dễ bị rách, dễ bị mảng bám canxi tại van (vôi hóa van tim) làm van
bị dày lên và xơ cứng, hạn chế lưu lượng máu đi qua.
Do bệnh thấp tim: Tổn thương van tim do liên
cầu khuẩn còn được gọi là bệnh thấp tim, thường gặp ở trẻ nhỏ từ 5-15 tuổi và
cũng là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh van tim ở nước ta. Thấp tim làm
cho van bị dày dính, co kéo hoặc vôi hóa hay khít hẹp lâu ngày dẫn đến đóng
không kín gây tình trạng hẹp - hở van, thường gặp nhất là van hai lá và van
động mạch chủ. Tuy nhiên, các triệu chứng của tổn thương van tim thường chỉ
xuất hiện khi trẻ đã ở tuổi trưởng thành. Sử dụng kháng sinh đúng và đủ liều để
điều trị viêm họng ở trẻ, có thể ngăn ngừa bệnh này.
Do sa van hai lá: Sa van hai lá xảy ra khi van
nằm giữa buồng tim trên và buồng tim dưới bên trái đóng không đúng cách, nó lồi
lên vào trong buồng tim phía trên (nhĩ trái). Nguyên nhân do tổn thương dây
chằng van. Một số bệnh khác: Bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, phình động
mạch chủ, hoặc một số thuốc, phương pháp điều trị (bức xạ) cũng có thể gây hẹp,
hở van tim.
Có nhận biết được bệnh van tim không?
Phần lớn các van tim không đóng khít hoàn
toàn. Trong các trường hợp mắc bệnh ở mức độ nhẹ và vừa, các buồng tim có xu
hướng giãn ra để tống được một lượng máu nhiều hơn vì một phần lượng máu tim
bơm ra khắp cơ thể bị trào ngược trở lại qua van. Cơ chế bù trừ này khá hiệu
quả trong trường hợp này nên người bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng nào.
Trong trường hợp hở van tim tiến triển nặng hơn và gây rối loạn chức năng bơm
máu của tim, dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ não, nếu không được
điều trị tốt. Khi bị bệnh van tim nặng có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng
như khó thở, mệt mỏi, choáng ngất, hồi hộp, đánh trống ngực, đau thắt ngực, phù
mắt cá chân hoặc bàn chân. Khó thở khi gắng sức là một triệu chứng gợi ý quan
trọng khi tim bị suy.
Biện pháp điều trị
Hầu hết các vấn đề về van tim có thể được điều
trị bằng thuốc, can thiệp hay phẫu thuật sửa chữa, thay thế. Tùy vào nguyên
nhân gây hở van, các triệu chứng của bệnh (mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực), mức
độ ảnh hưởng của van đến chức năng co bóp của tim, bác sĩ sẽ lựa chọn phương
pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh cụ thể.
Điều trị bằng thuốc: Thuốc điều trị không làm
cho van tim hết hẹp, hở nhưng có thể kiểm soát hoặc làm giảm các triệu chứng,
giảm gánh nặng cho tim và làm chậm tiến triển của bệnh. Một số thuốc thường
được sử dụng là thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc chống đông...
Thay van tim được thực hiện dựa theo mức độ tổn thương van.
Can thiệp hoặc phẫu thuật: Lựa chọn phương
pháp phẫu thuật tim mở hay can thiệp tim qua da sẽ được bác sĩ quyết định dựa
trên mức độ tổn thương van. Phẫu thuật thường được áp dụng với các trường hợp
van tim cần thay thế. Can thiệp qua da được áp dụng với các trường hợp hẹp van
tim hoặc khuyết tật van tim bẩm sinh. Thay van tim qua da (không mổ) là một kỹ
thuật hiện đại nhưng chi phí còn cao.
Lời khuyên dành cho người có bệnh van tim
Khi bản thân hoặc người nhà mắc bệnh van tim
hoặc đã được điều trị bằng cách sửa chữa hay thay thế van, điều quan trọng nhất
sau đó là để bảo vệ mình khỏi các vấn đề về tim có thể gặp trong tương lai. Để
làm được điều này cần biết mức độ và tình trạng hiện tại của van tim; thông báo
với bác sĩ điều trị và nha sĩ về bệnh van tim của mình trong mỗi lần khám, chữa
bệnh; khi xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng như viêm họng, sốt, đau
nhức mình mẩy cần được điều trị chống nhiễm trùng; cần vệ sinh răng miệng
thường xuyên, loại bỏ cao răng, chăm sóc tốt răng và nướu răng; dùng thuốc
kháng sinh trước khi làm các thủ thuật có thể gây chảy máu; sử dụng thuốc đúng
chỉ định để kiểm soát các triệu chứng của bệnh và giúp tim của bạn bơm máu hiệu
quả hơn; tái khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ đồng thời kiểm tra huyết áp
thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao làm tim phải
gắng sức nhiều hơn.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh van tim cần ăn
nhạt, ăn ít muối, ăn thức ăn ít chất béo và kiểm tra nồng độ mỡ trong máu
thường xuyên để phòng ngừa bệnh mạch vành; không uống cà phê, không uống rượu
vì có thể làm nặng thêm rối loạn nhịp (nếu có); tránh để thừa cân vì tình trạng
quá cân là một gánh nặng cho tim khi co bóp; tập thể dục mỗi ngày và sinh hoạt
điều độ, tránh hoạt động gắng sức.
TS.Tạ Tiến Đạt
Theo
nguồn báo Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét