Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

BỤI MỊN: KẺ GIẾT NGƯỜI VÔ HÌNH



Bụi mịn là những hạt bụi cực nhỏ (PM: particulate matter) có kích thước nhỏ hơn 2,5µcm (micrometer). Cứ 40 hạt bụi mịn thì bằng đường kính của một... sợi tóc và đương nhiên, chúng ta chỉ nhìn thấy loại bụi này qua kính hiển vi điện tử.

Những hạt bụi mịn được tạo ra từ khí thải ôtô, nhà máy nhiệt điện, các máy móc thiết bị có sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu, than đá) hoặc củi. Các thảm họa tự nhiên như cháy rừng, núi lửa phun cũng có thể “tung” bụi mịn vào không khí. Một số bụi mịn có thành phần từ các chất hữu cơ, phấn hoa, nấm mốc, kim loại... Các hoạt động hàng  ngày của con người như nấu ăn (chiên, xào, rán, nướng), đốt nến, hút thuốc, lò sưởi... cũng là nguồn phát sinh đáng kể bụi mịn.

Tại sao bụi mịn lại nguy hiểm?
Do kích thước nhỏ nên bụi mịn bay lơ lửng trong không khí, dễ dàng được hít vào phổi. Hệ hô hấp của con người có chức năng tự bảo vệ bằng các lông ở mũi, dịch nhầy đường hô hấp trên giúp “bắt” các hạt bụi và tác nhân gây bệnh khi chúng ta hít thở. Nhưng đối với bụi mịn, do kích thước nhỏ nên chúng bay lơ lửng và được hít thẳng vào phổi mà không bị giữ ở khoang mũi. Hơn nữa, vì không nhìn thấy bụi mịn nên không thể biết được nơi nào bị ô nhiễm trừ khi được cảnh báo bởi những cơ quan chuyên trách. Hạt bụi nhỏ, bay càng cao vì vậy bạn có sống ở nhà cao tầng cũng khó tránh. Bụi mịn cũng có thể bay xa vài km, phát tán nhanh chóng theo chiều gió nên có thể ảnh hưởng đến cả một khu vực rộng lớn chung quanh vùng gây ô nhiễm. Bụi mịn cũng tồn tại trong không khí lâu hơn nhiều so với bụi thô. Một điểm nữa là bụi mịn có thể phát sinh ngay trong nhà bạn với những hoạt động nấu nướng hàng ngày bằng dầu, than, củi... Các biện pháp tự bảo vệ như đeo khẩu trang, trùm kín mặt... như Ninja cũng chỉ tránh không hít phải bụi thô chứ không loại trừ được bụi mịn.

Sau khi hít vào phổi, bụi mịn có thể vào máu và gây nhiều loại bệnh lý khác nhau. Hàng đầu là các bệnh lý đường hô hấp như kích thích mũi họng, viêm đường hô hấp trên, hen phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và thậm chí có liên quan đến ung thư phổi. Các nghiên cứu cũng cho thấy phơi nhiễm với bụi mịn làm tăng nguy cơ nhồi máu tim, đột quỵ não, thiếu máu, tự kỷ ở trẻ em, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn một số bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh.


Minh họa về tác hại của bụi mịn với sức khỏe.

Chung tay gìn giữ môi trường không khí
Do kích thước nhỏ, lại không nhìn thấy được bằng mắt thường nên việc chủ động phòng tránh bụi mịn thụ động (sau khi bụi mịn đã phát sinh) là điều vô cùng khó khăn. Cách tốt nhất là hạn chế phát sinh bụi mịn bằng các biện pháp như tăng cường sử dụng nguồn năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, gió, thủy điện) thay cho nhiên liệu hóa thạch, phòng chống cháy rừng, hạn chế đốt đèn dầu, nến, xào rán, nướng, đun bếp gas trong nhà; đảm bảo vệ sinh tránh ô nhiễm trong lao động sản xuất. Mỗi cá nhân cần có ý thức bảo vệ môi trường như tích cực trồng cây, không vứt rác, vứt xác súc vật chết ra đường, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân có sử dụng xăng dầu, than củi. Các cơ quan quản lý cũng cần theo dõi sát mức độ ô nhiễm bụi mịn để cảnh báo người dân và có biện pháp giảm phát sinh bụi mịn.

Hãy hành động!
Ô nhiễm không khí là vấn đề chung của tất cả mọi người. Bạn ném xác mèo, chuột ra đường cho người khác ngửi nhưng bụi mịn từ xác mèo, chuột bị xe cán nát sẽ tìm đến mũi bạn. Bạn rú ga, xịt khói vào mặt người khác, bạn quạt khói than tổ ong cho bay sang nhà người khác nhưng bụi mịn sẽ bay lên tận tầng cao nhà bạn, chui vào phổi bạn vào một ngày nào đó. Bạn có đủ tiền để mua thịt bò từ Nhật, Úc; trái cây Hàn Quốc, gạo đủ tiêu chuẩn từ Thái Lan; thuốc men từ Mỹ, EU, thậm chí bạn có thể nhập cả nước ngọt đủ tiêu chuẩn vệ sinh để dùng nhưng bạn không thể nhập không khí sạch, bạn không thể sống cùng một mặt nạ lọc bụi 24/7 cả ngày. Làm ô nhiễm không khí là bạn đang làm hại chính bạn, làm hại người thân của bạn và mọi người. Bụi mịn không phân biệt được ai là người góp phần sinh ra chúng để tránh không gây bệnh. Vì vậy, hãy bắt đầu gìn giữ môi trường không khí ngay từ hôm nay.

PGS. TS. Vũ Đức Định
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét