Trong cơ thể mỗi chúng ta, hệ vi sinh vật ruột
rất phong phú và phức tạp.
Chúng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe
nói chung và sức khỏe ruột nói riêng. Khi mất cân bằng hệ vi sinh này sẽ gây
nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe...
Hệ vi sinh ruột quan trọng thế nào?
Từ khi sinh ra cho đến khi về già, vi khuẩn
đường ruột của chúng ta không ngừng phát triển. 2/3 microbiome (hệ gene của các
vi sinh vật) ruột là duy nhất cho mỗi người và điều làm nên sự độc đáo này là
thực phẩm chúng ta ăn vào, không khí chúng ta hít thở và các yếu tố môi trường
khác. Ngoài ra, cấu trúc của hệ vi sinh vật đường ruột còn bị ảnh hưởng bởi
gene. Vi khuẩn đường ruột càng đa dạng thì càng tốt cho sức khỏe con người, vì
nó đóng vai trò rất quan trọng.
Đối với quá trình tiêu hóa: Vi khuẩn giúp
nghiền nát và làm lên men những thức ăn chưa được tiêu hóa ở đoạn trên của ống
tiêu hóa.Trong quá trình tiêu hóa carbohydrate chúng sẽ làm sản sinh các axit
béo chuỗi ngắn và các tế bào ruột già sẽ sử dụng các axit béo chuỗi ngắn này
như một nguồn nhiên liệu. Trong quá trình sản xuất các axit béo này đã làm cho
nhu động ruột được kích thích,vấn đề đi tiêu sẽ tốt hơn (không bị tiêu chảy
hoặc táo bón).
Hệ vi sinh vật ruột rất phong phú và đa dạng.
Kháng khuẩn: Vi khuẩn có lợi chống lại các vi
khuẩn gây hại bằng cách sản sinh ra các axit ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn
có hại và cạnh tranh “đất ở” và nguồn dinh dưỡng với các vi khuẩn có hại khiến
chúng không thể tồn tại và phát triển trong đường tiêu hóa.
Tăng miễn dịch: Trong số các vi sinh của hệ vi
sinh đường ruột, Lactobacilli và Bifidobacteria là 2 loại vi khuẩn tạo ra hàng
rào bảo vệ ruột, thúc đẩy đáp ứng miễn dịch dịch thể. Một số chủng Lactobacilli
và Bifidobacteria còn có tác dụng thiết lập sự cân bằng đáp ứng miễn dịch của
các tế bào lympho T, kích thích sản xuất interleukin 10 (IL10) và yếu tố làm
biến đổi sự phát triển (transforming growth factor - TGFβ). Cả hai yếu tố này
đóng vai trò quan trọng trong tính trung hòa miễn dịch, vì vậy có tác dụng giảm
các bệnh lý dị ứng.
Ngoài ra, các vi sinh vật đường ruột còn giúp
tổng hợp các vitamin nhóm B, vitamin K và làm tăng tiêu hóa đạm, mỡ, đường,
sinh ra khí sunfua hydro, tạo nên mùi hôi điển hình của phân.
Cho đến nay, ngày càng nhiều các nhà khoa học
đã nghiên cứu về hệ vi khuẩn ruột này, đặc biệt là vi khuẩn cá thể hóa ở mỗi cá
nhân có ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh của một người.
Dấu hiệu cảnh báo “ruột ốm”
Ruột sẽ bị mất các chức năng lành mạnh khi sự
cân bằng vi khuẩn bị xáo trộn, trong đó các sinh vật gây bệnh bắt đầu chiếm ưu
thế so với các vi khuẩn có lợi. Một số dấu hiệu có thể giúp bạn nhận biết vấn
đề này:
Thèm đồ ăn vặt: Sự mất cân bằng của vi khuẩn đường ruột
khiến bạn thấy ham muốn ăn đồ ngọt, đặc biệt sự thèm ăn này thường xảy ra sau
một đợt dùng kháng sinh. Theo các chuyên gia, trong tình huống này, điều quan
trọng là bổ sung nhiều men vi sinh hơn, chúng có hiệu quả giúp bình thường hóa
sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột.
Giảm cân: Nhu động ruột không đều có thể dẫn đến giảm cân đột ngột. Điều
này là do sự dư thừa của một số vi khuẩn trong hệ vi sinh vật đường ruột ngăn
chặn hấp thụ chất béo. Khi thiếu chất béo, nhiều chất dinh dưỡng quan trọng
không được hấp thu... Hệ lụy không chỉ giảm cân mà còn làm giảm sức khỏe nói chung.
Trạng thái cảm xúc tiêu cực: Các vấn đề về đường ruột góp phần vào sự phát
triển của rối loạn tâm lý - cảm xúc như tăng sự lo lắng, khó chịu, trầm cảm,
mất hứng thú trong tình dục có thể phát triển. Mối liên hệ này nằm ở hormon
serotonin - chất dẫn truyền thần kinh. Serotonin chủ yếu được tìm thấy trong
đường tiêu hóa và hệ thống thần kinh trung ương. Khoảng 80% tổng số serotonin
của cơ thể con người nằm trong ruột, được sử dụng để điều chỉnh chuyển động
ruột, 20% còn lại được tổng hợp trong tế bào thần kinh trung ương, nơi nó có
nhiều chức năng khác nhau: điều chỉnh tâm trạng, sự thèm ăn, giấc ngủ, co cơ và
một số chức năng thuộc về nhận thức. Vì vậy, khi thiếu serotonin cũng có thể
dẫn đến mất ngủ. Khi xuất hiện các triệu chứng trên cho thấy ruột không khỏe
mạnh.
Vấn đề về da: Bệnh chàm, mụn trứng cá và nhiều rắc rối khác phát sinh trong
tình trạng da, trong nhiều trường hợp có nguyên nhân là do trục trặc của đường
tiêu hóa.
Khó tiêu: Đây là triệu chứng phổ biến nhất khi “ruột ốm” với các
biểu hiện như: đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy, khó chịu sau khi ăn, ợ nóng,
buồn nôn... Khi gặp các triệu chứng này đừng ngần ngại đến ngặp bác sĩ.
Cách tốt nhất để thiết
lập và duy trì một hệ sinh vật đường ruột khỏe mạnh là ngủ và tập thể dục điều
độ, ăn thức ăn lành mạnh bao gồm nhiều loại trái cây và rau củ, tránh các trầm
cảm kinh niên, tránh uống nhiều rượu bia. Chỉ uống thuốc kháng sinh khi bạn cảm
thấy thực sự cần thiết để bảo vệ hệ vi khuẩn đường ruột.
Bích Ngọc
((Theo medikforum, MNT 2019))
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét