Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Dấu hiệu của bệnh Gan - 10 triệu chứng gan nhiễm mỡ

Gan đảm nhận khoảng 500 chức năng quan trọng trong cơ thể. Do đó, việc tìm hiểu những dấu hiệu triệu chứng bệnh gan để phòng tránh bệnh là điều vô cùng cần thiết
Gan đảm nhận thực hiện khoảng 500 chức năng quan trọng. Trong đó có 3 chức năng đáng chú ý nhất, đó là: tiết ra dịch mật giúp tiêu hóa thức ăn; thanh lọc độc tố cho máu đi nuôi cơ thể; dự trữ glucose để tạo năng lượng khi cần thiết.
Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo bạn có thể mắc bệnh gan, tuy nhiên, bạn cần phải thăm khám bởi bác sĩ để xác định có mắc bệnh gan hay không. Bài viết này chỉ có ý nghĩa tham khảo, không thể thay thế ý kiến tư vấn của bác sĩ.


Uống quá nhiều rượu
Tình trạng này được gọi với thuật ngữ y học là ARLD (Alcohol Related Liver Disease - Bệnh gan liên quan đến rượu). Khi mắc phải tình trạng này, có thể các triệu chứng bệnh vẫn còn ẩn, chưa biểu hiện rõ ra bên ngoài hoặc các triệu chứng ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, nếu bạn uống quá nhiều rượu, bạn cần phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện kịp thời nếu gan của bạn bị tổn thương. Các xét nghiệm máu sẽ phát hiện tình trạng men gan bất thường nếu gan có vấn đề. Trong giai đoạn sau của bệnh này, các triệu chứng như lơ mơ, lú lẫn và nôn ra máu... Là các dấu hiệu chắc chắn là bạn đang bị ARLD.
10 nguy cơ và dấu hiệu bệnh gan

Nhiễm virut
Có 5 loại chính của bệnh viêm gan bị gây nên bởi virut tấn công gan. Trong đó có 3 loại quan trọng nhất là viêm gan A, B và C.
Bạn có thể mắc viêm gan A bởi ăn phải thức ăn hoặc nguồn nước bị nhiễm virut này. Viêm gan B thường lây nhiễm qua tiếp xúc tình dục với người bị bệnh, hoặc do dùng chung bơm kim tiêm không được tiệt trùng. Viêm gan C thường bị lây nhiễm do việc tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh.
Dấu hiệu sớm của bệnh viêm gan có thể là những triệu chứng giống như khi bị cảm cúm nhẹ: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sút cân... Tình trạng xấu hơn có thể là chóng mặt, suy giảm tuần hoàn, nước tiểu sẫm màu...
Khi bị viêm gan, việc điều trị chủ yếu là chỉ nhằm tạo cơ hội giúp gan phục hồi và duy trì hoạt động trở lại.

Buồn nôn và chán ăn
Bạn có thể cảm thấy buồn nôn và chán ăn hoặc mất cảm giác ngon miệng khi ăn. Đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh khác, nhưng nó có liên quan đến việc sản xuất và bài tiết mật của gan. Mật giúp nhũ hóa và cắt nhỏ lipid (chất béo) giúp cho chúng có thể được tiêu hóa. Khi gan gặp sự cố, cảm giác buồn nôn và chán ăn là một trong những dấu hiệu cảnh báo.

Chế độ ăn khiến gan nhiễm mỡ
Bệnh này không phải do uống quá nhiều rượu, thuật ngữ y học gọi là NAFLD (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu). Nó có thể bị gây nên bởi chế độ ăn không lành mạnh, có quá nhiều chất béo dư thừa trong gan. Nếu không được điều trị, có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, đau tim và đột quỵ.
Làm gì để có một lá gan khỏe mạnh?
Chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc là 3 yếu tố quan trọng để có được lá gan khỏe mạnh. Tránh thái quá trong việc sử dụng những thực phẩm ảnh hưởng đến gan như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê, ngũ cốc tinh chế...
Uống một ly nước chanh mỗi ngày có thể giúp thanh thải độc tố và giúp cho gan phải làm việc ít hơn. Ăn nhiều rau tươi có màu xanh đậm như rau bina, bắp cải xanh, rau ngót. Và ăn các loại quả như: quả óc chó, quả bơ, quả mọng... và uống nhiều nước là rất có lợi.
Dấu hiệu ban đầu có thể là cảm giác khó chịu và đau tức hạ sườn phải, nhưng đôi khi triệu chứng không rõ ràng.
Điều trị bệnh này thường là ngủ đủ giấc, vì nhiều nghiên cứu cho thấy bất thường hoặc thiếu ngủ gây ảnh hưởng lớn đến chức năng gan. Thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn hợp lý và tập thể dục thường xuyên là rất cần thiết.

Bối rối và mất phương hướng
Như đã nói ở trên, một trong những chức năng quan trọng nhất của gan là thanh lọc các chất độc ra khỏi máu. Ví dụ khi chúng ta uống thuốc, gan có thể chuyển hóa chúng thành chất vô hại và loại bỏ chúng. Ngoài ra khi chúng ta ăn các chất đạm (protid), quá trình tiêu hóa sẽ tạo ra chất amoniac gây độc, gan sẽ chuyển hóa và làm cho chúng trở nên vô hại. Tuy nhiên, khi gan hoạt động không tốt, các chất độc sẽ tích tụ và thậm chí gây ra các vấn đề cho não. Tình trạng này còn được gọi là bệnh não gan (Hepatic Encephalopathy). Người bệnh sẽ hay nhầm lẫn và mất phương hướng.

Mệt mỏi
Mệt mỏi và kiệt sức thường được cho là dấu hiệu liên quan đến các vấn đề về gan. Khi gan không khỏe mạnh, việc loại bỏ các độc tố trong máu sẽ không được hiệu quả. Một trong các phương pháp hay được các bác sĩ ở Anh thực hiện để xác định xem sự mệt mỏi này có phải do gan bị bệnh gây ra hay không, đó là phương pháp “Fatigue Impact Scale”. Nó đánh giá tác động gây mệt mỏi của những hoạt động thể chất và tinh thần. Thường được sử dụng để đánh giá mức độ hồi phục của gan khi điều trị.

U nang ở gan
Thật may mắn vì thông thường, điều này không phải là tình trạng nghiêm trọng. Vấn đề này phát sinh khi gan bị bệnh mà có một số tế bào tăng sản xuất và tiết chất lỏng tạo thành túi nước như u nang. Sẽ không có dấu hiệu cảnh báo nào cho đến khi các u nang phát triển to và có thể gây đau đớn và khó chịu.
Phải thường xuyên đi kiểm tra chụp chiếu, siêu âm và làm các xét nghiệm khác để xác định tình trạng bệnh.

Phù do xơ gan
Điều này có thể xảy ra khi bạn bị viêm gan C hoặc biến chứng của bệnh viêm gan do rượu (ARLD) ở các nước phát triển. Vấn đề nghiêm trọng là bị suy giảm mạnh chức năng gan, các tổ chức gan bị xơ hóa, chai lại và sẹo. Chân và bàn chân bị phù do ứ nước, bàn tay bàn chân bị ngứa, dễ bị bầm tím, gan trở nên rất nhạy cảm khi va chạm.

Nước tiểu đậm màu hơn
Nước tiểu sẫm màu hơn có thể là do bạn uống thuốc gì đó gây nên, hoặc đơn giản có thể chỉ do bạn uống không đủ lượng nước hàng ngày. Nhưng khi tự dưng thấy màu nước tiểu đậm hơn nhiều so với bình thường và nhất là bạn thấy phân có màu trắng, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị bệnh gan. Trong trường hợp này, bạn cần phải khẩn trương đến bệnh viện để được chữa trị khẩn cấp, vì có thể chức năng gan của bạn đă bị suy giảm nghiêm trọng.

Vàng da
Một dấu hiệu cảnh báo cổ điển cho bệnh gan là vàng da và lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng. Vàng da, vàng mắt là dấu hiệu đặc hiệu của bệnh gan, do gan không chuyển hóa và thanh thải được sắc tố mật có tên là bilirubin.

Khi chức năng gan bình thường thì lượng bilirubin tự do trong máu sẽ được gan chuyển hóa thành dạng kết hợp và thải trừ ra ngoài, khi chức năng gan suy giảm, lượng bilirubin tự do dư thừa nhiều trong máu, gây nên tình trạng vàng da, vàng mắt này.

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Bệnh tiểu đường và những biến chứng đáng sợ

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) được xếp vào tốp những bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Giống như ung thư hay HIV, bệnh tiểu đường cũng phát triển một cách thầm lặng, âm ỉ, khi bệnh có biểu hiện ra bên ngoài thì lúc đó dường như đã quá nặng.

Theo thông tin trên báo VnExpress, sau 10 năm, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần, từ gần 3% dân số lên đến 5,4%. Ước tính Việt Nam có khoảng 3 triệu người bệnh. Được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, tiểu đường diễn tiến từ từ song hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, mù lòa, cắt cụt chi... Bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng được.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng, gần 14% người dân bị rối loạn dung nạp đường máu hay tiền đái tháo đường, điều đó đồng nghĩa 20% người trưởng thành cần quan tâm chế độ ăn dự phòng và điều trị bệnh đái tháo đường. Lượng mỡ dư thừa là yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Báo Trí thức trẻ thông tin, các chuyên gia khuyến cáo cứ 3 tháng, mọi người nên đi kiểm tra tổng thể 1 lần. Những người trên 25 tuổi cũng nên thực hiệm kiểm tra bệnh tiểu đường, đặc biệt nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh này.

Bức ảnh này sẽ giúp bạn hiểu được biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường tuýp 2.



Bệnh tiểu đường thường gây nhiều biến chứng cho người bệnh

Báo Vietnamnet thông tin, theo các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, có tới khoảng một nửa số bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 khi phát hiện bệnh đã có biến chứng. Biến chứng của căn bệnh này thì có rất nhiều và chủ yếu chia thành 2 loại, biến chứng cấp tính và mạn tính.

Biến chứng cấp tính

Xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, có thể hôn mê, thậm chí rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân có thể do quá liều thuốc hạ đường huyết hoặc insulin, ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, uống rượu nhiều, tập luyện quá sức... Bệnh nhân sẽ cảm thấy cồn cào, run rẩy, vã mồ hồi, choáng váng, đánh trống ngực.

Nếu hạ đường huyết ở thể nhẹ hay trung bình có thể chỉ cần cho bệnh nhân ăn cháo loãng, súp hay uống một cốc nước đường và nằm nghỉ ngơi, khi tỉnh táo lại thì cần bổ sung dưỡng chất cho cơ thể.

Hạ đường huyết nặng cần đưa bệnh nhân nhanh chóng đi cấp cứu và tiêm tĩnh mạch dung dịch ngọt ưu trương 30%...

Trường hợp tăng đường huyết quá cao có thể đưa bệnh nhân vào tình trạng hôn mê do nhiễm toan ceton hay hội chứng tăng áp lực thẩm thấu. Khi bệnh nhân rơi vào tình trạng này đòi hỏi phải theo dõi sát và điều trị kịp thời.

Biến chứng mạn tính

Bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đường mãn tính, hậu quả là làm tăng đường huyết kéo dài. Lượng đường trong máu cao lâu ngày sẽ khiến cho quá trình oxy hóa diễn ra mạnh mẽ từ đó gây tổn thương tới các mạch máu và tế bào.

Các chuyên gia của Hội Đái tháo đường Quốc tế (IDF) lưu ý rằng, có thể phát hiện tổn thương mô ở nhiều hệ thống các cơ quan trong cơ thể, nhưng thận, mắt, thần kinh ngoại biên và mạch máu, là những nơi xảy ra tổn thương nhiều nhất, và đưa đến một số biến chứng gây tử vong ở bệnh nhân tiểu đường.

Cụ thể, biến chứng gây tổn thương ở tim mạch là cực kỳ nguy hiểm và rất thường gặp, phổ biến nhất là gây tắc mạch vành tim, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây bại liệt hoặc tử vong.

Nhiều thống kê cho thấy khoảng 80% bệnh nhân tiểu đường bị xơ vữa động mạch, tỉ lệ này chỉ chiếm 30% ở bệnh nhân không mắc tiểu đường. Hơn 75% bệnh nhân tiểu đường nhập viện vì các biến chứng tim mạch. Tổn thương động mạch vành sẽ gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, chết đột ngột.

Bệnh nhân đái tháo đường cần đi khám mắt thường xuyên


Bệnh nhân đái tháo đường cần đi khám mắt thường xuyên. (Ảnh: Sức khỏe Đời sống).
Ths.BS Hồ Khải Hoàn - Phó Trưởng khoa Đái tháo đường - BV Nội tiết TƯ cũng nói rõ: “Biến chứng phổ biến nhất là gây tắc mạch vành, mạch não gây đột quỵ, các bệnh tim mạch. Do phải dùng thuốc nhiều, cộng với các biến chứng, bệnh nhân có nguy cơ suy thận, gan cao”.

Tổn thương thần kinh cũng là biến chứng phổ biến và xuất hiện sớm nhất gồm bệnh thần kinh ngoại biên và thần kinh thực vật. Tổn thương thần kinh ngoại biên thể hiện ở việc bệnh nhân giảm cảm giác, tê bì hoặc kim châm, yếu cơ. Các dấu hiệu này thường hay xảy ra ở bàn chân mà cụ thể là gây loét bàn chân. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới bệnh nhân phải đoạt chi cao, thậm chí tử vong.

Ở tổn thương thần kinh thực vật sẽ dẫn đến các biểu hiện loạn nhịp tim, da khô, tiêu chảy, táo bón, đại tiện không kiểm soát được, khô âm đạo ở nữ giới hay rối loạn cương dương ở nam giới...

Tổn thương thận do hàm lượng đường trong máu luôn cao nên gây tổn thương hàng triệu vi mạch tại thận dẫn đến suy giảm các chức năng lọc, bài tiết của thận và suy thận.

Một trong những biến chứng dễ nhận thấy ở bệnh nhân tiểu đường là tổn thương mắt do những mạch máu nhỏ tại võng mạc dễ bị nghẽn, vỡ trong lòng mắt dẫn đến các bệnh lý về võng mạc. Mặt khác, tiểu đường cũng có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, gây mù loà.

Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, các bác sĩ cho biết, có một số biến chứng về mắt như bệnh tăng nhãn áp cấp tính ở bệnh nhân đái tháo đường mà không được điều trị trong vòng 72 giờ thì người bệnh có nguy cơ sẽ bị mù vĩnh viễn.

Những bệnh nhân đái tháo đường hiện đang được theo dõi, quản lý tại các phòng khám nội tiết nhưng không có chỉ định kiểm tra mắt định kỳ. Chỉ khi có dấu hiệu bất thường về thị lực bệnh nhân mới đến khám chuyên khoa mắt và thường lúc này đã có những tổn thương không thể phục hồi ở đáy mắt. Một nghiên cứu ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong số bệnh nhân được phát hiện mắc đái tháo đường, có đến 30-40% đã có biến chứng về mắt liên quan đến bệnh lý võng mạc đái tháo đường ở các mức độ khác nhau.

Bệnh nhân tiểu đường cũng rất dễ bị nhiễm trùng, điển hình như: răng miệng, lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục…

Biến chứng của tiểu đường thực sự rất nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu kiểm soát tốt hàm lượng đường trong máu. Đặc biệt, những người mắc bệnh tiểu đường cần phải kiểm soát các bệnh phối hợp và liên quan như lipit máu tốt, huyết áp tốt để phòng tránh biến chứng và nên đi khám định kỳ cũng như tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ.

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Chọn thuốc giảm đau hợp lý

Thuốc giảm đau chỉ là những thuốc chữa triệu chứng, nếu dùng quá liều gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vì vậy cần chọn thuốc phù hợp để không gây hại đến sức khỏe
Thuốc giảm đau chỉ là những thuốc chữa triệu chứng. Theo Hiệp hội quốc tế nghiên cứu về đau (1979): “Đau là một kinh nghiệm khó chịu về mặt cảm giác và cảm xúc liên quan đến tổn thương thực thể có thật hoặc được mô tả như là có tổn thương”.
Người ta đã tính có tới 50% bệnh nhân đến gặp thầy thuốc vì triệu chứng đau. Thực ra đau là một trong những phản ứng tự vệ của cơ thể; qua mức độ và tính chất đau, điểm đau… thầy thuốc có thể chẩn đoán bệnh. Song, đau là nỗi thống khổ của bệnh nhân, nhiều khi còn có thể gây ra những rối loạn chức năng. Bởi vậy, dù chỉ là thuốc chữa triệu chứng, nhưng vẫn cần dùng, nhiều trường hợp cần sử dụng với các thuốc điều trị khác để chữa tận gốc căn nguyên bệnh. Các thuốc giảm đau có thể chia thành 3 nhóm tùy theo mức độ hiệu lực giảm đau.


Với các chứng đau nhẹ, đau vừa (bậc 1/theo thang bậc điều trị đau của WHO):
Dùng quá liều thuốc giảm đau paracetamol gây tổn thương tế bào gan
Dùng quá liều thuốc giảm đau paracetamol gây tổn thương tế bào gan
Dùng một trong các thuốc giảm đau thông dụng nhất là paracetamol, aspirin, ibuprofen… việc chọn lựa tùy theo sự nhạy cảm của từng người, những chống chỉ định khác nhau, và sự tương tác của chúng với các thuốc khác. Các thuốc này có thể mua tại các hiệu thuốc không cần đơn bác sĩ, nhưng cần lưu ý :
Paracetamol (còn có tên khác là acetaminophen): Tác dụng giảm đau (nhức đầu, đau răng, đau khớp) và hạ sốt hiệu quả, nhanh. Người lớn nên dùng 1-2 viên 500mg/lần, và tối đa là 6 lần/ngày(24 giờ). Paracetamol dễ dùng hơn aspirin hay ibuprofen… Tác dụng phụ chỉ là dị ứng nhưng rất hiếm và nổi mẩn. Tương tác với thuốc khác hầu như không có. Nhưng khác với aspirin, ibuprofen … paracetamol không có tác dụng chống viêm . Hiện nay paracetamol là thuốc được khuyến cáo nên dùng vì có tác dụng tốt và độ an toàn cao. Tuy nhiên, nếu dùng liều quá cao có thể gây độc tính với gan, nên không được dùng liều cao trong thời gian dài. Do vậy thuốc này có chống chỉ định đối với những người bị suy gan. Hiện nay paracetamol có tới 180 tên thương mại (biệt dược) khác nhau, mà trong thành phần có paracetamol, hoặc paracetamol phối hợp với các dược chất khác. Bởi vậy cần lưu ý không được dùng phối hợp các thuốc biệt dược này vì có thể dẫn đến tai biến quá liều.


Aspirin (acetylsalicylic acid): Có tác dụng giảm đau và hạ sốt tốt, còn tác dụng chống viêm thì rất yếu nếu dùng liều thấp; việc sử dụng cần có chỉ định và theo dõi của bác sĩ điều trị . Tác dụng phụ khó chịu nhất là những kích thích đường tiêu hoá có thể gây ra cảm giác nóng rát ở dạ dày, và có khi chảy máu ở đường tiêu hoá, nhất là những người trước đây đã bị loét dạ dày - tá tràng. Điều này đôi khi chỉ cần một liều với những người nhạy cảm; với liều cao hơn (2g/ngày trong một tuần) có thể gây loét dạ dày. Để giảm nhẹ tác dụng phụ nên uống thuốc vào bữa ăn hoặc ngay khi ăn xong. Aspirin làm loãng máu, do đó nó có thể gây chảy máu mũi hay nướu răng ở những người bị rối loạn về đông máu dù dùng với liều thấp (150-300mg/ngày); gây hiện tượng đa kinh. Cũng nên thận trọng với sản phụ ở đầu thai kỳ (do chảy máu) và cuối thai kỳ (aspirin ngăn chặn sự tiết chất tạo dễ dàng cho việc sinh đẻ). Điều cuối cùng là nó gây dị ứng nổi mẩn, rối loạn hô hấp đôi khi rất nghiêm trọng, nhất là với những người có cơ địa dị ứng (viêm mũi dị ứng, người từng có những cơn hen đã điều trị ổn định…). Với trẻ em có thể gây nên hội chứng Reye – một bệnh nặng có tỷ lệ tử vong rất cao. Về tương tác thuốc: nói chung đừng bao giờ dùng aspirin với một loại thuốc chống viêm khác. Mặt khác nó còn làm giảm tác dụng của những thuốc lợi tiểu và thuốc trợ tim. Ngược lại, nó tăng cường tác dụng của các thuốc chống đông máu, và đôi khi là thuốc chống đái tháo đường.
Nhóm thuốc ibuprofen, phenylbutazon, indomethacin: Nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm tốt, giảm đau và hạ nhiệt, thường được dùng vào điều trị các triệu chứng đau do thấp khớp, thoái hoá cột sống, thống phong (goutte). Nhóm thuốc này nói chung có tác dụng phụ kích ứng dạ dày, do đó chống chỉ định đối với những người loét dạ dày - tá tràng.

Với các chứng đau dữ dội (bậc 2)
Có thể dùng các thuốc giảm đau mạnh hơn như codein hoặc dextropropoxyphen . Hai thuốc này thường phối hợp với một trong 3 thuốc thông dụng kể trên như các biệt dược viên sủi giảm đau efferalgan-codein (paracetamol + codein),viên di-altalvic (paracetamol + dextropropoxyphen), alaxan (paracetamol + ibuprofen)…

Với các chứng đau quá nặng (bậc 3)
Thường gặp trong các trường hợp đau do ung thư, do bỏng nặng, hoặc chấn thương nặng… thì phải dùng đến morphin và các dẫn chất của nó. Vì dễ gây ra hiện tượng quen thuốc, nghiện thuốc, chỉ sử dụng khi có sự chỉ định của thầy thuốc, dùng đúng liều lượng, và đúng thời gian.

Ngoài ra, không xếp vào đây các thuốc giảm đau như: Thuốc điều trị đau thắt ngực (nitroglycerin, isosorbid, dinitrat) vì chúng thuộc nhóm thuốc tim mạch. Thuốc giảm đau chống co thắt do làm dãn cơ trơn (alverin, drotaverin, papaverin, spasfon …). Thuốc đặc trị bệnh đau nửa đầu (ergotamin, dihydroergotamin). Thuốc giảm đau do viêm thần kinh đau cơ (các vitamin hướng thần kinh B1, B6, B12). Thuốc loại corticoid. Thuốc an thần gây ngủ (diazepam, hydroxyzin…). Thuốc tê novocain … Cuối cùng cũng không tính đến các loại thuốc giảm đau dùng ngoài như thuốc dán, thuốc bôi xoa, thuốc xịt có tác dụng tại chỗ, không có tác dụng toàn thân.

Theo nguồn SKDS

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

Bạn biết gì về bệnh đau dạ dày?

Hiện nay đau dạ dày là bệnh khá phổ biến trong nhân dân và đang có chiều hướng gia tăng. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn mắc bệnh nhiều hơn trẻ em.
Hiện nay đau dạ dày là bệnh khá phổ biến trong nhân dân và đang có chiều hướng gia tăng. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn mắc bệnh nhiều hơn trẻ em. Tùy theo các vị trí của viêm và loét mà có các tên gọi là viêm dạ dày, viêm hang vị, viêm tâm vị, viêm bờ cong nhỏ hoặc loét bờ cong nhỏ, loét hang vị, loét tiền môn vị, viêm tá tràng, loét tá tràng, viêm loét cả dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày.
Đặc điểm giải phẫu sinh lý của dạ dày
Về giải phẫu, dạ dày là túi đựng thức ăn nối thực quản với tá tràng. Dung lượng dạ dày có thể chứa được 1-1,5 lít, gồm 2 phần: phần đứng là thân dạ dày, phần ngang là hang vị. Cấu tạo thành dạ dày gồm 4 lớp, từ ngoài vào trong gồm: thanh mạc; lớp cơ: gồm 3 lớp nhỏ (cơ dọc, cơ vòng và cơ chéo); hạ niêm mạc; niêm mạc: phân cách với lớp hạ niêm mạc bởi lớp cơ trơn.

Cấu tạo dạ dày
Mạch máu của dạ dày: dạ dày được nuôi dưỡng bởi động mạch từ thân tạng tới tạo nên hai vòng cung: vòng cung nhỏ dọc theo bờ cong nhỏ; vòng cung lớn dọc theo bờ cong lớn. Thần kinh chi phối dạ dày: là đám rối Meissner và Auerbach. Thần kinh phó giao cảm cholinergic (là dây thần kinh số X) và thần kinh giao cảm adrenergic (thần kinh tạng).

Chức năng sinh lý dạ dày
Chức năng vận động: trương lực dạ dày, áp lực trong lòng dạ dày khoảng 8-10 cm H2O, có áp lực là nhờ sự co thường xuyên của lớp cơ dạ dày. Khi dạ dày đầy, trương lực giảm đi chút ít, khi dạ dày vơi trương lực tăng lên, tăng lên cao nhất khi dạ dày rỗng.
Nhu động của dạ dày: khi thức ăn vào dạ dày thì 5-10 phút sau dạ dày mới có nhu động, nhu động bắt đầu từ phần giữa của thân dạ dày, càng đến gần tâm vị nhu động càng mạnh và sâu. Cứ 10-15 giây có 1 sóng nhu động. Kết quả co bóp của dạ dày là nhào trộn thức ăn với dịch vị, nghiền nhỏ thức ăn và tống xuống ruột.
Chức năng bài tiết: mỗi ngày dạ dày bài tiết 1-1,5 lít dịch vị, protein của huyết tương (đặc biệt là albumin, globulin miễn dịch), các enzym pepsinozen và pepsin, glycoprotein, yếu tố nội sinh (glycoprotein chứa ít glucid) và axid.
Chức năng tiêu hóa: HCl có tác dụng hoạt hoá các men tiêu hoá, điều chỉnh đóng mở môn vị và kích thích bài tiết dịch tụy. Chất nhầy có nhiệm vụ bảo vệ niêm mạc khỏi sự tấn công của chính dịch vị. Pepsinogen với sự có mặt của HCl sẽ phân chia protein thành các polypeptid và làm đông sữa. Yếu tố nội sinh có tác dụng làm hấp thu vitamin B12. Dạ dày cũng sản xuất secretin, một nội tiết tố kích thích bài tiết dịch tụy.

Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây đau dạ dày trong đó thuyết về thần kinh thuyết phục hơn cả nên đã tồn tại trong nhiều thập niên. Song hành với thuyết thần kinh, là giả thuyết về vi khuẩn tồn tại ở niêm mạc và dưới niêm mạc dạ dày gây bệnh. Cho đến năm 1983, hai nhà khoa học người Australia (Warren và Marshall) mới thành công trong việc nuôi cấy, phân lập để xác định được loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày - tá tràng và công bố cho toàn thế giới biết kẻ thù nguy hiểm gây bệnh lý viêm loét dạ dày - tá tràng là loại vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt là HP).

Triệu chứng của bệnh dạ dày
Triệu chứng cơ năng: Đau bụng vùng thượng vị: đau có chu kỳ (loét dạ dày, loét tá tràng), đau không chu kỳ (đau do viêm dạ dày-tá tràng hoặc ung thư dạ dày). Đau có lan xuyên (loét dạ dày lan lên trên và sang trái), loét hành tá tràng (lan ra sau lưng và sang phải). Đau liên quan đến bữa ăn: loét dạ dày đau khi no, loét hành tá tràng đau khi đói, ăn vào hết đau. Kém ăn là một triệu chứng không đặc hiệu (ăn mất ngon, ăn ít hơn), cũng có thể do nguyên nhân khác như bệnh gan, bệnh thận... Ợ là biểu hiện của rối loạn vận động dạ dày, do lỗ tâm vị không đóng kín. Thức ăn lưu lại trong dạ dày quá lâu nên sinh hơi. Thức ăn và hơi có thể lên tận trên họng mà người có bệnh cảm thấy vị chua. Ợ có thể gặp ở các bệnh dạ dày: viêm loét dạ dày tá tràng; hẹp môn vị; rối loạn chức năng cơ vòng tâm vị. Ợ có thể gặp ở các bệnh ngoài dạ dày như suy gan do bất cứ nguyên nhân gì. Hội chứng bán tắc ruột. Nôn và buồn nôn: các bệnh của dạ dày gây nôn và buồn nôn gồm viêm dạ dày; đợt tiến triển của loét dạ dày-tá tràng; ung thư dạ dày; hẹp môn vị do bất cứ nguyên nhân gì; chảy máu dạ dày; các bệnh ngoài dạ dày như viêm não, u não… Chảy máu dạ dày: có thể là một triệu chứng, có thể là một biến chứng của viêm dạ dày cấp do thuốc; ung thư dạ dày; loét dạ dày-tá tràng; u lành dạ dày (polip, u mạch); hội chứng Mallory- Weiss; tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Triệu chứng thực thể
Trong cơn đau loét dạ dày-tá tràng thăm khám sẽ thấy: điểm thượng vị ấn đau (loét dạ dày); điểm môn vị-hành tá tràng ấn đau (loét hành tá tràng); dấu hiệu óc ách lúc đói (+), dấu hiệu Bouveret (+): gặp trong hẹp môn vị; gõ thượng vị đau: gặp trong viêm dạ dày…
Các triệu chứng xét nghiệm.
Chụp Xquang dạ dày-tá tràng thấy một số hình ảnh bệnh lý như: thay đổi niêm mạc: to, nhỏ hoặc không đều; thay đổi ở thành dạ dày: có ổ đọng thuốc ở bờ cong nhỏ, bờ cong lớn, có đoạn cứng, hành tá tràng biến dạng hình quân bài “nhép”; rối loạn vận động: co thắt, xoắn; rối loạn trương lực: tăng hoặc giảm; thoát vị hoành; các khối u dạ dày (hình khuyết).
Nội soi dạ dày tá tràng: là xét nghiệm đầu tiên giúp nhìn trực tiếp các tổn thương thực quản, dạ dày, tá tràng phát hiện sớm các tổn thương nhỏ. Nội soi cho biết có trào ngược dịch mật không hoặc trào ngược dạ dày-thực quản. Qua nội soi có thể điều trị bệnh như cầm máu, tiêm xơ, thắt…
Sinh thiết và xét nghiệm tế bào: tìm tế bào trong dịch vị; sinh thiết trong khi soi: chỗ nghi ngờ có tổn thương để làm mô bệnh học, tế bào học để giúp cho chẩn đoán chính xác. Chẩn đoán viêm dạ dày cấp, mạn, chẩn đoán các khối u, tìm vi khuẩn Helicobacter pylori bằng các test Urease, xét nghiệm mô bệnh học…
Thăm dò chức năng dạ dày: lấy dịch vị bình thường, khối lượng lúc đói không quá 100ml; màu sắc: trong, hoặc không màu; độ quánh: hơi quánh dính và dính do có chất nhầy; cặn thức ăn: sau một đêm cặn thức ăn còn lại rất ít hoặc không còn.
Định lượng bài tiết acid ngay trong dạ dày: là một phương pháp sinh lý nhất, cho phép đánh giá các nội tiết tố và thời gian lưu thức ăn trong dạ dày. Ngoài ra còn xét nghiệm dịch vị dựa trên các phương pháp kích thích tiết acid với histamin, pentagastrin…
Cần phân biệt với một số bệnh
Các bệnh khi đau vùng thượng vị có thể nhầm với viêm loét dạ dày - tá tràng như viêm tụy, viêm đường dẫn mật, sỏi đường dẫn mật; viêm ruột thừa ở những giờ đầu cũng có thể đau thượng vị; ngộ độc thức ăn gây viêm dạ dày cấp tính trong một vài giờ đầu. Đau bụng âm ỉ, đi ngoài phân đen có thể nhầm với bệnh giun móc, khi đó cần xét nghiệm tìm trứng giun móc.
Làm gì khi bị đau dạ dày?
Bệnh nhân không nên tự điều trị mà phải đi khám bệnh để được thầy thuốc khám cẩn thận, cho làm các xét nghiệm như chụp dạ dày, nội soi dạ dày…để chẩn đoán xác định bệnh. Đối với người có hội chứng dạ dày – tá tràng nên kiêng tuyệt đối rượu, bia, chất chua cay và thuốc lá, thuốc lào, các chất gây kích thích khác như nước trà đặc, cà phê, vì những chất này có khả năng làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
Ăn uống thế nào?
Ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng nhất. Tránh các thức ăn kích thích niêm mạc dạ dày như rượu, bia, nước ngọt có ga, các loại thức ăn chua cay như canh chua, dưa muối, cà muối, cam, chanh, dứa, khế, sấu…, tiêu, ớt, tỏi…
Các loại thực phẩm nên dùng: trứng, sữa, gạo nếp, … Uống sữa với chế độ hợp lí sẽ có tác dụng tốt đối với bệnh nhân đau dạ dày.
Hạn chế ăn các món nướng, chiên rán, các đồ ăn nhanh để phòng bệnh ung thư dạ dày.
Vấn đề điều trị bệnh đau dạ dày
Việc điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng dựa trên cơ chế tiêu diệt vi khuẩn HP, sử dụng thuốc chữa bệnh dạ dày gồm các nhóm: kháng sinh, chống tăng tiết dịch vị và bao phủ niêm mạc tránh tác dụng của dịch vị... Hiện nay, vấn đề kháng thuốc của HP đang có chiều hướng gia tăng và thật sự gây khó khăn cho việc điều trị. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị vẫn còn có kết quả HP dương tính làm cho họ rất hoang mang. Những trường hợp kháng thuốc, thầy thuốc bắt buộc phải phối hợp thêm nhiều kháng sinh sẽ làm gia tăng tác dụng phụ và làm cho chi phí điều trị cao hơn. Vì vậy để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc, bệnh nhân đau dạ dày và mọi người không nên sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi mà chỉ dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với bệnh ung thư dạ dày cần phát hiện sớm để phẫu thuật loại bỏ khối ung thư. Nếu để muộn việc điều trị thường không có kết quả tốt, bệnh nhân có thể tử vong trong thời gian ngắn.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Một số thuốc thông thường làm bệnh tim mạch thêm trầm trọng

Có một số thuốc dùng điều trị bệnh thông thường, đôi khi không cần đơn của bác sĩ nhưng lại có tác dụng phụ trên tim mạch như gây tăng huyết áp, nhịp tim nhanh...
Có một số thuốc dùng điều trị bệnh thông thường, đôi khi không cần đơn của bác sĩ nhưng lại có tác dụng phụ trên tim mạch như gây tăng huyết áp, nhịp tim nhanh... Nếu dùng sẽ làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch vốn có của người bệnh, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng. Vậy đó là các thuốc nào?

Thuốc điều trị nghẹt mũi
Nghẹt mũi là triệu chứng rất thường gặp. Các thuốc thông mũi sẽ làm giảm triệu chứng của nghẹt mũi do dị ứng hay cảm lạnh thông thường. Thuốc sẽ giúp co niêm mạc mũi qua hiệu ứng co mạch của thuốc. Hai thành phần dùng đường uống trị nghẹt mũi là pseudoephedrine và phenylephrine.


Một số loại thuốc thông thường có thể gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim.
Pseudoephedrine là thuốc giống thần kinh giao cảm chống sung huyết mũi đường toàn thân, còn phenylephrine là thuốc cường giao cảm alpha 1. Cả hai thuốc này đều có tác dụng co mạch, chống sung huyết mũi nhưng lại gây tăng huyết áp và làm rối loạn nhịp tim. Cụ thể, pseudoephedrin có tác dụng chống sung huyết từ từ nhưng kéo dài giúp làm co niêm mạc bị sung huyết ở đường hô hấp trên. Thuốc được dùng để giảm các triệu chứng đi kèm với viêm mũi dị ứng và chứng cảm lạnh thông thường bao gồm nghẹt mũi, hắt hơi, chảy mũi, ngứa và chảy nước mắt… nhưng lại có tác dụng phụ là làm nhịp tim nhanh và tăng huyết áp. Phenylephrine ngoài tác dụng gây tăng huyết áp thì lại gây nhịp tim chậm do phản xạ, làm giảm thể tích máu trong tuần hoàn, giảm lưu lượng máu qua thận cũng như giảm máu vào nhiều mô và cơ quan của cơ thể (nên không dùng cho người bệnh tim mạch nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp nặng…).
Đối với các thuốc nhỏ, xịt tại chỗ (ví dụ oxymetazolin, phenylephrine và naphazolin), do có tác dụng làm co mạch nên cũng có cảnh báo không sử dụng cho bệnh nhân có bệnh tim và huyết áp cao, do dược chất có thể được hấp thu vào máu và gây tác dụng toàn thân, có thể nguy hiểm cho người bệnh.
Vì vậy, nếu bị tăng huyết áp hay bị bệnh về tim mạch, người bệnh nên hỏi bác sĩ trước khi dùng bất cứ dạng thuốc nào trị nghẹt mũi. Vì hầu hết các thuốc co mạch làm thông mũi (uống, xịt, nhỏ, hít) đều có nguy cơ làm tăng huyết áp,  trong đó, pseudoephedrine và phenylephrine là hai thành phần đáng lưu tâm nhất. Người bệnh cũng nên tránh dùng các thuốc ho, các thuốc trị cảm cúm đa thành phần có chứa một loại thuốc thông mũi. Thành phần chống dị ứng (chlopheniramin) hay thuốc ho (dextromethorphan) có trong các thuốc này cũng là thủ phạm gây tăng huyết áp.

Thuốc trị hen suyễn
Một số thuốc dùng trong điều trị hen suyễn như ephedrin, epinephrine… cũng có tác dụng phụ trên tim mạch. Ephedrin được dùng đề phòng co thắt phế quản trong hen. Với liều điều trị, thuốc làm tăng huyết áp do tăng lưu lượng tim và co mạch ngoại vi, nhịp tim nhanh có thể xảy ra. Còn epinephrine được dùng phối hợp với thuốc chống hen. Trên tim - mạch, adrenalin có tác dụng làm tăng tần số và tăng lực bóp cơ tim; làm tăng thể tích tâm thu và mức tiêu thụ oxy của cơ tim, tăng lưu lượng mạch vành, tăng sức cản ngoại vi gây tăng huyết áp tâm thu. Vì vậy, thuốc không dùng cho người bị bệnh tim mạch nặng, tăng huyết áp.

Thuốc giảm đau, chống viêm
Các thuốc như ibuprofen, naproxen… cũng mang theo một cảnh báo không được sử dụng đối với bệnh nhân có bệnh tim hoặc tăng huyết áp. Ibuprofen và naproxen đều là thuốc chống viêm giảm đau không steroid. Thuốc có thể gây ra những vấn đề về tim, đe dọa tính mạng hoặc các vấn đề lưu thông như cơn đau tim hoặc đột quỵ, đặc biệt là nếu sử dụng nó lâu dài. Nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ có thể tăng nếu bệnh nhân sử dụng ibuprofen, naproxen với số lượng lớn hơn hoặc lâu hơn so với khuyến cáo. Để an toàn khi dùng thuốc, người bệnh cần nói với bác sĩ nếu mình có tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc cục máu đông, bệnh tim, suy tim sung huyết, tăng huyết áp… Trên nhãn thuốc cũng cảnh báo bệnh nhân rằng thuốc ibuprofen và naproxen không được uống “ngay trước hoặc sau khi phẫu thuật tim”. Để hạ sốt, giảm đau có thể dùng acetaminophen (ví dụ tylenol) vì đây là thuốc không có cảnh báo liên quan đến tim mạch, huyết áp.

Tóm  lại, đối với bệnh nhân tim mạch, tăng huyết áp khi dùng thuốc điều trị các bệnh thông thường, đặc biệt là các thuốc không kê đơn cần hết sức lưu ý. Cần kiểm tra nhãn thuốc, đọc kỹ các thành phần có trong thuốc và các cảnh báo, thận trọng khi dùng trong hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh dùng những sản phẩm gây bất lợi cho bệnh của mình. Khi đi mua thuốc, cần nói rõ tình trạng bệnh tim mạch, huyết áp để dược sĩ có thể lựa chọn các sản phẩm thay thế làm giảm bớt triệu chứng của các bệnh thông thường mà không có nguy cơ sức khỏe liên quan đến vấn đề về tim mạch hay huyết áp của bệnh nhân.

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

6 lý do nên uống vitamine và cách uống vitamin E đúng cách

Vitamin E đặc biệt có lợi với phụ nữ bởi công dụng trẻ hóa làn da, ngăn ngừa lão hóa và oxi hóa. Tuy nhiên, sử dụng và uống vitamin e đúng cách liệu bạn đã biết.
Giúp chị em có làn da mịn màng.
Đối với phụ nữ, vitamin E có một vai trò hết sức quan trọng không chỉ với sắc đẹp mà cả sức khỏe. Sự có mặt đầy đủ của vitamin E trong cơ thể giúp chị em có một làn da mịn màng, tươi trẻ, ít nếp nhăn. Thiếu vitamin E, da sẽ bị khô, nhăn nheo, tóc dễ bị gãy rụng. Chính vì vậy mà trong các sản phẩm mỹ phẩm dành cho da, tóc, vitamin E được các nhà sản xuất đưa vào như một yếu tố thu hút sự chú ý của chị em nhằm tăng doanh số bán hàng bởi, là phụ nữ, ai lại không muốn có một mái tóc óng mượt, làn da đẹp mịn màng, không lưu giữ dấu ấn của tuổi tác.
Đối với phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ, vitamin E góp phần thuận lợi cho quá trình mang thai và sự phát triển của thai nhi. Nếu thiếu vitamin E trong thời kỳ mang thai có thể gây tử cung kém phát triển ở thai nữ, và teo tinh hoàn ở thai nam. Đặc biệt, nhờ tác dụng khử các gốc tự do trong cơ thể, vitamin E còn có thể làm giảm tỉ lệ sảy thai hoặc sinh non.


Vitamin E có khả năng chống lão hóa, đặc biệt là lão hóa da

Với phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh, một số nghiên cứu cho thấy rằng vitamin E có tác dụng làm giảm triệu chứng bốc hỏa và một số phiền toái khác như: rối loạn kinh nguyệt. Còn với các bé gái tuổi vị thành niên, vitamin E có thể làm giảm triệu chứng đau bụng kinh.
Thực phẩm nào chứa nhiều vitamin E?
Vitamin E có hai dạng: thiên nhiên và tổng hợp. Vitamin E thiên nhiên có nhiều nhất trong các loại dầu thực vật mà đứng đầu bảng phải kể đến dầu mầm lúa mì, kế đến là dầu hướng dương. Ngoài ra, vitamin E còn có nhiều trong các loại mầm như: giá đỗ, mầm thóc và xuất hiện với hàm lượng ít hơn trong các thực phẩm như: rau xanh, thịt, cá béo, trứng, sữa.
Chế độ ăn hàng ngày có đáp ứng đủ nhu cầu vitamin E của cơ thể?
Nhu cầu vitamin E của người lớn vào khoảng 15mg mỗi ngày. Nếu bạn ăn uống bình thường với chế độ ăn có dầu thực vật, các loại rau xanh, việc đảm bảo đủ nhu cầu vitamin E là không mấy khó khăn. Với những trường hợp đặc biệt như: phụ nữ có thai, người bị bệnh ung thư, tim mạch, những người bị khô da mới cần tăng cường vitamin E.
Ăn thế nào để hấp thụ vitamin E tốt nhất?
Vitamin E thuộc nhóm vitamin tan trong dầu (mỡ), hấp thu vitamin E được tiến hành ở phần giữa của ruột non, liên hệ mật thiết với quá trình tiêu hóa mỡ và cần thiết phải có muối mật cùng men lipase của tuỵ được hấp thu cùng lúc với các chất béo, đến hệ tuần hoàn bằng đường bạch huyết. Cho nên, muốn hấp thu được vitamin E chế độ ăn phải có đủ dầu mỡ. Chúng ta đã biết trong giá đỗ có nhiều vitamin E, nhưng nếu chỉ ăn giá sống không thì khả năng hấp thu vitamin E sẽ rất kém, nhưng nếu trộn giá sống với dầu ăn (ăn dưới dạng salat trộn) thì vitamin E sẽ được hấp thu nhiều hơn, hơn nữa bản thân trong dầu ăn cũng là nguồn cung cấp vitamin E, hay ăn giá xào cũng được tuy nhiên qua nấu chín hàm lượng vitamin E mất khoảng 20%.


Với chế độ ăn có dầu thực vật, các loại rau xanh, việc đảm bảo đủ nhu cầu vitamin E là không mấy khó khăn.

Có nên bổ sung vitamin E hàng ngày? Nếu dùng, cần lưu ý những gì?
Vitamin E rất tốt cho cơ thể nhưng nếu lạm dụng (dùng liều cao, kéo dài) với mục đích duy trì tuổi trẻ, sắc đẹp, tác dụng chống oxy hóa sẽ bị triệt tiêu. Khi đó, vitamin E sẽ họat động như một chất ủng hộ sự họat động của các gốc tự do trong cơ thể, gây tổn hại cho tế bào. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, uống vitamin E liều cao còn có thể làm gia tăng nguy cơ bị ung thư phổi. Nếu tiêm vitamin E liều cao vào tĩnh mạch có thể gây tử vong.

Với phụ nữ, việc bổ sung vitamin E (viên tổng hợp) mỗi ngày sau 30 tuổi có thể được nhưng chỉ nên dùng trong 1 - 2 tháng, sau đó nghỉ một thời gian rồi mới dùng tiếp. Việc dùng vitamin E bổ sung cũng chỉ nên áp dụng với những người da khô, chế độ ăn nghèo vitamin E. Đặc biệt chỉ với những người bệnh như: đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh gan, suy thận, ung thư, dị ứng, viêm mãn tính và bệnh tự miễn... thì mới cần bổ sung vitamin E hàng ngày, nhưng mỗi ngày cũng không quá 400 UI (đơn vị quốc tế), mà cũng chỉ nên dùng cách nhật 1 - 2 tháng, nghỉ 1 thời gian mới lại dùng tiếp. Còn đối với người khỏe mạnh bình thường thì cách bổ sung vitamin E tốt nhất vẫn là từ thực phẩm.

Có nên bôi vitamin E trực tiếp lên da?

Bôi vitamin E lên da có tác dụng ngăn ngừa tác hại của tia UV trong ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, bôi vitamin E lên da chỉ áp dụng được với những người có làn da khô, da lão hóa. Với làn da nhờn, bôi vitamin E lên mặt có thể gây mụn.

Theo nguồn báo sức khỏe và đời sống