Rối loạn trầm cảm là trạng thái giảm khí sắc, giảm năng lượng
và giảm hoạt động thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người.
Chúng thể hiện bằng nhiều hình thái khác nhau nhưng ít khi được chú ý. Vì vậy,
trên thực tế cần biết những loại trầm cảm này để phát hiện và xử trí can thiệp
phù hợp.
Đặc điểm và nguyên nhân trầm cảm
Thời gian gần đây, số người bị bệnh trầm cảm ngày càng có xu
hướng gia tăng. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên như: bị sang chấn tâm lý mạnh
gọi là sốc xúc cảm hoặc căng thẳng tâm lý gọi là stress tuy không mạnh nhưng
kéo dài. Sang chấn tâm lý thường hay gặp nhất, yếu tố tâm lý quan trọng đến mức
có thể tạo cơ sở để tách ra thành một thể bệnh riêng gọi là trầm cảm phản ứng;
sốc xúc cảm cũng do hiện tượng quá vui hoặc quá sung sướng tạo nên các cơn trầm
cảm. Các yếu tố tâm lý xã hội, các trường hợp khó thích nghi với môi trường
khác lạ, có hoàn cảnh sống cô đơn, sống biệt lập với người thân; các yếu tố nội
sinh trong các bệnh loạn thần hưng trầm cảm, tâm thần phân liệt, trầm cảm thoái
triển... đều có thể gây nên hiện tượng trầm cảm. Đồng thời, thể tạng người có
loại hình sinh học kiểu người mập mạp có liên quan đến trầm cảm chu kỳ; yếu tố
di truyền cũng có tác động ảnh hưởng lớn đến một số thể bệnh trầm cảm. Bệnh trầm
cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở độ tuổi trên 50. Ngoài
ra, trạng thái trầm cảm còn là biểu hiện triệu chứng của nhiều bệnh ở não như:
nhiễm khuẩn trong sọ não, liệt toàn thể tiến triển, chấn thương sọ não, xơ mạch
máu não...; các bệnh toàn thân làm thay đổi sinh lý hay làm suy nhược cơ thể gồm
lao, ung thư, bệnh về máu, rối loạn nội tiết, nhiễm độc, tự nhiễm độc... và một
số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Các loại trầm cảm thường gặp
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh trầm cảm thường có
nhiều loại khác nhau như: trầm cảm nặng, trầm cảm nhẹ, trầm cảm xuất hiện từng
giai đoạn, trầm cảm tái diễn, trầm cảm nặng và tái diễn, trầm cảm mức độ nhẹ
liên tục, trầm cảm di chứng của rối loạn khí sắc trầm cảm, rối loạn phân liệt cảm
xúc.
Trầm cảm nặng: xuất hiện đơn độc, suốt đời chỉ có một cơn,
trước đây loại trầm cảm này được gọi là hiện tượng trầm uất, trầm cảm kích động,
có biểu hiện như đặc điểm trầm cảm đã nêu ở trên. Bệnh lý trầm cảm kéo dài trên
2 tuần, gây sự đau buồn, trở ngại đối với hoạt động hàng ngày.
Trầm cảm nhẹ: xuất hiện đơn độc, khác với trầm cảm nặng xuất
hiện đơn độc về mức độ, không gây nên sự đau buồn và trở ngại đối với hoạt động
hàng ngày, thường kéo dài ít nhất 2 tuần; không có hiện tượng hoang tưởng, ảo
giác.
Trầm cảm xuất hiện từng giai đoạn: tái diễn nhiều đợt và có
thể xen kẽ với giai đoạn hưng cảm. Giữa các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm là
thời kỳ khí sắc bình ổn hoàn toàn. Loại trầm cảm này còn được gọi là bệnh loạn
thần hưng trầm cảm. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam nữ gần như nhau, sau tuổi trung niên
thì giai đoạn trầm cảm thường xuất hiện nhiều hơn giai đoạn hưng cảm và kéo dài
hơn.
Trầm cảm tái diễn: biểu hiện giống như loại trầm cảm nặng và
trầm cảm nhẹ đã nêu trên nhưng không xuất hiện đơn độc mà tái diễn nhiều đợt
trong đời người. Giai đoạn trầm cảm kéo dài từ 3 - 12 tháng, trung bình 6
tháng. Bệnh thường khởi phát chậm, thường gặp ở độ tuổi từ 50. Phần lớn bệnh được
phục hồi hoàn toàn và tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm loại này ở nữ ghi nhận gấp đôi
nam.
Trầm cảm nặng và tái diễn: gần giống như các bệnh trước kia
gọi là trầm cảm, trầm uất, loạn thần hưng trầm cảm, trầm cảm sinh thể, trầm cảm
nội sinh. Trong đời, con người ít nhất thường có hai giai đoạn trầm cảm nặng
hay nhẹ tái diễn, mỗi giai đoạn thường kéo dài trên 2 tuần, giữa hai giai đoạn
trầm cảm phải có một thời kỳ lành bệnh ít nhất 6 tháng.
Trầm cảm mức độ nhẹ: liên tục biểu hiện, đơn độc nhưng kéo
dài, có khi gần hết tuổi thanh niên, gây nên sự đau buồn và trở ngại cho sinh
hoạt lao động, làm việc và học tập của người bệnh. Bệnh có thể nặng lên và tiến
triển như rối loạn trầm cảm tái diễn hay xen kẽ với các giai đoạn hưng cảm. Nếu
các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm xen kẽ nhau được gọi là khí sắc tuần hoàn; nếu
mức độ khí sắc trầm, nhẹ, kéo dài thì gọi là loạn khí sắc.
Trầm cảm di chứng của các rối loạn khí sắc trầm cảm: biểu hiện
đơn độc hoặc tái diễn nhưng mức độ nhẹ, không kéo dài gồm các trạng thái hỗn hợp
trầm cảm và hưng cảm, trầm cảm ẩn, rối loạn xúc cảm khác không liên quan đến
nghiện rượu, nghiện ma túy, rối loạn nội tiết
hay rối loạn tâm thần thực tổn.
Phân liệt cảm xúc: biểu hiện các triệu chứng phân liệt và
triệu chứng cảm xúc xuất hiện đồng thời, nổi bật như nhau; lưu ý thể trầm cảm
xuất hiện sau cơn loạn thần cấp tính của bệnh tâm thần phân liệt không xếp vào
loại trầm cảm này. Các triệu chứng trầm cảm biểu hiện như đã nêu ở trên. Các
triệu chứng phân liệt ở bệnh nhân biểu hiện ý nghĩ vang lên thành tiếng nói ở
trong đầu, bị những lực lượng xa lạ nào đó điều khiển, mưu hại; nghe thấy những
tiếng nói gièm pha, buộc tội mà thực tế không có... Phần lớn bệnh nhân được phục
hồi hoàn toàn sau điều trị, một số ít trường hợp tiến triển thành thiếu sót
phân liệt như thờ ơ với ngoại cảnh, có hành vi kỳ dị...
Các thể lâm sàng của trầm cảm
Theo các nhà khoa học, rối loạn trầm cảm là hiện tượng xảy
ra rất phúc tạp và rất đa dạng. Các thể lâm sàng trầm cảm thường gặp là: trầm cảm
nội sinh, trầm cảm tâm sinh, trầm cảm triệu chứng.
Trầm cảm nội sinh: thể trầm cảm này có thời kỳ đầu tiến triển
từ vài tuần đến vài tháng với các hiện tượng mất ngủ, mệt mỏi, giảm khí sắc, lo
lắng đến sức khỏe và tương lai; thời kỳ toàn phát có 3 triệu chứng đặc trưng là
ức chế cảm xúc, ức chế tư duy và ức chế vận động. Trầm cảm nội sinh có đặc điểm
là biểu biện nặng lên vào buổi sáng và nhẹ đi về buổi tối, tiến triển thường xuất
hiện từng giai đoạn, giữa các giai đoạn khí sắc bình ổn hoàn toàn, không làm biến
đổi nhân cách và không đi đến sa sút tâm thần. Ngoài thể lâm sàng điển hình đã
nêu trên, còn có các thể lâm sàng không điển hình được ghi nhận như: trầm cảm sững
sờ, trầm cảm kích động, trầm cảm nghi bệnh, trầm cảm ám ảnh, trầm cảm hoang tưởng,
trầm cảm ẩn, trầm cảm ở trẻ em...
Trầm cảm tâm sinh: đây là thể trầm cảm có trạng thái phản ứng
của một nhân cách yếu đối với một môi trường sống không thuận lợi. Đặc điểm biểu
hiện lâm sàng không sâu sắc như trầm cảm nội sinh, bệnh nhân ít có ý tưởng bị
buộc tội, chúng mang sắc thái loạn cảm như cơn khóc, cơn than vãn về nỗi khó
khăn, nỗi bất hạnh, cho rằng mình là nạn nhân. Thể trầm cảm này gồm 2 nhóm
chính không đồng nhất là trầm cảm phản ứng và trầm cảm tâm căn. Trầm cảm phản ứng
là một thể của loạn thần phản ứng với một hoạt động tâm thần có thể làm rối loạn
đến mức mất tính toàn vẹn, tính thống nhất; có những rối loạn về hoạt động nhận
thức, ý thức, tiếp xúc, hành vi. Trầm cảm tâm căn có triệu chứng của bệnh tâm
căn như khí sắc trầm, giảm hứng thú, dễ cảm động; lo lắng về bệnh tật, về những
điều không may có thể xảy ra.
Trầm cảm triệu chứng: có đặc điểm lâm sàng từ nhẹ đến nặng,
chúng tồn tại trong một giai đoạn hay kéo dài trong quá trình bệnh tiến triển.
Trầm cảm diễn biến tùy theo sự tiến triển của bệnh chính, cường độ của tác nhân
gây hại và sức phản ứng của cơ thể. Các hội chứng có thể gặp là hội chứng trầm
cảm paranoid và hội chứng trầm cảm không điển hình. Hội chứng trầm cảm paranoid
có các triệu chứng buồn rầu, sợ hãi, kích động, lo âu, ảo tưởng lời nói, hoang
tưởng bị tội; có thể kèm theo rối loạn ý thức, mê sảng, lú lẫn, kích động giống
động kinh và thường tăng lên về đêm. Hội chứng trầm cảm không điển hình có các
triệu chứng kích động lo âu như than khóc kèm theo các ý tưởng nghi bệnh, loạn
cảm giác bản thể như khó chịu ở những vùng khác nhau. Trầm cảm triệu chứng có
thể gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn như bệnh cúm, các bệnh thực tổn của não như
xơ vữa động mạch não, các bệnh nội tiết như bệnh Cushing và ngay trong cả quá
trình điều trị với loại thuốc steroide.
Phòng bệnh
Như vậy rối loạn trầm cảm trên thực tế có nhiều loại khác nhau khá phong phú và đa dạng; chính ngay cả bản thân người bệnh và người thân có thể không biết hoặc không để ý đến. Dù mắc loại bệnh trầm cảm nào nhưng trong cơn trầm cảm bột phát sẽ dẫn đến một hệ lụy khá tồi tệ là bệnh nhân có thể có hành vi tự sát hoặc giết chết người thân rồi tự sát. Vì vậy, việc phòng bệnh trầm cảm là một vấn đề quan trọng cần được lưu ý hiện nay do bệnh ngày càng có xu hướng phát triển trong xã hội hiện đại. Phòng bệnh rối loạn trầm cảm chủ yếu là chú trọng đến việc giáo dục nhân cách trẻ em từ khi còn nhỏ để sau này lớn lên có được các phẩm chất hòa nhập dễ dàng với cuộc sống, nghề nghiệp xã hội; đồng thời có khả năng thích ứng linh hoạt với những hoàn cảnh bất lợi luôn luôn có thể xảy ra. Cần tổ chức lao động, làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý; tránh tình trạng căng thẳng về cảm xúc và các sang chấn tâm lý; phát hiện và điều trị sớm các bệnh của cơ thể. Ngoài ra, khuyến khích thực hiện cuộc sống với mẫu gia đình có cả ba thế hệ cùng sinh sống. Cần quan tâm chăm sóc trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn; đặc biệt là người tàn tật và người già cô đơn không nơi nương tựa…
(dẫn nguồn báo Sức khỏe & Đời Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét