Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Kiểm soát tốt đường huyết để tránh hệ quả bất lợi bởi COVID-19

 Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, người bị đái tháo đường type 2 gia tăng nguy cơ bệnh nặng do COVID-19. Chính vì thế, một trong những việc cần làm là kiểm soát tốt đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ để bảo vệ chính mình.

Đừng để đái tháo đường và COVID-19 “cộng hưởng”

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mạn tính, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh . Để giảm thiểu những tác động xấu của ĐTĐ tới cuộc sống, người bệnh cần dùng thuốc (bao gồm cả bệnh nhân tiêm insulin) theo chỉ định, theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên và đi khám định kỳ.

Bên cạnh đó, COVID-19 là bệnh lý do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đây là virus gây bệnh hô hấp, có tính lây lan cao. Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang có nhiều diễn biến phức tạp do xuất hiện nhiều biến thể SARS-CoV-2 mới. Tại nước ta cũng như trên toàn thế giới, công tác phòng chống dịch vẫn đang được thực hiện một cách nghiêm ngặt.

Đái tháo đường và COVID-19 có thể “cộng hưởng” gây kết cục bất lợi (ảnh minh họa).

Mới nghe qua thì ai cũng nghĩ bệnh ĐTĐ và COVID-19 không có mối liên hệ nào, nhưng  những người bị ĐTĐ mắc COVID-19 dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn. Nhìn chung, người bị ĐTĐ dễ có khuynh hướng gặp triệu chứng và biến chứng nặng khi nhiễm bất cứ loại virus nào.

Khi đó, ĐTĐ được coi là bệnh nền và có thể trở nặng khi mắc COVID-19. Chính vì vậy, người bị ĐTĐ cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình, đặc biệt là trong thời kỳ COVID-19 đang hoành hành như hiện nay.

Đề phòng COVID-19 và kiểm soát tốt đái tháo đường

Trong một nghiên cứu trên 7337 bệnh nhân COVID-19 tại Trung Quốc, những người bị ĐTĐ type 2 kiểm soát tốt đường huyết (từ 3,9 đến 10 mmol/L) giảm đáng kể tỷ lệ tử vong so với những người kiểm soát kém đường huyết trong thời gian nằm viện.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở bệnh nhân COVID-19: So với nhóm còn lại, bệnh nhân COVID-19 bị ĐTĐ type 2 cần phải can thiệp điều trị y khoa nhiều hơn (dùng kháng sinh, kháng nấm, corticosteroid toàn thân, các loại thuốc khác, cũng như cần các biện pháp hỗ trợ thở nhiều hơn).

Hơn nữa, nghiên cứu đã cho thấy, nhóm bị ĐTĐ type 2 có tỷ lệ tử vong tại bệnh viện cao hơn rõ rệt so với nhóm còn lại.

Chính vì thế, khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người bị ĐTĐ cần tuân thủ nghiêm ngặt theo dõi đường huyết, chế độ dinh dưỡng, tập luyện cũng như sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

 
Người bị ĐTĐ cần nghiêm chỉnh kiểm soát đường huyết giữa mùa dịch.

Hãy trang bị cho mình những biện pháp phòng tránh COVID-19 để hạn chế sự “cộng hưởng” của hai căn bệnh. Người bị ĐTĐ có thể phòng chống COVID-19 từ sớm bằng những hành động theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế.

Ngoài ra, điều cần nhớ với người bệnh ĐTĐ là theo dõi đường huyết hàng ngày để kịp thời xử lý, duy trì đường huyết ổn định. Vì thế, chúng ta cần có dụng cụ đo đường huyết bên mình, đặc biệt là khi COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

https://suckhoedoisong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét