Viêm phế quản là bệnh có thể gặp ở mọi lứa
tuổi, nhưng thường gặp hơn ở trẻ em. Bệnh có thể cấp tính hoặc mạn tính, do
tình trạng cấp tính lặp đi lặp lại nhiều lần...
Vì sao bị bệnh?
Viêm phế quản cấp tính: Là tình trạng nhiễm
trùng ngắn hạn làm cho đường hô hấp trong phổi sưng và đầy chất nhầy. Nguyên
nhân có tới hơn 90% trường hợp là do nhiễm virus. Một số ít trường hợp là do vi
khuẩn.
Viêm phế quản cấp tính thường phát triển từ
nhiễm trùng đường hô hấp trên, thường được cải thiện trong vòng vài ngày, mặc
dù có thể tiếp tục ho tới cả tuần. Tuy nhiên, nếu lặp đi lặp lại cơn viêm phế
quản, có thể có viêm phế quản mạn tính và đòi hỏi chăm sóc y tế.
Viêm phế quản mạn tính: Có thể kéo dài hàng
tháng hoặc nhiều năm. Viêm phế quản mạn tính nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm
phế quản cấp tính. Hầu hết những người bị viêm phế quản mạn tính có bệnh phổi
tắc nghẽn mạn tính (COPD). Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất.
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
viêm phế quản như: Hút thuốc lá (hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc); sức đề
kháng yếu (dễ bị cảm lạnh hoặc do một bệnh mạn tính làm suy yếu hệ thống miễn
dịch); người cao tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc nhiễm trùng cao
hơn; môi trường làm việc nhiều bụi, khói; mắc bệnh trào ngược dạ dày thực
quản...
Điều trị bệnh có khó?
Đối với viêm phế quản cấp tính thường do virus
và có thể tự khỏi trong vài ngày mà không cần dùng thuốc, chỉ cần có chế độ vệ
sinh, chăm sóc và ăn uống phù hợp. Tuy nhiên, cần đi khám ngay nếu có các biểu
hiện sau: Ho nghiêm trọng hoặc ho khiến bệnh nhân không ngủ được; sốt nhẹ nhưng
kéo dài hơn ba ngày hoặc sốt cao hơn 38,5 độ C, khó thở hoặc ho ra máu hoặc
chất nhầy màu vàng hoặc màu xanh lá cây (vì có thể đã biến chứng viêm phổi);
chất đờm đổi màu thường chỉ bị nhiễm vi khuẩn, có thể được điều trị bằng kháng
sinh; ho kéo dài hơn ba tuần; các viêm nhiễm mạn tính khi bị nhiễm cấp có thể
dẫn đến co thắt phế quản ở một số người; có sẵn các bệnh tim phổi mạn tính hay các
vấn đề bao gồm cả bệnh hen, khí phế thũng hoặc suy tim sung huyết...
Dấu hiệu khi bị viêm
phế quản gồm: Ho có đờm; khó thở tăng lên khi gắng sức; thở khò khè; mệt mỏi;
sốt và ớn lạnh; tức ngực..
Sau khi khám bệnh, tùy tình trạng mà bác sĩ có
thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân, trong đó có các thuốc điều trị triệu chứng như:
Thuốc ho (nếu ho quá nhiều, gây tổn thương phế quản, ho gây mất ngủ...), thuốc
chống dị ứng (nếu có yếu tố dị ứng)... Kháng sinh được sử dụng khi có nhiễm
khuẩn hoặc bội nhiễm.
Khi bị viêm phế quản mạn tính, bác sĩ sẽ cho
bệnh nhân tiến hành phục hồi chức năng và dùng thuốc đặc hiệu.
Cách dự phòng bệnh
Trước hết cần tránh tiếp xúc với chất kích
thích, đặc biệt là khói thuốc lá. Đeo khẩu trang khi không khí bị ô nhiễm hoặc
đang tiếp xúc với chất kích thích (sơn hay chất tẩy rửa gia dụng với hơi mạnh),
khi ra ngoài đường trong thời tiết lạnh. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng.
Không khí ấm áp, ẩm giúp giảm ho và làm lỏng chất nhờn ở đường hô hấp, nhưng
hãy chắc chắn làm sạch máy làm ẩm theo khuyến nghị của nhà sản xuất để tránh sự
phát triển của vi khuẩn và nấm trong ngăn chứa nước; tránh tiếp xúc với những
người bị cảm lạnh hoặc cúm; tránh đám đông trong mùa cúm vì nhiều trường hợp
viêm phế quản cấp tính từ cúm; tiêm vắc-xin cúm hàng năm có thể giúp bảo vệ
khỏi mắc bệnh cúm, do đó có thể giảm nguy cơ viêm phế quản; rửa tay bằng xà
phòng thường xuyên và không dùng tay để ngoáy mũi.
ThS. Nguyễn Thị Thúy
Theo
nguồn báo Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét