Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

BỆNH BẠCH HẦU: NGUY HIỂM, KHÔNG THỂ COI THƯỜNG



Hiện nay, một số tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều ca mắc và nghi mắc bạch hầu. Vậy bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào, cách phòng bệnh ra sao?

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch, nhất là trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ dễ bị mắc bệnh. Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch lâu dài. Kháng thể miễn dịch của mẹ truyền sang con có tác dụng miễn dịch bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi.

Đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu
Đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu rất dễ dàng, đó là lây theo đường hô hấp do người bệnh, người lành mang vi khuẩn bạch hầu, nói, ho... bắn vi khuẩn vào không khí theo hơi thở và theo các giọt nước bọt nhỏ li ti, khi người lành hít phải, nếu chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu, đặc biệt là trẻ em sẽ mắc bệnh bạch hầu. Vi khuẩn bạch hầu còn lây lan bởi các dụng cụ, đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Nếu một trẻ mắc bệnh dùng đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt, không khí trong nhà ở, lớp học (nếu trẻ đến lớp) sẽ lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu, khi trẻ em lành sử dụng các đồ chơi, dụng cụ đó hoặc hít không khí trong phòng có lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu sẽ bị nhiễm bệnh.


Tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả.

Sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn này có loại độc tố cực kỳ mạnh (ngoại độc tố) có khả năng gây nên các thể bệnh như bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản do chất giả mạc che kín thanh quản làm cho bệnh nhân không có không khí để thở gây suy hô hấp cấp và có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời. Vì vậy, người ta ví bệnh bạch hầu thanh quản như kiểu chết đuối trên cạn. Một thể bệnh bạch hầu không kém phần nguy hiểm là bạch hầu cấp gây viêm cơ tim cấp, suy tim cấp do độc tố của chúng, nếu chủ quan, phát hiện muộn, không khẩn trương cấp cứu, tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Dấu hiệu nhận biết
Bệnh bạch hầu có nhiều thể lâm sàng khác nhau, phổ biến nhất là bạch hầu họng với tỷ lệ 70%; bạch hầu thanh quản với tỷ lệ 20 - 30%; bạch hầu mũi với tỷ lệ 4%; bạch hầu mắt với tỷ lệ 3 - 8% và bạch hầu da ít gặp hơn.

Bạch hầu họng: Bạch hầu họng thể thông thường có thời kỳ ủ bệnh từ 2 - 5 ngày và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Sau đó, bệnh khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ 37,5 - 380C; trẻ khó chịu, quấy khóc, da xanh, sổ mũi một bên hoặc cả hai bên. Thời kỳ bệnh toàn phát xảy ra từ 2 - 3 ngày, ở họng màng giả lan tràn ở một bên hoặc cả hai bên tuyến hạnh nhân. Trong trường hợp nặng hơn, màng giả lan tỏa trùm lưỡi gà và màn hầu. Màng giả thường có màu trắng ngà, dính chặt vào mô ở dưới gây chảy máu khi bóc tách; sau khi bóc tách vài giờ, màng lại mọc lại rất nhanh; đặc điểm là niêm mạc quanh màng giả vẫn bình thường. Khám thấy có hạch cứng ở cổ, sờ di động, không đau; sổ mũi nước màu trắng. Bệnh nhân sốt khoảng 38 - 38,50C, nuốt đau, da xanh xao, người mệt mỏi, mạch nhanh... Nếu phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có tiến triển tốt. Nếu phát hiện, chẩn đoán và điều trị muộn, màng giả lan rộng xuống thanh quản hoặc chuyển biến nặng, có triệu chứng nhiễm độc rõ như da xanh tái, mệt lả người, viêm cơ tim; từ ngày 10 - 15 xuất hiện dấu hiệu liệt hoặc chuyển sang thể bạch hầu ác tính thứ phát.

Bạch hầu ác tính tiên phát xuất hiện vào ngày thứ nhất hoặc ngày thứ hai của bệnh. Bạch hầu ác tính thứ phát xuất hiện từ ngày 10 - 15 của bệnh hoặc có thể chậm hơn vào ngày 40 - 50. Bạch hầu ác tính tiên phát thường bắt đầu đột ngột với triệu chứng sốt cao, mệt lả người, da xanh tái, nôn, nuốt đau họng.
Bạch hầu ác tính nặng có khả năng chữa khỏi khi được điều trị sớm và tích cực bằng huyết thanh kháng bạch hầu. Bệnh có thể tiến triển xấu dưới các hình thái như: Thể tối cấp gây tử vong sau 24 - 36 giờ với các triệu chứng khó thở, tiêu chảy, xuất huyết, trụy mạch. Thể tiến triển bán cấp với hội chứng ác tính sớm, bệnh lúc đầu thuyên giảm, da xanh tái, tim đập nhanh; đến ngày thứ 5 - 6 của bệnh xuất hiện liệt màn hầu; ngày thứ 10 - 15 xuất hiện triệu chứng xuất huyết, nôn nhiều, viêm cơ tim; bệnh nhân bị tử vong đột ngột do trụy mạch không hồi phục.

Bạch hầu thanh quản: Xảy ra sau bạch hầu họng, màng giả lan xuống thanh quản gây ra bạch hầu thanh quản. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 2 - 5 tuổi với 3 giai đoạn: Giai đoạn khàn giọng, mất tiếng có triệu chứng sốt nhẹ 380C, mệt mỏi, giọng khàn và ho tiếng ông ổng đến ho khan và giọng khàn hơn; sau đó mất giọng, nói không ra tiếng và kéo dài khoảng 1 - 2 ngày. Giai đoạn khó thở khi màng giả lan xuống làm hẹp thanh quản kết hợp với phù niêm mạc và co thắt các cơ ở họng dẫn đến khó thở từng cơn co rút dưới xương ức hoặc khó thở liên tục; đây là tình trạng khó thở chậm, khó thở kỳ hít vào, có tiếng rít, có co kéo trên và dưới xương ức, trên xương đòn và khoảng gian sườn; trẻ bị vật vã, giãy giụa, nếu được mở khí quản ngay thì hết khó thở nhưng nếu không mở khí quản thì vài giờ sau sẽ chuyển sang giai đoạn ngạt thở. Giai đoạn ngạt thở có biểu hiện trẻ bị xỉu dần, nằm yên, thở nhanh và cạn; môi và da tím tái, mạch nhanh nhỏ, mở khí quản ít có hiệu quả và trẻ thường bị tử vong trong tình trạng ngạt thở. Tất cả các giai đoạn đều diễn biến kéo dài từ 5 - 7 ngày.

Bạch hầu mũi: Thường đi kèm với bạch hầu họng, trường hợp có biểu hiện bệnh riêng lẻ thì thấy màng giả ở mũi với tỷ lệ khoảng 1,5% và hay gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh diễn biến âm ỉ, sốt nhẹ, da xanh tái, gầy còm, ăn hay bị nôn. Trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi, nước mũi trắng đôi khi lẫn máu; bệnh nhân tử vong do suy mòn cơ thể hoặc bị biến chứng phổi.

Bạch hầu da: Đây là thể bệnh ít gặp, sau khi có tổn thương loét trợt ở ngoài da như chốc lở, chàm, xây xát... Biểu hiện bệnh lý ghi nhận thấy có màng giả hơi xám dính chặt vào niêm mạc gây chảy máu khi bóc tách. Ngoài ra còn có bạch hầu ống tai ngoài, hậu môn, sinh dục là các hình thái của bạch hầu da và niêm mạc; chúng thường có tổn thương loét và có màng giả.

Lời khuyên của thầy thuốc
Khi nghi bị bạch hầu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và chữa trị ngay bởi kháng sinh còn có tác dụng tốt diệt vi khuẩn, nếu nặng có thể được tiêm kháng huyết thanh bạch hầu (kháng thể trung hòa ngoại độc tố bạch hầu) và đo điện tim để theo dõi biến chứng suy tim cấp. Bạch hầu thanh quản có thể được mở khí quản để cấp cứu kịp thời tránh nghẹt thở gây suy hô hấp.

Phòng bệnh tốt nhất là tiêm chủng vắc-xin bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Những người tiếp xúc với trẻ mắc bệnh bạch hầu cũng cần tiêm vắc-xin bạch hầu và uống thuốc kháng sinh dự phòng theo chỉ định của bác sĩ. Khi có người mắc bạch hầu, cần cách ly không cho tiếp xúc với người lành và cần đeo khẩu trang cho cả người bệnh và người chăm sóc. Cần vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng, dụng cụ mà người bệnh đã sử dụng, nên có chất sát khuẩn mạnh (cloramin B) tẩy uế các dụng cụ, sàn nhà, quần áo chăn, màn... của người bệnh.


BS. Nguyễn Văn Việt
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét