Đằng sau mỗi kỳ nghỉ, lễ tết với nhiều rượu bia, giới bác sĩ
chúng tôi lại đón nhận một làn sóng nhập viện vì bệnh lý tim mạch cao hơn mọi
ngày thường. Mà một phần trong những bệnh nhân đó là do “Hội chứng tim sau kỳ
nghỉ lễ”.
Hội chứng tim sau kỳ nghỉ được mô tả bởi bác sĩ Ettinger từ
năm 1978. Nó được xác định trên những bệnh nhân uống rượu nhiều mà trước đó
không có bằng chứng bệnh lý tim mạch vào viện vì những rối loạn nhịp cấp tính
mà thường gặp nhất là tim nhanh trên thất.
Hội chứng tim sau kỳ nghỉ lễ là gì?
Tết là dịp chúng ta tiêu thụ rượu nhiều nhất trong năm. Hội
chứng tim sau kỳ nghỉ lễ được cho là những rối loạn nhịp sau khi sử dụng rượu,
đặc biệt là tim nhanh trên thất ở những người trước đó có trái tim hoàn toàn khỏe
mạnh. Hệ quả này được cho là tương tự như khi dùng cần sa. Phần lớn rối loạn nhịp
này là cơn rung nhĩ. Cơn này thường sẽ tái lập lại nhịp xoang sau 24 giờ. Hội
chứng tim sau kỳ nghỉ lễ thường được chẩn đoán ở những người rung nhĩ mới mắc
mà không có bệnh tim. Dù hội chứng này thường hay tái phát lại, nhưng diễn biến
lâm sàng của nó thường là lành tính và điều trị thuốc chống loạn nhịp cho những
bệnh nhân này nhiều khi không cần thiết. Có một điều chúng ta cũng nên lưu ý là
có một số bệnh nhân chỉ cần uống một chút ít rượu cũng có thể gây nên cơn rung
nhĩ kịch phát. Nhưng điều này thường xảy ra hơn ở người uống nhiều rượu.
Hội chứng tim, đặc biệt là tim nhanh trên thất xuất hiện sau
khi sử dụng rượu ở những người trước đó có trái tim hoàn toàn khỏe mạnh.
Cơ sở khoa học của hội chứng tim sau kỳ nghỉ lễ
Có một số cơ chế giải thích rượu có thể gây rối loạn nhịp
tim. Rượu là tăng bài tiết epinephrine và norepinephrine, tăng cung lượng giao
cảm, tăng nồng độ axit béo tự do trong huyết tương và tác dụng gián tiếp qua
acetaldehyde, là gốc chuyển hóa của rượu hay axít béo no. Rượu cũng tác dụng trực
tiếp làm giảm dòng natri và có thể ảnh hưởng đến độ pH bên trong tế bào, ête
trong rượu có thể gây tình trạng axit hóa. Thật thú vị là những tác động này
khá đặc biệt nó chỉ xuất hiện ở trên người và trên thỏ trong khi đó ở tâm nhĩ
chó lại không có ảnh hưởng.
Phân tích trên điện tâm đồ cho thấy những bệnh nhân dùng nhiều
rượu có kéo dài hơn rõ ràng các khoảng PR, QRS và QT so với những người không
dùng rượu. Khả năng gây rối loạn nhịp của rượu còn được thấy khi thăm dò điện
sinh lý tim.
Một nghiên cứu đánh giá 14 bệnh nhân trước đó có nghiện rượu.
Đầu tiên, kích thích nhĩ và thất chỉ gây ra 1 bệnh nhân tim nhanh thất không bền
bỉ và 1 bệnh nhân có rung nhĩ không bền bỉ. Sau khi cho dùng rượu và kiểm tra lại,
10/14 bệnh nhân đã có tim nhanh bền bỉ và không bền bỉ.
Một nghiên cứu khác cho thấy dùng whiskey không làm thay đổi
tính trơ của tâm nhĩ nhưng nó có thể là tiền chất gây lên cuồng nhĩ ở những người
dùng rượu kéo dài. Những bằng chứng này giúp khẳng định rượu là một nhân tố gây
ra rối loạn nhịp. Chúng ta thấy rõ những bằng chứng của rượu lên tâm nhĩ với
các rối loạn nhịp trên thất nhưng liệu tác động của nó lên tâm thất hay không vẫn
còn chưa rõ ràng. Chỉ một ca rung thất được mô tả trên người nghiện rượu nặng,
nhưng khi thăm dò điện sinh lý thì chỉ gây được cơn rung nhĩ.
Tần xuất xuất hiện ngày càng nhiều
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy khoảng 5-10% những bệnh nhân
dùng rượu nhiều trong ngày Tết sẽ có hội chứng này. Dù không có thống kê chính
xác trên toàn thế giới nhưng tỷ lệ này tăng cao ở những nước sử dụng nhiều rượu
như vùng Káp ca ở Nga tỷ lệ này tăng lên đến 35%. Ở nước ta, không có một thống kê chính xác nhưng ngày
càng nhiều những bệnh nhân có cơn rung nhĩ và rối loạn nhịp nhĩ vì dùng rượu đã
phải đến bệnh viện khám. Sau khi uống rượu bia, bệnh nhân thấy mệt mỏi, tức ngực,
đánh trống ngực, cảm giác đau ngực, chẹn ngực và khó thở. Khám có thể thấy dấu
hiệu tim đập nhanh, không đều hoặc loạn nhịp hoàn toàn. Xác định chẩn đoán bằng
làm điện tim đồ khi cơn loạn nhịp đang xảy ra. Một số các loại loạn nhịp khác
cũng có thể xuất hiện sau khi lạm dụng rượu như ngoại tâm thu, mà bệnh nhân thường
cảm thấy tim thỉnh thoảng bỏ một vài nhịp.
Lời khuyên thầy thuốc
Thông thường, tất cả các loại loạn nhịp nói trên đều mất đi
khoảng 24 giờ sau khi ngừng uống rượu, bia, cơ thể được cung cấp đầy đủ nước,
các chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hoàn toàn.
Chính vì vậy, cách phòng tránh tốt nhất là tránh say xỉn
trong những ngày này. Các biện pháp tiếp theo là bổ sung dinh dưỡng đầy đủ (bao
gồm các vitamin, đặc biệt là vitamin B1, vitamin B12... các chất điện giải và
các yếu tố vi lượng). Uống đủ nước, không hoạt động thể chất quá sức, dành nhiều
thời gian thư giãn cũng góp phần làm giảm tỷ lệ loạn nhịp tim.
TS.BS. Phạm Như Hùng
((Viện Tim mạch Việt Nam))
Nguồn báo SKĐS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét