Những hiểu biết về cơ chế bệnh sinh của
y học hiện đại giúp cho các thầy thuốc y học cổ truyền có thêm kiến thức để kết
hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị viêm loét dạ dày- tá
tràng…
Viêm loét dạ dày – tá tràng do nhiều nguyên nhân gây nên
như: Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), sử dụng thuốc giảm đau chống viêm
không steroid, steroid, rượu, cà phê, thuốc lá, căng thẳng tinh thần... Trong
đó nhiễm HP là nguyên nhân chủ yếu và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong
cơ chế bệnh sinh của viêm loét dạ dày tá tràng. HP có mặt với một tỷ lệ khá cao
vào khoảng 70% - 80% trong bệnh lý viêm loét dạ dày.
Một số điểm liên hệ giữa hình ảnh nội soi dạ dày và chứng trạng
theo y học cổ truyền:
-Niêm mạc dạ dày xung huyết, loét trợt, gồ lên và dịch mật
trào ngược vào dạ dày, phần nhiều là triệu chứng nhiệt, chứng thực.
- Niêm mạc dạ dày trắng xanh phù đỏ xen lẫn, nhưng trắng là
chủ yếu, phần nhiều là triệu chứng hàn, hư.
- Niêm mạc dạ dày giảm tiết, khô phần nhiều là âm dịch suy
hao.
- Niêm mạc dạ dày tăng tiết, loãng phần nhiều là đàm thấp.
- Môn vị co giãn không điều hòa phần nhiều là can vị bất
hòa.
Theo y học cổ truyền, bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng thuộc
phạm vi chứng vị quản thống. Y học cổ truyền chia chứng vị quản thống làm các
thể: Can khí phạm vị, vị âm hư suy và tỳ vị hư¬ hàn. Trong bài viết này chúng
tôi xin giới thiệu tới độc giả một số bài thuốc và phương pháp không dùng thuốc
của y học cổ truyền có hiệu quả tốt trong điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng
thể can khí phạm vị.
Thể can khí phạm vị còn gọi là can vị bất hòa, can khắc tỳ,
can mộc khắc tỳ thổ… thường chia ra 3 thể nhỏ:
Thể khí trệ (khí uất)
Triệu chứng: Đau vùng thượng vị từng cơn; đau lan ra hai mạng
sườn, xuyên ra sau lưng; bụng đầy chướng, ấn thấy đau (cự án), ợ hơi, ợ chua,
chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng mỏng, mạch huyền.
Phương pháp chữa: Hòa can lý khí (sơ can giải uất, sơ can
hòa vị).
Các cây thuốc có trong bài thuốc bột lá khôi chữa bệnh thể
khí trệ.
Bài thuốc
Bài 1: Bột lá khôi: Lá khôi 10g, nhân trần 12g, chút chít
10g, lá khổ sâm 12g, bồ công anh 12g. Tán bột mỗi ngày uống 30g với nước sôi để
nguội.
Bài 2: Bột mai mực: Mai mực, gạo tẻ, cam thảo, hoàng bá, hàn
the phi, kê nội kim, mẫu lệ nung. Thành phần bằng nhau, tán bột uống mỗi ngày
20 - 30g.
Bài 3: Sài hồ sơ can thang: Sài hồ 12g, xuyên khung 8g, chỉ
xác 8g, hương phụ 8g, bạch thược 12g, thanh bì 8g, cam thảo 6g. Sắc uống, ngày
một thang.
Châm cứu
Châm tả các huyệt: Thái xung, tam âm giao, túc tam lý, trung
quản, thiên khu, can du, tỳ du, vị du.
Châm loa tai: Vùng dạ dày, giao cảm.
Thể hỏa uất
Triệu chứng: Vùng thượng vị đau nhiều, đau rát, cự án, miệng
khô đắng, hay ợ chua, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
Phương pháp chữa: Sơ can tiết nhiệt (thanh can hòa vị).
Bài thuốc
Bài 1: Thổ phục linh 16g, vỏ bưởi bung 8g, lá độc lực 8g,
nghệ vàng 12g, bồ công anh16g, kim ngân 12g. Sắc uống, ngày một thang.
Bài 2: Hoàng cầm 16g, mai mực 20g, sơn chi 12g, mạch nha 20g, hoàng liên 8g, cam thảo 6g,
ngô thù 2g, đại táo 12g. Sắc uống, ngày một thang.
Bài 3: Sài hồ sơ can thang gia thêm xuyên luyện tử 6g, mai mực
16g.
Bài 4: Hóa can tiễn phối hợp với bài tả kim hoàn gia giảm:
Thanh bì 8g, bạch thược 12g, chi tử 8g, đan bì 8g, trần bì 6g, hoàng liên 8g, trạch tả 8g. Sắc
uống, ngày một thang.
Châm cứu
Châm tả các huyệt như đã nêu ở thể khí trệ, thêm huyệt nội
đình, hợp cốc, nội quan.
Châm loa tai: Như ở thể khí trệ.
Thể huyết ứ
Triệu chứng: Đau dữ dội ở một vị trí nhất định vùng thượng vị,
cự án (ấn tay vào đau tăng thêm) chia làm hai loại thực chứng và hư chứng:
+ Thực chứng: Nôn ra máu, đi ngoài phân đen, môi, lưỡi đỏ,
rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác hữu lực (bệnh thể cấp).
+ Hư chứng: Sắc mặt xanh nhợt, người mệt mỏi, chân tay lạnh,
môi nhợt. Chất lưỡi bệu có điểm ứ huyết, rêu lưỡi nhuận, mạch hư đại hoặc tế
sáp (bệnh thể hoãn).
Phương pháp chữa:
+ Thực chứng: Thông lạc hoạt huyết hay lương huyết chỉ huyết.
+ Hư chứng: Bổ huyết chỉ huyết.
Bài thuốc
+ Thực chứng
Bài 1: Bằng sa 60g, uất kim 40g, bạch phàn 60g. Tán bột làm
viên, một ngày uống 10g, chia làm 2 lần.
Bài 2: Sinh địa 40g, cam thảo 6g, hoàng cầm 12g, bồ hoàng 12g, trắc bá diệp 16g, chi tử 8g, a giao 12g. Sắc uống, ngày một thang.
+ Hư chứng
Bài 1: Đảng sâm 16g, kê huyết đằng 12g, hoài sơn 12g, rau má12g, ý dĩ 12g, cam thảo dây 12g,
hà thủ ô 12g,đỗ đen sao 12g, huyết dụ12g. Sắc uống, ngày một thang.
Bài 2: Hoàng thổ thang gia giảm: Đất lòng bếp (hoàng thổ)
10g,địa hoàng 12g, a giao 12g, cam
thảo 12g, phụ tử chế 12g, hoàng cầm 12g, bạch truật 12g, đảng sâm 16g. Sắc uống,
ngày một thang.
Châm cứu:
+ Thực chứng: Châm tả các huyệt can du, tỳ du, thái xung,
huyết hải, hợp cốc.
+ Hư chứng: Cứu các huyệt can du, tỳ du, cao hoang, cách du,
tâm du. .
TS. BS. Trần Thái Hà
Theo nguồn Sức khỏe và đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét