Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Viêm họng cấp ở trẻ, dùng thuốc thế nào?

 

Viêm họng cấp là một trong những bệnh phổ biến nhất ở trẻ em, là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải đi khám. Xung quanh việc dùng thuốc điều trị viêm họng cho trẻ cũng lắm gian nan, nhiều ý kiến trái chiều.

1. Viêm họng cấp ở trẻ em: Nguyên nhân và triệu chứng

Viêm họng cấp ở trẻ em phụ thuộc vào tuổi, mùa và vùng địa lý sẽ có tác nhân khác nhau. Có 2 tác nhân phổ biến nhất gây viêm họng cấp ở trẻ em là:

- Virus: Đây là tác nhân phổ biến nhất gây viêm họng. Có nhiều loài virus khác nhau, chúng cũng là các tác nhân gây viêm đường hô hấp trên, bao gồm: Virus cảm lạnh, virus cúm, á cúm, Adeno virus, Epstein Barr…

Viêm họng cấp ở trẻ, dùng thuốc thế nào? - Ảnh 2.

Bác sĩ cần xác định tác nhân gây viêm họng cấp ở trẻ để kê đơn thuốc.

Viêm họng do virus thường gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới 3 tuổi), có thể chiếm trên 80% các trường hợp và hay bị vào mùa lạnh.

Các triệu chứng của viêm họng cấp do virus: Sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đỏ mắt, tiết ghèn, phát ban, tiêu lỏng nhẹ, uể oải, nhức mỏi….

- Vi khuẩn: Vi khuẩn là tác nhân gây viêm họng phổ biến thứ 2 sau virus. Trẻ trên 3 tuổi dễ bị viêm họng do vi khuẩn hơn trẻ nhỏ.

Trong số các loài vi khuẩn gây viêm họng, phổ biến và nguy hiểm phải kể đến vi khuẩn liên cầu beta tán huyết nhóm A. Trẻ bị nhiễm vi khuẩn này nếu không được điều trị đúng có nguy cơ để lại di chứng thấp tim (tổn thương van tim) và viêm cầu thận cấp.

Biểu hiện phổ biến của viêm họng cấp do liên cầu khuẩn:

- Sốt từ 38 độ C trở lên.

- Sưng họng - amidan, có thể có mủ.

- Bé đau họng nhiều, mệt mỏi.

- Thở mùi hôi, có thể không có ho sổ mũi kèm theo.

- Có những chấm đỏ li ti (chấm xuất huyết trên vòm họng)

- Nổi hạch cổ đau.

- Phát ban đỏ và ngứa.

- Bong tróc da tay, chân sau 1-2 tuần.

Ngoài 2 tác nhân chính trên, còn một số số tác nhân gây viêm họng không phải nhiễm trùng như tình trạng dị ứng, khô họng do thở bằng miệng…

Viêm họng cấp ở trẻ, dùng thuốc thế nào? - Ảnh 3.

Hình ảnh của viêm họng cấp.

2. Điều trị viêm họng cấp cho trẻ như thế nào?

Đa số viêm họng ở trẻ em sẽ tự khỏi trong vòng 1- 2 tuần. Một số trường hợp phải sử dụng kháng sinh.

Điều trị chung (điều trị triệu chứng - hay còn gọi là điều trị giảm nhẹ):

- Cho trẻ nghỉ ngơi, giúp nhanh phục hồi sức khỏe.

- Uống nước nhiều, với trẻ còn bú mẹ khuyến khích cho con bú nhiều hơn.

Cách dùng thuốc OTC điều trị viêm họng cấp cho trẻ

- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Phụ huynh có thể cho con uống paraceatmol với liều 10-15 mg/kg/lần. 4-6 giờ/ lần, ngày không quá 5 lần.

Chỉ dùng khi bé bị sốt dẫn đến mệt nhiều (lừ đừ, quấy khóc, trằn trọc không ngủ được…) hoặc khi trẻ bị đau họng nhiều dẫn đến quấy khóc.

Khi cho trẻ uống thuốc, cha mẹ cần theo dõi để đánh giá hiệu quả của thuốc này (dựa trên phản ứng của trẻ): Nếu sau 30-60 phút dùng thuốc, trẻ tỉnh táo, vui vẻ lại, chơi được, hoặc ngủ ngon lại thì là có đáp ứng. Không quan trọng nhiệt độ, không nhất thiết bé phải mát hay nhiệt độ phải xuống nhiều.

Mặc dù cũng có tác dụng hạ sốt, giảm đau, nhưng không tùy tiện sử dụng ibuprofen cho trẻ khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Cũng như tuyệt đối không dùng asprin với mục đích này.

Với những trẻ bị dị ứng, suy dinh dưỡng nặng, thừa cân béo phì cần hỏi ý kiến bác sĩ về liều thuốc sử dụng.

- Làm sạch mũi: Nếu trẻ có sổ mũi, phụ huynh có thể vệ sinh mũi bằng nước muối đẳng trương (sinh lý) dạng nhỏ giọt hoặc xịt.

Nếu trẻ lớn từ khoảng 4 tuổi trở lên có thể hướng dẫn bé dùng các dạng bình rửa mũi rất có hiệu quả làm sạch, tái lập sự thông thoáng giúp bé dễ thở.

Nên làm trước khi bé bú (với trẻ còn bú sữa), trước khi ngủ hoặc khi trẻ khó chịu nhiều.

- Nếu trẻ nghẹt mũi nhiều: Phụ huynh có thể dùng các loại nước muối ưu trương trên thị trường dạng nhỏ giọt hoặc xịt khá an toàn và cũng có ích giúp bé đỡ khó chịu.

Lưu ý: Không sử dụng các thuốc co mạch mũi có thành phần là naphazolin, oxymethazoline… để nhỏ vào mũi trẻ vì có thể gây phản ứng dội ngược (nặng lên khi ngưng thuốc), hoặc ngộ độc (do thuốc tác động lên hệ tim mạch, kể cả loại thuốc được quảng cáo là có nồng độ oxymethazoline thấp 0.025%). Mọi loại thuốc tây cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa nhi

- Khò họng: Nếu trẻ lớn từ 6 tuổi trở lên, biết khò họng có thẻ cho trẻ khò dung dịch povidone-iodine 1%, cũng khá tốt cho việc kiểm soát tình trạng nhiễm trùng họng. Nhớ nhắc trẻ nhổ ra, không được nuốt và khò lại bằng nước muối sinh lý. Nếu trẻ không khò được bằng dung dịch povidone-iodine 1%, thì cho trẻ khò họng bằng nước muối sinh lý 2-3 lần/ gày.

- Viên kẹo ngậm: Với trẻ từ 6 tuổi trở lên, có kỹ năng ngậm tốt, có thể cho trẻ ngậm kẹo cứng, nó giúp trẻ giảm ho và đỡ đau họng hiệu quả.

- Thuốc bổ: Nhiều người có thói quen sử dụng các loại vitamin như vitamin C hoặc kẽm với hy vọng giúp trẻ tăng đề kháng, khỏi bệnh nhanh hơn. Nhưng thực ra điều đó là không cần thiết vì lợi ích không đáng kể mà đôi khi còn có tác dụng phụ.

Cách dùng thuốc kháng sinh 

Việc sử dụng kháng sinh cho mọi bệnh đều phải tuân thủ nguyên tắc: Chỉ dụng khi viêm nhiễm do vi khuẩn. Điều này được xác định bằng biểu hiện lâm sàng hay xét nghiệm. Việc lạm dụng kháng sinh để lại hậu quả rất nặng nề cho sức khỏe của trẻ về ngắn hạn cũng như dài hạn. Phụ huynh tuyệt đối không tự mua kháng sinh cho con, mà chỉ dùng khi được bác sĩ kê toa.

Các loại kháng sinh thường dùng:

- Amoxicillin hoặc amoxicillin + acid clavulanic: Liều 50mg/kg/ngày, thời gian dùng từ 5-7 ngày.

- Các kháng sinh cephalosporin thế hệ 1-2 như: Cephalecin, cefaclor, cefuroxime… cũng có hiệu quả trong điều trị viêm họng do vi khuẩn.

- Kháng sinh macrolide như azithromycin, erythromycin... cũng có thể được sử dụng.

-  Sulfamide, quinolon hoặc cephalosporin thế hệ 3 không nên sử dụng trong điều trị viêm họng cấp ở trẻ em trừ khi có bằng chứng rõ ràng về vi sinh vật gây bệnh, sau khi làm kháng sinh đồ.

Lưu ý: Riêng trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn, thời gian sử dụng kháng sinh có thể phải kéo dài đến 10 ngày.

BSCK1. Trần Văn Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét