Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Cảnh giác với bệnh lây nhiễm từ thú cưng

Ngày nay rất nhiều gia đình có nuôi vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim, chuột... Không chỉ là những con thú cưng trong nhà, vật nuôi còn trở thành những người bạn thân thiết của trẻ. Cho trẻ chơi với vật nuôi cũng có nhiều mặt tích cực nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng phải biết cách phòng tránh những bệnh lây nhiễm từ vật nuôi.

Cũng như con người, thú vật cũng mang những mầm bệnh trên mình và có thể lây truyền mầm bệnh đó cho những người sống chung. Đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, vì ở tuổi này hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên dễ bị nhiễm và khi phát bệnh sẽ nặng hơn ở người lớn. Sau đây chúng ta cùng tham khảo một số bệnh lây nhiễm từ 2 loại thú nuôi phổ biến nhất là chó và mèo.

Nhiễm Campylobacter

Thường gây triệu chứng đau bụng, tiêu chảy và sốt. Vi khuẩn này thường trú ngụ trong đường ruột của chó, mèo, chim. Khi nhiễm thường rất dễ lây lan cho những người trong gia đình và lây nhiễm cho những trẻ cùng học chung ở nhà trẻ, mẫu giáo. Điều trị bệnh bằng cách dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh mèo quào

Xảy ra khi đứa trẻ bị mèo nhiễm khuẩn Bartonella henselae quào hoặc cắn vào cơ thể. Triệu chứng bao gồm sưng và đau hạch, sốt, nhức đầu, mệt mỏi. Bệnh thường khỏi mà không cần điều trị, trừ một số trường hợp nặng phải dùng kháng sinh mới khỏi bệnh.

Bệnh dại

Đây là một bệnh rất nguy hiểm. Khi trẻ bị chó hoặc mèo nhiễm bệnh cắn phải, vi rút dại có trong nước bọt của chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ qua vết cắn. Trẻ bị nhiễm vi rút dại có nguy cơ tử vong cao nếu không can thiệp kịp thời. Khi bị chó hoặc mèo nghi ngờ nhiễm dại cắn, nên đưa trẻ đi tiêm ngừa và theo dõi vật nuôi ít nhất 10 ngày sau khi bị cắn.

Bệnh do ấu trùng giun đũa chó ở người

Đây là bệnh truyền nhiễm mà nguồn lây chính là từ chó nuôi trong nhà có mang mầm bệnh, nhất là chó con.

Từ chó, sau khi trứng giun được thải ra theo phân, chúng phát triển thành trứng có phôi, nó tồn tại rất lâu ở môi trường bên ngoài, có thể trong nhiều tháng và chính những trứng có phôi này là tác nhân lây nhiễm cho người. Khi chúng ta ăn phải thức ăn, nước uống chứa trứng có phôi của ấu trùng giun đũa, khi đó trở thành người nhiễm bệnh.

Vào cơ thể người, ấu trùng được phóng thích vào ruột non, sau đó chúng đi theo đường máu di chuyển đến các tạng khác nhau, tại đây chúng có thể sống nhiều năm dưới dạng tự do hay hóa kén, nhưng không bao giờ phát triển thành con trưởng thành. Các biểu hiện của bệnh rất đa dạng cho nên dễ nhầm với các bệnh khác, thông thường bệnh có hai nhóm biểu hiện chính, đó là hội chứng ấu trùng di chuyển trong nội tạng và bệnh toxocara ở mắt, tuy nhiên đây cũng không phải là triệu chứng đặc thù của bệnh. Ngoài ra, bệnh còn có thể được biểu hiện bởi nhóm thứ ba nhưng nhóm này ít gặp, thường chỉ có biểu hiện trên những người có kết quả xét nghiệm toxocara dương tính với một số dấu hiệu như đau bụng, suyễn, dị ứng kéo dài.

Bệnh nấm biểu bì 

Trẻ có thể bị nhiễm nấm khi chơi chung với chó, mèo. Bệnh biểu hiện bởi những mảng da đỏ, có bờ gồ ghề và sáng ở trung tâm, vùng da xung quanh khô và đóng vẩy. Bệnh điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm dạng dầu gội, gel hoặc thuốc uống.

Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh từ vật nuôi

- Luôn rửa sạch tay, đặc biệt là sau khi chơi với vật nuôi, cầm nắm thức ăn của chúng hoặc sau khi cọ rửa chuồng thú nuôi. Khi cọ rửa hoặc dọn chất thải của vật nuôi, nên mang găng kỹ càng

- Hạn chế hôn hít vật nuôi cũng như ăn cùng chúng

- Không cho vật nuôi chơi ở gần khu vực chế biến thức ăn

- Không nhận nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc.

- Nên tiêm ngừa đầy đủ cho vật nuôi trong nhà

BS Ngọc Sương

Theo nguồn Báo Sức khỏe và đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét