Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

Xử trí da bị cháy nắng

Thời tiết cả nước đang trong những ngày nắng gay gắt. Tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời có thể gây hại da, dẫn tới cháy nắng, gây tổn thương cho làn da. Cách xử trí da bị cháy nắng thế nào?

Phơi da ngoài nắng quá lâu có thể dẫn tới cháy nắng, gây tổn thương cho làn da. Sau đây là cách xử trí khi cháy nắng giúp giảm đau và chữa lành vết tổn thương da hiệu quả.

Cháy nắng là một loại bỏng gây ra bởi sự phơi nhiễm quá mức của tia cực tím (UV) từ mặt trời. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng, các triệu chứng (đau, ngứa, phồng rộp và sưng) sẽ tiếp diễn trong 1-3 ngày. Quá trình lột da có thể bắt đầu trong vòng 3-8 ngày và tiếp tục trong vài tuần trong một số trường hợp. Thông thường cháy nắng hiếm khi phát triển thành bỏng độ 3, mà phổ biến là bỏng nắng độ 1 và độ 2. Tuy nhiên, các tổn thương cháy nắng độ 2 đặc trưng ở sự phát triển của bóng nước, cũng nghiêm trọng như vết bỏng do lửa, nhiệt hoặc tiếp xúc với hóa chất. Cần đi khám và điều trị ngay lập tức nếu các bóng nước bao phủ hơn 20% cơ thể hoặc các triệu chứng không cải thiện sau 2 ngày.

Xử trí da bị cháy nắng

Xử trí da bị cháy nắngCháy nắng có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho da.

Cách xử lý đúng khi bị cháy nắng

Để giảm các triệu chứng gây khó chịu như đau rát, ngứa của cháy nắng, nên tắm hoặc ngâm mình trong nước mát, hoặc có thể sử dụng điều hòa không khí để giữ cho nhiệt độ phòng mát mẻ.

Thoa kem dưỡng ẩm sau mỗi lần tắm để da không mất độ ẩm và giúp giảm bớt ngứa. Có thể sử dụng kem dưỡng ẩm lô hội vừa có tác dụng làm mát vừa giúp giảm đau. Để tăng cường hiệu quả nên để kem dưỡng ẩm trong tủ lạnh. Không bôi mỡ, bơ, hoặc bất kỳ loại dầu nào lên vùng da bị cháy nắng.

Thoa kem hydrocortisone 1% lên da 3 lần mỗi ngày, chú ý chỉ bôi ở vùng da không bị trợt, bao gồm cả vùng da xung quanh bóng nước. Không sử dụng benzocaine hoặc bất kỳ loại thuốc mỡ nào có hậu tố “caine” vì chúng có thể gây kích ứng da.

Uống thêm nước: Da bị phồng rộp có thể gây mất nước. Uống nhiều nước ngăn ngừa mất nước và hỗ trợ làm lành tổn thương.

Uống ibuprofen hoặc aspirin để giảm đau, nếu cần.

Nếu da bắt đầu ngứa khi vết rộp khô, hãy thoa kem dưỡng ẩm, không gãi hoặc chà xát mạnh vào da.

Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khi điều trị. Nếu bắt buộc phải ra ngoài trời, hãy mặc quần áo bảo hộ với vải dày và thoa kem chống nắng với chỉ số SPF tối thiểu là 30.

Cách phòng ngừa cháy nắng

Tốt nhất là tránh bị cháy nắng. Bởi cháy nắng không chỉ làm lão hóa tế bào da mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lentigo mặt trời và ung thư da.

Để giảm nguy cơ tổn thương do ánh nắng mặt trời, tránh đi ra ngoài nắng trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 16 giờ chiều khi chỉ số UV ở mức cao nhất.

Nếu bạn phải ở ngoài trời, hãy bôi kem chống nắng, mặc quần áo bảo hộ dày (bao gồm cả mũ và kính râm) và đứng trong bóng râm nếu có thể. Cứ sau 2 - 3giờ cần bôi lại kem chống nắng hoặc bôi lại sau khi bơi, sau khi ra nhiều mồ hôi. Đừng quên bôi kem chống nắng phía sau cổ, vành tai, kể cả mu bàn chân của bạn - Tóm lại là đừng bỏ qua những phần da phơi ra ánh nắng. Ngay cả môi cũng chớ quên và có một thỏi son dưỡng môi có độ SPF cao cũng rất hữu ích không chỉ cho phụ nữ.

Có một số thuốc làm cho da nhạy cảm hơn với ánh mặt trời (như tetracycline, thiazide, sulfonamides, phenothiazin, thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu, thuốc trị tiểu đường), hãy liên hệ với bác sĩ để xem có loại thuốc nào khác giúp da bạn bớt nhạy cảm với ánh nắng không. Khi chưa có ý kiến của bác sĩ không nên tự ý ngưng dùng thuốc.

 

BS. Nguyễn Thị Thu Hà

Theo nguồn Báo Sức khỏe và đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét