Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Dinh dưỡng ngừa còi xương cho trẻ

 Suy dinh dưỡng là thuật ngữ để chỉ tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, thường gặp nhất là sự thiếu hụt protein, vitamin và các chất khoáng. Hậu quả của việc cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng là sự suy giảm hoạt động của các cơ quan. Điều này đặc biệt cần lưu ý ở trẻ em, nhất là vào khoảng thời gian trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao từ 6-24 tháng tuổi.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường gây chậm tăng trưởng và hạn chế khả năng hoạt động thể lực. Ở mức độ nặng hơn, suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, trí thông minh, khả năng giao tiếp và tăng khả năng mắc nhiều bệnh tật ở trẻ. Đánh giá một trẻ suy dinh dưỡng dựa vào các chỉ số: Cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi, cân nặng theo chiều cao…

Suy dinh dưỡng ở người lớn thường phổ biến ở người cao tuổi, hoặc người trưởng thành có các nguyên nhân làm hạn chế cung cấp thức ăn cho cơ thể như bị bệnh mạn tính, mắc chứng biếng ăn. Người lớn bị suy dinh dưỡng sẽ gây ra các biến chứng: hệ miễn dịch suy yếu, gia tăng khả năng mắc nhiều bệnh lý khác nhau, nhất là các bệnh lý lây nhiễm; hạn chế vận động, dễ té ngã; cần người chăm sóc.


Dấu hiệu nhận biết trẻ bị còi xương ở trẻ.

Phân biệt còi xương và suy dinh dưỡng

Trên thực tế các bà mẹ thường hay nhầm lẫn còi xương và suy dinh dưỡng là một. Tuy nhiên hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau.

Suy dinh dưỡng thường được hiểu ở đây là thiếu dinh dưỡng, là tình trạng cơ thể thiếu protein - năng lượng và kèm theo thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trạng. Trẻ thiếu cân nặng hoặc chiều cao so với trẻ cùng tuổi, cùng giới (chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2006 với trẻ dưới 5 tuổi).

Còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D hay rối loạn chuyển hóa vitamin D, ảnh hưởng đến chuyển hóa, hấp thu calci và phospho trong quá trình tạo xương. Còi xương không những chỉ gặp với trẻ có thân hình còi cọc, chiều cao thấp so với tuổi, hoặc cân nặng thấp so với tuổi mà còn gặp nhiều ở trẻ bụ bẫm.

Còi xương do thiếu vitamin D là bệnh hay gặp ở trẻ em, nếu không điều trị kịp thời có thể để lại các hậu quả không mong muốn cho trẻ như biến dạng ở xương, răng, ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc.

Bệnh còi xương là phổ biến nhất ở trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi vì đây là lứa tuổi mà hệ xương đang phát triển mạnh. Đây là thời điểm cơ thể trẻ cần nhiều calci và phospho nhất để củng cố và phát triển bộ xương.

Nước ta tuy là nước có khí hậu nhiệt đới, có nhiều ánh sáng mặt trời nhưng còi xương vẫn là một bệnh phổ biến. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng năm 2015, 58,6% trẻ em 6 - 36 tháng tuổi đến khám tại Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng số 2 - Viện Dinh dưỡng được chẩn đoán còi xương theo xét nghiệm vitamin D.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị còi xương

Bổ sung vitamin D

Theo Khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng năm 2016, nhu cầu vitamin D cần bổ sung hàng ngày cho từng lứa tuổi như sau: Trẻ dưới 12 tháng tuổi: 400UI vitamin D3/ngày. Trẻ lớn hơn và người trưởng thành 600UI  vitamin D3/ngày. Người từ 50 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, nhu cầu cao hơn: 800UI vtiamtin D3/ngày.

Tắm nắng

Tổng hợp vitamin D từ da là một nguồn quan trọng để bổ sung vitamin D. Lượng vitamin D được tổng hợp bởi da phụ thuộc vào một số yếu tố: tuổi, diện tích da tiếp xúc, thời gian tiếp xúc, yếu tố địa lý có liên quan (ví dụ: vĩ độ, mùa, thời gian trong ngày, bóng râm, và ô nhiễm không khí), có sử dụng kem chống nắng hay không và màu da của đối tượng.

Tiếp xúc của tay và chân có thể thu được khoảng 3.000 IU vitamin D3. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có thể yêu cầu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít hơn người lớn để sản xuất nồng độ vitamin D đầy đủ vì diện tích bề mặt lớn hơn tỷ lệ khối lượng và tăng khả năng sản xuất vitamin D hơn người lớn tuổi.

Khi cho trẻ tắm nắng, nên tắm vào sáng sớm, trước 8h sáng, khi tắm nên che mắt cho trẻ để ánh nắng mặt trời không gây hại mắt, không cho trẻ tắm nắng lúc trời nắng gay gắt, để tránh nguy cơ ung thư da…

Lựa chọn thực phẩm giàu vitamin D, calci

Thực phẩm giàu calci: sữa và các chế phẩm sữa (sữa chua, phomat) là thức ăn giàu calci. Cứ 250ml sữa hay 200g sữa chua cho từ 130 - 300mg calci (100g bánh mỳ, trái cây, rau xanh hay thịt chỉ cho từ 10 - 15mg calci).

Các loại rau họ đậu có trên 60mg calci/100g, trong đậu tương có lượng calci cao hơn khoảng 165mg/100g.

Ngoài ra, các thực phẩm giàu calci có tôm, cua, cá, đặc biệt là khi kho nhừ ăn cả xương. Đây là nguồn calci hữu cơ tốt, cơ thể dễ hấp thu và sử dụng được.

Có 3 nguồn cung cấp vitamin D chính: tắm nắng - ánh sáng mặt trời, thực phẩm bổ sung vitamin D và các chế phẩm thuốc vitamin D.

Trong tự nhiên rất ít thực phẩm giàu vitamin D. Các thực phẩm giàu vitamin D gồm một số loại dầu gan cá, trứng gà được nuôi bổ sung vitamin D, dầu tăng cường vitamin D hoặc các thực phẩm có bổ sung vitamin D. Ngoài ra một số loại cá giàu béo như cá hồi cũng là nguồn cung cấp vitamin D.

BS. Minh Huy

((theo Viện Dinh dưỡng))

Cre: suckhoedoisong



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét