Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

VIÊM ĐIỂM BÁM GÂN VÀ TRÀN DỊCH KHỚP CÓ NGUY HIỂM?



Trong các bệnh lý cơ xương khớp thì hai bệnh viêm điểm bám gân và tràn dịch khớp (trong đó chủ yếu gặp tràn dịch khớp gối) là nhóm bệnh lý thường gặp ở người tuổi trung niên trở lên.

Tuy bệnh không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn tới các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, trong công việc của người bệnh. Đặc biệt hiện nay, việc điều trị bệnh triệt để vẫn là bài toán khó.

Viêm điểm bám gân
Viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp là bệnh viêm ở gân, dây chằng, bao gân... Tùy thuộc vị trí bị tổn thương mà viêm điểm bám gân bao gồm những bệnh như: Hội chứng đường hầm cổ tay; viêm bao gân co thắt; viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay; viêm gân gót Achille; chứng ngón tay lò xo...

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh, nhưng thường gặp ở những trường hợp sau: Người hay thực hiện những động tác lặp đi lặp lại một cách kéo dài dễ dẫn tới tình trạng viêm điểm bám gân (vận động viên, vũ công, thợ cơ khí, người làm nghề thủ công, phụ nữ đi giày cao gót); nhiễm khuẩn dẫn đến viêm phần mềm quanh khớp; bệnh nhân mắc phải một số bệnh xương khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, bệnh gút, bệnh thoái hóa khớp, bệnh đái tháo đường...

Cách nhận biết
Khi bị bệnh, người bệnh thường có những biểu hiện lâm sàng như sau: Vùng gân bị viêm làm đau liên tục hay tăng mạnh mỗi khi người bệnh vận động. Đau ở một chỗ hoặc lan ra vùng cơ có gân bị viêm khiến việc vận động trở nên khó khăn. Vùng gân viêm và phần mềm quanh khớp có thể bị sưng, nóng, đỏ, khi ấn vào thì thấy rất đau, sờ vào có thể thấy cục u nhỏ nổi trên gân. Tay hay chân có gân bị viêm thường bị đau mạnh lúc co duỗi, lực cơ cũng giảm so với bên không bị viêm.


Vị trí điểm bám gân.

Phương pháp điều trị như thế nào?
Trước hết, cần dùng phương pháp điều trị không dùng thuốc bằng cách nghỉ ngơi và tránh vận động vùng gân bị viêm; cố định tạm thời gân bị viêm bằng máng bột hay nẹp nếu người bệnh quá đau; chườm lạnh nếu có kèm theo triệu chứng sưng, nóng và đỏ; chiếu tia hồng ngoại.

Nếu dùng các biện pháp trên mà bệnh không thuyên giảm thì cần dùng thuốc: Thuốc giảm đau (acetaminophen, diclofenac), thuốc chống viêm không steroid đường uống hay bôi trực tiếp cũng được dùng để giảm sưng đau do viêm. Thuốc tiêm corticoid cần được chỉ định và theo sự hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

Nếu viêm điểm bám gân có nguyên nhân do bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, đái tháo đường... thì các bác sĩ sẽ có cách điều trị phù hợp theo từng căn bệnh gốc. Biện pháp phẫu thuật sẽ được thực hiện khi các biện pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả.

Cho đến nay, vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để điều trị căn bệnh này, mà chỉ điều trị nhằm mục đích giảm đau, cải thiện tình trạng bệnh (tức là chưa điều trị được tận gốc rễ của bệnh chỉ điều trị được phần ngọn). Hơn nữa bệnh này có thể gây ảnh hưởng và hạn chế khả năng vận động, do đó, khi có các dấu hiệu nêu trên, bệnh nhân cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời tránh để lâu khi bệnh đã có biến chứng thì việc điều trị càng khó khăn hơn.
Ngoài điều trị thì bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và lao động hợp lý; rèn luyện sức khỏe bằng những bài thể dục, môn thể thao nhẹ nhàng; phụ nữ thì không nên đi giày dép có gót quá cao... để các gân cơ được thư giãn và hạn chế viêm gân tái phát.

Tràn dịch ổ khớp
Tràn dịch ổ khớp là căn bệnh rất dễ gặp, có thể sau một tai nạn giao thông, vấp ngã cầu thang... thậm chí thể dục sai cách cũng là nguyên nhân dẫn đến tràn dịch ổ khớp, đặc biệt là khớp gối.

Dấu hiệu của bệnh: Người bị tràn dịch khớp gối có biểu hiện sưng nề ở khớp, một bên khớp này sẽ to hơn bên còn lại. Khớp cử động bị hạn chế, không được linh hoạt, có hiện tượng đau khớp ít hay nhiều hoặc khiến người bệnh không di chuyển được. Nếu tràn dịch khớp do nguyên nhân nhiễm khuẩn thì bệnh nhân có thể bị sốt. Tràn dịch khớp do hai nguyên nhân chính gây ra, đó là do các tác nhân vật lý và do tác nhân bệnh lý.

Tăng tiết dịch khớp khiến đầu gối sưng, đau.

Nguyên nhân vật lý thường gặp sau tai nạn, chấn thương khớp có thể gây đau, đứt dây chằng khớp, gãy xương hoặc nứt sụn khớp làm tràn dịch khớp. Do vận động mạnh, chơi thể thao với cường độ cao (bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền...) cũng dễ bị tràn dịch khớp. Bệnh có thể do một số bệnh mạn tính kéo dài như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, nhiễm khuẩn ở các thể khác nhau. Tràn dịch khớp cũng có thể do nhiễm khuẩn (vi khuẩn lao, vi khuẩn Mycoplasma...), virus và hiếm hơn là vi nấm...

Tràn dịch khớp gối có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe bệnh nhân. Do đó, việc phòng ngừa bệnh là vô cùng cần thiết. Cần có chế độ ăn uống khoa học và giàu chất dinh dưỡng sẽ giúp xương khớp chắc khỏe.


Điều trị thế nào?
Để điều trị hiệu quả bệnh tràn dịch khớp, cần xác định rõ nguyên gây bệnh từ đó sẽ đưa ra phương pháp điều trị đúng đắn và phù hợp nhất.

Nếu bệnh nhân mắc bệnh tràn dịch khớp xuất phát từ nguyên nhân vật lý thì việc điều trị bệnh bắt buộc là phải sử dụng phương pháp can thiệp xâm lấn và phẫu thuật. Trước hết, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút dịch khớp kết hợp điều trị tiêm corticosteroids giúp giảm áp lực để bệnh nhân được dễ chịu hơn. Lúc này, người bệnh sẽ được tiến hành nội soi khớp nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh để từ đó có thể chữa trị bệnh triệt để, sau đó có thể bệnh nhân sẽ được phẫu thuật.

Nếu bệnh nhân bị tràn dịch khớp có nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý, thì phải có phương án điều trị tận gốc và triệt để các bệnh trên. Đây là cách giúp cho bệnh không tái phát gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống. Với sự phát triển của y học hiện nay, để điều trị căn bệnh này, người bệnh có thể sử dụng thuốc tây và một số biện pháp can thiệp xâm lấn.

Can thiệp xâm lấn: Phương pháp can thiệp xâm lấn được áp dụng cho những bệnh nhân bị tràn dịch khớp ở mức độ nặng. Tùy vào tình trạng, bác sĩ sẽ tiến hành chữa trị cho bệnh nhân theo một trong các biện pháp xâm lấn sau:

Chọc hút dịch khớp: Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết bác sĩ mới chỉ định cho bệnh nhân áp dụng cách chữa trị này. Thực tế, việc chọc hút dịch khớp phải thật thận trọng và cần phải có bác sĩ giỏi chuyên môn và nhiều kinh nghiệm thực hiện. Nếu việc chọc hút không đúng phương pháp sẽ rất dễ khiến cho khớp gối nhanh chóng bị nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm hơn.

Mổ nội soi: Biện pháp này được thực hiện khi người bệnh đã áp dụng các phương pháp điều trị bệnh trên nhưng vẫn không khỏi. Chất dịch bị tràn ra nhiều khiến cho khớp bị sưng to và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Cách phòng tránh bệnh tràn dịch khớp gối
Tràn dịch khớp gối có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe bệnh nhân. Do đó, việc phòng ngừa bệnh là vô cùng cần thiết. Cần có chế độ ăn uống khoa học và giàu chất dinh dưỡng sẽ giúp xương khớp chắc khỏe. Nên bổ sung cho cơ thể các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin từ sữa, rau xanh, trái cây... để tăng cường độ dẻo dai cho khớp. Bên cạnh đó, cần có chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Đặc biệt, bạn không được mang vác các loại vật nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xương khớp. Mỗi ngày dành khoảng 30 phút tập thể dục nhẹ nhàng, cũng giúp phòng ngừa bệnh tràn dịch khớp gối hiệu quả.

DS.Bùi Anh Tuấn
Theo nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

2 nhận xét: