Thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ là bệnh về
xương khớp phổ biến. Hiện nay, tỷ lệ người bị thoái hóa đốt sống cổ (THĐSC)
ngày càng có xu hướng gia tăng, bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt
ở người cao tuổi.
THĐSC ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, có thể gây các biến chứng
nguy hiểm.
Vì sao bị thoái hóa đốt sống cổ?
Người bị THĐSC thường bị đau cổ khi vận động, cơn đau kéo
dài từ gáy lan ra tai, đầu, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai... làm cho
hoạt động phần cổ bị hạn chế. THĐSC thường gặp ở người có công việc luôn đòi hỏi
cúi nhiều, ngửa nhiều hoặc thường xuyên mang vác nặng hay ngồi trước màn hình
vi tính hoặc xem vô tuyến quá lâu làm sai lệch cấu trúc bình thường của cổ, dẫn
tới biến đổi mô xương, dây chằng, cơ và dễ dẫn đến thoái hóa các mô cột sống hoặc
hình thành các gai xương đốt sống. Người cao tuổi do ít vận động, nằm một tư thế,
ăn uống thiếu chất làm cho vùng cổ, gáy không được thường xuyên cử động, hoặc
chỉ giữ nguyên một tư thế làm cho máu ít lưu thông, các tổ chức nuôi dưỡng kém.
Các bài tập giúp giảm triệu chứng của thoái hóa đốt
sống cổ.
Biến chứng nguy hiểm của THĐSC
THĐSC ở giai đoạn đầu cảm thấy cổ cứng, hơi đau khi cúi xuống
và bắt đầu khó xoay chuyển, sau một thời gian thấy đau nhức vùng cổ, đau nhức
lan dần xuống vai, gáy, tai, đầu. Giai đoạn tiếp theo, người bệnh xuất hiện đau
đầu, xoay cổ thấy đau, vướng, nhất là thỉnh thoảng bị vẹo cổ. Các triệu chứng
đau nhức, tê, mỏi ở vùng chẩm, trán, lan xuống cánh tay (một bên hay cả hai tùy
theo sự chèn ép vào dây thần kinh) và bắt đầu có tê cánh tay, bàn tay, ngón
tay. THĐSC nếu không phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng
như rối loạn tiền đình do thoái hóa đốt sống cổ làm tổn thương vào lỗ tiếp hợp
(đau đầu, chóng mặt, buồn nôn mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế lúc
nằm), làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt
là người cao tuổi rất dễ bị ngã gây tai nạn.
Biến chứng đáng ngại nhất là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ,
mà khi gặp phải biến chứng này thì việc điều trị không đơn giản chút nào, nhất
là có chèn ép tủy sống, thậm chí còn có thể gây bại liệt một hoặc hai tay, rối
loạn cảm giác tứ chi, rối loạn thực vật, chèn ép rễ thần kinh, tủy hoặc gây rối
loạn thần kinh thực vật (đại tiểu tiện không tự chủ). Do vậy, cần được khám và
làm các xét nghiệm để xác định THĐSC và xử lý kịp thời.
Người bệnh cần làm gì?
Khi nói đến thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ, các phương pháp
điều trị không phẫu thuật luôn được xem xét trước khi phẫu thuật. Ngoài việc
thay đổi lối sống, nghỉ ngơi hay sử dụng thuốc thì vật lý trị liệu là một
phương pháp thiết yếu giúp làm giảm các triệu chứng và chữa lành các đĩa đệm bị
ảnh hưởng.
Tập luyện: Các bài tập cho thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ bao
gồm: tăng cường tập luyện, bài tập kéo giãn và bài tập cường độ thấp.
Bài tập tăng cường có thể làm giảm đau và giảm sự bất ổn.
Các bài tập tăng cường cũng có thể giúp bạn thay đổi và duy trì tư thế tốt vì
tư thế xấu góp phần gây đau ở cổ. Bài tập kéo giãn có thể tăng tính linh hoạt
cho cổ và cải thiện biên độ vận động. Các bài tập cường độ thấp như bơi lội và
đi bộ rất tốt cho bệnh thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ.
Chườm nóng/lạnh: Có thể thử chườm một túi đá hoặc miếng nhiệt
vào cổ. Đá làm giảm kích thước của mạch máu, giảm viêm. Nhiệt lại có thể làm
tăng kích thước của mạch máu, thúc đẩy lưu lượng máu đến vùng bị ảnh hưởng, cho
phép đĩa đệm tự lành. Tuy nhiên, không chườm qua đêm và không đặt băng trực tiếp
trên da.
Nắn chỉnh cột sống: Các bác sĩ chuyên khoa trị liệu thần
kinh cột sống sẽ thực hiện việc nắn chỉnh cột sống giúp cải thiện đĩa đệm. Kết
hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng trong quá trình điều trị.
Massage: Liệu pháp điều trị massage bao gồm massage khớp,
xoa bóp mô mềm, thủy trị liệu, giáo dục về tự massage. Massage làm giảm đau, cải
thiện phạm vi chuyển động và thay đổi tình trạng thoái hóa.
Châm cứu: Châm cứu hoạt động bằng cách kích thích hệ thống
thần kinh trung ương, kích thích giải phóng chất giảm đau tự nhiên gọi là
endorphins để cơ thể thư giãn và tràn đầy sinh lực. Trong quá trình điều trị,
bác sĩ sử dụng kim châm cứu để châm vào các huyệt vị. Một buổi điều trị có thể
kéo dài 15 đến 30 phút.
Kéo giãn: Kéo giãn bằng cách tăng thêm diện tích giữa đốt sống
và đĩa đệm. Nó cải thiện lưu thông tuần hoàn đến khu vực bị ảnh hưởng, thư giãn
cơ, làm giảm áp lực lên đĩa đệm và thần kinh gần đó. Hoạt động có thể làm giảm
các triệu chứng thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ.
Nắn chỉnh xương kết hợp vật lý trị liệu mang lại kết quả cao
trong việc điều trị thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ. Tuy nhiên, vì xương sống rất
quan trọng nên hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ xương khớp hoặc chuyên khoa trị
liệu thần kinh cột sống trước khi thực hiện.
BS. Lê Thị Mỹ
Theo nguồn Báo Sức khỏe và đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét